5 Nghi lễ trong phong tục cưới hỏi truyền thống ở Việt Nam

Cưới hỏi của người Việt Nam là tập tục truyền thống với rất nhiều nghi thức, thủ tục với những ý nghĩa đặc biệt riêng. Bên cạnh đó, lễ cưới, lễ ăn hỏi thường đi kèm với cả những trang phục đặc trưng mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Việt. Hãy cùng tìm hiểu về 5 Nghi lễ trong phong tục cưới hỏi truyền thống ở Việt Nam và các trang phục truyền thống được thể hiện trong bài viết dưới đây.

1. Lễ đầu tiên - Lễ dạm ngõ (Xem mặt, chạm ngõ)

Đây có thể coi là nghi lễ đầu tiên trong phong tục hôn nhân của người Việt nhằm chính thức hóa quan hệ hôn nhân giữa hai người. Buổi lễ này thường khá đơn giản, nhà trai đến nhà gái gặp gỡ, nói chuyện và đặt vấn đề chính thức cho việc tìm hiểu giữa đôi nam nữ để quyết định tiến tới hôn nhân.

Về bản chất, nghi lễ này thường mang ý nghĩa về mặt văn hóa, nghi thức đơn giản và cũng không cần những lễ vật rườm rà, tuy nhiên nó lại cũng rất quan trọng trong việc đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc hôn nhân trọn vẹn. Vậy nên dạm ngõ là một nghi lễ không thể bỏ qua trong đám cưới truyền thống của người Việt, thể hiện được sự chu đáo, tươm tất và tinh thần trách nhiệm cho hạnh phúc của đôi nam nữ nói riêng và hạnh phúc của hai bên gia đình nói chung.

2. Lễ ăn hỏi

Lễ ăn hỏi là nghi lễ thứ hai trong phong tục cưới hỏi và là nghi lễ quan trọng đối với nhà gái. Sau khi hai bên gia đình nói chuyện, tìm hiểu và xem ngày lành tháng tốt, nhà trai sẽ chuẩn bị các lễ vật do nhà gái yêu cầu và chàng trai chính thức xin được nhận làm rể của nhà gái.

Đây có thể nói là giai đoạn quan trọng nhất của quan hệ hôn nhân, được xem như lễ đính hôn và thông báo chính thức về việc hứa gả con cái giữa hai họ. Nhà gái cũng sẽ chuẩn bị mâm cỗ để tiếp đón nhà trai, mọi thủ tục ăn hỏi đều tiến hành tại nhà gái. Quá trình này thường đi kèm với nhiều thủ tục liên quan như thắp hương, làm lễ gia tiên, ra mắt quan viên hai họ, mời trầu quan khách,...

Trang phục áo dài truyền thống rất được ưu tiên trong lễ ăn hỏi này

Trong ngày này, cô dâu thường diện trang phục áo dài cưới truyền thống, chú rể cũng có thể lựa chọn giữa áo dài ngũ thân hoặc áo vest. Lễ ăn hỏi thể hiện nhiều những nét đẹp trong phong tục cưới hỏi của người Việt xưa, vậy nên những lễ vật, trang phục cũng được thể hiện theo phong cách truyền thống. Tùy theo số lượng lễ mà nhà gái yêu cầu, số lượng người đưa - rước lễ vật cũng được sắp xếp tương ứng. Thông thường sẽ có các chàng trai đưa lễ vật cho bên nhà trai sắp xếp và các cô gái đội lễ đại diện cho nhà gái đỡ lễ vật vào nhà. Những cô gái và chàng trai đỡ lễ này đều sẽ diện đồng phục là áo dài truyền thống, thể hiện nét đặc trưng văn hóa dân tộc Việt trong ngày lễ quan trọng của đời người.

