Gan là là cơ quan quan trọng của cơ thể với nhiều chức năng (thải độc, điều hòa mỡ máu, đường máu...) Tuy nhiên, một số loại thuốc gây tổn thương gan, khiến gan không thể thực hiện được nhiệm vụ trên.
Tổn thương gan do thuốc là tình trạng gan bị ảnh hưởng bởi thuốc tân dược, thuốc có nguồn gốc từ thực vật hoặc thực phẩm chức năng. Ảnh hưởng đến gan được xác định thông qua các xét nghiệm đánh giá chức năng gan hoặc dấu hiệu lâm sàng suy giảm chức năng gan.
Tổn thương gan do thuốc mặc dù rất hiếm gặp nhưng lại có nguy cơ dẫn đến tử vong. Dựa trên giá trị các xét nghiệm ALT và ALP, tình trạng này có thể phân thành 3 loại khác nhau, cụ thể:
Tổn thương tế bào gan;
Tổn thương mật;
Tổn thương gan hỗn hợp
Cơ chế gây tổn thương gan do thuốc gồm:
Do phản ứng đặc dị: Do cơ thể có phản ứng quá mức đối với thuốc, có thể xảy ra ở người này nhưng lại không gặp ở người khác. Cơ chế gây tổn thương gan không do liều lượng, thời gian dùng thuốc. Viêm gan do thuốc này không biết trước được.
Do quá liều: Khi dùng liều cao, kéo dài hoặc khi sử dụng chung với một số thuốc khác sẽ gây tương tác thuốc do các thuốc này làm ảnh hưởng đến chức năng chuyển hoá, giải độc của gan, gây ra tổn thương gan.
Hầu hết thuốc sau khi uống, tiêm, ngậm, thoa ngoài da, đặt hậu môn đều có thể gây ngộ độc gan ở từng mức độ khác nhau. Tùy từng loại thuốc mà có thể gây viêm gan và suy gan cấp hoặc viêm gan mạn, gan nhiễm mỡ, bệnh đường mật, bởi vì thuốc vào máu và đi qua gan trước khi đào thải ra ngoài theo đường tiết niệu hoặc theo đường mật xuống ruột. Đặc biệt là những người đã có bệnh gan, mật mạn tính, gan càng dễ bị ngộ độc thuốc hơn.
2. Triệu chứng tổn thương gan do thuốc
Đa số tổn thương gan do thuốc biểu hiện lâm sàng rất nghèo nàn. Một số trường hợp có các dấu hiệu như:
Phân và nước tiểu có màu bất thường: Màu nước tiểu trở nên sẫm hơn bình thường, vàng đậm; phân xuất hiện các đốm máu.
Hơi thở có mùi: Do bị suy giảm chức năng gan, một số độc tố, chất cặn bã được bài tiết qua đường hô hấp khiến hơi thở có mùi hôi khó chịu.
Đắng miệng: Khi gan bị viêm cấp tính gây ứ mật, người bệnh có cảm giác đắng trong miệng
Đau đầu, chóng mặt, đại tiện táo bón, tiểu tiện đỏ vàng: Các dấu hiệu này có thể cảnh báo ngộ độc gan do thuốc.
Mề đay, mẩn ngứa: Khi gan yếu, khả năng giải độc của gan kém khiến các độc tố bị tích tụ trong cơ thể lâu ngày sẽ phát tán qua da và gây nên các triệu chứng nổi mề đay, mẩn ngứa, phát ban, mụn nhọt.
Mệt mỏi, chán ăn: Chức năng gan suy giảm làm khả năng chuyển hóa và tiết mật cũng giảm gây rối loạn tiêu hóa nên dễ bị táo bón.
Tuy nhiên, cũng có nhiều bệnh nhân hoàn toàn bình thường, chỉ phát hiện tình cờ khi làm xét nghiệm máu thấy có tăng men gan.
