Thực đơn

I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

Quảng Bình nằm trên dải đất miền Trung Việt Nam thuộc vùng sinh thái Bắc Trường Sơn, có tọa độ 17° 05' đến 18° 05' vĩ độ Bắc và giữa 106° 59' đến 107° 10' kinh độ Đông, phía Bắc giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Nam giáp tỉnh Quảng Trị, phía Tây giáp hai tỉnh Khăm Muộn và Savannakhet của nước CHDCND Lào với chiều dài đường biên giới là 201,87 km, phía Đông giáp biển Đông với chiều dài bờ biển là 116,04 km. Quảng Bình nằm trên trung lộ của các con đường chiến lược xuyên Việt là Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc Nam, cách Thủ đô Hà Nội 450 km về phía Nam, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 1.200 km về phía Bắc. Quốc lộ 12A chạy từ Đông sang Tây qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo và Tỉnh lộ 20 qua Cửa khẩu Cà Roòng nối liền với nước CHDCND Lào, một trong những cửa ngõ liên thông với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Tỉnh Quảng Bình có diện tích tự nhiên 8.065,27 km2, trong đó 85% diện tích là đồi núi. Tài nguyên đất đai của tỉnh được chia thành hai hệ thống chính: Đất phù sa ở vùng đồng bằng và hệ feralit ở vùng đồi, núi với 15 loại khác nhau. Toàn bộ diện tích được chia thành 04 vùng sinh thái khác nhau: Vùng núi cao, vùng đồi và trung du, vùng đồng bằng và vùng cát ven biển. Mỗi vùng sinh thái chứa đựng nhiều tiềm năng, triển vọng cho đầu tư và phát triển.

Quảng Bình là dải đất tương đối hẹp, có địa hình dốc từ phía Tây sang phía Đông. Vùng núi thuộc sườn phía Đông dãy Trường Sơn có độ cao từ 250 m đến 2.000 m với nhiều khu rừng rậm, núi non hiểm trở. Đỉnh Phi-cô-pi (Giăng Màn) tiếp giáp với nước CHDCND Lào là đỉnh núi cao nhất tỉnh (2.071 m).

Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, Quảng Bình luôn bị tác động bởi khí hậu pha trộn giữa miền Bắc, miền Nam và được chia làm hai mùa rõ rệt: Mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau; mùa khô từ tháng 4 đến tháng 8. Mùa mưa thường đi kèm với bão lũ, mùa khô gây hạn hán. Quảng Bình nằm trong vùng có lượng mưa lớn, bình quân từ 2.000 đến 2500mm/năm. Khu vực núi cao giáp biên giới Việt - Lào có lượng mưa còn lên tới 3.000mm/năm, ví dụ ở huyện Minh Hóa.

Lượng mưa lớn số lượng ngày mưa nhiều và rải đều trong năm đã tạo điều kiện ẩm ướt lý tưởng cho một khu hệ rừng nhiệt đới trên núi đá vôi điển hình có giá trị ngoại hạng toàn cầu.

Quảng Bình có diện tích rừng 486.688 ha, phần lớn là rừng tự nhiên. Độ che phủ rừng đạt gần 67,4% (năm 2010) đứng thứ 2 trong cả nước về độ che phủ rừng, chỉ sau tỉnh Bắc Cạn. Rừng có trữ lượng gỗ cao và có nhiều loài động thực vật quý hiếm. Phần lớn diện tích đồi núi Quảng Bình nằm trong vùng sinh thái Bắc Trường Sơn, là nơi có khu hệ động vật, thực vật đa dạng, độc đáo với nhiều nguồn gen quý hiếm, đặc trưng điển hình cho mẫu hình bảo tồn những giá trị đa dạng sinh học là vùng kast Phong Nha - Kẻ Bàng (PN-KB) và vùng đất thấp thuộc Khu vực Động Châu - Khe Nước Trong.

