Hoa Bất Tử: Đặc điểm, ý nghĩa, cách cắm hoa đẹp

Hoa Bất Tử là hoa gì?

Hoa Bất Tử có tên khoa học là Xerochrysum bracteatum, thuộc họ Cúc Asteraceae. Hay còn được gọi là hoa cúc bất diệt, cúc bất tuyệt,.... Tên tiếng anh là Paper daisy, Strawflower, Immortelle, Everlasting. Đây là loài cây thân thảo, sống lâu năm và có nguồn gốc từ châu Úc, sau này được nhập khẩu vào nước ta thông qua hạt giống. Hiện nay, loài hoa này được trồng chủ yếu ở Đà Lạt và một số tỉnh thành vùng núi phía Bắc như Sapa, Mộc Châu.

Đặc điểm của hoa bất tử

Hoa Bất Tử là loài hoa ưa thích vùng khí hậu mát mẻ, có nhiều màu sắc rực rỡ, phổ biến nhất là màu vàng, trắng, tím, cam, đỏ thẫm,.... Thân cây có chiều cao trung bình từ 60cm - 120cm, mọc thẳng đứng như nhiều loài hoa Cúc khác. Lá cây có hình mũi mác, mọc thuôn dài, có màu xanh đậm, phiến lá nhẵn, viền lá không có răng cưa. Rễ cây thuộc loại rễ chùm, phát triển nhanh, bộ rễ cây dài khoảng 10cm.

Bông hoa Bất Tử hình cầu mọc ở trên ngọn cây đường kính khoảng 3cm - 6cm, bên trong có nhiều tầng đài hoa khác nhau, tạo thành nhiều lớp cánh hoa ôm trọn từ trong ra ngoài. Cánh hoa thon dài, mỗi bông cánh hoa có nhiều kích thước, càng gần nhuỵ cánh hoa càng nhỏ. Hoa thường nở rộ vào cuối Hè, đầu Thu trong khoảng tháng 8, tháng 9.

Hình ảnh hoa Bất Tử

Hình ảnh hoa Bất Tử

Sở dĩ loài hoa này có cái tên là “Bất Tử”, đó chính là bởi đặc tính đặc biệt của hoa vẫn giữ nguyên được màu sắc ngay cả khi chúng đã chết khô, tương tự như hoa Oải Hương. Do đó, hoa cúc bất tuyệt hoàn toàn phù hợp để trồng trong vườn nhà hay trang trí tại phòng khách, phòng làm việc của bạn. Loài hoa này còn được sấy khô để giữ hoa lâu hơn và dùng trong nhiều dịp.

Truyền thuyết về loài hoa Bất Tử

Xưa kia ở một ngôi làng nhỏ có một chàng trai si mê và đem lòng yêu thương một cô gái trong làng. Một ngày nọ, cô gái muốn được tặng một bó hoa được hái từ trên một đỉnh núi cao mà chỉ có loài hoa đó tồn tại. Tuy nhiên đỉnh núi thì rất cao mà bông hoa đó chỉ nở vào mùa Thu Đông với thời tiết lạnh lẽo và có tuyết rơi dày đặc.

Chàng trai vì muốn chinh phục trái tim của cô gái cho nên đã bất chấp liều mình đi tìm kiếm bông hoa đó. Chàng cứ leo mãi, leo mãi, vượt qua bao nhiêu trắc trở và khó khăn cuối cùng cũng tìm thấy loài hoa đẹp đẽ đó. Tuy nhiên khi đã hái được hoa, chàng trai đã kiệt sức vì mệt mỏi và đói khát, chàng đã gục ngã tại đó và không bao giờ trở về được nữa.

Kỳ lạ thay, một bông hoa có màu đỏ rực như máu bỗng mọc lên từ nơi mà chàng ngã xuống. Bông hoa không phai tàn dù cho trải qua bao nhiêu thời gian đi chăng nữa. Do vậy người ta đặt tên cho nó là hoa Bất Tử như để minh chứng tấm lòng thành của chàng trai và tình yêu bất diệt cho đến lúc chết dành tặng cho cô gái.

Phân loại hoa bất tử

Có rất nhiều loại hoa bất tử trên thị trường, thông thường, người ta thường phân loại theo màu sắc của hoa như hồng, trắng, vàng, tím và đỏ.

