Thị xã Bắc Kạn: Quá trình vận động và phát triển đi lên trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Bắc Kạn

Trải qua những chặng đường lịch sử thăng trầm năm 1997, tỉnh Bắc Kạn được tái lập, thị xã Bắc Kạn trở thành trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa, xã hội của tỉnh. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Bắc Kạn đã chung sức, chung lòng, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, đưa thị xã phát triển thành một đô thị mới, xứng đáng là thành phố trực thuộc tỉnh.

Một góc thị xã Bắc Kạn ngày nay

Biến cố lịch sử và những thăng trầm của thị xã Bắc Kạn

Theo các tài liệu lịch sử ghi chép, thị xã Bắc Kạn được thành lập vào tháng 7/1901. Thị xã lúc đầu chỉ là một dãy phố nhỏ, từ đầu phố đến cuối phố dài gần 1km, chiều rộng khoảng 500m với hơn 100 người sinh sống. Những năm sau dần dần hình thành 3 dãy phố chính là: Định Bình (nay là khu vực phố Đức Xuân), Hoài Ân (nay là khu vực phố Phùng Chí Kiên), Tòng Hóa (nay thuộc khu vực phố Đội Kỳ) với khoảng 200 người vừa làm ruộng, nương và buôn bán nhỏ.

Xưa kia, do được chọn là trung tâm hành chính bộ máy thống trị của thực dân Pháp nên dân số ở thị xã ngày một đông và phố phường cũng được mở rộng. Sau ngày bầu cử Quốc hội khóa I nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (6/1/1946), thị xã Bắc Kạn có 5 phố được đặt theo tên các nhà yêu nước và chiến sỹ cộng sản đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đó là: Đội Kỳ, Đội Thân, Phùng Chí Kiên, Đức Xuân và Thành Tâm.

Với mục đích phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, năm 1965, tỉnh Bắc Kạn được hợp nhất với tỉnh Thái Nguyên thành tỉnh Bắc Thái, thị xã Bắc Kạn trực thuộc tỉnh Bắc Thái. Đến năm 1967, thị xã Bắc Kạn được giải thể trở thành thị trấn Bắc Kạn thuộc huyện Bạch Thông, rồi đến năm 1990 lại được tái thành lập trở thành thị xã Bắc Kạn thuộc tỉnh Bắc Thái. Những năm tỉnh Bắc Kạn sáp nhập với Thái Nguyên, hầu như thị xã Bắc Kạn không được đầu tư phát triển.

Đến ngày 1/1/1997, tỉnh Bắc Kạn được tái thành lập, thị xã Bắc Kạn từ một thị xã vùng trở thành thị xã tỉnh lỵ của tỉnh có diện tích tự nhiên là 13.688ha với 8 đơn vị hành chính gồm 04 phường: Đức Xuân, Sông Cầu, Nguyễn Thị Minh Khai, Phùng Chí Kiên và 04 xã: Huyền Tụng, Xuất Hóa, Nông Thượng, Dương Quang.

Khi mới tái lập tỉnh, giao thông của thị xã phần lớn là đường cấp phối và đường đất. Toàn thị xã có khoảng 10km đường nhựa thuộc đường tỉnh lộ 257 và đường quốc lộ 3 đoạn qua thị xã Bắc Kạn đã xuống cấp nghiêm trọng, không có hệ thống điện chiếu sáng. Toàn thị xã chỉ có duy nhất 1 bệnh viện với quy mô khoảng 50 giường bệnh. Cả thị xã có 01 trường THCS, 01 trường THPT và một số trường tiểu học, 01 nhà mẫu giáo liên cơ, hầu hết các trường lớp học đều bằng tranh tre, nứa lá, không đáp ứng được nhu cầu học tập của con em các dân tộc thị xã Bắc Kạn. Tỷ lệ học sinh đến trường và chất lượng đào tạo thấp. Hầu hết các thôn thuộc các xã ngoại thị đều chưa có điện chiếu sáng. Toàn thị xã chỉ có 1 trụ sở làm việc cũ với quy mô 3 tầng, diện tích khoảng 1.000m2 nhưng đã xuống cấp một nửa. Chưa có nhà máy cấp nước, hầu hết nước dùng cho sinh hoạt là từ giếng đào, nước sông và nước khe tự chảy. Hệ thống thoát nước tự chảy, chưa có quy hoạch.

