Corticoid có trong thuốc nào? Cách phân biệt từng loại cụ thể
Corticoid là nhóm thuốc được chỉ định trong điều trị nhiều bệnh khác nhau. Vì có tác dụng chống viêm, ức chế miễn dịch và thường làm giảm nhanh các triệu chứng nên nhiều người đã lạm dụng loại thuốc này. Không ít bệnh nhân gặp phải tình trạng lở loét tay chân do sử dụng sai cách thuốc chứa corticoid. Vậy Corticoid có trong thuốc nào? Cách phân biệt từng loại cụ thể ra sao?
Thuốc Corticoid là thuốc gì?
Thuốc Corticoid là loại thuốc nhân tạo gần giống với chức năng của hormon cortisol do tuyến thượng thận sản xuất và giải phóng trong cơ thể. Thuốc Corticoid có tác dụng chống viêm, giảm sưng, đỏ, ngứa và chống dị ứng. Ngoài ra, thuốc còn được sử dụng trong điều trị 1 số bệnh về da như: chàm, vảy nến, viêm da cơ địa,… và các bệnh hen suyễn, viêm khớp, phổi tắc nghẽn mạn tính. (1)
Tuy nhiên, Corticoid là loại thuốc mạnh. Ngoài công dụng điều trị các bệnh kể trên, Corticoid cũng gây 1 số tác dụng phụ nghiêm trọng. Do đó, đây là loại thuốc được sử dụng theo kê đơn của bác sĩ và sử dụng rất nghiêm ngặt.
Corticoid có nhiều loại khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định:
Đường uống: dạng viên nén, viên nang hoặc siro giúp điều trị chứng viêm, đau liên quan đến 1 số bệnh mạn tính, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, lupus.
Ống hít và xịt mũi chứa Corticoid: giúp kiểm soát tình trạng viêm liên quan đến hen suyễn và dị ứng mũi.
Thuốc nhỏ mắt: được dùng để giảm sưng sau mổ mắt.
Dạng bôi/thoa: điều trị các tình trạng da.
Dạng tiêm: điều trị các triệu chứng liên quan đến cơ, khớp, chẳng hạn như đau, viêm gân.
Corticoid có trong thuốc nào?
Corticoid có trong các loại thuốc sau: (2)
Hydrocortisone.
Prednisolone.
Methylprednisolone.
Prednisone.
Fluocinolone.
Triamcinolone.
Fluticasone.
Beclomethasone.
Betamethasone.
Dexamethasone.
Cách phân biệt thuốc chứa Corticoid
Để phân biệt thuốc có chứa Corticoid, đầu tiên, cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và xem ở mục các thành phần của thuốc. Sau khi biết đầy đủ thành phần, người bệnh có thể hỏi ý kiến của bác sĩ để nắm rõ hơn. Thuốc có chứa Corticoid, trong thành phần thường có các chất như:
Prednisone.
Prednisolone.
Hydrocortisone.
Methylprednisolone.
Fluocinolone.
Betamethasone.
Triamcinolone,…
Ngoài ra, nhóm thuốc Corticoid thường có đuôi “sone” (“son”) hoặc “olone” (“olon”) trong tên. Tuy nhiên, trên thực tế cũng có các trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như budesonide. Do đó, nhận biết thành phần Corticoid có trong thuốc sẽ giúp người bệnh thận trọng hơn trong việc sử dụng. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, tốt nhất nên thông qua tư vấn hoặc hướng dẫn sử dụng từ bác sĩ để tránh các tác dụng phụ nguy hiểm.
Tác dụng của thuốc Corticoid
Thuốc chứa Corticoid được sản xuất nhiều dạng khác nhau. Vì vậy, tác dụng phụ của từng loại cũng sẽ khác nhau. Những tác dụng phụ thường gặp:
1. Corticoid dạng uống
Với Corticoid dạng uống, tác dụng phụ sẽ phụ thuộc vào liều lượng thuốc mà người bệnh sử dụng, gồm:
Sưng ở chân.
Huyết áp cao.
Tâm lý thay đổi: hay quên hoặc mê sảng.
Đau dạ dày.
