Xạ trị có hết ung thư không? Mục đích xạ trị là gì?

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới WHO, mỗi năm trên thế giới có thêm gần 20.000 triệu người mắc ung thư và trên 10 triệu ca tử vong do căn bệnh này. Tại Việt Nam, con số cũng rất đáng lo ngại, với 200 nghìn ca mắc mới và trên 80 nghìn trường hợp tử vong mỗi năm.

Do vậy, các vấn đề về ung thư ngày được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là việc điều trị ung thư bằng phương pháp xạ trị. Nhiều câu hỏi được đặt ra như Xạ trị có hết ung thư không? Hay mục đích xạ trị là gì?

Hãy cùng tìm hiểu câu trả lời ngay sau đây!

Xạ trị có hết ung thư không?

Khoan hãy bàn tới loại ung thư, hay giai đoạn bệnh là gì, nếu chỉ xét về cách điều trị chúng ta có thể thấy rằng có người bệnh chỉ cần điều trị bằng xạ trị đơn thuần (tức chỉ có xạ trị và không thêm bất kỳ phương pháp điều trị nào khác như phẫu thuật hay hóa chất).

Có những bệnh nhân đã chiếu xạ rồi lại được điều trị tiếp sau đó bằng phẫu thuật (trong trường hợp này được gọi là xạ trị tiền phẫu), hay lại có những bệnh nhân được chiếu xạ, sau đó là phẫu thuật và rồi sau đó nữa là hóa chất.

Một số bệnh nhân lại được phẫu thuật trước rồi sau đó là xạ trị (trường hợp này gọi là xạ trị bổ trợ sau phẫu thuật), hay có nhiều cách phối hợp khác nữa.

Vậy câu hỏi đặt ra là xạ trị có hết ung thư không?

Trong trường hợp xạ đơn thuần (tức chỉ có xạ trị) mà khỏi bệnh vậy tức là có hết. Nhưng trong trường hợp khác khi phải dùng tới cả phẫu thuật và hóa chất thì có nghĩa là nó không hết được rồi!

Xạ trị có thể chữa khỏi ung thư
Xạ trị có thể chữa khỏi ung thư - Ảnh: Canva

Mục đích của xạ trị là gì?

Tùy thuộc vào mỗi trường hợp bệnh cụ thể mà xạ trị có thể được sử dụng như phương phương pháp điều trị duy nhất hoặc cần phối kết hợp với một hoặc các phương pháp khác nhằm nhiều mục đích khác nhau.

Xạ trị triệt căn

Một số loại ung thư rất nhạy cảm với bức xạ (ví dụ như ung thư biểu mô không biệt hóa ở vòm), thuận lợi hơn nữa là trong giai đoạn sớm (thường là giai đoạn 0, I, II). Trong trường hợp này, xạ trị có thể được sử dụng là phương pháp điều trị đơn thuần (duy nhất) để tiêu diệt hoàn toàn ung thư.

Cũng trong rất nhiều trường hợp, nếu bệnh nhân từ chối các phương pháp điều trị khác (tức có các giải pháp khác nhau để lựa chọn), hoặc cân nhắc từ nhiều yếu tố phối hợp thì xạ trị triệt căn là giải pháp được lựa chọn mặc dù vẫn có các lựa chọn điều trị khác.

Xạ trị bổ trợ

Đây là phương pháp xạ có tính chất hỗ trợ, bổ sung thêm cho phương pháp điều trị ban đầu (thường là sau khi phẫu thuật), nhằm tăng tác dụng kiểm soát bệnh ung thư tại chỗ, tại vùng (khu vực có khối u và xung quanh đó).

Nó cũng có thể được dùng nhằm thu nhỏ bớt khối u trước phẫu thuật giúp kiểm soát tại chỗ để thuận lợi cho phẫu thuật sau đó.Lý do thực hiện xạ trị bổ trợ là do chúng ta không chắc chắn được việc đã kiểm soát hoàn toàn tế bào ung thư tại khu vực hay chưa.