Trước tình hình đó, thị xã Bắc Kạn đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề và các đề án phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tổ chức, điều hành và hướng dẫn nhân dân chuyển dịch mạnh nền kinh tế sang sản xuất hàng hóa, lấy năng suất, chất lượng hiệu quả kinh tế làm mục tiêu phấn đấu, xây dựng đô thị ngày một phát triển.

Giai đoạn 2000 - 2010, kinh tế - xã hội thị xã bắt đầu phát triển có tính đột phá. Các hoạt động thương mại - dịch vụ phát triển phong phú, đa dạng, thích ứng với cơ chế thị trường. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng. Trong 10 năm, cùng với sự hỗ trợ của cấp trên, thị xã đã đầu tư trên 100 tỷ đồng xây dựng các mục tiêu chính như: Điện, đường giao thông, trường học, nước sinh hoạt, thủy lợi… Đến năm 2010, 100% hộ dân trên địa bàn được sử dụng điện lưới quốc gia, 90% hộ dân sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh; 100% xã, phường có điện thoại liên lạc thông suốt và có điểm bưu điện văn hóa; bình quân lương thực đầu người đạt 170kg/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,03%...

Bứt phá lên đô thị loại III

Phát huy những thành tựu đã đạt được của giai đoạn trước, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và huy động hiệu quả các nguồn ngoại lực, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Bắc Kạn tiếp tục xây dựng, phát triển thị xã, thay đổi tích cực diện mạo đô thị.

Dưới sự chỉ đạo điều hành sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ và nhân dân Bắc Kạn, cơ cấu kinh tế của thị xã tiếp tục chuyển dịch một cách nhanh chóng và đúng hướng, tăng dần tỷ trọng thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng, giảm dần tỷ trọng nông - lâm nghiệp. Thị xã Bắc Kạn dần có diện mạo của một đô thị với không gian được mở rộng, hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng đồng bộ, cảnh quan đô thị ngày càng khang trang, văn minh, sạch đẹp; lĩnh vực văn hóa xã hội được quan tâm phát triển, an ninh quốc phòng được giữ vững, đáp ứng yêu cầu của một trung tâm tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Là đầu mối phân phối hàng hóa bán buôn, bán lẻ đi toàn tỉnh, trên địa bàn thị xã đã hình thành một hệ thống chợ, cửa hàng kinh doanh trong đó có 2 chợ lớn với tổng diện tích sàn xây dựng trên 10.000m2. Ngoài ra còn có một số lượng lớn các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp nhỏ hoạt động theo quy mô gia đình hoặc công ty TNHH tham gia kinh doanh trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ với các ngành nghề chủ yếu như: Cơ khí, sửa chữa ôtô, xe máy, lắp đặt trang bị nội thất, vận tải, may mặc, dịch vụ khách sạn, nhà hàng ăn uống, cửa hàng điện máy, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, đồ nội thất gia đình, mộc gia dụng, chế biến nông - lâm sản, dịch vụ xây dựng… Trên địa bàn thị xã cũng đã có sự góp mặt của nhiều Ngân hàng uy tín như: Ngân hàng đầu tư và phát triển Bắc Kạn, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn, Chi nhánh Ngân hàng Công thương Bắc Kạn, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và một số tổ chức tín dụng... là nơi luân chuyển nguồn vốn cho các doanh nghiệp và nhân dân, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế của thị xã.

Hệ thống đường giao thông được xây dựng và dần hoàn thiện. Mạng lưới giao thông đường bộ liên hoàn. Các tuyến đường giao thông nông thôn đến các xã đã được bê tông hóa đạt tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn. Đường liên xã, phường, liên thôn, tổ ngày càng được củng cố và hoàn thiện, vừa phục cho việc phát triển kinh tế - xã hội vừa tạo sự liên hoàn trong thế trận phòng thủ của thị xã.