Tăng cân ở bụng, mặt và sau gáy.
Khi dùng Corticoid bằng đường uống trong thời gian dài, người bệnh có thể gặp phải:
Các vấn đề về mắt: bệnh đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp.
Tăng cân ở mặt (mặt tròn như mặt trăng).
Tăng lượng đường trong máu.
Tăng nguy cơ nhiễm trùng, đặc biệt là với vi khuẩn, virus và nấm thông thường.
Loãng xương.
Mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn, yếu cơ.
Da mỏng, bầm tím.
Vết thương lâu lành.
2. Corticoid dạng hít
Khi sử dụng Corticoid dạng hít, 1 số thuốc có thể lắng đọng trong miệng, cổ họng thay vì đến phổi. Do đó, thuốc có thể gây ra:
Nhiễm nấm trong miệng.
Khàn tiếng.
Để tránh gặp phải tình trạng này, người bệnh có thể súc miệng bằng nước sau mỗi lần sử dụng Corticoid dạng hít. Tuyệt đối không được nuốt nước súc miệng, vì có thể gây hại cho sức khỏe.
3. Corticoid dạng bôi (thoa) tại chỗ
Corticoid dạng bôi (thoa) nếu là chế phẩm có hoạt tính mạnh, sử dụng thời gian dài có thể gây tổn thương, mỏng da, viêm nang lông, mất sắc tố da, hình thành mụn trứng cá.
Ở một số trường hợp, corticoid dạng này có thể gây châm chích nhưng sẽ biến mất sau vài ngày. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể dị ứng với thuốc bôi hoặc thành phần khác có trong thuốc, điều này khiến các triệu chứng viêm thêm nghiêm trọng hơn.
4. Corticoid dạng tiêm
Corticoid dạng tiêm có thể gây tác dụng phụ tạm thời gần vị trí tiêm gồm, mỏng da, da mất màu và đau dữ dội. Ngoài ra, thuốc còn gây các triệu chứng như: mặt đỏ, mất ngủ, tăng lượng đường trong máu. Tiêm Corticoid được giới hạn từ 3 - 4 lần/năm và tùy thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi người.
Danh mục thuốc Corticoid hiện nay
Danh mục thuốc Corticoid hiện nay, gồm có:
Thuốc medrol chứa thành phần methylprednisolone.
Thuốc fucicort chứa thành phần betamethasone.
Thuốc điều trị bệnh hen symbicort chứa thành phần budesonide.
Thuốc flucinar chứa thành phần fluocinolone.
Thuốc nhỏ mắt polydexa chứa thành phần dexamethasone…
Nên sử dụng thuốc chứa Corticoid như thế nào?
Bất kì loại thuốc nào trước khi sử dụng cũng cần có sự tư vấn, chỉ định từ các bác sĩ, sử dụng thuốc đúng liều lượng, đúng bệnh mới mang lại hiệu quả, ít gây tác dụng phụ, thuốc Corticoid cũng không ngoại lệ. Dưới đây là những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc chứa Corticoid:
Với người có tiền sử dị ứng: trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc đang dùng, những yếu tố gây dị ứng.
Với trẻ em: Corticoid cho trẻ em có thể khiến các bệnh nhiễm trùng như thủy đậu hoặc sởi trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, thuốc còn làm chậm hoặc ngừng tăng trưởng ở trẻ em và thanh thiếu niên đang độ tuổi phát triển, nhất là khi sử dụng thuốc trong thời gian dài. Trước khi cho những đối tượng này sử dụng Corticoid, nên tham khảo và làm theo hướng dẫn của bác sĩ.
Với người lớn tuổi: bệnh nhân lớn tuổi dễ bị cao huyết áp hoặc loãng xương tác dụng phụ của Corticoid.
Phụ nữ mang thai và cho con bú: Corticoid có thể gây dị tật bẩm sinh. Ngoài ra, Corticoid có trong sữa mẹ sẽ gây các vấn đề về tăng trưởng hoặc những tác dụng không mong muốn khác. Tùy thuộc vào liều lượng thuốc đang dùng, người bệnh có thể dùng 1 loại thuốc khác thay thế hoặc ngừng cho con bú trong khi điều trị.