Áo dài cưới cô dâu được thiết kế đặc biệt

Trang phục áo dài ăn hỏi của cô dâu được thiết kế đặc biệt, không quá đơn điệu như áo dài học sinh, lại cũng không quá cầu kỳ như áo dài dạ hội. Áo dài ăn hỏi của cô dâu thường là màu đỏ hoặc màu trắng, được thêu đính nhiều họa tiết hoa văn cầu kỳ, thể hiện sự tinh khiết, dịu dàng của cô dâu cũng như mong muốn sự sung túc, may mắn, bình an và hạnh phúc. Áo dài cô dâu toát lên vẻ nữ tính, uyển chuyển và được thêu dệt bằng các họa tiết của văn hóa dân tộc, vậy nên nó mang trong mình những ý nghĩa đặc trưng không thể bị thay thế bởi bất kỳ bộ trang phục nào khác.

Áo dài ngũ thân chú rể được thiết kế với các họa tiết hoa văn đặc biệt

Nhằm đồng bộ với áo dài ăn hỏi truyền thống của cô dâu, nhiều chú rể thay vì chọn áo vest hiện đại đã chọn áo dài nam để tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống. Áo dài ngũ thân cách tân hiện đại dành cho nam giới là một gợi ý với thiết kế đặc biệt và mang nhiều ý nghĩa cũng như nhân cách con người. Nét đẹp trong tà áo dài ngũ thân không chỉ đến từ đường kim mũi chỉ, các chi tiết thêu rồng phượng mà còn là sự biểu trưng của tứ thân phụ mẫu, lòng chính trực và đức độ của người quân tử. Chú rể mặc áo dài ngũ thân sánh vai cùng cô dâu thắp hương làm lễ cúng gia tiên thể hiện nét đẹp trong nhân cách con người cùng sự mưu cầu hạnh phúc và tấm lòng sẵn sàng chở che cho cô gái của chàng trai.

Bên cạnh đó, áo dài ăn hỏi cho bà sui cũng được chú trọng trong kiểu dáng cũng như thiết kế. Áo dài ăn hỏi khác với áo dài cưới cho các mẹ, tuy nhiên lại hay bị nhầm lẫn. Nếu như áo dài ăn hỏi cho các mẹ được thiết kế sang trọng nhưng vẫn tạo cảm giác gọn gàng, năng động, thì áo dài cưới con dành cho các mẹ lại được thiết kế với nhiều chi tiết và trang trọng hơn, phù hợp hơn với hoàn cảnh đứng trên sân khấu vào ngày cưới chính thức của con cái. Áo dài ăn hỏi của các mẹ trong ngày ăn hỏi này thể hiện nét đẹp truyền thống, quý phái, đồng thời cũng không quá cầu kỳ, phù hợp cho mẹ sui di chuyển thuận tiện trong lễ ăn hỏi, đưa rước lễ vật và một số các hoạt động khác.

Như vậy, áo dài truyền thống cô dâu - chú rể hay áo dài ăn hỏi bà sui mang đến rất nhiều ý nghĩa về sự sum vầy, sung túc cũng như mong muốn sự may mắn của đôi bạn trẻ. Đó cũng là lý do mà trang phục áo dài thường được lựa chọn trong những ngày này, thể hiện nhiều những ý nghĩa và nét đẹp văn hóa đằng sau bộ trang phục.

3. Lễ xin dâu

Xin dâu là một nghi thức nhỏ được thực hiện trước khi chính thức thực hiện nghi lễ rước dâu của người Việt. Nghi lễ này cũng được thực hiện khá đơn giản, tuy nhiên vẫn cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm thể hiện sự tôn trọng của gia đình nhà trai đối với gia đình nhà gái.

Trong nghi lễ này, đại diện nhà trai sẽ đem tráp xin dâu qua nhà gái để tiến hành xin dâu và báo trước giờ đoàn đón dâu sẽ đến để nhà gái chuẩn bị đón tiếp. Đây được xem như một lời xin phép sau cùng của nhà trai trước khi chính thức đưa con gái về làm dâu nhà mình. Mặc dù đã có rất nhiều những quy ước từ trước, song, lễ xin dâu vẫn được thực hiện nhằm đề phòng mọi bất trắc cũng như thể hiện sự tôn trọng của nhà trai đối với nhà gái. Lễ xin dâu chính là biểu hiện của sự cẩn trọng trong hôn lễ truyền thống của người Việt được gìn giữ qua bao thế hệ.

