Kháng sinh thường được chỉ định trong điều trị viêm tai giữa bởi nó sẽ giúp người bệnh dễ chịu hơn nhờ loại bỏ nhanh vi khuẩn, từ đó giảm sốt, giảm đau tai cũng như phòng ngừa tình trạng viêm lan tới não hay xương quanh tai.
1. Vì sao nên dùng kháng sinh để điều trị viêm tai giữa?
Viêm tai giữa chính là tình trạng viêm toàn bộ hệ thống xương chũm và hòm nhĩ. Đây là bệnh thường gặp nhất ở trẻ em và có khả năng xảy ra ở người lớn. Viêm tai giữa nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như thủng màng nhĩ, giảm thính lực, liệt thần kinh mặt, viêm màng não, áp xe não,... dẫn đến tử vong ở trẻ.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh lý này là do viêm nhiễm vùng mũi họng bởi vi khuẩn hoặc virus. Bên cạnh đó, bệnh xảy ra cũng có thể do tắc vòi nhĩ, dị nguyên, bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản, sống trong môi trường không khí ô nhiễm, thay đổi thời tiết đột ngột.
Có nhiều cách điều trị viêm tai giữa, nhưng phương pháp điều trị nội khoa được áp dụng nhiều nhất. Việc sử dụng kháng sinh tại chỗ và kháng sinh đường uống thường được sử dụng ưu tiên hàng đầu trong viêm tai giữa. Nên điều trị bằng thuốc kháng sinh viêm tai giữa là vì các lý do sau:
Khi bị viêm tai giữa, trẻ thường đau tai, sau đó tai chảy nước và giảm nghe, ù tai, chóng mặt, sốt, sưng sau tai, chán ăn và khó ngủ... Việc sử dụng thuốc kháng sinh điều trị viêm tai giữa sẽ giúp bé dễ chịu hơn nhờ loại bỏ được vi khuẩn gây bệnh, từ đó sẽ giảm sốt và giảm đau tai sớm hơn. Thông thường, sau dùng kháng sinh 1 - 2 ngày thì trẻ sẽ có cảm giác dễ chịu hơn.
Kháng sinh còn có thể giúp bé phòng ngừa tình trạng viêm lan tới não hay xương quanh tai. Các biến chứng này thường ít khi gặp nhưng nó vẫn có thể xảy ra. Nếu để xảy ra thì rất nguy hiểm cho bé.
2. Các kháng sinh điều trị viêm tai giữa
Thông thường, khi dùng thuốc kháng sinh viêm tai giữa cho bé thì bác sĩ sẽ kê đơn 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh tác động đến bé như thế nào. Nhưng khi đã cho bé sử dụng kháng sinh thì cần cho uống đủ số ngày chỉ định, kể cả trường hợp bé đã cảm thấy dễ chịu hơn sau 2 - 3 ngày điều trị. Nguyên tắc này nhằm mục đích đảm bảo nhiễm trùng không quay trở lại, khiến vi khuẩn kháng lại thuốc, từ đó bệnh sẽ nặng hơn, việc điều trị cũng khó khăn hơn. Hiện các kháng sinh thường được sử dụng điều trị viêm tai giữa bao gồm:
Kháng sinh Augmentin, azithromycin và kháng sinh các cephalosporin thế hệ I, II, III. Trong những trường hợp viêm tai giữa có rách màng nhĩ thì bác sĩ có thể sử dụng kháng sinh tại chỗ (thuốc nhỏ tai) nhằm mục đích giúp ống tai lành tốt hơn.
Sử dụng kháng sinh amoxicillin trong trường hợp trẻ không dùng kháng sinh nhóm beta lactam, không có tiền sử viêm tai giữa cấp tái phát và không bị viêm kết mạc mủ kèm theo trong vòng 1 tháng qua. Nguyên nhân sử dụng kháng sinh amoxicillin đơn thuần là do nếu thường xuyên dùng kháng sinh mạnh sẽ khiến cho vi khuẩn gây viêm tai giữa kháng lại các thuốc kháng sinh mạnh. Hậu quả là những đợt nhiễm trùng tai hay viêm tai giữa tiếp theo khó điều trị.
