Vắc xin 6in1 là một trong nhiều loại vắc xin quan trọng trẻ cần được tiêm sớm, tiêm đúng lịch và đầy đủ trong năm đầu đời để phòng cùng lúc 6 căn bệnh nguy hiểm. Vậy đã tiêm đầy đủ các mũi cơ bản, không tiêm nhắc lại 6in1 có sao không? Lịch tiêm vắc xin 6in1 như thế nào là hiệu quả? Bài viết dưới đây, chuyên gia VNVC sẽ giải đáp chi tiết tất cả thắc mắc trên của các bậc phụ huynh.
BS.CKI Nguyễn Tiến Đạo - Quản lý Y khoa Vùng TP.HCM, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết: “Mũi tiêm nhắc theo khuyến cáo của mỗi loại vắc xin là vô cùng cần thiết, nhằm tăng cường và “gia hạn” trí nhớ miễn dịch, bổ sung lượng kháng thể cần thiết để nâng cao hiệu lực bảo vệ đầy đủ của vắc xin, trẻ bỏ quên mũi nhắc lại có thể hình thành “khoảng trống miễn dịch” rất dễ là lỗ hổng cho virus, vi khuẩn xâm nhập gây bệnh. Chính vì thế, bố mẹ tuyệt đối không nên xem nhẹ và bỏ qua những mũi tiêm nhắc của con.”Tiêm phòng vắc xin 6 trong 1 cho trẻ giúp kích thích hệ miễn dịch, sản sinh thêm kháng thể đặc hiệu bảo vệ khỏi 6 căn bệnh nguy hiểm bao gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh do vi khuẩn Hib (Haemophilus influenzae type B). Đây đều là những bệnh có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong, cụ thể:
1. Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính cực kỳ nguy hiểm, gây ra giả mạc ở amidan, hầu họng, thanh quản, mũi và có thể xuất hiện ở da, kết mạc mắt hay bộ phận sinh dục. Bạch hầu có khả năng lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp, có nguy cơ bùng phát dịch lớn tại Việt Nam. Tỷ lệ tử vong do bạch hầu khá cao, trung bình từ 5 - 10% trên tổng số ca bệnh.
Trong số các biến chứng, viêm cơ tim và viêm dây thần kinh là phổ biến nhất. Viêm cơ tim có thể xảy ra trong giai đoạn toàn phát hoặc chậm vài tuần sau khi khỏi bệnh, với tỷ lệ tử vong cao khi xuất hiện sớm trong những ngày đầu. Viêm dây thần kinh, thường ảnh hưởng đến dây thần kinh vận động, có thể hồi phục hoàn toàn nếu bệnh nhân không gặp phải các biến chứng khác. Liệt màng khẩu cái là một biến chứng khác của bệnh, thường xuất hiện vào tuần thứ ba.
2. Uốn ván là bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm, do trực khuẩn Clostridium tetani gây ra. Loại vi khuẩn này hiện diện khắp nơi, từ đất, phân động vật đến các dụng cụ gỉ sét như đinh, kim và dây thép gai. Chúng xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hở, trầy xước hoặc bỏng, khiến bất kỳ vết thương nào cũng có thể là nguồn lây nhiễm uốn ván. Tại Việt Nam, hàng năm vẫn ghi nhận các ca mắc uốn ván, trong đó trẻ nhỏ là đối tượng có nguy cơ cao do bản tính hiếu động và tò mò, dễ tiếp xúc với mầm bệnh từ môi trường.
Trực khuẩn uốn ván phát triển trong điều kiện yếm khí tại vết thương, rồi giải phóng độc tố vào máu và tấn công vào hệ thần kinh - cơ. Thời gian ủ bệnh dao động từ 5 ngày đến một tháng và khi phát bệnh thì diễn biến rất nhanh. Triệu chứng bao gồm cứng hàm, tăng trương lực cơ toàn thân, bụng cứng và co giật mạnh dẫn đến suy hô hấp và rối loạn thần kinh thực vật. Trong một số trường hợp, người bệnh cần được cấp cứu, mở khí quản và điều trị bằng kháng sinh và trung hòa độc tố để giảm nguy cơ tử vong.
