Viết tắt là một dạng rút gọn cách viết của một từ hoặc nhóm từ ngữ. Viết tắt thường được sử dụng khi câu viết đầy đủ bị cho là quá dài, hoặc chỗ trống cho việc viết đầy đủ (trên giấy, bảng hiệu) bị thiếu. Cách viết tắt thông thường bao gồm một hoặc nhiều chữ cái lấy từ chính từ ngữ được viết tắt. Ví dụ, chính chữ viết tắt có thể được viết tắt thành "vt".
1.1 Cách quy ước viết tắt
Luật Doanh Nghiệp Việt Nam xin chia sẻ đến quý bạn đọc một số cách quy ước viết tắt phổ biến ở nước ta hiện nay như sau:
a) Dùng chữ cái đầu tiên của mỗi âm tiết
Đây là cách được áp dụng phổ biến ở nước ta, quy ước này có thể sử dụng trong văn viết với mọi loại văn bản. Để giúp mọi người có thể hiểu rõ được ý nghĩa của từ viết tắt thì thông thường mỗi văn bản sẽ có những mô tả về từ viết tắt.
Ví dụ về cách viết tắt dùng chữ cái đầu tiên của mỗi âm tiết như sau:
- BTC: ban tổ chức
- CLB: Câu lạc bộ
- HTX: Hợp tác xã
- NXB: Nhà xuất bản
- ÔB: Ông bà
- TP: Thành phố
- TT: Tổng thống hay thủ tướng
- TƯ, TW: Trung ương, thường chỉ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
- UBND: Ủy ban nhân dân.
- BCH: Ban Chấp hành
Ngoài ra có một số danh từ khác cũng hay xuất hiện trên sách báo dưới dạng viết tắt như:
- CHXHCNVN: Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
- MTDTGPMNVN: Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam
- QDND: Quân đội Nhân dân Việt Nam
- QLVNCH: Quân lực Việt Nam Cộng hòa
- VNQDĐ, VNQDD: Việt Nam Quốc dân Đảng
- VNCH: Việt Nam Cộng hòa
- VNDCCH: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
- LHQ: Liên Hiệp Quốc
- THPT: Trung học phổ thông.
- THCS: Trung học cơ sở
b) Dùng gạch xiên
Đây cũng là cách viết phổ biến và quen thuộc trong các văn bản của mọi doanh nghiệp, đơn vị và các cơ quan….Ví dụ về cách viết tắt dùng gạch xiên phổ biến là:
- đ/c: địa chỉ
- k/g: kính gửi
- th/g: thân gửi
- v/v: về việc
c) Cách giảm bớt mẫu âm
Cũng có khi cách viết tắt dùng hai chữ cái của một âm tiết hay giảm bớt một số mẫu âm và phụ âm. Tuy nhiên cách này thường sử dụng phổ biến trong tin nhắn, chat qua lại, hoặc thư từ giữ những người thân thiết. Trong văn bản trang trọng thường không sử dụng cách này.
Một số ví dụ cách giảm bớt mẫu âm trong viết tắt như sau:
- tr: trang giấy trong một cuốn sách
- khg, khĝ, ko: không
- đc, dc: được
- ng: người
- bt: biết
- hc: học
- vt: viết
d) Cách viết tắt chỉ một âm tiết
Lối viết tắt trong tiếng Việt cũng có khi rút ngắn 1 trong 2 phần cấu tự mà thôi. Ví dụ như: người ta viết tắt thành ngta. Đây cũng là cách sử dụng phổ biến trong văn bản tin nhắn, chat, trò chuyện.
e) Rút ngắn âm tiết
Tiếng Việt có một số tên dùng nguyên tắc viết tắt nhưng thay vì rút lại chỉ chữ cái thì rút lại thành một âm tiết đơn giản. Việc rút ngắn các âm tiết này thường mang đến cảm giác “tây hóa” dễ đọc, dễ tạo ấn tượng với người khác và có thể trở thành một thương hiệu chẳng hạn.
Tuy nhiên nhược điểm của chúng lại vô tình khiến nghĩa của từ không còn đúng chuẩn ngôn ngữ của tiếng việt nữa. Một số ví dụ rút ngắn âm tiết phổ biến là:
- Fahasa: phát hành sách
- Vovinam: Võ Việt Nam
- Xunhasaba: xuất nhập sách báo
f) Danh từ ngoại quốc
Một số danh từ ngoại quốc cũng du nhập tiếng Việt dưới dạng viết tắt như:
- bis: tiếng Pháp có nghĩa là "lần nữa", thường dùng trong cách viết địa chỉ ở Việt Nam khi xưa có một căn nhà, sau chia thành hai thì cả hai giữ cùng số nhà nhưng một căn sẽ kèm chữ "bis" như: "12 đường Lê Thái Tổ" và "12bis đường Lê Thái Tổ".
- CD: đọc là "xi-đi" theo tiếng Anh compact disc
- DVD: đọc là "đi-vi-đi" digital video disc
- HIV, SIDA, AIDS
- TV: đọc là "ti-vi", tức truyền hình
1.2 Ý nghĩa của sử dụng cách viết tắt
Việc viết tắt giúp giảm ký tự một cách tuyệt đối, giúp tiết kiệm mực và giấy, giảm bộ nhớ lưu trữ văn bản và tiết kiệm thời gian viết, gõ văn bản.
Tuy nhiên nhược điểm cực lớn của việc viết tắt là người độc thường bị nhầm nghĩa hoặc không đọc được, không hiểu ý nghĩa và thông điệp của người viết muốn truyền tải.
Đối với tiếng Việt, viết tắt còn khiến cho việc biểu âm của chữ Quốc ngữ bị kém đi.
Trường hợp nếu là tên gọi hoặc danh xưng mà sử dụng cách viết tắt thường khiến người đọc đọc sai lệch tên hoặc bị ngắn cụt, gây mất đi cảm giác trang trọng, đó chưa kể còn gây khó khăn cho người nước ngoài đọc.