Cụ thể như khi đã phẫu thuật cắt bỏ khối u hoặc thậm chí đã vét hạch, chúng ta vẫn không thể khẳng định chắc chắn là các tế bào ung thư đã được loại bỏ hết hoàn toàn do chưa có biện pháp để kiểm tra, đánh giá chắc chắn cho việc loại bỏ này.

Hoặc khi phẫu thuật, bác sĩ không thể lấy hết được tổ chức ung thư do một số nguyên nhân: khối u xâm lấn vào các cơ quan hay tổ chức quan trọng, cân nhắc giữa lợi ích của việc lấy hết tổ chức ung thư với các tai biến có thể gặp phải, và còn nhiều các cân nhắc khác nữa,...

Vì thế, xạ bổ trợ sau phẫu thuật là để tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại.

Xạ trị kết hợp với hóa chất như hai yếu tố song song

Trong cách phối hợp này thì xạ trị có thể được dùng trước và khi kết thúc xạ người bệnh sẽ được sử dụng hóa chất; hoặc nó có thể được sử dụng sau khi kết thúc hóa chất.

Một cách nữa là xạ trị và hóa chất có thể được sử dụng luân phiên hay còn gọi là hóa xạ đồng thời (chiếu xạ rồi hóa chất rồi chiếu xạ rồi lại hóa chất, và cứ lặp lại như vậy cho tới khi kết thúc điều trị).

Xạ trị giúp giảm nhẹ triệu chứng do ung thư tiến triển gây ra

Đặc điểm của các tế bào ung thư là phân chia và phát triển rất nhanh, gấp nhiều lần tế bào bình thường.

Ở giai đoạn muộn, khi ung thư đã lan rộng sẽ rất khó điều trị, hầu như không thể chữa khỏi. Trong trường hợp này, xạ trị vẫn có tác dụng thu nhỏ các khối u giúp người bệnh giảm bớt các triệu chứng khó chịu.

Xạ trị để điều trị ung thư tái phát

Tái phát là đặc tính luôn thường trực của ung thư, và bất kỳ một bệnh ung thư nào cũng có thể tái phát. Lúc này xạ trị có thể được sử dụng để điều trị ung thư hoặc điều trị giảm nhẹ các triệu chứng do ung thư tiến triển gây ra.

Tuy nhiên việc có sử dụng xạ trị với ung thư tái phát không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: liều chiếu xạ đã sử dụng trước đó, thời gian kết thúc của lần xạ trị trước đó, vị trí ung thư tái phát, đáp ứng của khối u với tia xạ, các lựa chọn thay thế,…

Xạ trị dự phòng

Ung thư có thể đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể nhưng chúng ta lại không hề phát hiện ra nó. Các chuyên gia cho rằng một số tế bào ung thư có thể đã di căn sang vị trí khác ngay cả khi hình ảnh của chúng chưa thể hiện trên kết quả chụp CT hay MRI.

Như ung thư phổi thường di căn lên não, do vậy một số bệnh nhân bị ung thư phổi có thể cần xạ trị cả vùng đầu (dù chưa phát hiện ung thư ở vùng này) để ngăn ngừa khả năng ung thư lây lan.

Tóm lại, xạ trị có thể chữa khỏi được ung thư hoặc ngăn ngừa ung thư tái phát, hay giảm nhẹ các triệu chứng do ung thư,... tùy thuộc vào loại bệnh, giai đoạn bệnh cũng như tình trạng chung của mỗi bệnh nhân,…

Điều quan trọng với mỗi chúng ta là cần tầm soát để phát hiện ung thư nhằm điều trị sớm thì sẽ có cơ hội chữa khỏi cao hơn. Chúng tôi mong rằng bài viết trên đã giải đáp được phần nào thắc mắc của độc giả.

Link nội dung: https://cmp.edu.vn/tri-xa-la-gi-a48335.html