Nguồn gốc, ý nghĩa ngày vía Thần Tài

Nguồn gốc của ngày vía Thần Tài

Tục thờ Thần Tài có xuất xứ từ Trung Quốc. Thần Tài là vị thần cai quản tiền bạc và của cải. Có rất nhiều sự tích kể về Thần Tài nhưng biết đến nhiều nhất là câu chuyện kể về Triệu Công Minh, người đã giúp Khương Tử Nha đánh Trụ Vương. Sau khi tử trận, Triệu Công Minh được phong làm Chính Nhất Long Hồ Huyền chân quân, thống lĩnh bốn vị thần trên trời là Chiêu Bảo - Nạp Trân - Chiêu Tài - Lợi Thị. Vì thế mà ông được cho giữ chức vụ cai quản tiền bạc, của cải. Trong dân gian, mọi người thường thờ cúng Thần Tài để cầu mong tài lộc, may mắn sẽ đến với họ.

Ngoài ra, còn một câu chuyện khác về ngày Thần Tài: Một lần do uống rượu quá say, vị Thần Tài lỡ chân ngã xuống trần gian và bị mất trí nhớ, quên mất mình là ai. Sống lang thang và không biết làm việc gì, ông đi ăn xin để sống qua ngày.

Gặp một vị chủ quán tốt bụng, ông được mời vào và ăn một bữa thịnh soạn. Quán đang rất vắng khách nhưng khi ông lão ăn xin bước vào thì bỗng dưng khách ra vào tấp nập, để ý thấy điều này ông chủ quán giữ ông lão ở lại để việc làm ăn buôn bán được thuận lợi.

Thần tài là vị thần cai quản vàng bạc, của cải trong gia đình
Thần tài là vị thần cai quản vàng bạc, của cải trong gia đình

Sau một thời gian ông lão ăn xin bắt đầu nhớ lại được mọi chuyện và trở về trời. Ngày ông bay về trời là ngày mùng 10, vì thế mà dân gian đã xem ngày 10 hằng tháng là ngày Thần Tài. Ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch là ngày vía Thần Tài đầu tiên của năm.

Cũng có sách viết rằng có một người lái buôn Trung Hoa tên là Âu Minh khi đi qua hồ Thanh Thảo tình cờ gặp Thủy Thần và được thần cho một người gia nhân tên là Như Nguyện. Âu Minh đem Như Nguyện về nuôi ở trong nhà, từ đó công việc làm ăn của Âu Minh mỗi ngày một phát đạt.

Trong một ngày Tết, vì một lý do nào đó, Âu Minh đánh Như Nguyện. Như Nguyện quá sợ hãi bèn chui vào đống rác và biến mất. Từ đó, Âu Minh làm ăn thua lỗ, chẳng mấy chốc nghèo xác nghèo xơ. Dân gian coi Như Nguyện là Thần Tài và lập bàn thờ Như Nguyện, cũng chính vì thế mà bàn thờ Thần Tài thường nằm ở một góc khuất trong nhà. Theo điển tích này, trong 3 ngày Tết có tục kiêng quét nhà, hốt rác vì sợ làm mất Thần Tài ẩn trong đống rác.

Ý nghĩa ngày vía Thần Tài

Ngày vía Thần Tài vô cùng quan trọng với giới doanh nhân, thương nhân. Đây không chỉ là ngày cảm ơn Thần Tài đã phù hộ cả 1 năm qua mà còn là ngày mong đổi vía, lấy vía của Thần Tài để phù hộ cho gia chủ 1 năm làm ăn sung túc.

Một bàn lễ cúng ngày vía Thần Tài
Một bàn lễ cúng ngày vía Thần Tài

Đầu năm, hầu hết các gia đình người Việt đều có lễ đón Thần Tài theo phong tục dân gian cho rằng đầu năm cần chào đón Thần Tài từ thiên đình về hạ giới. Lịch trình cụ thể là mùng 2 làm lễ đón Hỷ thần (thần may mắn, hạnh phúc), mùng 3 đón Tài thần (thần tài lộc), mùng 4 đón tiếp các vị thần khác từ thiên đình về hạ giới, mùng 5 là ngày phá trừ, dỡ bỏ đồ cúng. Riêng với các cửa hàng kinh doanh thì cúng Thần Tài hằng ngày.