Kháng sinh Amox-clav: nếu trong vòng 1 tháng có sử dụng kháng sinh nhóm betalactam, kèm theo trẻ bị viêm kết mạc mủ hoặc có tiền sử viêm tai giữa tái phát thì cần phải sử dụng kháng sinh Amox-clav điều trị viêm tai giữa. Tuy nhiên nếu như trẻ bị dị ứng với penicillin thì có thể thay thế bằng thuốc kháng sinh cefdinir hoặc cefpodoxim...
Sử dụng kháng sinh tại chỗ Quinolon: Nhóm kháng sinh tại chỗ Quinolon gồm ofloxacin, ciprofloxacin. Hiệu quả của thuốc kháng sinh tại chỗ tương đương với đường uống trong trường hợp đặt ống thông nhĩ hầu, viêm tai giữa mạn tính và trẻ bị viêm tai giữa có chảy mủ.
3. Lưu ý sau dùng kháng sinh điều trị viêm tai giữa
Bệnh viêm tai giữa có thể điều trị được dứt điểm và không gây biến chứng nguy hiểm cho trẻ nếu phụ huynh phát hiện sớm và làm theo hướng dẫn trong việc dùng thuốc kháng sinh điều trị của bác sĩ.
Do đó, sau 48 - 72 giờ dùng kháng sinh điều trị viêm tai giữa mà các triệu chứng không thuyên giảm thì cần cho trẻ tái khám để tìm ra nguyên nhân và có phác đồ điều trị thay thế. Đồng thời cần lưu ý một số điều cơ bản sau đây sau khi dùng thuốc kháng sinh điều trị trị viêm tai giữa:
Đối với trẻ dưới 2 tuổi thì cần phải tái khám sau 8-12 tuần. Đồng thời nếu trẻ từ 2 tuổi trở lên nhưng có vấn đề về ngôn ngữ và việc học tập thì cũng cần tái khám sau 8-12 tuần kể từ ngày được chẩn đoán.
Nếu trẻ từ 2 tuổi trở lên mà không có vấn đề về ngôn ngữ hay học tập sau khi điều trị viêm tai giữa bằng kháng sinh thì kiểm tra lại vào lần khám định kỳ tiếp theo hoặc càng sớm càng tốt nếu có hiện tượng giảm sức nghe dai dẳng.
Trường hợp trẻ bị viêm tai giữa có thủng màng nhĩ nếu hiện tượng đau tái phát hoặc dai dẳng thì cần tìm nguyên nhân gây đau khác ngoài viêm tai giữa. Bởi khi trẻ còn đau sau khi điều trị thì có thể là do nhiễm khuẩn lan rộng, viêm tai ngoài do dịch chảy từ tai giữa... Do vậy, việc khám lại để bác sĩ thay đổi nhóm kháng sinh thích hợp hơn.
Khi các triệu chứng viêm tai giữa trở nên tồi tệ hơn sau khi dùng thuốc kháng sinh thì đổi kháng sinh. Ví dụ như đang sử dụng thuốc kháng sinh amoxicillin liều cao nhưng không thấy hiệu quả thì đổi sang amox-cla liều cao...
Đặc biệt khi có triệu chứng viêm tai giữa tái phát sau khi đã điều trị thành công trước đó thì phải cho trẻ khám lại ngay, bởi có thể vi khuẩn kháng lại thuốc điều trị.
Thuốc kháng sinh điều trị viêm tai giữa cũng có thể không mang lại hiệu quả. Trường hợp này cần chích rạch màng nhĩ để đặt ống thông nhĩ hoặc nếu đi kèm với dấu hiệu viêm đường hô hấp trên hay người bệnh có triệu chứng xuất hiện các biến chứng bệnh viêm tai giữa nặng thì cần phải phẫu thuật.
Xem thêm:Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm tai giữa
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.