Cách Hồ Gươm 800m, chợ Đồng Xuân (phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có vị trí thuận lợi với phía Tây là phố Đồng Xuân, phía Bắc là phố Hàng Khoai, phía Nam là phố Cầu Đông, phía Đông là ngõ chợ Đồng Xuân.
Chợ Đồng Xuân còn có tên khác là Chợ Lớn thành lập vào khoảng năm 1804 dưới thời nhà Nguyễn; không chỉ là nơi giao thương sầm uất, chợ Đồng Xuân còn là biểu tượng văn hóa, lịch sử của Hà Nội.
“Mỗi món ăn, một đời người”
67 tuổi - đây cũng là số năm bà Trần Thị Tuyết Nhung gắn bó với quán bún ốc, bún chả que tre, bún riêu cua bò và nem cua bể. Quán ở giữa ngõ chợ Đồng Xuân, là một hàng bún ốc tuy nhỏ nhưng hàng ngày khách ra vào tấp nập vô cùng.
Bún ốc của bà Nhung ngon nhất ở phần nước dùng thơm thơm, chua chua nhẹ. Con ốc béo ngậy, giòn giòn dai dai.Vừa thưởng thức bát bún ốc nóng hổi, tôi vừa nghe bà Nhung vừa kể về cuộc đời lắm gian truân: “Theo mẹ bán bún ở chợ Đồng Xuân từ năm lên 1 tuổi, đến khi lập gia đình tôi cũng ở Hà Nội luôn. Chồng mất, một mình tôi nuôi nấng 2 con khôn lớn, con trai lớn lại bị tật từ nhỏ nên gánh bún là tất cả hy vọng với cả nhà”.
Bất kể mùa đông hay mùa hè, bà vẫn đều đặn thức dậy từ 3 giờ 30 để chuẩn bị nước dùng, nguyên liệu. Một bán bún ở đây có giá 30.000 đồng - 40.000 đồng, nước dùng ở đây rất ngon, nước chua chua, thơm nhẹ nhàng vị nếp cái dùng làm giấm bỗng, lại để lại cái vị ngọt ngọt nơi đầu lưỡi, nước ăn vừa miệng, điểm thêm một ít ớt chưng vào thì sẽ là hoàn hảo.
Kế đến nước dùng, phải kể đến ốc để ăn kèm. Ốc đều được bà Nhung thu mua từ các vùng quê, lấy mỗi ngày để đảm bảo sự tươi ngon. Những con ốc nhồi béo múp, ăn vào thấy vị ngọt của thịt ốc, lại giòn chứ không dai nhách như nhiều hàng bún ốc khác.
Ngay từ sáng sớm, quán bún ốc của bà Nhung đã ngồi kín cả gian hàng, tuy nhỏ nhưng hàng ngày khách ra vào tấp nập vô cùng.Bà Vũ Ngọc Châm (sinh năm 1941), vị khách quen thuộc của bà Nhung hàng chục năm nay chia sẻ: “Tôi là Tổ trưởng Tổ dân phố số 3, phường Đồng Xuân nên cũng thường xuyên ghé ăn quán của bà Nhung, tiện thể thăm hỏi sức khỏe. Bún ở đây sợi mỏng, các nguyên liệu đảm bảo vệ sinh, hương vị qua bao nhiêu năm vẫn không thay đổi”.
Quán chè của bà Phạm Bích Liên (sinh năm 1965) cũng có tuổi đời 30 năm, quán chè của bà Liên được ví như một minh chứng của thời gian. Bởi nơi đây chứa đựng cả bầu trời kỷ niệm, hương vị chè xưa khiến thực khách bồi hồi khi ghé đến.
Chè Liên rất đa dạng, chủ yếu về món thạch, bạch quả, hoa quả tươi… Cũng chính vì điều đó mà người Hà Nội lại rất thích, mỗi loại chè lại hợp với thời tiết 4 mùa. “Các món quen thuộc như mã thầy, sương sa hạt lựu, đậu đen, nhãn, bưởi đậu xanh, hạt sen… là những cái tên quen thuộc góp mặt trong thực đơn. Nhiều khách đến ăn quen, cứ gọi đúng món "ruột" rồi từ từ tận hưởng sự ngọt mát dần chiếm lấy vị giác”, bà Liên cho hay.
Quán chè có tuổi đời 30 năm chứa đựng cả bầu trời kỷ niệm, hương vị chè xưa khiến thực khách bồi hồi khi ghé đến."Thiên đường rút ví không quá 40.000 đồng"
Giới trẻ còn đặt tên gọi khác cho "siêu ngõ ẩm thực Đồng Xuân” là “thiên đường rút ví không quá 40.000 đồng”. Bước vào ngõ là đầy mùi khói của thịt nướng hay mùi thơm chua dịu của bát bún ốc, phở tíu, rồi các loại bánh, các loại chè… giá chỉ dao động từ 15.000 đồng - 40.000 đồng.
