Viêm tai giữa là tình trạng viêm nhiễm ở tai giữa gây khó chịu và đau đớn cho người bệnh. Đây là một bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Cùng tìm hiểu về các dấu hiệu, cách điều trị cũng như cách phòng ngừa bệnh viêm tai giữa nhé!
1Viêm tai giữa là gì?
Tai giữa là phần không gian chứa đầy không khí phía sau màng nhĩ. Vùng này chứa hệ thống xương con mỏng manh có chức năng dẫn truyền âm thanh từ màng nhĩ đến tai trong giúp con người có thể nghe thấy.
Viêm tai giữa là tình trạng viêm niêm mạc tai giữa, bệnh có thể diễn tiến cấp hay mạn tính. Tình trạng này có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ em từ 6 tháng đến 2 tuổi do cấu trúc, chức năng vòi nhĩ chưa hoàn chỉnh và hệ miễn dịch còn yếu.[1]
2Nguyên nhân gây viêm tai giữa
Nguyên nhân
Virus, vi khuẩn là các tác nhân chính gây viêm tai giữa. Nguyên nhân chủ yếu dẫm đếm tình trạng này có thể là do tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp trên không được điều trị đúng cách khiến cho virus, vi khuẩn di chuyển vào tai giữa và gây bệnh ở đây.
Yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố có thể tăng nguy cơ viêm tai giữa là:
- Tuổi: trẻ nhỏ từ 6 tháng - 2 tuổi.
- Tiền sử gia đình: gia đình hay có người bị viêm tai giữa.
- Vừa mắc cảm lạnh: tạo điều kiện thuận lợi để virus xâm nhập vào tai giữa.
- Bệnh mãn tính: mắc các bệnh như suy giảm miễn dịch hoặc các bệnh hô hấp mạn tính.
- Sống trong môi trường ô nhiễm: không khí ô nhiễm kết hợp với khói thuốc làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tai.
3Triệu chứng viêm tai giữa
Triệu chứng thường gặp khi bị viêm tai giữa
Các triệu chứng của viêm tai giữa thường khởi phát đột ngột hay gặp nhất là:
- Đau bên trong tai.
- Nghe kém.
- Dịch chảy ra từ tai.
- Cảm giác đầy tai, ù tai.
- Ngứa ở bên trong hoặc ngoài tai.
- Da có vảy ở trong và xung quanh tai
- Sốt.
- Mệt mỏi, thiếu năng lượng.
Biểu hiện ở trẻ nhỏ khi bị viêm tai giữa:
- Sốt từ 38oC trở lên.
- Bé có biểu hiện tự chà xát hoặc kéo tai mình.
- Chảy dịch từ tai.
- Nghe khó hoặc không phản ứng với âm thanh.
- Cáu kỉnh hoặc bồn chồn, quấy khóc.
- Biếng ăn.
- Mất thăng bằng. [2]
4Phân loại viêm tai giữa
Viêm tai giữa được chia thành 4 nhóm chính là:
- Viêm tai giữa cấp tính.
- Viêm tai giữa ứ dịch.
- Viêm tai giữa mãn tính.
- Viêm tai dính.[3]
5Biến chứng của viêm tai giữa
- Suy giảm thính giác: Tình trạng suy giảm thính giá nhẹ khá phổ biến khi bị nhiễm trùng tai và tình trạng này thường thuyên giảm sau khi hết nhiễm trùng. Nhiễm trùng tai xảy ra nhiều lần hoặc có dịch trong tai giữa có thể dẫn đến tình trạng giảm thính lực nghiêm trọng hơn.
- Chậm nói hoặc chậm phát triển: Nếu thính giác bị suy giảm tạm thời hoặc vĩnh viễn ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, trẻ có thể bị chậm nói hoặc chậm phát triển khả năng ngôn ngữ.
- Nhiễm trùng lan sang các cơ quan khác: Nhiễm trùng không được điều trị hoặc đã được điều trị nhưng không khỏi có thể lan sang các mô lân cận gây viêm xương chũm hoặc hiếm hơn là lan sang các mô khác trong hộp sọ, bao gồm não hoặc màng bao quanh não gây viêm màng não.
- Rách màng nhĩ: Hầu hết các vết rách màng nhĩ sẽ lành trong vòng 1 tháng. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, màng nhĩ không tự liền, cần phải điều trị bằng phẫu thuật. [2]
Viêm tai giữa tái phát nhiều lần có thể dẫn đến giảm thính lực
6Chẩn đoán viêm tai giữa
Để chẩn đoán viêm tai giữa, bác sĩ cần kết hợp giữa thăm khám lâm sàng và các kết quả xét nghiệm bổ trợ. Dưới đây là các kỹ thuật được sử dụng để chẩn đoán viêm tai giữa:
Nội soi tai
Là công cụ chuyên dụng bác sĩ thường dùng để chẩn đoán nhiễm trùng tai. Dụng cụ này cho phép bác sĩ nhìn vào tai và đánh giá xem có dịch phía sau màng nhĩ hay không.
Với ống soi tai bằng khí nén, bác sĩ sẽ nhẹ nhàng thổi không khí vào màng nhĩ. Thông thường, luồng không khí này sẽ khiến màng nhĩ di chuyển. Nếu tai giữa chứa đầy dịch, bác sĩ sẽ quan sát thấy màng nhĩ có rất ít hoặc không chuyển động.
Các xét nghiệm hỗ trợ
Ngoài sử dụng nội soi tai để chẩn đoán, bác sĩ sẽ cân nhắc một số xét nghiệm khác để đưa ra kết quả chính xác nhất:
- Đo nhĩ lượng đồ: đo lượng âm thanh phản xạ trở lại từ màng nhĩ từ đó đánh giá thể tích trong tai giữa.
