Thiên Mụ là một trong hai ngôi Quốc tự (bên cạnh Sùng Hoá) ra đời sớm nhất tại Đàng Trong, không chỉ là điểm quy hướng tâm linh của cộng đồng mà còn là nơi thường diễn ra các Quốc lễ, các nghi lễ Phật giáo quan trọng kể từ đầu thế kỷ XVII.
Cuộc tuần du phương Nam
Phật giáo vốn là một tôn giáo đã gắn bó lâu đời với người Việt, đã trở thành một bộ phận không thể tách rời trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của cư dân Việt. Ở vùng Thuận Hóa, trước khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ, hệ thống chùa làng đã phát triển mạnh, một số nơi đã có những đại danh lam nổi tiếng.
Trong sách Huế - Triều Nguyễn: Một cái nhìn, TS Trần Đức Anh Sơn có đề cập chùa Thiên Mụ: Năm 1601, nhân cuộc tuần du phương Nam, Đoan Quốc công đã dừng vó ngựa bên dòng Kim Trà (sông Hương sau này xanh biếc của Hóa Châu).
Quốc sử quán (Cơ quan viết sử) triều Nguyễn ghi lại trong sách “Đại Nam nhất thống chí”: Đến xã Hà Khê, nay là làng An Ninh, thấy đồng bằng nổi đất cao như hình con rồng, ngoảnh đầu trông lại, phía trước trông ra sông cái, phía sau liền với hồ, phong cảnh đẹp tốt, nhân hỏi người địa phương. Họ nói gò này rất thiêng. Tương truyền, ngày trước có người trông thấy một bà già mặc áo đỏ quần xanh, ngồi trên gò nói: “Phải có chân chúa đến dựng chùa ở đây mà thu góp khí thiêng để giữ long mạch”. Nói xong thì biến mất nên gọi là núi Thiên Mụ. Chúa thượng bèn dựng chùa, gọi là chùa Thiên Mụ.
Ngôi chùa Thiên Mụ cũng đã được nhắc đến trong sách địa chí “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An với những dòng mô tả: Chùa ở phía Nam làng Hà Khê, huyện Kim Trà, nóc ở đỉnh núi, chân gối dòng sông, tưởng như gang tấc bên trời, vượt hẳn ba ngàn thế giới. Nhưng di khách đăng lâm thưởng lãm bất giác lòng thành phát động, niềm tục sạch không, đáng là một cảnh trí non bồng, nước nhược vậy.
Dựng chùa Thiên Mụ
Theo TS Trần Đức Anh Sơn, “Thực ra, trước lúc Đoan Quận công Nguyễn Hoàng đến đây, đồi Hà Khê đã có chùa rồi. Chùa ấy nguyên tên là Thiên Mẫu hay Thiên Mỗ”. Song có lẽ khi Nguyễn Hoàng dừng chân nơi đây, chùa Thiên Mỗ cũng đã thành phế tích và Tiên chúa đã dựng chùa mới trên phế tích xưa vậy.
Cảm thấy ý tưởng của mình tương thông với câu chuyện được người dân thuật lại. Đoan Quận công Nguyễn Hoàng đã ngay lập tức cho xây dựng ngôi chùa trên đồi Hà Khê và lấy tên là “Thiên Mụ Tự” tức “Bà mụ nhà trời”. Chùa Thiên Mụ từ đó đã trở thành biểu tượng của sự linh thiêng, biểu tượng của sự hòa hợp các loại hình tôn giáo tín ngưỡng tại địa phương, và cũng là biểu tượng cho sự ủng hộ của thần linh bản địa đối với họ Nguyễn.
Theo dấu thời gian, chùa Thiên Mụ đã trải qua bao lần trùng tu. Trong đó, nổi bật nhất là cuộc trùng tu năm 1710, dưới triều đại của chúa Nguyễn Phúc Chu. Ông cho đúc Đại hồng chung nặng hơn 2 tấn, là chiếc chuông lớn thứ nhì ở Việt Nam (chỉ sau chuông Cổ Lễ ở tỉnh Hà Nam). Chuông được coi là bảo vật của chùa và đã đi vào ca dao như một nét đẹp của xứ Huế êm đềm và sâu lắng: Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Cương.
