CÁC ĐIỂM ĐẾN THÚ VỊ Ở LONG XUYÊN

CHỢ NỔI LONG XUYÊN

Bao đời nay, văn hóa sông nước đã ăn sâu vào đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. “Chợ nổi” - hình thức giao thương từ sông nước sinh ra đã trở thành một biểu tượng không thể thiếu. Trong đó, giữa dòng sông Hậu hiền hòa, chợ nổi Long Xuyên đã tồn tại và trở thành một phần không thể thiếu của tỉnh An Giang.

Cách trung tâm thành phố Long Xuyên hiện đại, chợ nổi Long Xuyên vẫn còn giữ nét văn hóa thương hồ đặc trưng, ít bị pha lẫn tính thương mại hóa. Không tấp nập và nhộn nhịp du khách như chợ nổi Cái Răng, cũng không chật nít xuồng ghe xuôi ngược như chợ nổi Ngã Năm, Năm Căn, chợ nổi Long Xuyên trải dài trên một khúc sông rộng, dài tạo cảm giác thoáng đãng và yên bình. Hoạt động du lịch ở đây không diễn ra quá sôi nổi mà chỉ đơn thuần là một “chợ nổi” đúng nghĩa.

Một điều giống như khi đi tham quan các chợ nổi khác, bạn phải dậy thật sớm, di chuyển từ bến tàu Ô Môi đến chợ nổi thì mới hưởng được hết cái cảm giác đặc biệt. Trong bầu không khí lành lạnh sáng sớm, xuyên qua lớp sương sớm, ngồi lênh đênh trên sông, xung quanh là xuồng ghe đầy ắp trái cây, bạn vừa ăn sáng vừa ngắm mặt trên lên...bạn đã tưởng tưởng ra được cảm giác đó như thế nào chưa? Chỉ nghĩ thôi mà đã thấy rất tuyệt đúng không?

Các sản phẩm trên chợ rất rẻ, vì đây là giá thành phù hợp với người dân địa phương chứ không phải giá thành của điểm du lịch. Bạn mua trái cây ở đây sẽ được mua với giá sỉ, mua đồ ăn thức uống thì chỉ giao động trung bình từ 10.000 - 20.000 VNĐ.

Trên bờ có chợ, dưới sông cũng có chợ; trên bờ có nhà, dưới sông cũng có nhà; trên bờ có sản xuất, dưới sông cũng có sản xuất. Dọc hai bên sông là những bè cá kết hợp nhà ở của người dân, hoặc ngay trên chiếc ghe chở nông sản kia, cũng có một khoảng không gian để sinh hoạt như một ngôi nhà thực sự. Bạn có thể xin người dân lên tham quan để hiểu rõ hơn về cuộc sống miền sông nước. Tuy không gian ở không được rộng rãi, nhưng lại vô cùng mát mẻ, thoải mái và đặc biệt những người dân nơi đây cũng chân chất như bao người dân miền Tây xưa nay. Người ta vẫn có nhà trên bờ, nhưng lại thích lênh đênh trên theo con nước vì cái “nghiệp thương hồ”: đi mãi rồi ở một chỗ thấy chẳng quen. Trên “ngôi nhà” cũng có nơi thờ Ông Bà Cậu, gian bếp, chỗ ngủ, chỗ ăn…

Vẫn là sông nước, vẫn là ghe xuồng, vẫn là cây bẹo đặc trưng của loại hình chợ nổi, nhưng chợ nổi Long Xuyên vẫn mang trong mình một nét đẹp riêng, một sự đặc biệt riêng biệt. Nếu bạn là một người thích trải nghiệm nét văn hóa sông nước đặc trưng của người miền Tây thì hãy một lần ghé qua chợ nổi Long Xuyên.

