Không chỉ khiến thú cưng khó chịu và mệt mỏi, tình trạng chó ho khạc như bị hóc xương liên tục còn khiến cho người nuôi lo lắng vì không biết đó có phải là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng nào ở chó hay không. Trong bài viết này, Bệnh viện Thú y Tropicpet sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ nguyên nhân, cách điều trị và chăm sóc hiệu quả để giúp chó nhanh chóng khỏe mạnh.
Nguyên nhân khiến chó bị ho khạc như hóc xương liên tục
Việc tìm hiểu nguyên nhân khiến chó bị ho khạc như hóc xương liên tục sẽ giúp chủ nuôi và bác sĩ thú y đưa ra phương pháp điều trị nhanh chóng và chuẩn xác nhất. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến dẫn tới tình trạng chó bị ho khạc như hóc xương:
Hóc xương hoặc mắc dị vật trong cổ họng
Khi chó bị ho khạc như hóc xương liên tục thì rất có thể chúng đã thực sự nuốt phải xương hoặc dị vật và mắc kẹt trong cổ họng. Điều này dẫn tới phản xạ ho khạc không ngừng để cố gắng đẩy dị vật ra ngoài, giúp giảm cảm giác khó chịu ở họng. Bên cạnh ho khạc, chó còn có các biểu hiện như chảy nhiều dãi, trong nước dãi có thể chứa máu do dị vật làm cổ họng bị xước, đau đớn mỗi khi nhai nuốt dẫn tới bỏ ăn,…
Viêm họng hoặc viêm đường hô hấp trên
Chó bị ho khạc liên tục là dấu hiệu điển hình của tình trạng viêm họng hoặc viêm đường hô hấp trên như viêm khí quản, viêm phổi. Nguyên nhân gây ra các bệnh này là do chó nhiễm vi khuẩn, virus hoặc sống trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi,…. Bệnh khiến cổ họng chó thường hay đau ngứa dẫn tới ho khan, ngoài ra còn một số biểu hiện kèm theo như khạc đờm, sốt nhẹ.
☞ Xem thêm: Những điều “SEN” cần biết khi chó bị viêm phổi
Chó bị bệnh ho cũi chó
Bệnh viêm khí quản - phế quản truyền nhiễm hay còn gọi là ho cũi chó do virus cúm Canine Parainfluenza (CPIV) cùng các loại vi khuẩn đường hô hấp như Bordetella bronchiseptica, Mycoplasma,… gây ra. Mắc bệnh khiến cho chó ho khạc liên tục, mắt có ghèn, gương mũi khô, mũi hay chảy dịch xanh và dẫn tới nguy cơ tử vong khá cao. Bệnh dễ dàng lây lan trong môi trường đông đúc như các trại nuôi, trạm cứu hộ động vật,…
Chó bị nhiễm ký sinh trùng đường hô hấp
Giun phổi, loài ký sinh trùng nguy hiểm trong phổi và đường hô hấp của chó, cũng là tác nhân khiến cho thú cưng của bạn ho khạc liên tục như bị hóc xương, khó thở và dễ mệt mỏi. Chó thường bị nhiễm giun phổi do ăn phải ốc sên nhiễm trứng giun hoặc lây từ chó mẹ sang chó con. Ấu trùng giun khi xâm nhập vào phổi sẽ gây tắc nghẽn đường thở và làm xẹp các phế nang, khiến phổi của chó bị tổn thương nặng nề.
Chó mắc các bệnh lý nghiêm trọng
Một số trường hợp chó bị suy tim hoặc có khối u trong cơ thể gây chèn ép lên phổi và đường hô hấp cũng gây ra hiện tượng chó bị ho khạc như hóc xương liên tục. Khi mắc phải các bệnh này, chó sẽ có biểu hiện dần suy kiệt, chán ăn, mệt mỏi,…
☞ Xem thêm: Bệnh tim ở chó mèo thường gặp và những vấn đề chủ nuôi cần biết
Khi nào cần đưa chó bị ho khạc đến bác sĩ thú y?
Nếu phát hiện chó bị ho khạc như hóc xương liên tục đi kèm với một trong các biểu hiện dưới đây, bạn nên đưa thú cưng đến ngay các cơ sở thú y để được thăm khám và điều trị kịp thời:
- Chó ho dai dẳng kéo dài, không thuyên giảm sau 24h.
- Có dấu hiệu khó thở, thở rít, niêm mạc tím tái.
- Ho kèm máu, ho ra bọt trắng hay chất nhầy bất thường.
- Chó nôn khan, nôn mửa liên tục, bỏ ăn và trở nên ủ rũ, lờ đờ.
- Chó bị sốt hoặc có dịch mũi hoặc mắt chảy nước bất thường
Tại các phòng khám, bệnh viện thú y uy tín, các bác sĩ có chuyên môn cao sẽ kiểm tra lâm sàng kết hợp tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết để tìm ra nguyên nhân, chẩn đoán tình trạng sức khoẻ thú cưng của bạn và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả nhất cho mỗi trường hợp.
