Điện Tam Thế chùa Bái Đính
Núi Bái Đính có từ lâu đời, nó được gắn liền với nhiều giai thoại và huyền thoại về một vị Thiền sư danh tiếng của nước Nam - Lý triều quốc sư Nguyễn Minh Không, ngài chính là người đã đặt nền móng, xây dựng tượng Phật và khai mở miền đất Phật ở nơi đây. Chùa Bái Đính (chùa cổ) có từ năm 1.136 do thiền sư Nguyễn Minh Không sáng lập, gồm có các điểm như: Giếng Ngọc, Động thờ Tổ sư, Động thờ Phật, Động thờ Mẫu, Ban thờ Thánh Cao Sơn...
Từ năm 2003, dựa trên nền tảng của ngôi chùa cổ, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã phát tâm đầu tư trùng tu và mở rộng chùa với các công trình kiến trúc tiêu biểu của chùa (chùa mới) hiện nay gồm: Cổng Tam Quan, Gác Chuông, Điện Quán Thế Âm, Điện Giáo Chủ, Điện Tam Thế, Bảo Tháp, Bát Chánh Đạo và Hành lang La Hán... Ngoài ra, chùa còn nhiều công trình vẫn đang tiếp tục xây dựng như: Khu hồ Đàm Thị, Hồ phóng sinh, Tháp Tứ Ân,…
Ngày 23 tháng 6 năm 2014, Quần thể Danh thắng Tràng An (trong đó có chùa Bái Đính) đã được Ủy ban Di sản Thế giới công nhận là Di sản Thế giới hỗn hợp đầu tiên tại Việt Nam về văn hóa và thiên nhiên.
Nơi đây cũng đã diễn ra rất nhiều sự kiện quan trọng như: Đại lễ Vesak Liên hợp Quốc, Lễ cung nghinh Xá Lợi Phật từ Ấn Độ về chùa Bái Đính, Đại lễ cung nghinh tượng Phật ngọc hòa bình thế giới…
Quần thể danh thắng Tràng An bao gồm: Khu Du lịch Văn hóa Tâm linh chùa Bái Đính, Khu Du lịch sinh thái Tràng An, Khu Di tích lịch sử Hoa Lư... không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của người dân cố đô Hoa Lư mà là niềm vui chung của dân tộc Việt Nam. Hơn thế nữa, quần thể này còn tô điểm cho bức tranh hình chữ S của đất nước Việt Nam trở nên xinh đẹp và lộng lẫy hơn.
Link nội dung: https://cmp.edu.vn/gioi-thieu-ve-chua-bai-dinh-a45926.html