Theo The Economist, 8 quốc gia có lãnh thổ ở Bắc Cực là Mỹ, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Nga đã lập nên Hội đồng Bắc cực (một cộng đồng khoa học và chính sách), nhằm đưa ra phần lớn quyết định tại đây.
Ngoài Hội đồng nói trên, còn có 13 quốc gia quan sát, trong đó có Trung Quốc. Với việc có nhiều nguồn tài nguyên chưa khai phá và được coi là một "con đường tơ lụa" mới, cuộc đua kiểm soát Bắc Cực đang trở nên nóng hơn bao giờ hết.
Vào tháng 5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tuyên bố Bắc Cực thuộc về Nga. Theo ông Lavrov, "vì Nga chiếm 53% đường bờ biển Bắc Cực và có nhiều căn cứ quân sự nhất tại đây, Bắc Cực là một phần lãnh thổ tất yếu của chúng tôi".
Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng nghĩ như vậy, điển hình là các quốc gia NATO, khi gửi một tàu sân bay tới Bắc Cực lần đầu tiên sau 27 năm. Vào năm 2021, các chiến hạm của Anh và Mỹ đã tiến vào vùng biển Barents, gần với các căn cứ hải quân Nga. Đến năm 2023, Na Uy sẽ thực hiện cuộc tập trận lớn nhất trong lịch sử tại Bắc Cực kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Vậy nguyên nhân dẫn đến cuộc chạy đua này là gì, và quốc gia nào đang nắm lợi thế tại Bắc Cực?
Trên thực tế, phần lớn diện tích của Bắc Cực là băng và nước, với tình trạng nóng lên toàn cầu thì diện tích băng đang ngày càng bị bó hẹp. Khi băng tan, một hành lang vận chuyển tự nhiên nằm giữa Siberia và Alaska, nối liền eo biển Bering với biển Barents đã xuất hiện, thu hút sự chú ý rất lớn của các quốc gia trong Vòng Bắc Cực.
Bất chấp việc tuyến đường biển này bị đóng băng tới 9 tháng mỗi năm, đã có hơn 1.000 tàu chở hàng đi qua đây vào năm 2020, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Một số quốc gia gọi tuyến đường này là "con đường tơ lụa địa cực".
Hiện tại, Nga là quốc gia kiểm soát hành lang này, và thu được một khoản tiền không nhỏ từ phí thông hành. Tuy vậy, lợi ích về kinh tế đi kèm với rủi ro an ninh, khi hành lang băng vốn là lớp bảo vệ tự nhiên cho vùng biển phía bắc của Nga, việc băng tan khiến cho Moscow phải huy động nhiều nhân lực hơn để giữ an ninh bờ biển.
Ngoài bề nổi của Bắc Cực, đáy biển cũng đang là khu vực tranh chấp của các quốc gia trong khu vực, bởi băng tan khiến cho các mỏ dầu khí và khoáng sản trở nên dễ tiếp cận hơn.
Tuy nhiên, để có thể tuyên bố chủ quyền ở vùng nước ngoài lãnh hải (cách đường bờ biển hơn 22km), các quốc gia phải chứng minh diện tích đáy biển đó là phần mở rộng thuộc thềm lục địa của họ. Vấn đề địa lý đang gây ra nhiều tranh cãi giữa các quốc gia, điển hình là việc Canada, Đan Mạch và Nga đều tuyên bố quyền kiểm soát với Lomonosov Ridge - một dãy núi nằm dưới mặt nước của Bắc Cực.
Để thể hiện quyền kiểm soát của mình, Nga thậm chí đã cho tàu ngầm cắm một lá cờ bằng titan xuống đáy biển Bắc Cực vào năm 2007. Không chịu kém cạnh, vào năm 2013, Canada đã cấp hộ chiếu cho ông già Noel với địa chỉ là Bắc Cực. Tuy nghe có vẻ "hài hước", nhưng đây là một động thái nhằm khẳng định chủ quyền trong cuộc tranh giành với Nga, Mỹ hay Đan Mạch.
Ở thời điểm hiện tại, Nga đang là quốc gia có lợi thế lớn nhất tại Bắc Cực, nhưng khi diện tích băng tiếp tục thu hẹp, cuộc đua tranh giành ảnh hưởng sẽ lại nóng hơn bao giờ hết, như lời một lãnh đạo NATO đã nói vào tháng 6, "băng tan có thể dẫn tới căng thẳng địa chính trị mới".
Việt Dũng
Link nội dung: https://cmp.edu.vn/cac-quoc-gia-nao-gan-bac-cuc-nhat-a10338.html