1. Hoa bất tử màu hồng

Hoa bất tử màu hồng mang vẻ đẹp nhẹ nhàng, cánh hoa nhỏ thuôn dài, xếp thành nhiều lớp rất đẹp. Cánh hoa có màu hồng phấn tương tự như màu của hoa mẫu đơn. Loại hoa này thường được các chàng trai tặng cho người con gái mình yêu. Hoa cúc bất tử mang ý nghĩa tượng trưng cho vẻ đẹp thơ mộng, trong sáng và hồn nhiên của người con gái.

2. Hoa bất tử màu trắng

Vẫn mang những đặc điểm chung của loài, hoa bất tử trắng vẫn có cánh hoa nhỏ thuôn dài, xếp nhiều tầng. Cánh hoa có màu trắng tinh hoặc đầu cánh phớt hồng kết hợp cùng nhuỵ hoa màu vàng khiến hoa càng nổi bật hơn. Dù không có hương thơm nhưng loài hoa này vẫn thu hút người nhìn. Hoa cúc bất tử trắng mang ý nghĩa về sự thuần khiết, trong trắng và quyến rũ.

3. Hoa bất tử màu đỏ

Hoa bất tử đỏ được rất nhiều chị em phụ nữ ưa thích bởi màu đỏ bắt mắt, vẻ đẹp quyến rũ và trưởng thành. Vẫn mang các đặc điểm chung của loài, nhưng cánh hoa có màu đỏ rực bắt mắt, cùng với nhuỵ hoa màu vàng. Càng làm nổi bật hơn vẻ đẹp của loài hoa này. Hoa bất tuyệt đỏ mang ý nghĩa tượng trưng cho những người phụ nữ thành công, sang trọng và quyến rũ.

4. Hoa bất tử màu tím

Bất tử tím là loại hoa có màu sắc độc đáo, bắt mắt, khá phổ biến trên thị trường hoa. Hoa mang vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh tao và gợi nhớ đến những kỷ niệm đẹp. Vì vậy nên người ta thường tặng hoa cúc bất tử tím cho đối phương để ôn lại những kỷ niệm đẹp. Màu tím là màu tượng trưng cho sự thuỷ chung nên hoa bất tử tím mang ý nghĩa tượng trưng cho sự thuỷ chung son sắt trong tình yêu và sự gắn kết trong tình nghĩa vợ chồng.

5. Hoa bất tử màu vàng

Hoa bất tử vàng có màu sắc tương tự như những bông cúc vàng nên nhiều người lầm tưởng 2 loài hoa này là một. Tuy nhiên, cánh hoa cúc nhỏ hơn so với cánh hoa bất tuyệt. Với tone màu vàng, loài hoa này tạo cảm giác ấm áp, an toàn cho người được tặng. Vì vậy, hoa bất tử vàng thường được các chàng trai tặng cho người mình yêu với ý nghĩa gửi gắm tình yêu thương, gửi gắm sự ấm áp, bao bọc và cầu an đối phương luôn bình an và may mắn.

Ý nghĩa hoa Bất Tử

Hoa Bất Tử có một ý nghĩa rất cao đẹp, đó chính là biểu tượng cho một tình yêu trường tồn, bất diệt qua hàng năm tháng. Do đó, mà nhiều người đang yêu thường tặng loài hoa này cho một nửa của mình thể hiện tình yêu mặn nồng, vĩnh cửu.

Loài hoa tượng trưng cho sự bất diệt

Loài hoa tượng trưng cho sự bất diệt

Ngoài ra, với sức sống bền bỉ của hoa Bất Tử còn tượng trưng cho tinh thần vượt khó, luôn vươn lên trong cuộc sống của con người. Dù cho có khó khăn đến đâu cũng không được từ bỏ, nhất định sẽ có một ngày đạt được ước mơ.

Cách trồng hoa Bất Tử

Hoa không chỉ dễ trồng mà còn dễ phát triển, nở hoa đẹp khiến cho khu vườn của bạn thêm màu sắc và rực rỡ hơn. Một vài điều mà bạn cần quan tâm khi trồng hoa như sau:

1. Thời điểm trồng hoa phù hợp

Thời điểm phù hợp để trồng hoa Bất Tử nên vào cuối mùa Hè, đầu mùa Thu, tức là tầm tháng 8, tháng 9. Như vậy hoa sẽ phát triển và ra hoa chỉ sau một thời gian nếu như được chăm sóc tốt.