Người dân mua vàng ngày vía thần tài để mong may mắn tài lộc trong năm
Người dân mua vàng ngày vía thần tài để mong may mắn tài lộc trong năm

Người dân thường đi mua vàng trong ngày "vía Thần Tài" mùng 10 tháng Giêng, mong được may mắn tài lộc trong năm mới.

Tuy nhiên, không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, việc mua vàng đầu năm cũng được coi là một hình thức tiết kiệm của người Việt Nam.

Trong tâm lý, thói quen của người Việt, vàng vẫn được coi là kênh đầu tư và "giữ tiền" an toàn nhất. Hầu như trong mỗi gia đình được coi là đủ điều kiện thì đều có một vài chỉ vàng "giắt lưng" đề phòng khi cần chi tiêu.

Những điều để gia đình may mắn tài lộc cả năm trong ngày vía Thần Tài

Lau dọn bàn thờ Thần Tài

Bàn thờ Thần Tài đặt dưới đất, nơi trang nghiêm hướng ra cửa chính. Bàn thờ là một chiếc khảm nhỏ sơn son thếp vàng, bên trong khảm là bài vị Thần Tài. Trước bài vị là bát hương kê trên một khay vàng giấy, hai bên bát hương là hai cây đèn nhỏ, một khay nước gồm 3 cốc nước và 2 chén rượu.

Trước khi cúng Thần Tài, bạn nên lau dọn bàn thờ Thần Tài cẩn thận. Cần tẩy trần bằng nước lá bưởi hay dùng một cái thau sạch sẽ chỉ chuyên dùng tắm rửa, tẩy uế... đổ nước sạch và pha một tí rượu trắng để tắm rửa cho cả Thần Tài và Ông Địa. Tiếp đó, lau chùi, dọn dẹp sạch sẽ, thoáng đãng bàn thờ của hai ông.

Chuẩn bị đồ cúng Thần Tài

Ngày thường, tùy vào điều kiện của từng gia chủ có thể cúng chay hoặc cúng mặn. Thông thường nhiều người cúng hoa quả. Tuy nhiên, trong ngày vía Thần Tài nên cúng mặn. Đồ cúng thường là các món ăn ngon như heo vịt quay, gà, hoa quả, nước uống hàng ngày…

Dân gian truyền miệng Thần Tài rất thích món Cua biển và heo quay, chuối chín vàng. Riêng hoa cúng Thần Tài, không nên dùng hoa giả, cần mua hoa tươi, có nụ, có hương thơm càng tốt. Quả cũng không nên dùng quả nhựa, quả nhân tạo không ăn được. Nên cúng Thần Tài bằng quả tươi, ngon. Người ta thường dùng táo, lê, chuối, cam, quýt để cúng.

Mua vàng để cúng và tích trữ

Theo truyền thống lâu đời, việc mua vàng được đặc biệt chú trọng trong ngày Thần Tài. Trong đời sống tâm linh của người Việt quan niệm rằng, xuất tiền mua vàng trong ngày Vía Thần Tài mồng 10 tháng Giêng sẽ được may mắn, công việc hanh thông, đắc tài đắc lộc, tiền bạc rủng rỉnh cả năm. Bên cạnh đó, việc mua vàng đầu năm cũng được coi là một hình thức tiết kiệm của người Việt Nam…

4 điều không nên làm khi cúng Thần Tài

Không được ăn mặc luộm thuộm, không mặc đồ rách khi cúng.

Không nói bậy, chửi tục trước, trong và sau khi cúng.

Lộc cúng chỉ cho người trong nhà mà không được mang cho người ngoài

Khi thờ cúng, nên dùng nến hoặc đèn dầu, không nên dùng đèn nhấp nháy và bóng điện vì chúng dễ tạo ra trường khí xấu, làm ảnh hưởng không tốt đến việc thờ cúng.

Dương Ngân tổng hợp

Link nội dung: https://cmp.edu.vn/via-than-tai-a35569.html