Cây me tây

CÂY ME TÂY Cây Me Tây là loài cây bóng mát có bóng mát rộng. Cây cho những bông hoa tím rực rỡ và khá bắt mắt. Cây thích hợp trồng những nơi có không gian rộng như đô thị đường phố, công viên…

THÔNG TIN CHI TIẾT : Tên gọi và xuất xứ Tên thường gọi: Me Tây, Muồng Ngũ, Cây Còng, Muồng lá lạc Tên khoa học: Samanea saman Họ thực vật: Fabaceae (họ Đậu) Me Tây là loài cây có nguồn gốc từ Châu Mỹ nhiệt đới. Tại Việt Nam, cây Me Tây được du nhập vào và hiện được trồng khắp các vùng miền.

Cây me tây

Đặc tính, Hình thái cây me tây - Muồng ngủ Me Tây là cây gỗ lớn, khi trưởng thành có thể cao từ 15-25m, trong điều kiện thích hợp có thể cho chiều cao đến 50m. Thân cây mập, đường kính thân và tán rất lớn có khi đạt đến 30m. Me Tây phân cành nhánh nhiều, cành non có lông tơ nhung. Tán lá rậm rạp, luôn luôn xanh có hình mâm sôi hay hình dù. Cây Me Tây có lá kép lông chim 2 lần chẵn với 2 - 8 cặp lá nhỏ. Phiến lá hình trái xoan thuôn, gần như tròn. Lá Me Tây ngủ trước khi mặt trời lặn hoặc khi trời chuyển mưa. Hoa của cây Me Tây là cụm hoa hình đầu thưa, cuống chung dài, cuống hoa ngắn. Hoa có cánh tràng màu hồng mềm mại làm nền cho 20 nhị màu hồng, dài, thò thẳng ra ngoài. Khi hoa nở bung với hương thơm thanh nhã vừa làm cho bầu không khí thoáng đãng hơn, vừa làm hồng cả một góc trời nhìn rất đẹp. Qủa của cây Me Tây là quả đậu, dẹp, vỏ có màu nâu đen không nứt, dài từ 10-20cm.

Cây Me Tây có tốc độ sinh trưởng cực nhanh, thích nghi với mọi điều kiện khí hậu, phù hợp với đa số các loại đất. Cây có khả năng chịu hạn cao nên trồng được ở cả nhưng nơi có điều kiện khắc nghiệt.

Ưu điểm và lợi ích từ cây Me tây (Muồng ngủ)

Cây Me Tây dùng làm cây bóng mát, cây cảnh quan rất tốt. Cây thường được trồng ở công viên, khu dân cư đô thị, trồng đường phố, trong các công trình công cộng như bệnh viện, khuôn viên trường học, kí túc xá hoặc trồng tạo bóng mát trong sân vườn biệt thự,… Cây ít bị đổ ngã, tróc gốc do gió bão nên còn được trồng thành hàng rào ven biển làm cây chắn gió, bão cát…

Cây me tây

Với cái tên tượng hình - Muồng ngủ - đủ cho bất kì ai quan tâm có thể nhận dạng được, bởi chỉ cần chịu khó đợi đến hoàng hôn, sẽ thấy toàn bộ lá của cây dần dần xếp lại như kiểu xếp lá thẹn thùng của loài cây Trinh nữ mỗi khi chịu một sự va chạm nho nhỏ nào đó. Toàn bộ lá Muồng ngủ không chỉ lim dim ngủ lúc ngày chuyển đêm mà cũng khép nép rũ mình khi trời mây vần vũ chuyển mưa, vì vậy có tên tiếng Anh là Rain tree. Nhờ vậy, vòm tán Muồng ngủ đã nhường những khoảng không gian đủ cho sương sa vào những đêm mùa hạ, đủ cho những hạt mưa trái mùa phát tán theo chiều trọng lực, khiến cho những loài cây cỏ nhỏ hơn sống ở tầng bên dưới đêm đêm đủ oxy để thở, hay đủ hơi ẩm để tắm mình… nhờ thế mà xanh tươi cùng vạn vật, xanh hơn hẳn những thảm cỏ chung quanh.

Quả của muồng ngủ dạng quả đậu dẹp, trông như quả me nên nó còn có tên là Me tây tương ứng với tên tiếng Anh là French tamarind, và có lẽ đây là một loại quả hợp khẩu vị với loài khỉ ở vùng nguyên sản, nên nó lại có tên là Monkey pod. Người Châu Mỹ Latin dùng lá để chăn nuôi trâu, bò, dê nên gọi tên cây là Cow tamarind, cũng dùng quả làm nước giải khát nên gọi tên cây là Coco tamarind….

Ở Việt Nam, cây muồng ngủ được trồng rộng rãi làm cây che bóng ở nhiều thành phố từ Bắc chí Nam như Hà Nội, Huế, Tp Hồ Chí Minh… và nhiều thành phố khác ở Miền Trung và Tây nguyên. Muồng ngủ xuất hiện trong hệ thống cây xanh đô thị với nhiều tên gọi khác nhau: Muồng ngủ, Điệp tây, Me tây, Còng… Với những ưu điểm nổi bật như cành nhánh dẻo dai, mang lá kép với những lá chét nhỏ và luôn xếp lại lúc trời mưa, nên ít chịu trọng lực của lượng nước mưa lúc mưa lớn, ít cản gió lúc gió to, nhờ vậy ít gãy cành mặc dù cành nhánh tỏa rất rộng.

Cây me tây Đây là một trong những kiện tướng tỏa bóng trong làng cây xanh đô thị, một cây tuổi lên năm trên nền đất thích hợp đã đủ tỏa bóng cho một không gian cả trăm mét vuông. Cây muồng ngủ sinh trưởng rất nhanh, biên độ sinh thái rộng, thích nghi với mọi điều kiện khí hậu, thời tiết, địa hình, có rễ cọc ăn sâu, rễ con nhiều và lan rộng, chịu được đất chua, úng, đồng thời chịu được khô hạn rất tốt, rất ít tróc gốc khi gặp bão, vì thế nó được chọn trồng ở nhiều nơi, rất thích hợp cho các công viên lớn, các khuôn viên công sở, trường học và cả trên vỉa hè rộng hoặc các bờ sông, con nước. Cây muồng ngủ cho hoa dạng cụm hình đầu, hoa nhỏ, khi hoa nở các nhị màu hồng hay tím nhạt bung ra tua tủa rất đẹp và phảng phất hương thơm dịu nhẹ rất thích hợp để tôn tạo cảnh quan.

Nhiều bộ phận cây muồng ngủ cũng có tác dụng làm thuốc như: vỏ và lá cây muồng ngủ được dùng trị bệnh tiêu chảy (Philippines), rễ cây dùng trị bệnh ung thư dạ dày (Venezuela), hạt được dùng để nhai trị vết thương ở vùng hầu họng (West Indies). Gỗ Muồng ngủ chắc, có thớ mịn và vân đẹp có thể dùng làm mộc mỹ nghệ, chế biến thành các thương phẩm lưu niệm đặc trưng rất hay, chẳng hạn như ở Hawai, người ta dùng nó để làm muỗng, nĩa và các đồ treo tường trang trí. Ở Việt Nam, ngoài việc trồng tạo bóng và tôn tạo cảnh quan, chưa thấy có mô hình trồng rừng lấy gỗ nguyên liệu hay trồng làm vành đai phòng hộ, che bóng cho các cây công nghiệp, trong lúc ở nhiều nước trên thế giới, nó được xem là cây che bóng tốt cho các đồn điền cà-phê.

Link nội dung: https://cmp.edu.vn/anh-cay-me-a28152.html