Giới thiệu chung về Yên Bái
Yên Bái nằm ở vùng Tây Bắc tiếp giáp với Đông Bắc. Phía đông bắc giáp hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, phía đông nam giáp tỉnh Phú Thọ, phía tây nam giáp tỉnh Sơn La, phía tây bắc giáp hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Yên Bái, cách thủ đô Hà Nội 180 km. Yên Bái là một điểm sinh tụ của người Việt cổ, có nền văn hoá nhân bản, thể hiện ở những di vật, di chỉ phát hiện ở hang Hùm (Lục Yên), công cụ bằng đá ở Thẩm Thoóng (Văn Chấn), thạp đồng Đào Thịnh, Hợp Minh (Trấn Yên), trống đồng Minh Xuân (Lục Yên). Nhiều di chỉ khảo cổ được phát hiện, như đền, tháp, khu di tích lịch sử.
Nên đi du lịch Yên Bái khi nào?
Yên Bái có khí hậu cận nhiệt đới ẩm điển hình ở miền bắc Việt Nam, với mùa hè nóng ẩm và mưa nhiều và khí hậu phi nhiệt đới với mùa đông lạnh và khô.
Một trong những điểm đến nổi tiếng của du lịch Yên Bái chính là ruộng bậc thang Mù Cang Chải, đến với Mù Cang Chải vào khoảng tháng 5-6 hoặc tháng 9-10 bạn sẽ lần lượt được chiêm ngưỡng sự kỳ ảo của ruộng bậc thang mùa đổ nước và ruộng bậc thang mùa lúa chín
Ngoài ra, đi tour du lịch Yên Bái vào khoảng từ tháng 9-11 khá thích hợp, lúc này mùa mưa của Tây Bắc cũng đã hết, thời tiết chưa chuyển sang cái lạnh của mùa đông.
Nếu bạn muốn trải nghiệm việc ngâm mình trong các con suối nước nóng giữa cái lạnh mùa Đông của miền Bắc thì hãy đến Yên Bái vào khoảng từ tháng 12-1 hàng năm.
Các địa điểm du lịch Yên Bái
La Pán Tần Nhắc đến ruộng bậc thang Yên Bái, cái tên đầu tiên phải nhắc đến là Mù Cang Chải, bởi nơi đây sở hữu đến 3 địa điểm tuyệt đẹp, trong đó có La Pán Tẩn. Ruộng bậc thang Yên Bái ở xã La Pán Tẩn đẹp như công trình nghệ thuật mà người Mông bao đời nay để lại. Nếu bạn đã từng nhìn thấy những bức ảnh về “đồi mâm xôi” thì đó chính là thửa ruộng đẹp nhất vùng Tây Bắc, nằm ở bản Hán Xung. Bắt đầu từ cuối tháng 9, đầu tháng 10, ruộng bậc thang Yên Bái bước vào mùa vàng đẹp nhất. Đồi mâm xôi chính là địa điểm đặc sắc trong tour du lịch Yên Bái.
Thung lũng Tú Lệ
Là một thung lũng thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, Tú Lệ là một trong những điểm dừng chân yêu thích của nhiều du khách muốn khám phá du lich Yen Bai. Nơi đây sở hữu cảnh quan ruộng bậc thang Yên Bái đẹp hút hồn với những vân xanh, vân vàng trải dài khắp vùng trời rộng lớn. Tới tour Yên Bái, du khách có thể đi thăm bản Lìm Thái, Lìm Mông để ngắm những ngôi nhà sàn hai bên đường và tìm hiểu thêm về cuộc sống sinh hoạt của đồng bào nơi đây.
Đồng bào nơi đây chủ yếu là dân tộc Thái, Mông trồng lúa dưới thung lũng cạnh những ngọn đồi. Sau mùa nước đổ Yên Bái, người dân bắt tay vào cấy lúa. Nhờ sự ưu ái của thiên nhiên và sự cần cù và khéo léo, họ đã tạo lên những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp.