CÙ LAO ÔNG HỔ VÀ DU LỊCH CỘNG ĐỒNG

Đến với An Giang, mảnh đất của sự trù phù, sự tươi đẹp từ sông nước hữu tình nên thơ, đến những ngọn núi cao hùng vĩ mang trong mình những câu chuyện huyền bí nhiều năm qua đã thu hút được rất nhiều khách du lịch từ thập phương đến đây. Tại đây, mỗi địa danh đều có sự huyền bí riêng của mình có thể kể đến Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam (TP Châu Đốc) hay Thiên Cấm Sơn tức Núi Cấm (Huyện Tịnh Biên)…Ngoài ra, một địa danh khác cũng mang cho mình những giai thoại huyền bí, và là nơi sinh ra của một trong những vị lãnh đạo kiệt xuất của dân tộc, một người con ưu tú của quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng, đó chính là Cù lao Ông Hổ.

1. Giới thiệu về Cù lao Ông Hổ:

Ở giữa đôi bờ của Thành Phố Long Xuyên và Huyện Chợ Mới có một dải đất xanh được gọi là Cù Lao Ông Hổ, nơi đây thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, thành Phố Long Xuyên.

Để đến tham quan Cù Lao Ông Hổ. Du khách có thể di chuyển bằng xe máy và qua phà Ô Môi, hoặc có thể thuê tàu để di chuyển đến Cù Lao (khoảng 30 phút).

Sự tích về Cù Lao Ông Hổ: Từ dưới bến phà vào cù lao, du khách dễ dàng nhìn thấy hai bức tượng hổ to lớn được tạc bằng đá một cách tinh tế và đứng uy nghi tại cổng vào. Và đó cũng là biểu tượng đặc trưng tại nơi đây từ 300 năm qua. Về tên gọi “Cù lao Ông Hổ”, theo nhiều bậc cao niên tại địa phương, thuở xưa, vùng đất được phù sa bồi đắp, nổi lên ngay giữa con sông Hậu, nơi đây có nhiều cây cối rậm rạp, ít người lui tới. Khi đó, có hai vợ chồng làm nghề chài lưới định cư tại mảnh đất này, vào một ngày khi họ đang kéo lưới, thì nhìn từ xa có một con vật trông giống như mèo đang bám lấy mảng lục bình trôi trên sông. Vì thấy con vật này vừa lạnh vừa đói, đuôi lại bị cụt nên hai vợ chồng thương tình đã đem con vật này về nuôi. Một thời gian sau, con vật này to lớn hơn, hai vợ chồng mới nhận thấy thì ra đây không phải mèo mà là một con hổ, nhưng vì được họ nuôi từ nhỏ nên chú hổ này như được thuần hóa không phá phách, không hung hăng. Nhiều lần, người chồng thấy chú hổ này rượt đuổi gà, vịt nhưng khi ông quát thì chú hổ này dường như hiểu và ngoan ngoãn nghe theo ông, và dần dần chú hổ này đã trở thành một thành viên trong gia đình nhỏ của ông bà. Nhận thấy chú hổ ngày càng lớn, người dân nên đây sợ là nó sẽ trở nên hung hăng và quay lại bản chất vốn có của mình nên họ đề nghị là giết đi, nhưng ông lại không đồng ý và khẳng định nếu chú hổ này làm hại người thì bản thân ông sẽ tự tay giết nó. Thời gian sau, vì bệnh mà ông bà lão đã qua đời, riêng chú hổ vẫn ở lại căn chồi nhỏ mà nó đã từng được ông bà nuôi dưỡng. Cùng lúc đó thì cù lao này được nhiều người đến định cư và khai phá, làm cho chú hổ phải lui vào rừng sâu để trốn. Hằng năm cứ vào ngày giỗ của ông bà, chú hổ thường đem thịt heo rừng hoặc nai ở trước ngôi mộ, nằm giữa hai ngôi mộ, cúi đầu và sau đó là rời đi. Nhiều người dân đi ngang, thấy chú hổ họ không thấy sợ bởi lẽ họ nhận thấy được đó là chú hổ cụt đuôi ngày nào được ông bà lão nuôi dưỡng. Không lâu sau trận mưa lớn, người dân nơi đây tìm thấy xác của chú hổ đang nằm dọc bờ sông. Thương con vật sống có tình, dân làng chôn cất con vật giữa hai nấm mồ của ông bà lão. Từ đó, dân làng lập miếu thờ Ông Hổ và đặt tên cho cù lao này là cù lao Ông Hổ. Tên gọi cù lao ông Hổ là niềm tự hào của người dân nơi đây, bà con hay nói với nhau đó là hổ nghĩa, hổ tình, không phải hổ dữ. Nó là minh chứng cho một vùng đất cù lao với con người sống hiền hòa, chân tình, chan chứa tình yêu thương.