Không nên sử dụng Corticoid với các loại vaccine sau đây: Adenovirus, Ebola Zaire, sởi, cúm, quai bị, rubella, bại liệt, đậu mùa khỉ, thương hàn, thủy đậu,…
Tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng Corticoid kết hợp với những loại thuốc sau: Abametapir, Aceclofenac, Acemetacin, Adagrasib, Aldesleukin, Alfentanil, Amiodaron, Amtolmetin Guacil, apalutamid,…
Một số loại thuốc chứa Corticoid được khuyến cáo không nên sử dụng khi uống rượu, hút thuốc lá.
Người mắc các bệnh: AIDS, nhiễm nấm, nhiễm trùng herpes simplex ở mắt, phẫu thuật do chấn thương,… hoặc bệnh mạn tính (tim, đái tháo đường, huyết áp,…), lupus ban đỏ hệ thống (SLE) nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng Corticoid.
Viêm loét đại tràng: Corticoid có thể làm mờ các triệu chứng của bệnh dạ dày.
Tăng nhãn áp: Corticoid có thể làm tăng áp lực trong mắt.
Sỏi thận: Corticoid khiến cơ thể giữ nhiều muối và nước hơn, điều này dễ dẫn đến sỏi thận.
Corticoid có thể làm tăng mức cholesterol trong máu.
Sử dụng Corticoid có thể khiến tuyến giáp hoạt động kém.
Loãng xương: Corticoid có thể làm trầm trọng thêm các bệnh về xương vì khiến cơ thể mất nhiều canxi.
>>>Xem thêm: Hình ảnh thuốc Corticoid dễ phân biệt
Giảm tác dụng phụ của Corticoid
Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc liều lượng và thời gian sử dụng thuốc.
Trao đổi với bác sĩ về việc chuyển sang các dạng Corticoid không dùng đường uống. Ví dụ, Corticosteroid dạng hít giúp bệnh nhân hen suyễn tiếp cận trực tiếp với bề mặt phổi và ít gây tác dụng phụ hơn.
Bổ sung canxi và vitamin D: sử dụng Corticoid thời gian dài có thể gây loãng xương.
Thận trọng khi ngừng điều trị: nếu dùng Corticoid đường uống trong thời gian dài, tuyến thượng thận có thể sản xuất ít hormone steroid tự nhiên. Nếu ngưng dùng thuốc đột ngột, tuyến thượng thận không có thời gian phục hồi, người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, choáng váng và đau nhức cơ thể. Để tuyến thượng thận có thời gian phục hồi chức năng này, bác sĩ có thể giảm dần liều lượng sử dụng thuốc.
Đeo vòng tay cảnh báo y tế: được khuyên dùng nếu sử dụng Corticoid trong thời gian dài.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời điều trị khi có tác dụng phụ xảy ra.
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh với nền tảng nhân lực là đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm trong việc khám, chẩn đoán, tư vấn, điều trị chuyên sâu bệnh đái tháo đường, bệnh tuyến giáp, rối loạn nội tiết tố, bệnh to đầu chi, các bệnh nội tiết liên quan tuyến yên, béo phì do rối loạn nội tiết tố,… Ngoài ra, khoa còn được đầu tư đồng bộ trang thiết bị hiện đại, nhập khẩu chính hãng từ các nước châu Âu và Mỹ giúp người bệnh chẩn đoán chính xác, điều trị nhanh chóng, sớm hồi phục.
Corticoid là loại thuốc chống viêm, ức chế miễn dịch được dùng trong điều trị các bệnh viêm khớp, lupus, hen suyễn và các vấn đề về da,… Người bệnh không nên tự ý mua và dùng thuốc vì có thể gây các tác dụng phụ nghiêm trọng. Bài viết đã cung cấp những thông tin về Corticoid có trong thuốc nào? Cách phân biệt từng loại cụ thể. Trước khi sử dụng thuốc, nên tham khảo và tuân theo chỉ định, khám sức khỏe định kỳ để bác sĩ có thể theo dõi tình trạng sức khỏe.