Đặc biệt, đến với Tú Lệ du khách không chỉ được ngắm ruộng bậc thang du lịch Yên Bái, nơi đây còn sở hữu dòng suối nước nóng quanh năm đã nức tiếng gần xa. Bởi vậy rất nhiều du khách không ngại khó khăn, xa xôi cũng tìm đến đây để có thể hòa mình vào dòng suối nóng bản Chao nằm giữa trung tâm xã.
Mù Cang Chải
Mù Cang Chải là một huyện vùng cao nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái, giáp với Thị xã Nghĩa Lộ, Mường La và Than Uyên của Lai Châu. Từ Hà Nội để đến với Mù Cang Chải bạn có thể lựa chọn đi theo hướng Quốc lộ 32 để cùng với đó khám phá đèo Khau Phạ, một trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc. Mù Cang Chải nổi tiếng nhất với khách du lịch bởi “đặc sản” ruộng bậc thang. Với hơn 700ha ruộng trong đó 50% tập trung ở 3 xã là La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình trải dài suốt đoạn đường từ đèo Khau Phạ về đến trung tâm thị trấn bạn sẽ không thể cưỡng lại được sự quyến rũ mê người từ màu vàng óng của những dãy núi trồng toàn lúa. Năm 2007 ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã được xếp hạng là di tích danh thắng cấp quốc gia.
Bản Sà Rèn
Nằm tại Thị xã Nghĩa Lộ, Sà Rèn là một bản làng nằm dọc ven bờ suối Thia, quanh năm róc rách bởi dòng Nậm Thia xanh mát, các bạn chỉ mất khoảng 2 tiếng đi xe ô tô là có thể đến tham quan, trải nghiệm điểm du lịch Yên Bái tại bản Sà Rèn, một nơi hoàn toàn chỉ có người Thái đen sinh sống và vẫn còn giữ được những nét văn hóa truyền thống vô cùng độc đáo.
Bản Sà Rèn được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến bởi nơi đây vẫn nguyên vẹn vẻ đẹp thiên nhiên nguyên sơ, những khóm tre gắn bó sâu sắc với cuộc sống của người Thái đen được giữ gìn dọc ven bờ suối, những nếp nhà sàn cổ bên trong vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Thái, những con người miền sơn cước đôn hậu, thân thiện, mến khách.
Di tích Căng Đồn Nghĩa Lộ
Khi nhắc tới lịch sử của Căng Đồn Nghĩa Lộ là nhắc tới địa danh Văn Chấn (nay thuộc Thị xã Nghĩa Lộ) và nhắc tới lịch sử nơi này thời kỳ kháng chiến chống Pháp những năm 40 của thế kỷ XX. Với ý đồ dập tắt phong trào cách mạng, Thực dân Pháp lập các trại “lao động đặc biệt” tập trung những người yêu nước. Sau khi Căng Bá Vân (Thái Nguyên) bị giải thể, Thực dân Pháp đã đưa những người yêu nước bị giam về Nghĩa Lộ. Mùa hè năm 1944 chi phủ Văn Chấn đã huy động các tổng, xã bắt phu nộp vật liệu để xây dựng Căng. Thực dân Pháp còn cử tên Đinh Văn Dung và tên Lăm - Be sở mật thám huyện đến kiểm tra đôn đốc khẩn trương ngày đêm. Tháng 1/1945 thì việc xây dựng hoàn thành. Nhìn toàn cảnh lúc này Căng Nghĩa Lộ như một cái tủ dựng đứng có 3 dãy nhà dài “hai dãy là nơi giam giữ chính phạm nam giới, phía trong giam chính trị phạm nữ giới, phía ngoài là nơi thường trực và bên cạnh là trạm gác của lính khố xanh”. Bao bọc toàn bộ khu Căng Đồn là hàng rào dây thép gai, phía ngoài hàng rào là hầm sâu có cắm chông, bồn góc Căng có chòi cao sừng sững ngày đêm canh giữ cẩn mật…
Đèo Lũng Lô
Đèo Lũng Lô nằm trên quốc lộ 37 (đường 379 cũ, nối quốc lộ 32 với quốc lộ 32B)) tại ranh giới hai huyện Văn Chấn (Yên Bái) và Phù Yên (Sơn La), đông bắc thị trấn Phù Yên 33 km. Đèo dài 15 km từ km349 đến km364, độ dốc 10%. Trong kháng chiến chống Pháp, một trong những con đường tiếp vận vũ khí đạn dược và lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ (13/3-7/5/1954) qua đèo này. Trong bài thơ “Hoan Hô Chiến Sỹ Điện Biên” ra đời sau khi miền Bắc được giải phóng, Tố Hữu đã viết: Dốc Pha đin, chị gánh, anh thồ, Đèo Lũng lô, anh hò, chị hát. Gần đỉnh con đèo là điểm giáp ranh của cả 3 tính Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La.