Đến với Cù lao Ông Hổ, nhiều du khách sẽ tự hỏi là mình sẽ tham quan ở đâu? Được trải nghiệm những việc gì? Và cù lao này khác biệt với những cù lao khác ra sao? Đến với cù lao này, du khách có thể tham quan Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Miếu Ông Hổ, cũng như các làng nghề còn sót lại nơi đây, ngoài ra du khách còn được tham quan và thưởng thức những loại trái cây do tự tay người dân chăm sóc.

1.1 Khu lưu niệm Chủ Tịch Tôn Đức Thắng

Đến Cù lao ông Hổ, du khách không thể không ghé thăm khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Nơi đây, trước là nhà cụ thân sinh Bác Tôn, được Bộ Văn hóa - Thể Thao - Du Lịch công nhận Di tích Lịch sử quốc gia năm 1984. Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 110 của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang đã khánh thành khu lưu niệm và đền thờ Bác với nhiều công trình mới được xây dựng trên khuôn viên 6,7 ha; năm 2012 được Chính phủ công Di tích quốc gia đặc biệt.

Đến với khu di tích, du khách sẽ được tham quan nhà trưng bày giới thiệu về cuộc đời hoạt động của Bác Tôn, nhà lưu niệm thời niên thiếu, Đền tưởng niệm, Nhà trưng bày các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ, chiếc phi cơ chở Bác vào Sài Gòn để làm lễ mít tinh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, phục chế mô hình nhà lán của Bác Tôn ở ATK (Thái Nguyên), cầu treo dài 80m đón khách tham quan bằng đường sông và nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật khác.

Nhà trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn có các hình ảnh, hiện vật, các tư liệu và phim hình sống động giúp chúng ta hiểu thêm về Bác, một tấm gương sáng của dân tộc ta về chí khí kiên cường, đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị. Trong khuôn viên khu lưu niệm còn lưu giữ nguyên trạng những hình ảnh, hiện vật gắn với thuở thiếu thời của Bác - đó là căn nhà sàn lót ván 3 gian, 2 chái lợp bằng ngói âm dương cùng với những đồ vật, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình; lũy tre xanh đầu ngõ soi bóng xuống sông Hậu theo thế “Long chầu Nguyệt”. Đã mấy trăm năm nhưng lũy tre vẫn xanh tốt; những ao cá trong vườn vẫn rực màu hoa sen, hoa súng; những vườn cây quanh năm hoa trái trĩu cành…

Với những truyền thuyết gắn với hiện thực về mảnh đất chôn nhau cắt rốn của Bác Tôn nên cù lao Ông Hổ từ lâu đã thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến An Giang. Tình cảm đó đã được đúc kết trong ca dao Nam bộ:

“Dù ai xuôi ngược bốn bề Chưa đến Ông Hổ chưa về An Giang.”

Ngày nay, cù lao Ông Hổ đã trở thành một địa chỉ du lịch văn hóa, giáo dục truyền thống về nguồn. Cứ đến dịp lễ, Tết, đặc biệt là vào những ngày tháng Tám mùa thu, du khách khắp nơi lại nô nức xuống phà Ô Môi qua sông Hậu để đến với cù lao Ông Hổ.

1.2 Miếu Ông Hổ

Xã Mỹ Hòa Hưng được biết đến như một ngôi làng cổ xưa bởi giữ được nét quê đậm chất, có nhà cổ, cuộc sống thuần nông, bên cạnh đó điểm nhấn là những ngôi đình, chùa. Đặc biệt là Bửu Long Cổ tự mà người dân còn hay gọi với cái tên thân thuộc “Miếu ông Hổ”.