Sau khi khỏi bệnh, một số bệnh nhân có thể phải đối mặt với di chứng như điếc, hạn chế về thần kinh và vận động hoặc liệt do phải thở máy trong thời gian dài. Quá trình điều trị phục hồi chức năng cũng có thể kéo dài trước khi người bệnh có thể trở lại cuộc sống bình thường.
3. Vi khuẩn Hib (Haemophilus influenzae type b) là tác nhân chính gây ra viêm phổi nặng, viêm màng não và nhiều bệnh lý nhiễm trùng xâm lấn khác, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ em có thể mang mầm bệnh này trong mũi và họng mà không biểu hiện triệu chứng.
Theo thống kê năm 2010 từ Chương trình Tiêm chủng Mở rộng, thế giới ghi nhận khoảng 8 triệu trường hợp viêm phổi và viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib mỗi năm, dẫn đến khoảng 400.000 trẻ em tử vong. Trước khi có vắc xin, vi khuẩn Hib gây viêm phổi nặng ở 1/4 (khoảng 25%) trẻ nhỏ toàn cầu, khiến bất kỳ đứa trẻ nào chưa có miễn dịch đều đứng trước nguy cơ cao mắc bệnh. Đồng thời, vi khuẩn Hib có tỷ lệ kháng thuốc cao, làm giảm hiệu quả của các loại kháng sinh thông thường trong điều trị viêm phổi.
4. Ho gà là một bệnh lý cấp tính nguy hiểm, có khả năng gây ra dịch, đặc trưng bởi những cơn ho dữ dội và tỷ lệ biến chứng cao. Tác nhân gây bệnh ho gà là vi khuẩn Bordetella pertussis, bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng đặc biệt phổ biến và nguy hiểm đối với trẻ em, nhất là những em bé dưới 6 tháng tuổi. Đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi, tỷ lệ biến chứng và tử vong do ho gà là cao nhất (1).
Một nghiên cứu tại xứ Wales (Anh) về tỷ lệ mắc ho gà ở trẻ sơ sinh cho thấy, 93% trẻ dưới 3 tháng tuổi mắc ho gà nặng phải nhập viện, trong đó 39% trải qua ít nhất một biến chứng nghiêm trọng, bao gồm: 31% ngưng thở, 8% viêm phổi, 1% co giật và 1% xuất huyết kết mạc (2). Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), trong số trẻ nhỏ dưới 1 tuổi điều trị ho gà tại bệnh viện, khoảng 1% trẻ tử vong, 68% ngưng thở, 22% bị viêm phổi, 2% bị co giật và 0,6% mắc bệnh về não.
Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, các cơn ho tăng dần về mức độ nghiêm trọng có thể khiến trẻ nhỏ bị gãy xương và nôn nhiều gây mất sức. Sau cơn ho, trẻ thường xuất hiện tiếng thở rít như tiếng gà gáy và có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, viêm phổi và viêm não. Trẻ càng nhỏ tuổi, nguy cơ bệnh trở nặng càng cao.
5. Viêm gan B là một bệnh do virus gây ra, dẫn đến viêm và hoại tử tế bào gan, có thể tiến triển biến chứng xơ gan hoặc ung thư gan. Bệnh viêm gan B thường phát triển một cách thầm lặng và khó nhận biết, chỉ có thể xác định chính xác qua các xét nghiệm máu. Trong những trường hợp điển hình, triệu chứng có thể bao gồm trẻ biếng ăn, sốt nhẹ giống cảm cúm, sau đó là vàng da, vàng mắt, nước tiểu có màu nâu đậm và phân bạc màu bất thường.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), viêm gan siêu vi là một gánh nặng toàn cầu với số ca tử vong không ngừng gia tăng, khoảng 3.500 người mỗi ngày. Đây là bệnh truyền nhiễm gây tử vong lớn thứ hai trên thế giới, sau lao phổi, với gần 1,3 triệu ca tử vong hàng năm. Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ nhiễm viêm gan B cao, từ 10 - 20%. Hiện nay, chưa có phương pháp chữa bệnh đặc hiệu cho viêm gan B, do đó điều trị chủ yếu là nghỉ ngơi và cung cấp dinh dưỡng đầy đủ với chất đường, đạm và vitamin, hạn chế mỡ.