Đã ghé đến ngõ Đồng Xuân, bạn sẽ không thể bỏ lỡ quán hủ tíu cô Hạnh, quán có tuổi đời 40 năm, chuyên bán hủ tiếu khô. Một tô hủ tiếu khô bao gồm là thịt xá xíu, một chút thịt được băm nhỏ dễ ăn, một chút lạc rang, giá đỗ, hành khô và không thể nào thiếu được rau thơm.
Một trong những quán ăn lâu đời nhất trong ngõ chợ Đồng Xuân chính là quán hủ tíu của chị Hạnh.
Thịt xá xíu được chế biến rất mềm, không quá khô xác giống như khô thịt, rau thơm tươi, sạch sẽ, không hề bị nát như nhiều hàng ăn. Sợi hủ tiếu bé hơn sợi bún nhưng chúng thực sự dai hơn sợi bún một chút, khi nhai vào trong miệng có cảm giác thực sự đã khi kết hợp cùng với lạc rang, hành phi.
Đáng nói, phần nước dùng tại quán được chế biến theo công thức riêng nên khá đặc biệt, khác với những loại nước dùng thường được ăn cùng những món như bánh đa trộn, bún trộn, nước dùng ăn kèm hủ tiếu khô tại đây có mùi vị chua chua của giấm tỏi nhưng không quá nồng đến mức gây khó chịu cho thực khách.
Bún chả kẹp que tre cũng là một trong những món ăn đáng thưởng thức tại ngõ Đồng Xuân, bún chả làm theo phong cách cổ truyền, bọc lá xương sông và kẹp vào que tre, nướng trên than hồng.
Ngõ Đồng Xuân là một trong số ít nơi còn bán bún chả kẹp que nướng, mang hương vị mộc mạc, truyền thống.
Thịt dùng để nướng chả là loại thịt ba chỉ ngon, nạc và mỡ vừa phải, được thái mỏng, ướp cùng các nguyên liệu gia truyền rồi kẹp vào những que tre nhỏ, trông rất hấp dẫn. Chỉ ở Đồng Xuân thực khách mới được nếm thêm gia vị độc đáo mà không có nơi nào có được chính là nước giấm sấu, giấm me tự làm ăn kèm bún; chỉ cần vài giọt sẽ thấy vị chua dịu, thơm thơm.
Bước đến ngay ngõ chợ đầu phố Hàng Chiếu là những quán bánh gối, bánh xèo. Toàn bộ gia tài là một chảo sâu lòng để chiên bánh, vài chiếc ghế nhựa. Ngoài bánh gối còn có bánh xèo, bánh bột lọc, nem cuốn, thịt cuốn… giá từ 5.000 đồng đến 25.000 đồng, tùy món.
Đi đến đầu ngõ chợ, bạn sẽ dễ dàng bị thu hút bởi mùi bánh tôm chiên giòn. Ngoài nguyên liệu tôm truyền thống, bánh ở đây còn có thêm khoai thái sợi trong bột, giúp bánh giòn và bùi hơn. Nộm bò khô là món ăn uống yêu thích của nhiều thực khách trẻ. Bò khô ở đây được ướp với ớt, sả, gừng và bột canh, đường, sau đó sấy cả miếng lớn để giữ độ ngọt, mềm của thịt.Không biết kể đến bao giờ mới hết các món ăn ở con ngõ “siêu ẩm thực” này, nhưng nếu một lần ghé Đồng Xuân, bạn đừng nên bỏ lỡ chuyến du lịch ẩm thực chinh phục con ngõ nhỏ phố cổ này.
Tất cả hàng quán trong ngõ chợ Đồng Xuân mở bán từ 5 giờ sáng đến khoảng 8 giờ chiều, trong đó cao điểm nhất là từ 11 giờ trưa - 1 giờ chiều và 5 - 6 giờ chiều, lúc này hàng quán ở đây đều hết chỗ nên khách đến muộn thường phải xếp hàng.
Vì là ngõ chợ, bàn ghế có chút tuềnh toàng chứ chẳng được cao ráo, sạch sẽ như trong nhà hàng hay các quán khang trang. Mùa hè, dù có mấy chiếc quạt thổi nhưng ăn xong bát bún cũng thấy mồ hôi đầm đìa. Ngày mưa, vừa ăn còn phải vừa tránh nước mưa hắt vào. Ấy thế nhưng ngõ chợ chẳng mấy khi vắng vẻ, âu cũng là do cái văn hóa ẩm thực ngõ chợ đã tồn tại nhiều năm nay.
Bài và ảnh: HỒNG PHÚC