Hồ Thác Bà
Nằm ở phía Tây Bắc tổ quốc, hồ Thác Bà của tỉnh Yên Bái, nơi được ví như “Hạ Long trên núi” là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam hình thành khi xây dựng Nhà máy thuỷ điện Thác Bà. Hồ Thác Bà rộng gần 23.500 ha với hơn 1.300 đảo xanh lớn nhỏ soi bóng dưới mặt nước cùng hệ thống hang động đẹp ẩn sâu trong lòng những dãy núi đá vôi. Chính sự kỳ bí ấy tạo cho Thác Bà một vẻ đẹp lung linh huyền ảo hoặc nhưng lại rất thân thiện, hữu tình.
Du lịch Yên Bái, đi thuyền trên hồ Thác Bà, bạn không chỉ cảm nhận được bầu không khí mát lành từ nước, từ gió hồ Thác mà còn được hoà mình cùng thiên nhiên hào phóng, thả hồn mình vào mênh mông trời nước, điệp trùng núi đảo tưởng chừng như vô tận. Thắp một nén nhang tại đền Mẫu, trút bỏ những tính toan bộn bề cuộc sống, cầu cho cõi lòng thanh thản nơi cửa Phật từ bi để tiếp tục cuộc hành trình đưa bạn khám phá vẻ đẹp kỳ ảo của nhũ đá, của những tượng đá tự nhiên kỳ lạ ẩn chứa bao khát khao hoài bão của con người tại quần thể hang động đá vôi trên hồ như: Động Thuỷ Tiên, động Xuân Long, hang Bạch Xà, Thác Bà, Thác Ông …
Tà Chì Nhù
Tà Chì Nhù là tên gọi của một đỉnh núi thuộc khối núi Pú Luông của dãy núi Hoàng Liên Sơn, đỉnh Tà Chì Nhù có độ cao 2.979m thuộc địa phận huyện Trạm Tấu, Yên Bái. Tà Chì Nhù còn gọi là Phu Song Sung theo cách gọi của dân tộc Thái hay Chung Chua Nhà theo cách gọi của người Mông Địa hình của ngọn núi khá phức tạp với nhiều dốc cao, một số đoạn gần như dựng đứng. Khí hậu trên núi vô cùng khắc nghiệt, gió mạnh khiến cho quãng đường chinh phục đỉnh núi tương đối vất vả và nhiêu hiểm nguy rình rập.
Tuy nguy hiểm và vất vả là thề, Tà Chì Nhù lại là một trong những địa điểm được các bạn ưa leo núi rất thích để “cưỡi gió - săn mây” và săn những bức ảnh tuyệt đẹp.
Hồ Đầm Hậu
Cách thành phố Yên Bái hơn 10km về phía Nam, ở xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, Hồ Đầm Hậu còn được gọi là Hồ 99 ngách ngay cạnh nút giao IC 12 đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai.
Hồ Đầm Hậu quanh năm đầy nước, du khách đi tour Yên Bái, có thể chèo thuyền khám phá những ngóc nghách, những đảo lớn nhỏ hay vào vùng trung tâm hồ hòa mình cùng với thiên nhiên và cảm nhận bầu không khí trong lành, tìm cho mình một chỗ để có thể buông câu giúp tinh thần con người thoải mái. Trèo lên thân đập, phóng tầm mắt nhìn quanh hồ sẽ thấy một màu xanh mướt của những đảo cây in bóng xuống mặt nước lung linh huyền ảo thật kỳ thú. Và sau hành trình khám phá quanh hồ, du khách sẽ được thưởng thức ẩm thực tươi ngon từ nguồn thủy sản sẵn có của vùng hồ.