Cách xử lý và chăm sóc khi chó bị ho khạc như hóc xương liên tục
Tuỳ vào từng nguyên nhân và tình trạng sức khoẻ của từng cá thể chó, các bác sĩ thú y sẽ đưa ra những phương pháp điều trị và chăm sóc riêng để khắc phục tình trạng chó bị ho khạc như hóc xương liên tục, chẳng hạn như:
Đối với trường hợp hóc xương hoặc dị vật
Khi chó bị hóc xương hoặc dị vật, nếu thú cưng đang có biểu hiện hoảng loạn và đau đớn, bạn không nên tiếp cận để tự lấy dị vật ra. Thay vào đó, hãy đưa chó đến bác sĩ thú y để tiến hành nội soi, xử lý an toàn.
Đối với trường hợp viêm họng hoặc ho do bệnh nhẹ
Trong trường hợp chó bị ho khạc do viêm họng hoặc bị bệnh nhẹ về hô hấp, chó cần cho sử dụng thuốc kháng sinh, chống viêm, thuốc giảm ho theo hướng dẫn của bác sĩ thú y. Duy trì việc uống thuốc theo đúng liều lượng để chúng sớm phục hồi sức khoẻ.
Về chế độ chăm sóc, chủ nuôi nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho chó. Bạn cần tránh cho chó ăn các loại thức ăn khô, cứng vì có thể làm cổ họng của chúng bị ngứa ngáy và ho nhiều, dai dẳng hơn. Đồng thời, cần thường xuyên lau dọn, khử khuẩn không gian sống để loại bỏ bụi bẩn, khói thuốc, hóa chất hay mầm bệnh tiềm ẩn trong nhà.
Đối với trường hợp bị bệnh ho cũi chó
Nếu thú cưng của bạn bị bệnh ho cũi chó, bác sĩ thú y sẽ dùng thuốc kháng sinh và đưa ra các biện pháp hỗ trợ miễn dịch cho chó như thuốc bổ, vitamin,… Chủ nuôi nên xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi hợp lý cho thú cưng, đồng thời cách ly chó bị bệnh ra một chuồng hoặc phòng riêng được khử khuẩn thường xuyên để tránh lây nhiễm virus, vi khuẩn cho chó khác trong đàn.
Đối với trường hợp mắc các bệnh lý nghiêm trọng
Trường hợp chó mắc phải các bệnh lý nghiêm trọng sẽ cần chẩn đoán chuyên sâu để tìm ra và giải quyết từ nguyên nhân gốc rễ. Bác sĩ có thể sử dụng thuốc đặc trị hoặc can thiệp y khoa tuỳ từng trường hợp, kết hợp với chế độ chăm sóc đặc biệt để hỗ trợ quá trình điều trị bệnh.
Cách phòng ngừa tình trạng chó bị ho khạc liên tục
Để hạn chế tình trạng chó bị ho khạc như hóc xương liên tục, chủ nuôi cần lưu ý các biện pháp phòng ngừa sau:
- Đảm bảo nơi ở của chó sạch sẽ, thoáng mát: Cần giữ cho môi trường sinh sống của chó không bị ô nhiễm bởi bụi bẩn, khói thuốc hoặc hóa chất có thể gây kích ứng đường hô hấp. Không nên nuôi nhốt quá nhiều chó trong một không gian chật hẹp để tránh tình trạng lây nhiễm bệnh trong đàn.
- Tăng sức đề kháng cho chó: Cung cấp chế độ dinh dưỡng cân bằng, bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cần thiết để tăng cường hệ miễn dịch. Bạn có thể tham khảo thêm gợi ý của bác sĩ thú y về các sản phẩm bổ sung, hỗ trợ miễn dịch cho thú cưng của mình.
- Hạn chế các yếu tố gây kích ứng: Không để chó gặm hoặc chơi với đồ vật nhỏ dễ gây hóc. Tránh cho chó tiếp xúc với các động vật khác đang mang bệnh truyền nhiễm hay chó hoang, chó nuôi thả tự do.
- Khám sức khỏe, tẩy giun và tiêm phòng định kỳ: Đảm bảo chó được kiểm tra sức khỏe thường xuyên, tẩy giun định kỳ và tiêm vaccine đầy đủ để phòng tránh các bệnh hô hấp nguy hiểm.
☞ Xem thêm: Tiêm phòng cho chó, các loại vacxin và lịch tiêm chi tiết
Chó bị ho khạc như hóc xương liên tục là dấu hiệu cảnh báo mà người nuôi tuyệt đối không nên chủ quan và phớt lờ. Hy vọng thông qua bài viết trên của Tropicpet, bạn đọc đã biết thêm những thông tin hữu ích về nguyên nhân, dấu hiệu bất thường, cách phòng ngừa, xử lý, điều trị và chăm sóc cho chó khi bị ho khạc liên tục.
Nếu còn bất cứ câu hỏi nào hoặc đang tìm kiếm một địa chỉ thú y uy tín, chất lượng, có nhiều kinh nghiệm trong việc thăm khám, chẩn đoán và điều trị cho các trường hợp chó bị ho khạc như hóc xương liên tục, bạn hãy liên hệ ngay với Tropicpet để được tư vấn nhanh chóng. Đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện thú y Tropicpet, với năng lực chuyên môn về thú y vững vàng, cùng kinh nghiệm dày dặn trong việc khám chữa cho hàng trăm ca bệnh mỗi năm, chắc chắn sẽ đem tới cho bạn sự hài lòng và an tâm khi gửi gắm sức khoẻ thú cưng của mình.