Lâm sản phong phú
Vườn quốc gia U Minh Hạ với diện tích 8.527,8 ha, thuộc địa giới hành chính 4 xã thuộc 2 huyện Trần Văn Thời và U Minh, tỉnh Cà Mau. Nằm về phía tây tỉnh, cách thành phố Cà Mau không khoảng 25km, mất hơn 30 phút ngồi ô tô, du khách sẽ đến Vườn quốc gia U Minh Hạ.
Ở nơi đây, người Cà Mau vẫn đang bảo tồn nguyên vẹn hệ sinh thái nước ngọt đặc trưng vốn có. Nổi bật là hệ sinh thái rừng tràm hình thành trong điều kiện ngập nước, úng phèn. Bên dưới lớp đất, là lớp than bùn hình thành từ thảm thực vật từ hàng trăm năm trước, với cây tràm nước mọc tự nhiên bao phủ bên trên. Tràm nước được xem là một loại cây đặc trưng của vùng ĐBSCL. Rừng U Minh hạ là lá phổi xanh tự nhiên của con người. Vào ngày 26 tháng 5 năm 2009, vườn quốc gia U Minh Hạ được UNESCO công nhận là 1 trong 3 vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển Thế giới Mũi Cà Mau.
U Minh hạ có hệ thống động thực vật vô cùng phong phú và đa dạng sống cộng sinh: gần 250 loài thực vật, 182 loài chim, 20 loài bò sát sát và lưỡng thê, 40 loài thú và nhiều loài côn trùng khác, trong đó có nhiều loài được ghi vào sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế.
Hiện rừng U Minh Hạ và vùng đệm còn là nơi cung cấp cá đồng rất dồi dào loài cá lóc, cá bông, cá thác lác, cá trê vàng, sắt bướm… cho người tiêu dùng. Hàng năm, xuất khoảng 60.000 tấn cá đồng các loại cho thị trường trong ngoài tỉnh.
Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều loài động vật hoang dã tái xuất hiện ở rừng tràm U Minh Hạ, trong đó đáng chú ý là có rất nhiều nai và heo rừng - những loài động vật hoang dã tưởng chừng bị “mất tích” sau nhiều năm chiến tranh và săn bắt của con người.
Trải nghiệm làm “dân U Minh”
Đến Rừng U Minh Hạ, du khách sẽ có những trải nghiệm vô cùng thú vị bởi những nét hoang sơ nhưng vô cùng độc đáo mà không nơi nào có được. Sẽ không gì thú vị bằng khi được lênh đênh trên những chiếc xuồng - võ lãi theo những con kênh đi vào sâu trong rừng.
Càng đi sâu, du khách mới thấu hết được vẻ hoang sơ của U Minh hạ. Sẽ được ngắm nhìn thảm động thực vật vô cùng đa dạng, phong phú. Được nghe những giai thoại câu chuyện của Bác Ba Phi gắn liền cuộc sống người Cà Mau từ thuở tiền nhân khai khẩn đất phương Nam: rắn hổ mây đi trên đọt tràm, rùa đẩy ghe, ăn lưỡi nai, cá lóc ăn dừa khô…
Du khách có thể thuê một chiếc xuồng và tìm một vị trí thuận lợi trong rừng để câu cá, cắm câu, đặt lờ hoặc tự giăng lưới. Cá ở đây có rất nhiều, vì vậy chẳng khó khăn gì để du khách kiếm một giỏ đầy cá sau chuyến đi. Nếu may mắn, còn có thể câu được những chú cá lóc, cá dầy nặng trên dưới 1kg, có khi lên đến 2 - 3kg. Hoặc mạo hiểm hơn, trải nghiệm cùng người dân vào rừng ăn ong, đặt trúm bắt lươn, đặt lờ bắt cá…, đi hái đọt choại, bồn bồn, sen, súng, đọt cóc kèn… về làm món nhậu lai rai.
Du khách cũng có thể theo chân những người thợ gác kèo vào rừng lấy mật, vừa là trải nghiệm hồi hộp lý thú, vừa được thưởng thức món ong non vừa cắt xuống, chấm thêm tí mật vàng óng dẻo quánh.
Sau chuyến xuyên rừng, du khách sẽ được thưởng thức những món đặc sản rừng U Minh Hạ: cá lóc đồng, các trê đồng, cá dầy, cá rô, lươn, rùa, rắn… Được thưởng thức lẩu mắm U Minh nổi tiếng.
Nhiều món đặc trưng khác cũng khiến những thực khách khó tính cũng phải nhớ mãi: lươn um lá nhàu đậm đà dân dã, món rắn hổ hành nấu cháo đậu xanh phong cách người Cà Mau, cá lóc nướng trui bằng rơm, rắn bông súng nướng than chấm muối hột đâm với ớt hiểm xanh, cá rô đồng nấu lẩu mắm, chuột đồng chiên….
Đã có mồi “bén”, cũng nên nhâm nhi cùng hương vị đậm đà của “vang rừng” U Minh Hạ - rượu trái giác. Kết hợp chúng, sẽ làm du khách cảm nhận được trọn vẹn hương vị hoang sơ, mộc mạc mà bình dị, của một góc trời “Đất rừng Phương Nam."
Link nội dung: https://cmp.edu.vn/rung-u-minh-ha-thuoc-tinh-nao-a52429.html