Miếu ông Hổ tuy diện tích nhỏ, nằm thu mình dưới tán những cây dầu cổ thụ, nhưng bản thân mang trong mình nét cổ xưa, mặc dù đôi chỗ đường nét chưa thật sắc sảo. Đối với những người muốn tìm hiểu về văn hóa thì Miếu ông Hổ sẽ là điểm dừng chân thú vị vì mọi thứ đều có giá trị: từ tượng thờ, không gian, tích xưa… Vì những nét mộc mạc đó mà người ta thấy mình như đang ở trong bối cảnh của thời trước với không gian mát mẻ, không khí trong lành, con người mộc mạc, tình nghĩa, làng quê yên bình.

Hàng năm, lễ giỗ ông Hổ được tổ chức vào ngày 28-10 (âm lịch) với sự tham gia rất đông của người dân địa phương cũng như du khách gần xa. Đây là dịp cầu mong mùa màng bội thu, dân làng khỏe mạnh, không xảy ra dịch bệnh…

2. Du lịch cộng đồng:

Được thực hiện từ một dự án của Hà Lan, xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên đã hình thành nên một tổ làm Homestay và đến nay thì tổ Homestay này đã hoạt động gần 20 năm, và vẫn đang thu hút được lượng khách đến từ thành thị cũng như du khách quốc tế. Hiện nay, có tổng cộng 6 hộ làm mô hình Homestay, và một trong số đó có thể kể đến là Homestay của anh Trần Phước Nguyên, Chị Trúc Mai và Chú Tôn Thất Đính. Các điểm du lịch tại đây đã thu hút rất nhiều khách đến để tham quan.

Nơi đây, không xây dựng phòng lưu trú như những nơi khác, thay vào đó du khách sẽ ở cùng với chủ nhà như những người thân, người bạn. Đa phần du khách đến đây vì họ muốn được nghỉ ngơi ở không một không gian nhà vườn rộng, thoải mái. Đặc biệt, dù là khách lẻ hay khách đoàn đến với nơi đây, thì các homestay vẫn có thể sắp xếp một cách chu đáo để đón du khách đến tham quan và có trải nghiệm thú vị.

KHU LƯU NIỆM CHỦ TỊCH TÔN ĐỨC THẮNG

Có những vùng quê ghi nhớ mãi những cái tên, có những con người làm nên đất nước: An Giang sinh ra người con tài ba như chủ tịch Tôn Đức Thắng, để rồi Bác Tôn cũng góp làm cho An Giang nói riêng và cả đất nước yên bình, êm ấm như ngày hôm nay. Nhớ ơn những công lao mà Bác làm nên, khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng được khởi công xây dựng và hiện tại đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt (năm 2012).

Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một nhà lãnh đạo cách mạng, chính trị nổi tiếng của Việt Nam. Ông sinh ra trong một gia đình khá giả trên cù lao Ông Hổ, được học hành, tư tưởng yêu nước và đã làm nên nhiều thành tích trong quá trình hoạt động cách mạng. Cuộc đời của ông là sự gắn liền với từng dấu mốc lịch sử của dân tộc, là những câu chuyện bình dị đời thường và những đức tính tốt đẹp của một nhà lãnh đạo tài ba. Đến nay, mỗi lần nhắc đến ông, người dân An Giang đều có chung một niềm tự hào to lớn.

Nằm trên xã Mỹ Hòa Hưng, giữa hai bờ Chợ Mới và Long Xuyên (tỉnh An Giang), khu tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng là công trình nổi bật của tỉnh, được nhiều người viếng thăm hằng năm. Công trình bao gồm nhiều hạng mục như: ngôi nhà thời thơ ấu, đền thờ và nhà trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của ông….

Khu tưởng niệm có diện tích 3000m2, không khí xung quanh thoáng đãng do nằm trên cù lao và trồng nhiều cây xanh. Khuôn viên rộng lớn trưng bày một số hiện vật gắn liền với cuộc đời của chủ tịch Tôn Đức Thắng như: chiếc ca nô Giải Phóng) ông đã lái để đưa mình và đồng đội từ Côn Đảo về với đất liền; chiếc máy bay YAK-40 (ký hiệu VNA.452) đưa ông vào Nam tham gia đại lễ mừng ngày đất nước giải phóng,… Ở mỗi hạng mục đều có HDV tại điểm thuyết minh cho quý du khách.