2. Loại đất trồng

Nên lựa chọn loại đất mùn tơi xốp và thông thoáng để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây mà thoát nước tốt. Ngoài ra, bạn có thể thêm vào mùn cưa, xơ dừa để giữ độ ẩm ổn định hoặc phân ủ hoai để tăng thêm dinh dưỡng nếu như đất trồng bị nghèo dinh dưỡng.

Nếu trồng trong chậu, bạn có thể sử dụng công thức làm giá thể như sau: Đất phù sa tơi xốp + phân chuồng ủ hoai + xơ dừa hoặc mùn cưa, mùn dừa + trấu hun + xỉ than hoặc than gỗ hoặc sỏi đá.

3. Chọn chậu trồng phù hợp

Do rễ hoa bất tử thích nghi tốt với điều kiện đất trồng nên ra rễ rất nhanh. Nếu bạn trồng cây trưởng thành thì nên chọn chậu có đường kính miệng khoảng 20cm và sâu khoảng 20cm - 25cm.

4. Chọn giống cây trồng

Về màu sắc hoa, tùy theo sở thích của mình mà bạn chọn màu sắc hoa phù hợp. Nên chọn cây giống khỏe mạnh có bộ rễ xum xuê, lá tươi tốt xanh sẫm, không có bệnh tật.

Nếu trồng bằng cách gieo hạt bạn nên mua hạt tại các nhà vườn uy tín, hoặc điểm bán giống cây trồng. Vì khi đóng gói bán, hạt giống hoa bất tử đã được chọn lựa và xử lý để có tỉ lệ nảy mầm cao nhất.

5. Cách trồng hoa bất tử đúng kỹ thuật

Có 2 cách trồng hoa bất tuyệt chính bao gồm: gieo hạt và trồng cây. Mỗi cách trồng sẽ có kỹ thuật khác nhau. Tham khảo trong phần sau đây.

4 bước trồng hoa bất tử bằng hạt

Bước 1: Ngâm hạt giống trong nước ấm khoảng 30 phút sau đó vớt ra và để ráo nước.

Bước 2: Dùng chậu cây hoặc khay đã chuẩn bị, cho đất vào gần đây chậu hoặc khay. Sau đó rải hạt lên mặt đất và phủ lên một lớp đất mỏng.

Bước 3: Tưới nước thường xuyên để cung cấp độ ẩm cho đất, giúp hạt nhanh nảy mầm, tần suất tưới nước tối thiểu 3 lần/ngày. Nên tưới nước bằng vòi phun dạng sương, tuyệt đối không tưới trực tiếp. Đặt chậu hoặc khay ở vị trí mát mẻ, sau khoảng 10 ngày hạt sẽ bắt đầu nảy mầm.

Bước 4: Khi cây ra 3, 4 lá mầm thì tiến hành tách cây non sang chậu khác hoặc đưa ra vườn trồng.

4 bước trồng hoa bất tử bằng cây

Bước 1: Cho đất vào trong chậu đã chuẩn bị với lượng đất bằng 2/3 chiều cao của chậu.

Bước 2: Đặt cây vào chính giữa chậu.

Bước 3: Lấp đất lại sao cho đất không trùm gốc lá quá nhiều. Sau đó ấn nhẹ đất cho cây đứng vững và tiến hành tưới nước đều đặn để giữ ẩm cho đất, kích thích cây ra rễ mới. Nên tưới nước bằng vòi xịt sương. Tần suất tưới khoảng 3 lần/ngày.

Bước 4: Do đã có lượng phân chuồng ủ hoai trong đất nên trong 2 tháng đầu bạn không cần phải bón phân cho cây. Tuy nhiên, để kích thích cây ra chồi mới có thể sử dụng phân bón đầu trâu 501.