Di sản thiên nhiên thế giới VQGPNKB ở Quảng Bình có kiểu rừng độc nhất không tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên trái đất là rừng nhiệt đới thường xanh chủ yếu cây lá kim với ưu thế loài bách xanh núi đá Calocedrus rupestris và dưới tán là các loài Lan hài Paphiopedilum spp. phân bố trên núi đá vôi ở độ cao trên 700 - 1.000m. Ngoài ra, VQG còn có 15 kiểu rừng được xác định đã đem lại tính đa dạng cho các hệ sinh thái, trong đó kiểu rừng thường xanh trên núi đá vôi được xem là có tầm quan trọng quốc tế.

Thực đơn

VQGPNKB là một mẫu điển hình về những giá trị của các hệ sinh thái núi đá vôi trên thế giới, có ý nghĩa toàn cầu đối với bảo tồn đa dạng sinh học. Cho đến nay, đã xác định được sự có mặt của 2.953 loài thực vật bậc cao có mạch, 1.394 loài động vật, với 823 loài động vật có xương sống và 393 loài côn trùng. Chúng hầu hết là các loài bản địa trong khu vực. Có tới 121 loài thực vật và 116 loài động vật được ghi trong sách đỏ HHBTTNQT 2006, 28 loài động thực vật có giá trị kinh tế và khoa học cao đang bị đe dọa nguy cấp ở mức toàn cầu. Nhiều loài động vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới như về động vật có Voọc Hà Tĩnh, sao la, mang lớn, gà lôi các loại...; về thực vật có huê mộc, lim, gụ lau, táu, lát hoa, bách xanh...; dưới tán rừng còn có các loài thực vật có giá trị kinh tế cao như song mây, trầm hương, các loại dược liệu quý như sâm Bố Chính, sâm bảy lá một hoa, sa nhân, giảo cổ lam, cỏ máu...

Sự đa dạng về sinh cảnh núi đá vôi, hang động, núi đất... là điều kiện lý tưởng cho 09/21 loài Linh trưởng (43% Linh trưởng của Việt Nam) sinh sống phân bố ở Quảng Bình. Có 03 loài Linh trưởng bị đe dọa nguy cấp trên phạm vi toàn cầu là Voọc Hà Tĩnh (Trachypithecus hatinhensis), Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) và Vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys siki), trong số đó Voọc Hà Tĩnh là loài đặc hữu hẹp chỉ tìm thấy ở vùng núi đá vôi ở VQGPNKB và vùng lân cận. Diện tích núi đá vôi và thảm thực vật rừng nguyên sinh rộng lớn đã tạo điều kiện cho khu hệ Dơi noi đây phát triển dạng nhất ở Việt Nam, với 46 loài (chiếm 43% tổng số loài của Việt Nam), là một trong những điểm có tiềm năng lớn nhất Việt Nam và thế giới về bảo tồn các loài Dơi.

Thực đơn

VQGPNKB còn là một địa điểm quan trọng đối với công tác bảo tồn các loài sinh vật đặc hữu, với 419 loài thực vật đặc hữu của Việt Nam, 41 loài động vật đặc hữu của dãy Trường Sơn, trong số đó có 23 loài mới chỉ tìm thấy ở PN-KB.

Quảng Bình có 05 hệ thống sông chính, gồm các hệ thống sông Roòn, sông Gianh, sông Lý Hòa, sông Dinh và sông Nhật Lệ. Sông ngòi là mạch máu giao thông nối liền miền núi với đồng bằng, nông thôn và đô thị. Hệ thống sông suối tạo ra những lưu vực đa dạng sinh thái. Đặc biệt, tỉnh có 02 cửa sông lớn là cửa Gianh và cửa Nhật Lệ, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần mở rộng giao thương và hội nhập.

Bờ biển Quảng Bình trải dài với nhiều bãi tắm nước xanh biếc kế bên điệp trùng những cồn cát trắng - vàng, điểm xuyết có những bờ đá với cảnh quan ngoạn mục mà tiêu biểu là bãi Đá Nhảy ở bên đèo Lý Hòa, huyện Bố Trạch. Thềm lục địa rộng gấp 2,6 lần diện tích đất liền, hình thành ngư trường rộng lớn, trữ lượng hải sản khoảng 99.000 tấn với 1.659 loài, trong đó có nhiều loài quý hiếm như tôm hùm, tôm sú, mực ống, mực nang. Phía Bắc tỉnh, dưới chân đèo Ngang có vịnh nước sâu Hòn La cùng nhiều đảo nhỏ thuận lợi cho tàu thuyền neo đậu. Hòn La đã được đầu tư xây dựng trở thành cảng biển nước sâu có nhiều triển vọng trong phát triển kinh tế.