Ngoài ra, việc tiêm phòng vắc xin 6 trong 1 cho trẻ còn mang lại nhiều lợi ích quan trọng khác kèm theo, bao gồm:
Không tiêm nhắc lại vắc xin 6in1 có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Theo khuyến cáo của nhà sản xuất và các chuyên gia, vắc xin cần được tiêm đúng lịch, đủ phác đồ, đúng liều lượng, đúng vị trí và đúng đường dùng. Nếu trẻ bỏ lỡ lịch tiêm nhắc hoặc cho trẻ tiêm trễ so với lịch tiêm quy định thì trẻ có thể bị mắc bệnh do vắc xin chưa tạo đủ kháng thể bảo vệ, khả năng bảo vệ của vắc xin sẽ giảm dần theo thời gian, hiệu quả phòng bệnh không được duy trì và trẻ vẫn có khả năng nhiễm bệnh, nguy cơ cao gặp các biến chứng nguy hiểm.
Trẻ càng nhỏ biến chứng càng nặng, trong khi đó từ 2 tháng tuổi trẻ đã cần tiêm vắc xin 6in1 và hoàn thành phác đồ trước năm 2 năm tuổi. Nếu phụ huynh bỏ lỡ lịch tiêm 6in1 của trẻ trong 2 năm đầu đời, trẻ sẽ không còn cơ hội được tiêm đầy đủ, không có cơ hội được bảo vệ toàn diện bởi vắc xin 6in1. Đây là điều rất đáng tiếc nếu trẻ chẳng may mắc phải các căn bệnh nguy hiểm có thể phòng ngừa bằng cách tiêm đầy đủ vắc xin 6in1.
⇒ Tham khảo thêm: Lịch tiêm vắc xin 6 trong 1
Trẻ tiêm vắc xin 6in1 đầy đủ và đúng lịch sẽ đóng góp vào việc hình thành khái niệm “miễn dịch cộng đồng”, làm giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Ngược lại, với câu hỏi không tiêm nhắc lại 6in1 có sao không, chuyên gia nhấn mạnh, nếu nhiều trẻ không được tiêm nhắc lại, khả năng miễn dịch cộng đồng sẽ suy giảm, tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan nhanh chóng trong cộng đồng và bùng phát mạnh mẽ.
Ngoài ra, việc điều trị các bệnh lý trên còn gây tốn kém rất nhiều tiền bạc, thời gian, công sức và có thể gây ra gánh nặng kinh tế cho gia đình. Bố mẹ phải nghỉ làm để chăm sóc trẻ bệnh. Trẻ phải nghỉ học để điều trị bệnh, ảnh hưởng đến quá trình học tập và phát triển. Việc không tiêm nhắc lại vắc xin 6in1 không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tương lai của trẻ mà còn đe dọa sức khỏe cộng đồng và gây tốn kém cho gia đình và xã hội.
Tiêm nhắc lại vắc xin 6in1 là một phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của trẻ em.
Việc tiêm trễ so với lịch tiêm sẽ không làm giảm thấp nồng độ kháng thể sau khi hoàn thành đủ số liều theo phác đồ quy định. Bất kỳ sự gián đoạn lịch tiêm đều không đòi hỏi tiêm lại từ đầu hoặc bổ sung một liều tiêm khác. Vì vậy, nếu chẳng may bỏ lỡ lịch tiêm nhắc lại vắc xin 6in1 cho trẻ, phụ huynh cũng không nên quá lo lắng và cần sớm tiêm cho trẻ trước năm 2 tuổi. Nếu trẻ lớn hơn 2 tuổi, phụ huynh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn các loại vắc xin khác nhằm bảo vệ đầy đủ khỏi 6 bệnh nguy hiểm có trong vắc xin 6in1.
Thắc mắc “không tiêm nhắc lại 6in1 có sao không” đã được chuyên gia giải đáp. Liều tiêm nhắc lại đóng vai trò bổ sung, tăng cường và duy trì nồng độ kháng thể của trẻ thu được từ những liều vắc xin cơ bản đã tiêm trước đó, giúp bảo vệ trẻ tốt hơn và lâu dài hơn khỏi những nguy cơ bệnh tật do bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm gan B và các bệnh do vi khuẩn Hib gây ra.Bố mẹ không nên bỏ quên lịch tiêm nhắc của con, cần tuân thủ lịch tiêm chủng để đảm bảo hiệu quả bảo vệ cao nhất cho con em mình.
Link nội dung: https://cmp.edu.vn/mui-nhac-lai-6in1-a50990.html