Khu du lịch sinh thái Hồ Đầm Hậu với diện tích 280ha, bao gồm: khu sân golf, khu rừng phong cảnh và khu du lịch nghỉ dưỡng. Sau khi hoàn thành, Hồ Đầm Hậu sẽ là một điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và thể thao đầy hấp dẫn cho mỗi du khách khi ghé thăm Yên Bái.
Một số đặc sản ở Yên Bái
Cốm Tú Lệ
Xã Tú Lệ từ lâu đã nổi tiếng với một loại nếp có hạt gạo to tròn, trắng trong của mùa vàng Yên Bái. Thứ nếp này khi được đồ thành xôi thì có vị dẻo thơm đặc biệt hơn vậy khi chế biến thành cốm thì có thêm hương vị thật ngọt mà mát. Khi làm cốm, bà con người dân tộc Thái nơi đây đã chờ khi lúa khum ngọn, còn nguyên sữa thì gặt về làm cốm. Lúa không được vò hay đập mà phải tuốt rồi cho vào chảo rang, bếp lò để rang cốm thường dùng củi. Cốm được rang trong lửa nhỏ, đảo liên tục. Thóc rang xong, đợi nguội rồi cho từng mẻ vào cối giã đều và vừa tay. Cốm thường được ăn cùng với chuối chín, trái hồng đỏ chín hoặc cũng có thể dùng để nấu cháo vịt, xôi nếp, chè và nêm vào các món như: nem rán, tôm rán,…
Yên bái với những món ăn đặc sản nức lòng những du khách khi đến đây, bởi nét ẩm thực phong phú đa dạng nhiều màu sắc. Vì vậy, việc lựa chọn món ăn khi đi du lịch Yên Bái cũng là thắc mắc của nhiều du khách. Vậy thì chúng ta hãy tìm hiểu những món ăn này qua bài viết này nhé.
Thịt trâu gác bếp
Đây là đặc sản của người Thái đen, món này được làm từ thịt bắp của con trâu. Thịt trâu được xông khói và treo lên gác bếp trong vài tháng. Khi ăn đem ra rửa sạch rồi chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Thịt trâu có vị ngọt đậm đà, du khách đến đây có thể mua món này về làm quà cho gia đình, người thân.
Bánh chưng đen
Là món ăn truyền thống không thể thiếu trong các dịp lễ của người dân chúng ta. Không những vậy bánh chưng còn mang ý nghĩa thiêng liêng thể hiện sự biết ơn đối với tổ tiên. Mỗi vùng miền có một cách sáng tạo ra bánh chưng khác nhau, riêng với người Thái thì bánh chưng lại có màu đen ngon bùi khác lạ hơn. Thành phần của bánh được làm từ gạo nếp Tú Lệ đem trộn với thân cây núc nác giã nhuyễn, sau đó gói cùng với thịt ba chỉ và một số gia vị đặc trưng của vùng tây bắc.
Gà nướng lá móc mật
Một món ăn mà bạn khó có thể cưỡng lại khi đi du lịch Yên Bái là món gà lắc mật thơm lừng, mỗi miếng thịt dai, ngon, đậm đà gia vị. Nó được kết hợp với vị chua ngọt của lá lắc mật. Món này có hương vị riêng của núi rừng Tây Bắc khi ăn chấm cùng chẳm chéo- một loại nước chấm được làm từ tiết và gan gà, tỏi ớt, cùng quả mắc khén.
Mận tam hoa
Ai mà đã đặt chân tới đây và thưởng thức mận ở đây thì không thể quên được hương vị ngọt đậm, chua không gắt, hơi giòn và rất ngon của mận tam hoa. Mận bắt đầu chín vào tháng 5 âm lịch, trái chín nặng trĩu trên cây thu hút khách đi tour du lich Yen Bai ghé thăm. Mận có quả to, thịt đỏ hồng bắt mắt. làm cho ai ăn rồi cũng khó mà quên vị đậm đà của trái mận tam hoa.