Đền thờ:

Đây là khu vực đầu tiên khi du khách đến viếng thăm khu tưởng niệm. Đền thờ được xây theo lối kiến trúc truyền thống với kiểu kiến trúc cổ lầu tam cấp cùng mái ngói đại ống. Nổi bật nhất là tượng bán thân bằng đồng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng nằm giữa gian, xung quanh được trang trí bằng bao lam chạm trổ tỉ mĩ, công phu hình rồng, mây, hoa lá. Ngoài ra, mặt phía sau đền còn có bức tranh lớn được làm hoàn toàn bằng gáo dừa với chủ đề “Bác Tôn với quê hương An Giang”. Ở khu vực này, quý khách sẽ được thắp hương để thể hiện niềm tưởng nhớ và kính trọng đối với Chủ tịch.

Nhà trưng bày:

Nhà trưng bày ghi lại cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng bằng nhiều hình ảnh và vật dụng gốc mà Bác đã sử dụng. Đến đây, du khách bắt đầu được nghe kể về nhiều câu chuyện về Chủ tịch qua từng giai đoạn: thân thế, sự học, hoạt động cách mạng, gia đình, những năm cuối đời...tất cả như một cuốn phim lịch sử hào hùng nhưng cũng không kém phần xúc động.

Ngôi nhà thời niên thiếu

Đây là một hạng mục đặc biệt, bởi đây là ngôi nhà thật (nay được trùng tu để tiện cho việc tham quan) mà chủ tịch Tôn Đức Thắng đã sinh ra và lớn lên đến khi đi hoạt động cách mạng. Ngôi nhà được xây theo kiểu nhà sàn truyền thống Nam bộ: ba gian hai chái ấm cúng, bên trong bày trí nhiều hiện vật đến nay vẫn được ban quản lý khu tưởng niệm bảo quản. Phía sau nhà là phần mộ của hai vị thân sinh và vợ chồng người em trai của Bác. Du khách đến đây sẽ phần nào nhìn thấy được bối cảnh thời thơ ấu của một con người vĩ đại cũng gần gũi là bình dị như nhiều gia đình miền quê khác.

Chuyên đề 15 năm Côn Đảo

Chuyên đề đặc biệt này được khánh thành nhân 129 năm ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Trong khoảng 15 năm bị tù đày, Bác Tôn đã trở thành vĩ lãnh đạo của chi bộ đặc biệt Côn Đảo, là người đi đầu trong việc gắn kết tình đoàn kết và lòng yêu nước của các tù nhân. Chuyên đề tái hiện lại một số dấu mốc và thành tích khi Bác bị lưu đày, đồng thời cũng cho thấy sự tàn bạo của thực dân Pháp với các tù nhân nơi đây.

Khi đến thăm tỉnh An Giang, các bạn có thể liên kết địa điểm Khu tưởng niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng này với chợ nổi Long Xuyên và mô hình du lịch cộng đồng trên cù lao Ông Hổ thành một tuyến du lịch hấp dẫn, bắt đầu từ bến phà Ô Môi (thành phố Long Xuyên).

BẢO TÀNG AN GIANG

Tọa lạc tại đường Thạch Ngọc Hầu, Phường Mỹ Long, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Nơi lưu giữ trưng bày và tái hiện lại các tài liệu, hiện vật và những hình ảnh lịch sử cùng các nền văn hóa các nhau của bốn dân tộc anh, em: Kinh, Hoa , Khmer và Chăm từ những ngày khai thiên lập địa, đến thời kỳ phong kiến và An Giang bây giờ phát triển ra sao. Thì “Bảo tàng An Giang" sẽ là một điểm về du lịch văn hóa mà mỗi du khách không thể bỏ qua khi đến Long Xuyên.