3. Các loại thuốc gây tổn thương gan
Tổn thương gan do thuốc là một vấn đề khá phổ biến hiện nay, tỷ lệ lên đến 10% trong các phản ứng phụ do thuốc gây ra. Hầu hết các thuốc đều được chuyển hoá tại gan và bài tiết qua mật hoặc nước tiểu. Vì vậy, nếu gan bị suy, chức năng chuyển hoá, giải độc và bài tiết các thuốc cũng bị ảnh hưởng. Sự tích tụ thuốc lâu dần không được chuyển hoá và giải độc gây ngộ độc thuốc và tổn thương gan. Một số loại thuốc gây ngộ độc gan như:
Thuốc giảm đau, hạ sốt Acetaminophen; điều trị loét dạ dày Omeprzole: Gây bệnh viêm gan.
Thuốc giúp tăng trưởng cơ Anabolic steroids, kích thích tố sinh dục Estrogens và androgens, thuốc ngừa thai uống: Gây u gan.
Thuốc điều trị bệnh tâm thần Chlorpromozine (Thorazine): Giả -xơ gan mật nguyên phát.
Thuốc điều trị bệnh viêm loét dạ dày Cimetidine(Tagamet), bệnh máu Coumadin: Gây viêm gan cấp và bệnh đường mật.
Kháng sinh Ciprofloxin: Viêm gan mật.
Thuốc kháng sinh Clindamycin(Cleocin), Metronidazole (Flagyl); thuốc điều trị tâm thần Cocaine; giảm đau Ibuprofen; chống co thắt Phenytoin; điều trị ung thư vú Tamoxifen: Gây bệnh viêm gan cấp.
Thuốc kháng viêm Corticosteroids(Prednisone), kháng sinhTetracycline: Gây gan thấm mỡ.
Kháng sinh Erythromycin estolate và thuốc ức chế miễn dịch Cyclosporine A: Gây bệnh đường mật.
Thuốc ngủ Diazepam (Valium): Viêm gan cấp và bệnh đường mật.
Thuốc gây mê Halothan, giảm đau Salicylates(Aspirin): Viêm gan cấp và mãn.
Thuốc điều trị cao huyết áp Methyldopa(Aldomet): Gây bệnh viêm gan tự miễn.
Thuốc điều trị tiểu đường Rosiglitazone(Avandia): Gây suy gan.
Thuốc chống lao như isoniazid, rifampicin, streptomycin, isoniazid (INH): Gây ngộ độc cho gan.
Thuốc Nam, Bắc: Ngộ độc thuốc Nam, thuốc Bắc gây tổn thương gan nặng thậm chí suy gan cấp có thể dẫn đến tử vong.
Thuốc tẩy giun: Gây viêm gan khi sử dụng liều cao, kéo dài.
4. Điều trị và phòng ngừa tổn thương gan do thuốc
4.1. Điều trị tổn thương gan do thuốc
Việc điều trị tổn thương gan do thuốc là phải dừng ngay các thuốc gây độc hại cho gan, kết hợp với điều trị hỗ trợ và chế độ ǎn uống hợp lý để phục hồi chức năng gan.
Trường hợp tổn thương gan diễn tiến rất nặng dẫn đến suy gan cấp, gây ảnh hưởng đến tính mạng, cần phải điều trị phức tạp hoặc ghép gan mới cứu sống được người bệnh.
4.2. Phòng ngừa tổn thương gan do thuốc
Để phòng ngừa tổn thương gan do thuốc, người bệnh cần:
Không nên tự ý uống thuốc khi không được sự hướng dẫn của dược sĩ, bác sĩ.
Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng.
Phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú hoặc có bệnh gan, bệnh thận phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ một loại thuốc nào
Đối với những loại thuốc có khả năng gây tổn thương gan phải dùng lâu dài thì cần có sự theo dõi của các bác sĩ.
Nếu mắc bệnh nhiễm khuẩn phải đi khám bệnh, không tự ý mua kháng sinh dùng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.