Hoa Bất Tử rất dễ trồng trên nhiều điều kiện khác nhau

Hoa Bất Tử rất dễ trồng trên nhiều điều kiện khác nhau

Cách chăm sóc hoa bất tử

Hoa bất tử có khả năng thích nghi nhanh và sinh trưởng mạnh mẽ nên khi trồng loài hoa này, bạn không cần phải chăm sóc quá kỹ lưỡng. Tuy nhiên, bạn vẫn cần nắm vững kỹ thuật chăm sóc như sau:

1. Nhiệt độ

Hoa Bất Tử thích khí hậu mát mẻ, do đó bạn nên trồng cây trong nhiệt độ từ 22 - 28 độ C. Tránh trồng cây vào giữa mùa hè khi nhiệt độ quá nóng sẽ ảnh hưởng đến khả năng nảy mầm và lên hoa.

2. Tưới nước

Loài cây này có khả năng chịu hạn tốt nên bạn không cần phải tưới nước quá nhiều. Chỉ giữ độ ẩm thường xuyên cho cây là được. Tần suất tưới nước khoảng 1 lần/ngày vào thời điểm trời mát mẻ. Vào mùa nóng hoặc khí hậu hanh khô, nên tăng tần suất tưới nước để giữ độ ẩm của đất ổn định. Mùa hè nên tưới đẫm nước vào buổi sáng và chiều muộn. Mùa đông, buổi sáng nên tưới nước dạng xịt phun sương lên cả lá và thân cây vào khoảng 9h - 10h sáng, và tưới đẫm nước cho cây khoảng 15h - 16h chiều.

3. Bón phân

Do đất trồng ban đầu chuẩn bị đã có sẵn lượng phân bón, vì vậy khoảng 2 tháng sau khi trồng, bạn tiến hành bón phân NPK để bổ sung chất dinh dưỡng cho cây. Giai đoạn sau, cứ 1 tháng bạn bón phân bổ sung dinh dưỡng cho cây 1 lần.

Khi cây đã lớn khoảng 10cm, tiến hành bón thêm phân đầu trâu 501 để kích thích cây ra chồi mới. Khi cây cao khoảng 40cm - 50cm, tiến hành bón thêm phân đầu trâu 701 để kích thích cây ra nụ và hoa sớm. Hướng dẫn sử dụng và liều dùng các loại phân bón, bạn nên tham khảo từ người bán là tốt nhất.

Bệnh thường gặp trên hoa bất tử

Hoa bất tử là một loài hoa thuộc họ Cúc nên hoa vẫn thường bị các loại sâu bệnh hại trên hoa cúc tấn công. Điển hình một số loại sâu bệnh hại như: sâu xanh, sâu khoang, các loại rệp, bọ trĩ, các loại đốm lá và bệnh phấn trắng.

1. Sâu xanh hại lá trên hoa bất tử

Sâu xanh là một loại sâu hại phổ biến trên hoa bất tử, thời gian đầu sâu sẽ ăn phần thịt lá, sau đó sẽ chui vào nụ và ăn rỗng nụ hoa từ bên trong. Loài sâu này thường gây hại cho cây ở phần lá non, ngon non và nụ hoa. Chúng thường xuất hiện khi thời tiết mát mẻ, độ ẩm không khí cao vào mùa Thu hoặc mùa Xuân.

Nếu phát hiện sâu trên lá sớm, tiến hành bắt sâu và loại bỏ lá sâu bệnh, tìm kỹ các nụ hoa, nụ nào có dấu hiệu sâu bệnh thì nên loại bỏ để tránh sâu di chuyển sang nụ khác. Hoặc bạn có thể sử dụng các loại thuốc có thành phần một số chất sau Abamectin, Cypermethrin, Bacillus thuringiensis.

2. Bọ trĩ hại cây hoa bất tử

Bọ trĩ gây hại cho cây hoa bất tử thường xuất hiện khi thời tiết khô nóng vào mùa Hè. Bọ trĩ hút nhựa ở lá non, chồi non và nụ hoa khiến cho cây chậm phát triển, cánh hoa xoắn lại. Ban đầu, lá cây xuất hiện các đốm có màu vàng trắng sau chuyển dần sang màu nâu đen.

Để tiêu diệt bọ trĩ bạn nên sử dụng bẫy dính màu vàng để bắt bọ trĩ trưởng thành và xem mật độ nhiều hay ít. Sau đó tiến hành phun thuốc Dinotefuran (Oshin 100SL) để loại bỏ mầm mống của bệnh.