Tỉnh Quảng Bình có nhiều khoáng sản quý như vàng, sắt, ti tan, đá vôi, cao lanh, thạch anh. Trong đó, đá vôi và cao lanh có trữ lượng lớn, đủ điều kiện để phát triển công nghiệp xi măng và vật liệu xây dựng với quy mô lớn. Trên địa bàn tỉnh có 03 mỏ nước suối khoáng, trong đó nổi bật là suối nước khoáng nóng Bang ở huyện Lệ Thủy có điểm nóng tới 105°C, đã được xây dựng thành một khu nghỉ dưỡng bề thế.

II. ĐIỀU KIỆN VĂN HÓA - XÃ HỘI

Từ xa xưa, Quảng Bình đã được biết đến là nơi giao thoa về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa 03 miền Bắc - Trung - Nam và có truyền thông lịch sử, văn hóa lâu đời. Các di chỉ khảo cổ học được phát hiện trên vùng đất này thể hiện sự đan xen các yếu tố văn hóa Đông Sơn - Sa Huỳnh, Đàng Trong - Đàng Ngoài, Thăng Long - Phú Xuân. Sự đan xen đó dần dần được phát triển thành một xu hướng thống nhất trong các giai đoạn phát triển của lịch sử Quảng Bình.

Trong diễn trình phát triển của lịch sử dân tộc, Quảng Bình không những có lịch sử lâu đời mà vùng đất này còn trải qua bao biến cố thăng trầm. Hầu như thời nào, Quảng Bình cũng phải đứng ở vị trí tiền tiêu của đất nước như một sứ mệnh thiêng liêng” (Nguyễn Khắc Thái, 2002). Và để đảm đương sứ mệnh lịch sử đó, Nhân dân Quảng Bình đã anh dũng, kiên cường cống hiến sức người, sức của cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, để lại nhiều phong trào, nhiều tên tuổi lưu danh trong sử sách.

Các tư liệu lịch sử cũng cho thấy Quảng Bình ở vào vị trí quan trọng trên con đường hình thành và phát triển của dân tộc. Từ hàng ngàn năm trước, Quảng Bình là một phần đất thuộc Bộ Việt Thường, một trong 15 bộ của nước Văn Lang vào thời đại các vua Hùng. Suốt những thế kỷ sau đó, nước ta bị các triều đại phong kiến Trung Quốc thay nhau đô hộ, biến thành quận huyện của họ. Mảnh đất Quảng Bình nhỏ bé khi thì thuộc quận Cửu Chân dưới thời Triệu Đà, khi thì nằm trong quận Nhật Nam dưới thời nhà Hán. Từ thế kỷ thứ nhất sau công nguyên, Quảng Bình là vùng biên viễn của một Quốc gia cường thịnh ở phía Nam, có địa dư kéo dài từ Nam Hoành Sơn vào đến cực Nam Trung Bộ là Quốc gia Lâm Ấp (sau gọi La Hoàn Vương, Chiêm Thành, Chăm Pa). Chính yếu tố này đã góp phần làm nên sự đa dạng, phong phú của lịch sử văn hóa Quảng Bình. Vương quốc Chăm Pa đã cho xây dựng ở đây nhiều thành lũy quân sự, đến nay vẫn còn để lại những dấu tích như: Lũy Hoàn Vương (ở huyện Quảng Trạch), thành Kẻ Hạ (huyện Bố Trạch), thành Nhà Ngô (huyện Lệ Thủy).