Dế chiên giòn
Cứ vào tháng 7 âm lịch khi nhãn Mường Lò chín rộ, những cơn mưa đầu mùa bắt đầu xuất hiện thì cũng là lúc món dế chiên giòn xuất hiện ở khắp các hàng quán ở Yên bái. Dế mèn có thể chế biến được nhiều món khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là dế chiên giòn. Những con dế được tẩm ướp gia vị cho vào chảo dầu đang sôi chiên giòn đem ra có mùi thơm đặc trưng, màu thì bắt mắt hấp dẫn người ăn.
Lạp xưởng Yên Bái
Với các nguyên liệu như lòng non, thịt nạc xay nhuyễn nhưng người dân nơi đây có món lạp xưởng nổi tiếng gần xa. Lạp xưởng treo trên gác bếp, hun khói kỹ nên có màu nâu sẫm. Để thưởng thức món này, chúng ta đem ra luộc sơ rồi chiên hoặc nướng, chấm cùng tương ớt. Lên vùng cao vào mùa lạnh, nếu được hơ mình cùng bếp lửa hồng, thưởng thức rượu ngô và lạc xưởng thì đây là một điều tuyệt vời.
Cá nướng Pa pỉnh tộp
Đây là một món ăn truyền thống của người dân tộc Thái. Cá nướng là loại cá chép được đánh bắt dưới suối, sau đó ướp các gia vị của núi rừng như gừng tỏi, mắc khén, rau thơm,… rồi kẹp vào vỉ nướng trên bếp than hồng. khi ăn sẽ cảm nhận được vị ngọt thơm của cá hòa quyện cùng các gia vị cay nồng. đậm đà khiến bạn ăn rồi không thể quên món cá này.
Mật ong nhãn Văn Chấn
Du lịch miền núi rừng Tây bắc, mật ong là đặc sản mà nhiều khách du lịch Yên Bái mua về để làm quà. Mật ong đã được khai thác tại núi Văn Chấn - nơi đây có rừng nhãn bạt ngàn bằng cách làm thủ công nhưng vẫn giữ được độ tươi ngon của mật ong và hương thơm của nó. Là sản phẩm hoàn toàn từ tự nhiên do các chú ong hút mật từ hoa nhãn về để làm mật.
Những điều cần nhớ khi đi du lịch Yên Bái
Vật dụng cá nhân : Giấy tờ tùy thân, nước uống, đồ xịt côn trùng. Nên đi giày thể thao để tiện di chuyển, cũng đừng quên mũ và bản đồ nhé!
Trang phục : Bạn nên chuẩn bị quần áo chất liệu mềm mại, mang thêm áo khoác nhẹ vì thời tiết ngày và đêm ở đây chênh lệch khá nhiều, nắng tắt là sẽ lạnh và còn có thể mưa. Đem theo giày thể thao hoặc giày bệt có đế êm để đi bộ đường dài không đau chân. Bên cạnh đó thì hãy mang quần áo phù hợp với tone màu của cảnh để có những bức ảnh đẹp nhé.
Thời tiết : chú ý theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết, thông thường nên kiểm tra dự báo thời tiết Yên Bái trong 3 ngày tới.
Thức ăn : nên chuẩn bị một chút đồ ăn nhẹ nhiều calo như kẹo, bánh, socola để nhỡ may dọc đường có đói, tụt đường huyết thì có thể ăn luôn nhé, đặc biệt là với các bạn đi phượt.
Trên đây là tổng hợp một số kinh nghiệm du lịch Yên Bái để bạn tham khảo. Nếu bạn đang có ý định đi tour du lịch Yên Bái trong thời gian sắp tới thì đừng quên note lại những thông tin hữu ích này để lên lịch trình chuyến đi của mình. Chúc bạn có một chuyến đi vui vẻ, an toàn.