Chùa Ông Quan Đế - một địa chỉ đỏ

Chùa Ông Quan Đế tọa lạc tại ấp 5, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho. Từ trung tâm TP. Mỹ Tho theo hướng Đông Bắc đi hết đường Hùng Vương tới Quốc lộ 50 rẽ trái, đi 1 km đến ngã 5 xã Đạo Thạnh rồi rẽ phải vào đường huyện 92B khoảng 1 km là đến di tích.

Ban đầu chùa được xây dựng chủ yếu bằng vật liệu truyền thống như gạch, ngói, gỗ, đá và chất kết dính là hồ ô dước. Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo đến nay chùa được xây dựng khá chắc chắn bằng các loại vật liệu gỗ, xi măng, gạch men có diện tích 321,5 m2 gồm: Chánh điện 79,98 m2, tiền điện 65,36 m2, điện thờ Phật 21 m2, nhà khách 78,2 m2, khu nhà vệ sinh 7,68 m2; hồ chứa nước 9 m2 trên diện tích đất 2.800 m2. Hàng năm vào ngày 27-7 chùa tổ chức lễ cúng các Anh hùng liệt sĩ.

Chùa Ông Quan Đế ngoài chức năng là cơ sở tín ngưỡng của nhân dân trong xã và các xã lân cận, còn là cơ sở cách mạng vững chắc của ta trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 tại tỉnh Mỹ Tho, lực lượng cách mạng ở xã dùng trống mõ hưởng ứng cuộc khởi nghĩa và treo cờ đỏ sao vàng trên ngọn 2 cây dương trước cổng chùa. Trong thời kỳ chống thực dân Pháp (1945 - 1954), chùa là địa điểm Chi bộ Đảng xã thường xuyên hội họp bàn về đấu tranh chính trị với thực dân Pháp đòi thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Giơ-ne-vơ và lập kế hoạch chống địch.

Đến năm 1947, bọn địch tình nghi chùa là nơi lực lượng cách mạng thường xuyên lui tới và là nơi nuôi giấu cán bộ nên bọn chúng đã đốt cháy ngôi chùa. Chúng còn cho rằng 2 cây dương là điểm treo cờ đỏ sao vàng trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ nên đã chặt phá. Vào cuối năm 1948, bà con nhân dân vận động xây dựng lại ngôi chùa để thờ cúng lại như chức năng ban đầu.

Vào năm 1960, lực lượng võ trang Thành đội kết hợp với lực lượng du kích xã đóng quân tại chùa để hoạt động. Nơi đây cũng là địa điểm của Hội Phụ nữ xã làm nơi sinh hoạt, tuyên truyền chính trị để đấu tranh chống địch.

Từ năm 1962 - 1963, bộ đội huyện Châu Thành và đại đội pháo binh của Thành đội Mỹ Tho thường xuyên lui tới đóng quân xung quanh ngôi chùa, còn du kích xã thì đóng tại chùa để liên lạc hội họp. Năm 1964, lực lượng cách mạng đã bí mật làm hầm dưới chân tượng Quan Đế để nuôi giấu cán bộ như ông Dương Văn Dương, Xã đội trưởng (hiện trong chùa vẫn còn giữ lại dấu tích hầm bí mật).

Từ năm 1968 lực lượng cách mạng đã sử dụng ngôi chùa làm nơi hội họp, nuôi giấu cán bộ và cất giấu vũ khí. Lợi dụng địa hình kinh rạch, vườn ruộng thuận lợi, Ban Chỉ huy Thành đội Mỹ Tho đã xây dựng căn cứ kháng chiến Hóc Đùn trên các địa bàn xã, ấp, tạo thành vùng giải phóng liên hoàn. Đây là căn cứ nằm trong vùng giải phóng được sự che chở, đùm bọc của nhân dân suốt từ năm 1968 - 1975 làm cho quân địch kinh hồn, khiếp vía mỗi khi đi hành quân càn quét tại khu vực này. Vì vậy nhân dân đã có câu vè:

“Hóc Đùn đi dễ khó về Khi đi thì có khi về thì khiêng”

Từ căn cứ Hóc Đùn, lực lượng vũ trang Thành đội Mỹ Tho phối hợp với các đơn vị chủ lực của Khu 8, của tỉnh tập kết trước đó vượt sông Bảo Định tấn công vào TP. Mỹ Tho trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.

Sau chiến dịch Xuân Mậu Thân, địch bung ra càn quét dữ dội nhằm đẩy lùi lực lượng chủ lực của ta ra xa thành phố. Lực lượng Sư đoàn 7 ngụy phối hợp với Sư đoàn 9 Mỹ dùng pháo binh, máy bay, tàu chiến tổ chức nhiều trận càn quét ác liệt dài ngày vào các căn cứ của ta ở các xã ven, có trận càn kéo dài cả tuần. Du kích xã Đạo Thạnh và Đại đội 2 (C2) Thành đội nhiều khi phải ăn mận thay cơm để chống càn.

Cuối năm 1968, bộ đội ta và du kích xã Đạo Thạnh đánh trận chống càn kéo dài 7 ngày đêm tại ngã 5 do đồng chí Mười Hời chỉ huy, ta dùng lối đánh du kích, khi địch càn quét, bộ đội, du kích xuống hầm bí mật rồi sau đó leo lên ngọn cây quăng lựu đạn rồi rút về phía sau chùa an toàn. Cũng vào thời gian này, Ban Chỉ huy Tiền phương do ông Sáu Huấn, ông Sáu Phú thường xuyên lui tới ngôi chùa hội họp và là nơi hoạt động của phụ nữ xã diễn ra rầm rộ như: Bà Tư Anh, bà Trần Thị Lộ chỉ huy chị em phụ nữ kéo xuống chợ Hàng Bông đấu tranh đòi yêu sách không được bắn phá bừa bãi vào xóm ấp. Bà Lộ bị địch bắt giam khoảng 1 năm thì hy sinh (bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng vào năm 1978).

Địch tình nghi ngôi chùa là nơi lực lượng cách mạng thường xuyên lui tới hoạt động, hội họp nên đã ném bom tàn phá ngôi chùa. Đến năm 1974, Tiểu đoàn 514 tập hợp sinh hoạt tại chùa và dọc 2 bên bờ tre vẫn là nơi nuôi giấu cán bộ và cất giấu vũ khí an toàn.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975) đến nay, chùa là điểm hội họp của xã, ấp, điểm hòa giải, diễn văn nghệ và sinh hoạt tín ngưỡng cho bà con nhân dân trong vùng. Đặc biệt, trong khuôn viên chùa còn có Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh với diện tích 24,92 m2 được nhân dân xây dựng vào năm 2011 để tưởng niệm người Anh hùng Giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới.

Được biết, với tinh thần tương thân, tương ái, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhà chùa đã cắt trên 3.000 m2/6.000 m2 đất chùa cho 6 gia đình liệt sĩ và gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn làm nhà ở.

Chùa Ông Quan Đế đã được UBND tỉnh công nhận di tích cấp tỉnh vào tháng 1-2016, góp phần hình thành nên chuỗi di tích lịch sử cách mạng: Bia lưu niệm Thành đội Mỹ Tho (ấp 5); Bia lưu niệm căn cứ Thành ủy Mỹ Tho trong thời kỳ chống Mỹ (ấp 3A), là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống đấu tranh bảo vệ Tổ quốc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

NGUYỄN MẠNH THẮNG

Link nội dung: https://cmp.edu.vn/chua-ong-my-tho-a15397.html