4. Lễ rước dâu

Sau thủ tục xin dâu của đại diện gia đình nhà trai tại nhà gái, chú rể sẽ mang hoa cưới cùng các lễ vật đến chính thức đón cô dâu về nhà. Theo phong tục truyền thống, tại nghi lễ này hai bên gia đình sẽ trao quà cho nhau cũng như của hồi môn tượng trưng cho lời chúc hạnh phúc đôi vợ chồng trẻ. Lễ cưới chính thức được tổ chức tại gia đình nhà trai cùng các chương trình nhạc hiệu nhằm tạo bầu không khí chung vui trong ngày vui của hai người.

Tại lễ này, cô dâu sẽ mặc trang phục váy cưới màu trắng, chú rể mặc vest, mẹ cô dâu - chú rể cũng như các dì, các cô, các bác đều sẽ ưu tiên chọn lựa trang phục áo dài truyền thống nhằm thể hiện sự trang trọng, lịch sự cũng như vẻ đẹp kín đáo của văn hóa người Việt. Trang phục áo dài cưới của mẹ cô dâu - chú rể cũng được chú trọng hơn cả, trang phục áo dài thể hiện sự sang trọng, quý phái nhưng cũng không được quá đơn điệu.

Các mẹ là người đặc biệt quan trọng trong đám cưới, là đấng sinh thành và nuôi dạy con cái trưởng thành cho đến ngày này, vậy nên trang phục áo dài cưới cho các mẹ phải thể hiện được sự tinh tế, là lòng biết ơn của con cái đối với người mẹ của mình, áo dài cưới cho mẹ sui cũng phải phù hợp hơn với hoàn cảnh đứng trên sân khấu, ra mắt quan khách hay chụp ảnh gia đình. Các trang phục này được thiết kế tỉ mỉ, chi tiết cùng chất liệu cao cấp sẽ mang lại cảm giác thoải mái cho người mặc, đồng thời thể hiện những ý nghĩa không chỉ là bộ trang phục mà còn là ý nghĩa về sự tôn vinh ngày trọng đại mang lại dấu ấn gia đình.

Áo dài bà sui trong lễ cưới được thiết kế đặc biệt sang trọng và mang nhiều ý nghĩa

Sau khi các nghi lễ được hoàn thành, buổi tiệc chung vui chúc mừng hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ chính thức bắt đầu. Tại đây, các quan khách được mời tiệc mặn cùng rượu ngon và cau trầu, cô dâu - chú rể sẽ đi đến từng bàn tiệc nhằm chúc rượu và chính thức thông báo về mối quan hệ vợ chồng cũng như mối quan hệ của hai bên gia đình.

Trong lễ cưới truyền thống, thường sẽ không có những quy định bắt buộc cho trang phục của khách mời, tuy nhiên, tại một số buổi tiệc sang trọng hay được tổ chức tại nhà hàng, khách sạn, các quan khách khi được mời tới dự tiệc cưới cũng sẽ có thông báo về quy định màu sắc hay kiểu dáng trang phục nhằm đồng bộ và làm nổi bật nhân vật chính của buổi tiệc. Các quy tắc về trang phục hay còn gọi là dresscode mang lại sự sang trọng và đồng bộ hóa cho các sự kiện quan trọng, trong đó có lễ cưới của người Việt hiện đại và thường sẽ được các khách mời tuân thủ nhằm thể hiện sự tôn trọng đối với cô dâu - chú rể.

5. Lễ lại mặt

Lễ lại mặt là thủ tục cuối cùng sau đám cưới. Thông thường, thời gian này đôi vợ chồng trẻ sẽ về lại mặt nhà gái ngay sau ngày cưới và mang theo những đồ lễ do gia đình nhà trai chuẩn bị như gà trống, gạo nếp, bánh kẹo, rượu thuốc,... Cô dâu chú rể sẽ ở lại ăn cơm cùng bố mẹ vợ vào ngày này.

