Vùng đất Tây Tạng - nơi ẩn chứa nhiều điều kỳ bí luôn khiến bất kỳ ai nhắc về đều phải nghĩ ngay đến một thế giới tâm linh huyền ảo, một tinh hoa Phật giáo có bề dày lịch sử nhân loại. Thế nhưng, ít ai biết rằng Tây Tạng còn được biết đến với những nghi lễ an táng độc đáo, trong đó tục lệ điểu táng chính là một trong những ẩn số của văn hóa phong tục nơi đây. Trong bài viết sau, Hoa Viên Bình An sẽ lý giải chi tiết về phong tục này.
Điểu táng hay còn gọi là nghi lễ “khất thực cho chim”, là hình thức mai táng nổi tiếng với những lời đồn về độ ‘rùng rợn’ của người Tây Tạng. Không giống với các nền văn hóa khác, hình thức này không an táng người đã khuất trong lòng đất, người Tây Tạng sẽ đưa thi thể người mất lên núi và thực hiện hành động phân xác, làm mồi cho đàn kền kền đói.
Tại khu điểu táng thuộc thung lũng Larung (vùng Garze, Tây tạng), khung trời luôn rợp bóng những bầy kền kền đói khi chuẩn bị tiến hành nghi lễ. Trong văn hóa của người Tây Tạng, kền kền được xem là loài vật linh thiêng và là thiên sứ của người chết. Theo quan điểm của Phật Giáo Kim Cương Thừa, họ tin rằng người thân của người đã khuất sẽ tự chứng kiến nghi thức ‘điểu táng’ này để mở ra góc nhìn về sự “vô thường” của cuộc sống, từ đó tự thức tỉnh nhận thức của bản thân.
Điểu táng là gì?
Có hai hình thức điểu táng điển hình gồm cơ bản và long trọng. Ở Tây Tạng, những người dân làng và dân du mục tại các vùng hẻo lánh thường lựa chọn hình thức điểu táng cơ bản. Người chết sau khi được vệ sinh thi thể sẽ được mang lên núi và đàn kền kền tự tìm đến.
Ở hình thức điểu táng long trọng, quy trình sẽ phức tạp và mang tính nghi thức hơn. Đầu tiên, các Lạt Ma sẽ cầu nguyện cho người đã khuất được đặt ở tư thế ngồi suốt 24 giờ. Thi thể sau khi được cầu nguyện bởi các bài trú (mantra) cho linh hồn được giải thoát, họ sẽ được tắm rửa sạch sẽ và bao bọc bởi lớp vải trắng. Các thành viên trong gia đình phải dừng lại các hoạt động khác, thậm chí họ không được khóc để trấn an linh hồn, giúp họ thanh thản rời đi và lên thiên đường.
Tục lệ điểu táng ở Tây Tạng
Tiếp theo, người ta sẽ phá vỡ xương cột sống của cái xác nhằm thuận tiện cho việc mang thi thể đến nơi an táng. Cuối cùng, một thành viên trong gia đình hoặc một người bạn thân sẽ mang cái xác trên lưng. Nghi lễ điểu táng thường được diễn ra vào lúc bình minh, khi mặt trời ló dạng, các thành viên trong gia đình sẽ đi cùng để tụng kinh và chơi nhạc đám tang, tuy nhiên họ phải giữ một khoảng cách cố định với người chết. Các Lạt Ma tiếp tục tụng kinh để chuộc lại tội lỗi của linh hồn và thi thể người mất được đặt nằm sấp xuống mặt đá. Sau đó các bậc thầy chôn cất hoặc các Rogyapa (người xử lý xác chết) sẽ đốt cây bách xù để tạo ra hương thơm thu hút bầy kền kền và bắt đầu thực hiện công việc phân xác của mình với một con dao sắc bén. Từ tóc đến nội tạng, từng phần một đều được bóc tách dần và ném cho đám kền kền đói. Rogyapa tiếp tục đập dập phần xương còn lại, sau đó họ sẽ trộn với bột lúa mạch để khuyến khích đàn kền kền tiêu thụ dễ dàng hơn.
Quy trình điểu táng cơ bản
Người Tây Tạng rất khuyến khích mọi người đến xem tang lễ và chứng kiến toàn bộ quá trình diễn ra nghi thức để nhận định rõ sự vô thường của cuộc đời. Điều này giúp người dân đương đầu với cái chết và thấm nhuần giáo lý “cái chết sẽ không chừa một ai” mà họ thường được dạy trong các tu viện. Tuy nhiên, những điều này chỉ được khuyến khích với người dân nơi đây, và rất hiếm khi người ngoài được tham dự đám tang diễn ra hình thức điểu táng.
Đa phần người dân Tây Tạng đều theo Phật giáo Kim Cương Thừa, họ tin rằng Kền Kền chính là biểu tượng của các Dakini - Vị du hành nữ trên không trung. Để tin trọng hơn, họ còn gọi là các Không Hành Nữ.
Dakini được xem là hiện thân của sự hợp nhất giữa Tánh Không và Trí Huệ, đồng thời đây cũng là biểu trưng cho năng lượng giác ngộ của mỗi người. Chính vì thế, khi người nào đó mất đi, việc được bố thí thân xác cho kền kền là một niềm may mắn, vinh dự.
Kền kền - biểu tượng của các Dakini
Kền kền được xem như sợi dây liên kết giữa cõi nhân gian với cõi vĩnh hằng. Người Tây Tạng cho rằng, kền kền như thiên sứ, giúp linh hồn của người đã khuất được chuyển kiếp trọn vẹn. Theo quan niệm của Phật giáo Kim Cương Thừa, linh hồn là phần quan trọng nhất của cuộc sống con người. Khi con người trở về cõi niết bàn, linh hồn vĩnh viễn tồn tại và thân xác chỉ được ví như “chiếc thuyền rỗng” mục rữa. Thực hành giáo lý Tong - Len (Cho và Nhận) trong suốt cuộc đời, đến cả khi cái chết chạm đến, người Tây Tạng sẵn sàng dâng hết những gì còn có thể, trả lại cho thế giới.
Kền kền được tôn vinh là những “con chim Thánh” và chỉ ăn xác người chết mà không tấn công bất kỳ ai hay động vật nào gần đó. Và nếu kền kền chưa rỉa hết đồng nghĩa với việc linh hồn người chết chưa siêu thoát. Và các Lạt Ma sẽ phải mang hài cốt hỏa táng cùng với những lời kinh cầu nguyện để cứu chuộc tội lỗi của linh hồn.
Nhìn chung, mỗi nghi lễ an táng đều có ý nghĩa giúp người thân của mình chuyển kiếp sang một cuộc đời khác, tiếp tục vòng luân hồi dù nó ở dạng chôn cất hay được chim tha đi. Và ở đâu đó nơi những ngọn đồi của Tây Tạng cổ đại, dưới sự hiện diện của ánh bình minh, những người thân yêu luôn cảm nhận được linh hồn người đã mất được ra đi một cách thanh thản, dứt khoát và không còn vướng bận bất kỳ điều gì ở kiếp này.
Vậy là chúng ta đã tìm được lời giải đáp cho câu hỏi Điểu táng là gì và cả những hình thức mai táng của người dân Tây Tạng. Dù nhìn nhận của mọi người về tục lệ thiên táng có đôi phần “rùng rợn” nhưng đây vẫn là một trong những nét văn hóa lâu đời được người Tây Tạng tôn trọng và ẩn chứa nhiều niềm tin Phật giáo.
Link nội dung: https://cmp.edu.vn/dieu-tang-tay-tang-a45486.html