Dự báo về mùa mưa và diễn biến bão năm 2024

Dự báo về mùa mưa và diễn biến bão năm 2024
Ảnh vệ tinh bão Saola vào cuối tháng 8 năm 2023. Ảnh: PASAGA

Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã đưa ra một số nhận định về xu thế khí hậu ở Việt Nam trong các tháng tiếp theo của năm 2024

Tổng hợp kết quả dự báo của các Trung tâm trên thế giới ở thời điểm hiện nay cho thấy, El Nino tiếp tục suy giảm dần về cường độ và có khả năng chuyển sang trạng thái trung tính trong tháng 5, tháng 6 (xác suất trên 70%), sau đó chuyển sang pha lạnh vào mùa tháng 7 - 8 với xác suất trên 60%.

Hoạt động của gió mùa mùa hè có khả năng bắt đầu muộn hơn đến xấp xỉ trung bình nhiều năm, cường độ yếu hơn ở đầu mùa và trung bình đến mạnh hơn ở giữa và cuối mùa. Mùa mưa ở Tây Nguyên, Nam Bộ có khả năng bắt đầu muộn hơn đến xấp xỉ trung bình nhiều năm.

Về xu thế nhiệt độ và cực đoan nhiệt độ, trên hầu hết cả nước, nhiệt độ cao hơn giá trị trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ tháng 5 - 7.2024 và xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm từ tháng 8 - 10.2024.

Nắng nóng trên phạm vi cả nước có thể xuất hiện nhiều hơn và gay gắt hơn, khả năng sẽ xuất hiện nhiều kỷ lục cao về nhiệt độ trong mùa hè năm nay.

Xu thế lượng mưa từ tháng 5 - 6.2024 có khả năng xấp xỉ trung bình nhiều năm ở Bắc Bộ; thấp hơn trung bình nhiều năm ở Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ. Từ tháng 7 - 9.2024, tổng lượng mưa có khả năng xấp xỉ trung bình nhiều năm ở Bắc Bộ, Trung Bộ; xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm ở Tây Nguyên, Nam Bộ.

Về hoạt động của xoáy thuận nhiệt đới, số lượng bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam trong năm 2024 sẽ nhiều hơn trong năm 2023, có thể ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm và tập trung vào nửa cuối của mùa bão.

Riêng khu vực miền Trung, số lượng xoáy thuận nhiệt đới có khả năng ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm. Trong ba tháng 5 - 7 năm 2024, số lượng xoáy thuận nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam có khả năng thấp hơn so với trung bình nhiều năm, đặc biệt ít có khả năng xuất hiện trong các tháng 5 - 6.

Điều kiện khô hạn, khu vực Bắc Trung Bộ có khả năng xảy ra tình trạng thiếu hụt nước trong mùa tháng 5 - 7; khu vực Nam Trung Bộ tình trạng hạn hán vẫn tiếp tục và có khả năng kéo dài đến tháng 7; khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tình trạng khô hạn vẫn tiếp tục và kéo dài đến giữa tháng 5.

Link nội dung: https://cmp.edu.vn/mua-mua-bao-o-mien-bac-vao-thang-may-a39316.html