Bị triệt hạ để làm đàn tế Xã Tắc
Từ thuở vàng son dưới thời Minh Vương Nguyễn Phúc Chu, Thiên Mụ bấy giờ trở thành quốc bảo của triều đình. Tiếc thay, thuở vàng son ấy cũng lụi tàn theo thời cuộc bể dâu. Khi quân Trịnh dưới sự chỉ huy của lão tướng Hoàng Ngũ Phúc tiến vào vùng Phú Xuân (1774), cơ đồ họ Nguyễn cũng tan tành, tiếp đến là sự lan rộng của phong trào Tây Sơn dẫn đến sự kiện 1786. Thủ phủ của cả Đàng Trong chìm trong hoang phế, đổ nát.
Theo ghi chép của Phan Huy Ích trong tập Dụ am ngâm lục, thì dưới triều Tây Sơn, chùa Thiên Mụ bị triệt hạ, nền chùa được san bằng để làm đàn tế Xã Tắc. Rồi sau sự kiện 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Gia Long, kể từ đó cho đến đời vua Khải Định đều dành sự ưu ái cho chùa Thiên Mụ. Được vua Minh Mạng liệt vào một trong bốn Quốc tự của vùng Kinh sư. Đặc biệt, vua Thiệu Trị là người có công lao to lớn trong việc trùng hưng chùa Thiên Mụ. Năm 1844, vua Thiệu Trị cho xây tháp Từ Nhân, cao 21,28m. Tháp dựng xong vua cho đổi thành Phước Duyên Bửu Tháp và dựng bia ghi dấu.
Vua Tự Đức trị vì trong một bối cảnh đất nước gặp rất nhiều khó khăn, anh em tranh chấp ngôi báu, ngoại xâm tấn công, dân tình không đồng thuận, bản thân nhà vua lại đau ốm, bệnh tật không có con. Vì thế nhà vua ngờ rằng ông đã có việc gì đó khinh động đến trời nên bị quở phạt. Để tạ tội, năm 1862, vua Tự Đức hạ chỉ đổi tên tất cả các địa danh có chữ Thiên (trời) sang chữ khác. Vì thế chùa tên là Thiên Mụ được đổi thành Linh Mụ. Bảy năm sau khi đổi tên, mệnh vua không có gì đổi thay cho nên vào năm 1869, nhà vua hạ chỉ trả lại tên chùa là Thiên Mụ.
Từ năm 2003 - 2006, chùa Thiên Mụ đã được đại trùng tu với 18 hạng mục công trình khác nhau. Có lẽ sau hàng trăm năm rồi mới có một lần trùng tu lớn và toàn diện như vậy. Lần trùng tu này do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng và nhà chùa tiến hành với tổng kinh phí hơn 26 tỉ đồng.
Dẫu nghiên cứu rất kỹ lịch sử chùa Thiên Mụ trong đó có các tư liệu từ thời chúa đến thời các vua Nguyễn (bao gồm cả hệ thống văn bia), nhưng khi trùng tu chùa, chúng tôi chủ yếu căn cứ vào hiện trạng kiến trúc đang tồn tại. Đây là việc làm phù hợp với Luật Di sản Văn hóa và những công ước Quốc tế về bảo tồn mà Việt Nam đã tham gia.
Chúng ta cũng biết là chùa Thiên Mụ đã trải qua rất nhiều lần trùng tu, thay đổi nên quy hoạch và diện mạo kiến trúc của ngôi chùa trong các thời kỳ lịch sử không giống nhau là lẽ đương nhiên.
Nhưng có một điểm có thể khẳng định là từ sau lần đại trùng tu dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu trở đi, thì chùa đã ảnh hưởng rất rõ lối kiến trúc cung đình với kiểu bố trí theo một trục trung tâm cùng các công trình đối xứng hai bên. Dĩ nhiên là từ thời Nguyễn trở về sau thì điều này càng thể hiện rõ hơn.
“Chùa Thiên Mụ là một địa chỉ du lịch nổi tiếng của Cố đô Huế. Hàng năm có cả triệu lượt khách đến thăm viếng chùa Thiên Mụ, vì vậy giải quyết cho tốt các vấn đề giữa bảo tồn và phát triển du lịch tại đây cũng không hề dễ dàng, nó đòi hỏi sự cộng tác và nỗ lực của cả chính quyền, các doanh nghiệp khai thác du lịch, dịch vụ, người dân và nhà chùa. Cũng như mọi người dân Huế, tôi mong chùa Thiên Mụ với ngọn tháp Phước Duyên cao vút, nổi bật bên dòng Hương Giang xinh đẹp sẽ mãi mãi là một trong những biểu tượng văn hóa bất diệt của mảnh đất này”.
Link nội dung: https://cmp.edu.vn/chua-thien-mu-xay-dung-nam-nao-a27492.html