3. Bệnh phấn trắng

Bệnh phấn trắng trên cây hoa bất tử do nấm Oidium Chrysanthemi gây ra, thường xuất hiện khi khí hậu mát mẻ, nền nhiệt độ khoảng 20 - 25 độ C và độ ẩm cao. Chúng gây hại chủ yếu trên lá non sau đó lan ra thân, cành và nụ hoa gây ra hiện tượng vàng lá, lá khô héo, hoa nở lệch một bên hoặc thậm chí không nở.

Triệu chứng của bệnh là trên mặt lá xuất hiện các đốm trắng xám dạng bột, có hình thù bất định, mặt dưới lá chuyển dần sang màu vàng nhạt. Bệnh phấn trắng trên hoa bất tử khó xử lý, khi cây mắc bệnh nên nhổ bỏ để tránh lây lan sang các cây khác. Sau đó tiến hành phun thuốc Carbendazim + Hexaconazole (Vilusa 5.5 SC) để phòng chống cho các cây khác. Không nên tưới cây vào buổi tối, vì lượng nước còn sót lại trên lá sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bào tử nấm phát triển.

4. Bệnh gỉ sắt

Bệnh gỉ sắt trên cây hoa bất tử do 2 loại nấm Puccinia chrysanthemi và Puccinia horiana gây ra. Bệnh này gây hại cả cuống lá, cành non, thân cây. Khi bị bệnh, cây xuất hiện các ổ nổi màu trắng hoặc màu vàng nhạt, thường xuất hiện ở cả 2 mặt lá. Khi bị nặng có thể làm cháy lá, vàng lá và lá rụng sớm.

Để phòng trừ bệnh gỉ sắt, bạn có thể sử dụng các loại thuốc hoá học sau: Oligosaccharins (Tutola 2.0 SL) hoặc Chitosan + Oligo - Alginate (2S Sea & See 12WP, 12SL).

Hoa Bất Tử có tàn không?

Cũng giống như nhiều loài hoa khác, hoa Bất Tử hoàn toàn có thể tàn theo thời gian. Tuy nhiên, điểm đặc biệt là bông hoa vẫn giữ nguyên được hình dáng và màu sắc ngay cả khi đã héo khô. Do đó, nhiều người thích trồng và trang trí loài hoa này trong phòng do chúng dùng được lâu và khó tàn.

Cách cắm hoa Bất Tử

Khi hoa còn tươi, bạn có thể tùy ý uốn cong cành lá hoặc tạo dáng hoa cho phù hợp với nhu cầu và mục đích sử dụng.

Đối với hoa tươi:

Bước 1: Để hoa bất tử tươi lâu thì bạn nên chọn những bông hoa còn tươi và không bị dập nát.

Bước 2: Khi cắm hoa thì bạn có thể chọn mua 6 - 7 bông và nên chọn đa dạng màu sắc để bình hoa rực rỡ hơn. Nên rửa sạch bình cắm hoa để loại bỏ vi khuẩn trong bình.

Bước 3: Trước khi cắm, nên cắt cuống hoa và cho thêm chút muối vào thì hoa sẽ giữ được độ tươi lâu hơn.

Bước 4: Thay nước thường xuyên khoảng 3 ngày/lần. Tips nhỏ: có thể cho một chút nước chanh để tăng độ axit trong nước thì hoa sẽ tươi lâu hơn.

Đối với hoa khô:

Bước 1: Ngắt hết phần nụ hoa.

Bước 2: Đặt hoa dốc ngược xuống, bông hoa hướng xuống đất để phần nước bên trong hoa được trút hết ra.

Bước 3: Đặt hoa ở nơi có ánh sáng trong khoảng 3 - 5 ngày thì hoa sẽ tươi lâu.

Bạn có thể tham khảo một số cách cắm hoa sau đây:

Cách cắm hoa Bất Tử cơ bản với các bông có kích thước lớn nhất ở trung tâm

Cách cắm hoa Bất Tử cơ bản với các bông có kích thước lớn nhất ở trung tâm

Một kiểu cắm hoa Bất Tử cơ bản khác

Một kiểu cắm hoa Bất Tử cơ bản khác

Hoa Bất Tử được cắm thành lẵng tuyệt đẹp

Hoa Bất Tử được cắm thành lẵng tuyệt đẹp

Link nội dung: https://cmp.edu.vn/cay-hoa-bat-tu-a10344.html