Thị xã cũng đã thực hiện tốt công tác cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch, lắp đặt biển tên đường phố, số nhà, ngõ ngách trong 4 phường nội thị. Cơ sở hạ tầng thuộc các lĩnh vực xã hội được quan tâm đầu tư nâng cấp, nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng đạt hiệu quả thiết thực. Các công trình phúc lợi công cộng như: Nhà văn hoá cộng đồng, sân vận động, nơi biểu diễn nghệ thuật, nhà gửi trẻ... đã được đầu tư xây dựng và phát huy tốt hiệu quả. Phong trào xây dựng làng văn hoá, đơn vị văn hoá, gia đình văn hoá được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tốt trong toàn thị xã.

Mạng lưới y tế của thị xã được củng cố xây dựng đáp ứng với yêu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Hệ thống trường lớp được đầu tư xây dựng, đội ngũ giáo viên luôn được kiện toàn; chất lượng giáo dục được nâng cao. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thị xã luôn được ổn định giữ vững.

Chủ tịch UBND thị xã Bắc Kạn Lèng Văn Chiến nhận Quyết định công nhận đô thị loại III (Ảnh tư liệu)

Với những kết quả đã đạt được trong xây dựng và phát triển, tháng 8 năm 2012, thị xã Bắc Kạn đã được công nhận là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Bắc Kạn (theo Quyết định số 713-QĐ/BXD ngày 02/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng). Đây là cơ hội, tạo thế và lực mới đưa thị xã tiếp tục vươn lên xây dựng thị xã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Bắc Kạn.

Phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh

Trên nền tảng của là một đô thị loại III, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bắc Kạn nói chung và thị xã Bắc Kạn nói riêng tiếp tục tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nỗ lực phấn đấu xây dựng thị xã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, trong đó ưu tiên hàng đầu là xây dựng hạ tầng đô thị.

Để giải quyết bài toán về vốn xây dựng nâng cấp hạ tầng cơ sở, HĐND tỉnh khóa VIII đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 29/7/2013 về việc nhất trí dùng nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh để đầu tư xây dựng thị xã Bắc Kạn đạt tiêu chuẩn thành phố thuộc tỉnh vào năm 2015 với tổng số vốn đầu tư 41 tỷ đồng, trong đó: 9 tỷ đồng dành cho lập quy hoạch chi tiết 02 xã Xuất Hóa và Huyền Tụng, lập đề án thành lập 02 phường Xuất Hóa và Huyền Tụng, lập đề án thành lập Thành phố Bắc Kạn thuộc tỉnh Bắc Kạn; 16 tỷ đồng cho hoàn thiện các tiêu chí về hệ thống hạ tầng đô thị hiện nay còn thấp; 16 tỷ đồng cho giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đô thị loại III đã đạt.

Trong quá trình thực hiện nâng cấp hạ tầng cơ sở, thị xã Bắc Kạn đã đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm như: Nhà hợp khối trụ sở làm việc của Thị ủy - HĐND - UBND thị xã Bắc Kạn; thực hiện Đồ án quy hoạch chi tiết khu đô thị Xuất Hóa, khu đô thị Huyền Tụng và Đề án thành lập các phường Xuất Hóa, Huyền Tụng thuộc thị xã Bắc Kạn, Đề án thành lập thành phố Bắc Kạn thuộc tỉnh Bắc Kạn; tiến hành trồng cây xanh, cây cảnh, cây bóng mát trên các tuyến đường nội thị; sơn kẻ mặt đường, sơn kẻ chỗ đỗ xe; lắp đặt biển báo hiệu đường bộ; lát gạch vỉa hè đường Thanh Niên, đường Nguyễn Thị Minh Khai; sửa chữa duy tu Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ thị xã Bắc Kạn…