Khi lần đầu đặt chân đến nơi đây, du khách sẽ choáng ngợp đầu tiên chắc sẽ là khoảng sân bên ngoài rộng, hai bên là những hàng cây. Tiến lại gần hơn bạn sẽ rõ hơn kiến trúc bên ngoài của công trình với ba màu: trắng sữa, đỏ nâu và màu cam; cùng với đó là dòng chữ “BẢO TÀNG AN GIANG".

Bước vào Bảo tàng, ta sẽ đến ngay với khu giới thiệu về Bác Tôn và cũng là khu chuyên đè với những chủ đề được giới thiệu khác nhau theo từng dịp trong năm. Nhắc đến An Giang thì chúng ta không thể không kể đến Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Người có công lao to lớn đối với An Giang. Tại đây, khi chúng ta di chuyển vào bên trong của bảo tàng, chúng ta sẽ được nghe thuyết minh viên giới thiệu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Tôn - một vẻ đẹp hào hùng, kiên trung, bất khuất; vì nước quên mình nhằm phục vụ cho cách mạng lúc bấy giờ. Mọi thứ sẽ dần thực hơn khi xung quanh là hơn 200 hình ảnh và hiện vật gắn liền với Bác Tôn.

Rời phòng, chúng ta bắt đầu di chuyển tiếp lên cầu thang để tiến đến phòng số 2. Tại đây, du khách sẽ được đắp mình vào nền văn hóa cổ tại An Giang lúc bấy giờ - văn hóa Óc Eo. Xuất hiện từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ VII TCN được tìm thấy tại Óc Eo huyện Thoại Sơn, tại đây trưng bày và tái hiện hơn 300 hình ảnh và hiện vật về văn hóa Óc Eo gồm: tượng, hình thức mộ táng, công cụ lao động cùng các pho tượng và trang sức,…Du khách sẽ không khỏi bất ngờ về một nền văn hóa bởi sự phát triển của nó lúc bấy giờ xuất hiện tại An Giang - một tỉnh của Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, tại tầng trưng bày văn hóa Óc Eo, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến 2 bảo vật quốc gia là bức tượng Phật bằng gỗ và pho tượng thần Shiva 4 mặt. Đây có thể coi là điểm nhấn của Bảo tàng An Giang, nơi du khách có thể thả hồn tưởng tượng về khung cảnh của thuở khai thiên lập địa của Vương quốc Phù Nam, vương quốc cổ hùng mạnh đầu tiên của toàn khu vực Đông Nam Á.

Vùng Thất Sơn Bảy Núi - An Giang là nơi sinh sống của 4 dân tộc anh, em: Kinh, Hoa, Khmer và Chăm. Mỗi dân tộc đều có nét văn hóa cùng những đặc trưng riêng. Rời phòng giới thiệu về nền văn hóa Óc Eo, chúng ta sẽ được thầy ngưởi Kinh và người Hoa tại An Giang họa có đời sống cùng việc làm kinh tế như thế nào. Đồng thời chúng ta sẽ còn được thấy mô hình ngôi nhà cổ của những địa chủ xứ Nam kỳ lục tỉnh xưa, cùng những vật dụng gắn bó với đời sống nông nghiệp của người dân Miền Tây từ thuở “mang gươm đi mở cõi” cho đến ngày hôm nay..

Nối tiếp là tầng trên cùng nhất là những hình ảnh và vật dụng giới thiệu về hai dân tộc Khmer và Chăm. Tại bảo tàng du khách sẽ được giới thiệu về những nét đẹp văn hóa của người Chăm và Khmer, cũng như những nghi lễ truyền thông và sinh hoạt hàng ngày. Không những thế, những trang phục đời thường hay trong lễ cưới, các nhạc cụ, nghi lễ truyền thống của người Khmer và người Chăm sẽ được bố trí cho ta thấy sinh động hơn.

Nếu bạn là khách du lịch và cũng là lần đầu đến với Long Xuyên thì bạn đừng lỡ “BẢO TÀNG AN GIANG” - nơi lưu giữ và mang lại hồi ức xưa và cho bạn về An Giang.

Link nội dung: https://cmp.edu.vn/long-xuyen-co-gi-a52069.html