Lễ lại mặt được tổ chức không quá cầu kỳ nhưng lại cũng rất quan trọng. Đó là sự thể hiện lòng biết ơn của cô dâu đối với đấng sinh thành đã nuôi nấng mình trong từng ấy thời gian, là lòng biết ơn của chú rể đối với bố mẹ vợ khi đã nuôi dạy cô dâu thành người và đồng ý gả cho chú rể, cùng với đó là những lời răn dạy của bố mẹ cô dâu khi cô chính thức về làm dâu nhà chồng. Chẳng bởi vậy mà người xưa mới có thơ rằng:

“Con gái là con người ta.

Con dâu mới thật mẹ cha mua về.”

Khác với đám cưới, những bộ đồ được cô dâu - chú rể mặc trong lễ lại mặt thường là những bộ đồ đơn giản, thoải mái và không quá phức tạp, cầu kỳ. Sính lễ lại mặt cũng không cần quá phức tạp, tuy nhiên phải thể hiện được lòng thành kính, sự trân trọng và thái độ vui vẻ đối với bố mẹ vợ. Ngày nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều nơi đã không còn quá xem trọng lễ lại mặt mà thay bằng những hình thức khác đơn giản hơn. Tuy nhiên, lễ lại mặt vẫn là một nghi lễ quan trọng trong đám cưới truyền thống của người Việt cần phải được gìn giữ.

Tổng kết

Phong tục cưới hỏi truyền thống của người Việt trải qua nhiều giai đoạn lịch sử đã có nhiều biến đổi, tuy nhiên, đám cưới của người Việt hiện nay vẫn trải qua 5 nghi lễ như đã nêu trong bài viết trên nhằm giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cũng như những ý nghĩa quan trọng về một ngày lễ trọng đại của đời người.

Trang phục áo dài cưới cô dâu hay áo dài ngũ thân chú rể thể hiện niềm tự hào dân tộc, vừa giúp tôn lên nét đẹp dịu dàng, quyến rũ, thanh lịch của cô dâu vừa toát lên vẻ chững chạc, điềm đạm của chú rể. Cùng với đó, áo dài cưới, áo dài ăn hỏi bà sui cũng chính là sự thể hiện lòng thành kính, tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ Việt cũng như thể hiện lòng biết ơn về công lao sinh thành, nuôi dưỡng và đức hy sinh của người mẹ đối với con cái, với gia đình, tất cả vẻ đẹp ấy đều được thể hiện thông qua hình ảnh chiếc áo dài truyền thống cho các mẹ.

Áo dài là một trong những nét đẹp văn hóa trong cách ăn mặc của dân tộc Việt Nam, ngoài ra còn là một biểu tượng quốc phục không lẫn với bất cứ trang phục truyền thống nào khác trên thế giới. Và áo dài đã trở thành trang phục được đánh giá là một trong những trang phục truyền thống đẹp nhất. Cũng vì thế mà áo dài trở thành trang phục không thể thiếu trong lễ cưới truyền thống của người Việt. Ngày nay, áo dài luôn được lựa chọn là trang phục chính trong lễ ăn hỏi. Ngoài ra, ở một số vùng miền áo dài trở thành lễ phục bắt buộc trong lễ cưới.

Hy vọng rằng những thông tin trên đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về 5 Nghi lễ trong phong tục cưới hỏi truyền thống ở Việt Nam và ý nghĩa của những trang phục áo dài truyền thống. ĐỖ TRỊNH HOÀI NAM mong muốn góp một phần nào đó vào công cuộc giữ gìn, phát triển và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống Việt thông qua trang phục áo dài ấy, đưa những nét đẹp của tinh hoa văn hóa dân tộc hòa cùng phong tục cưới hỏi không thể thay thế của người Việt.

Link nội dung: https://cmp.edu.vn/cuoi-hoi-a28885.html