Cùng với đó, thị xã cũng đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư xây dựng và khai thác các kết cấu hạ tầng đô thị như: Xây dựng hệ thống điện chiếu sáng các ngõ hẻm; hoàn chỉnh dự án hạ tầng kỹ thuật khu đô thị phía Nam và khu tái định cư Đức Xuân; quy hoạch các khu chức năng bờ bắc sông Cầu; nâng cấp chợ Đức Xuân; xây dựng điểm mua bán tại khu dân cư Quang Sơn (phường Sông Cầu), chợ Nguyễn Thị Minh Khai; từng bước sắp xếp và hình thành các khu dịch vụ chức năng như phố ẩm thực, các khu vui chơi, giải trí, công viên hai bên bờ sông Cầu; xây dựng trường Trung học cơ sở Đức Xuân; Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề thị xã; hoàn chỉnh dự án xử lý rác thải tại thôn Khuổi Mật, xã Huyền Tụng...; thực hiện kịp thời công tác giải phóng mặt bằng, nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình dự án trọng điểm.

Đồng chí Hà Thị Hương - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị uỷ Bắc Kạn cho biết: Để xây dựng thị xã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Bắc Kạn, trong thời gian qua, thị xã tập trung giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí của đô thị loại III đã đạt được. Đồng thời đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy mạng lưới kinh doanh, dịch vụ phát triển; tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đô thị; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở; thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân; thực hiện giảm nghèo một cách bề vững, chống tái nghèo; xây dựng nếp sống văn minh đô thị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về nhận thức và sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong quá trình xây dựng và phát triển thị xã trở thành thành phố thuộc tỉnh…

Về chức năng đô thị, thị xã Bắc Kạn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội, chính trị của tỉnh Bắc Kạn. Trên địa bàn tập trung các cơ quan Đảng, Nhà nước, các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, các đơn vị lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp địa phương; có trung tâm văn hoá thông tin tỉnh, Nhà thi đấu đa năng hiện đại đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi tập luyện của nhân dân; là đầu mối giao thông quan trọng có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đô thị hoá; có nhiều thuận lợi về kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch; có vị trí rất thuận lợi nằm trên tuyến Quốc lộ 3 thông thương với các tỉnh trong vùng Đông Bắc - Bắc Bộ như Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Nội...

Thị xã Bắc Kạn là đô thị loại III có mật độ dân số nội thị là 9.466người/km2; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thị trên 80%; tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng của thị xã đạt trên 90%; thị xã đã lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị xã Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2010 - 2020, định hướng đến năm 2030, có 6/8 phường đã được lập quy hoạch chi tiết; khu vực nội thị của thị xã từng bước được đầu tư xây dựng tiến tới đồng bộ và thời gian xây dựng đồng bộ sau khi được công nhận đô thị loại III đến nay đã được hơn 2 năm; tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cũng đã đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Cơ cấu kinh tế của thị xã đến năm 2014 chuyển dịch theo đúng định hướng, trong đó: Thương mại - dịch vụ chiếm 54,2%, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm 38%, sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 7,8%. Thu nhập bình quân đầu người 22,36 triệu đồng. Các hoạt động văn hóa - thể thao được tổ chức thường xuyên, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Chất lượng giáo dục của thị xã tiếp tục đứng đầu toàn tỉnh. Công tác y tế, dân số hoạt động có hiệu quả. Công tác an sinh xã hội thường xuyên được quan tâm thực hiện. Năm 2014, thị xã đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,43%…

Nhìn lại chặng đường đã đi qua, diện mạo của thị xã Bắc Kạn hôm nay đã có thế và lực mới được nhân lên từ tiềm năng, thế mạnh sẵn có, từ các giá trị lịch sử, văn hóa, từ truyền thống đoàn kết, sự nỗ lực, đồng thuận của nhân dân. Thị xã Bắc Kạn đang đổi thay từng ngày..., xứng đáng trở thành thành phố trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội, chính trị của tỉnh Bắc Kạn./.

Link nội dung: https://cmp.edu.vn/thanh-pho-bac-can-a35582.html