Năm 1069, Lý Thường Kiệt đem quân vào mở cõi về phía Nam, lấy lại 03 châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh. Từ đó, vùng đất của bộ Việt Thường cũ (trong đó có Quảng Bình) trở về với lãnh thổ Đại Việt. Năm 1075, Lý Thường Kiệt hiện việc cải cách hệ thống cai quản vùng biên viễn để đối phó với các thế lực thù địch, mở mang thêm đất đai phía Nam của Tổ quốc, chiêu dân lập ấp, hoạch định bản đồ. Từ đó, Quảng Bình tồn tại ổn định trong lòng Quốc gia Đại Việt.

Những thế kỷ sau, từ nhà Trần (1225 - 1400), nhà Hồ (1400 - 1407), hậu Trần (1407 - 1419), Lê sơ (1428 - 1527), nhà Mạc (1527 - 1529), hậu Lê (1533 - 1788), các triều đại kế tiếp nhau đã mở mang cương vực, di dân khai phá và sinh sống trên những vùng đất mới từ phía Nam đèo Ngang trở vào. Năm 1604, lần đầu tiên trong lịch sử, vùng đất châu Địa Lý được chúa Nguyễn thiết lập đơn vị hành chính trực thuộc mang tên Phủ Quảng Bình. Từ đó, danh xưng Quảng Bình ra đời và tồn tại cho tới ngày nay.

Trong giai đoạn lịch sử đó, Quảng Bình đã chứng kiến cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh kéo dài hơn 02 thế kỷ, con sông Gianh bị lấy làm ranh giới chia cắt Đàng Trong và Đàng Ngoài. Từ đèo Ngang đến Hạ Cờ - dải đất nhỏ hẹp nhất của đất nước trở thành vùng chiến địa thảm khốc. Năm 1788, hoàng đế Quang Trung tiến quân lần thứ hai, quét sạch 29 vạn quân Mãn Thanh, thống nhất đất nước. Họa chia cắt sông Gianh được chấm dứt từ đó. Dưới triều Nguyễn, vùng đất Quảng Bình được thiết lập thành một đơn vị hành chính độc lập trực thuộc triều đình lấy tên là Dinh Quảng Bình, đến năm 1831, vua Minh Mạng chính thức đặt đơn vị hành chính mang tên tỉnh Quảng Bình.

Năm 1858, hạm đội Á Đông của Pháp và Tây Ban Nha nổ súng vào Đà Nẵng, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược. Sau khi kinh thành Huế thất thủ, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi ra Sơn Phòng (Quảng Trị), xuống chiếu Cần Vương kêu gọi các sĩ phu và Nhân dân giúp vua cứu nước. Sau đó, vua Hàm Nghi đến vùng núi phía Tây Quảng Bình xây dựng căn cứ địa kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhân dân nhiều địa phương ở Quảng Bình đã hưởng ứng phong trào “Cần Vương” tham gia các lực lượng nghĩa quân kháng chiến chống Pháp và lập nhiều chiến công lưu danh sử sách.

Ngày 19 tháng 7 năm 1885, thực dân Pháp đánh chiếm Quảng Bình. Quân và dân Quảng Bình đã anh dũng đứng lên cùng quân dân cả nước giành chính quyền vào năm 1945 và sau đó tiến hành cuộc kháng chiến đánh đuổi Pháp, giành thắng lợi hoàn toàn vào năm 1954.

Hòa bình chưa được bao lâu thì Mỹ đã tiến hành đưa quân vào Việt Nam (1964 - 1972). Từ đó, mảnh đất Quảng Bình trở thành tuyến đầu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhân dân Quảng Bình đã đóng góp sức người, sức của, chịu đựng bao mất mát, hy sinh để cùng Nhân dân cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ khi trở về với Đại Việt đến nay, mảnh đất Quảng Bình đã nhiều lần thay đổi địa danh: Lâm Bình (1075), Tân Bình (1375), Tây Bình (1402), Tiên Bình (1600), phủ Quảng Bình (1604), tỉnh Quảng Bình (1831) và cuối cùng là tỉnh Quảng Bình dưới thời Dân chủ Cộng hòa từ năm 1945.