- Chọc màng nhĩ: đây là thủ thuật hiếm khi thực hiện. Bác sĩ có thể dùng một ống nhỏ xuyên qua màng nhĩ để dẫn lưu mủ, dịch ứ đọng tai giữa cũng như lấy mẫu để xét nghiệm nguyên nhân gây viêm tai giữa.
- Xét nghiệm khác: nếu tình trạng viêm tai giữa tái phát, người bệnh có thể phải đến tìm các bác sĩ chuyên khoa khác để đánh giá thính lực, mức độ phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.
7Khi nào cần gặp bác sĩ?
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Khi xuất hiện các dấu hiệu dưới dây, bạn nên đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị:
- Các triệu chứng không có dấu hiệu cải thiện sau hai hoặc ba ngày điều trị.
- Chảy mủ hoặc dịch từ tai. Một số người bị chảy mủ tai dai dẳng và không đau kéo dài trong nhiều tháng, được gọi là viêm tai giữa mủ mãn tính.
- Có bệnh lý nền, chẳng hạn như xơ nang hoặc bệnh tim bẩm sinh, có thể gây ra nhiều biến chứng hơn. [4]
Nơi khám chữa bệnh tai mũi họng uy tín
Nếu gặp các dấu hiệu như trên, bạn có thể đến ngay các cơ sở y tế gần nhất, các bệnh viện chuyên khoa Tai mũi họng. Hoặc bất kỳ bệnh viện đa khoa nào tại địa phương để được thăm khám kịp thời.
Ngoài ra, có thể tham khảo một số bệnh viện lớn, uy tín dưới đây để được chẩn đoán và tư vấn điều trị phù hợp, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra:
- Tại Tp. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Chợ Rẫy.
- Tại Hà Nội: Khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hà, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc.
8Phương pháp điều trị
Điều trị giảm triệu chứng
Các triệu chứng của viêm tai giữa thường cải thiện trong vài ngày điều trị và hầu hết các bệnh nhiễm trùng đều tự khỏi trong vòng một đến hai tuần mà không cần điều trị.
Các phương pháp sau đây có thể hỗ trợ giảm triệu chứng của viêm tai giữa:
- Đắp vải sạch hoặc túi chườm ấm ở tai bị viêm.
- Sử dụng thuốc giảm đau như Paracetamol hoặc Ibuprofen để giảm cơn đau. Có thể sử dụng thuốc nhỏ tai để giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Tránh ngủ đè lên tai bị viêm.
- Không để nước vào tai.
Kháng sinh
Chỉ dùng kháng sinh trong trường hợp viêm tai giữa do vi khuẩn và vẫn ưu tiên chăm sóc và theo dõi tình trạng tại nhà trong 2-3 ngày đầu trước khi quyết định dùng thuốc.
Tuổi Triệu chứng Xử trí 6 tháng trở lên Các triệu chứng nặng trong 48 giờ hoặc sốt cao trên 38,5 độ C Sử dụng kháng sinh 6 tháng trở lên Bị cả hai tai, sốt nhẹ, các triệu chứng nhẹ Theo dõi và cân nhắc sử dụng kháng sinh sau 48-72h 6 tháng - 23 tháng Chỉ bị một tai, sốt nhẹ, các triệu chứng nhẹ Theo dõi và cân nhắc sử dụng kháng sinh sau 48-72h 24 tháng trở lên Bị cả hai tai, sốt nhẹ, các triệu chứng nhẹ Theo dõi và cân nhắc sử dụng kháng sinh sau 48-72h
Phẫu thuật
- Đặt ống thông khí: Bác sĩ phẫu thuật sẽ tạo ra một lỗ nhỏ trên màng nhĩ cho phép hút dịch ra khỏi tai giữa. Một ống nhỏ (ống thông màng nhĩ) được đặt vào lỗ để giúp dẫn lưu dịch, mủ của tai giữa và ngăn ngừa sự tích tụ. Thường được chỉ định khi bệnh nhân không thể điều trị khỏi bằng thuốc.
- Nạo VA: là thủ thuật điều trị loại bỏ được hết tổ chức VA (tổ chức lympho ở vòm mũi họng) đồng thời giúp phòng bệnh. Tuy nhiên, nạo VA ở trẻ quá nhỏ có thể gây ra hiện tượng VA quá phát trở lại, khi có hiện tượng tắc nghẽn cửa mũi sau cần cân nhắc nạo VA lại. [5]
Thuốc giảm đau và kháng sinh giúp giảm triệu chứng viêm tai giữa
9Biện pháp phòng ngừa viêm tai giữa
Một số biện pháp giúp giảm nguy cơ mắc viêm tai giữa, bao gồm:
- Tiêm chủng đầy đủ các mũi tiêm chủng định kỳ, đặc biệt là vaccine ngừa phế cầu và vaccine 6 trong 1 (ngừa bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib).
- Tránh tiếp xúc với môi trường nhiều khói thuốc.
- Ngưng cho trẻ ngậm núm vú giả khi trẻ lớn hơn 6 đến 12 tháng tuổi.
- Không cho trẻ ăn khi trẻ đang nằm ngửa.
- Nên cho trẻ uống sữa mẹ thay cho sữa công thức.
- Tránh tiếp xúc với người bệnh khác. [6]
Qua bài viết trên hi vọng sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin về bệnh viêm tai giữa. Nếu thấy hữu ích hãy chia sẽ bài viết này đến bạn bè và người thân nhé!