Trong triều đại nhà Nguyễn đã xuất hiện các danh nhân làm rạng rỡ mảnh đất Quảng Bình như: Dương Văn An, Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Hàm Ninh... Vùng đất Quảng Bình cũng đã đóng góp cho đất nước những nhân tài mà tên tuổi lưu danh sử sách như: Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh - người có công khai khẩn và định lập cả một vùng đất phía Nam Tổ quốc; Võ Nguyên Giáp, vị tướng tài ba - nhà văn hóa lớn trong thời đại Hồ Chí Minh.

Năm 1976, 03 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên. Ngày 01/7/1989, tỉnh Quảng Bình lại được tái lập, trở về với địa giới và tên gọi vốn có trong lịch sử.

Về tổ chức bộ máy hành chính, Quảng Bình có 06 huyện: Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, 01 thị xã Ba Đồn và 01 thành phố Đồng Hới trực thuộc tỉnh.

Dân số toàn tỉnh đến năm 2019 có 895.423 người, phần lớn là dân tộc Kinh (chiếm trên 97% dân số). Cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Quảng Bình gồm có 02 nhóm dân tộc chính đó là Chứt, Bru - Vân Kiều và một số nhóm thuộc các dân tộc Mường, Thái, Tày... với 26.296 người (chiếm khoảng 2,94% dân số của tỉnh). Cộng đồng các dân tộc thiểu số chủ yếu quần cư ở các vùng cao, khá biệt lập trong các thung lũng ven sông suối, nơi có nguồn nước thuận lợi và đất đai khá màu mỡ ở phía Tây Quảng Bình. Tôn giáo ở Quảng Bình chủ yếu là Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Một số ngôi Chùa cổ, Đền, Miếu thờ các vị thần dân gian hiện nay được trùng tu và trở thành những điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh được người dân địa phương và khách du lịch quan tâm như: Chùa Phổ Minh (xã Đức Ninh, thành phố Đồng Hới), chùa Non trên đỉnh núi Thần Đinh (xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh), Đền thờ Liễu Hạnh Công chúa dưới chân Đèo Ngang (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch), Chùa Hoàng Phúc ở huyện Lệ Thủy.

Thiên Chúa giáo du nhập vào Quảng Bình khoảng năm 1619 - 1820. Hiện vẫn còn nhiều nhà thờ Công giáo ở các làng quê dọc sông Gianh (thuộc địa phận huyện Quảng Trạch) và sông Son (huyện Bố Trạch).

Quảng Bình có những giá trị văn hóa được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Kho tàng văn hóa dân gian Quảng Bình đa dạng, phong phú và độc đáo, bao gồm: Văn học dân gian, văn hóa - nghệ thuật dân gian, lễ hội truyền thống, các phong tục tập quán. Vùng quê nào ở Quảng Bình cũng có những sinh hoạt văn hóa dân gian mang đậm bản sắc của quê hương như: Hát đúm, hát sắc bùa, hò thuốc ở Minh Hóa; hát Kiều, hát Nhà trò, hò Nhân ngãi, hò Hụi ở Quảng Trạch; múa Bông chèo Cạn, lễ hội Cầu mùa ở Đồng Hới, hò Khoan, hò giã gạo, vè, lý ở Lệ Thủy, lễ hội Bài chòi, lễ hội Rằm tháng 3 ở Minh Hóa, lễ hội Đập trống của người Bru - Vân Kiều ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch.

Là vùng đất có sự đan xen và giao thoa văn hóa của các nền văn hóa lớn của cả nước nên từ ngàn xưa, Quảng Bình đã mang một sắc diện văn hóa không lẫn lộn với nơi khác. Điều này đã góp phần xây đắp nên một đời sống tinh thần phong phú. Đây cũng chính là động lực giúp con người Quảng Bình vượt qua những biến cố thăng trầm của lịch sử và những khó khăn, thử thách luôn đặt ra trong mọi thời đại.

Theo Kỳ quan hang động Quảng Bình

Link nội dung: https://cmp.edu.vn/mua-kho-o-cac-tinh-ven-bien-cuc-nam-trung-bo-keo-dai-nhat-ca-nuoc-chu-yeu-la-do-a40387.html