Di sản kiến trúc của vương quốc Anh rất đa dạng và phong phú, dễ dàng khiến người khác phải mê mẩn, trầm trồ, thậm chí cảm thấy choáng ngợp. Kiến trúc vương quốc Anh được thể hiện qua hệ thống vô số thánh đường, nhà nguyện. Anh là nước có nhiều ảnh hưởng nhất, mặc dù Ireland, Scotland và xứ Wales cũng có những phong cách độc đáo, cùng nhau đóng vai trò hàng đầu trong lịch sử kiến trúc quốc tế.
Mặc dù có những kiến trúc thời tiền sử và cổ điển ở Vương quốc Anh, lịch sử kiến trúc vương quốc Anh bắt đầu có ảnh hưởng với các nhà thờ Thiên Chúa giáo Anglo-Saxon đầu tiên, được xây dựng ngay sau khi Augustine của Canterbury đến Anh năm 597.
Kiến trúc Norman được xây dựng trên quy mô rộng lớn khắp Vương quốc Anh và Ireland từ thế kỷ thứ 11 trở đi dưới hình thức lâu đài và nhà thờ để giúp người Norman áp đặt quyền lực của họ lên các tầng lớp bị trị.
Kiến trúc Gothic của Anh, được phát triển từ năm 1180 đến khoảng năm 1520, ban đầu được du nhập từ Pháp, nhưng nhanh chóng phát triển những phẩm chất độc đáo của riêng mình.
Thánh đường King’s College ở Cambridge, được xây dựng năm 1446, lại hoàn toàn mang phong cách trực giao Perpendicular.
Sir Christopher Wren, kiến trúc sư thế kỷ 17, để lại di sản gồm năm mươi hai nhà thờ, trong đó có thánh đường Saint Paul được xây dựng sau vụ hỏa hoạn London năm 1666, và bốn nhà thờ khác nằm xa trung tâm London. Ông chịu ảnh hưởng của phong cách kiến trúc Baroque Công giáo thời đó, nhưng đã giản lược tối đa trong các công trình của mình.
Các lâu đài, dinh thự của giới quý tộc, vua chúa cũng thể hiện tầm vóc của kiến trúc tại Vương quốc Anh. Royal Crescent hình vòng cung tại thành phố Bath mang phong cách Georgia là thiết kế của John Wood năm 1774. Phong cách cổ điển của Robert Adam thể hiện qua Syon House ở Middlesex. Hình mẫu đặc trưng cho phong cách Victoria vẫn hiện hữu trong nhà ga Saint Pancras và đài kỷ niệm Albert do Sir George Gilbert Scott thiết kế. Nhà Quốc hội, một thiết kế của Charles Barry, cũng là một ví dụ hoàn hảo cho phong cách Victoria.
Các kiến trúc sư hiện đại của Anh như Norman Foster, James Stirling và Richard Rogers cũng cho ra đời nhiều công trình nổi tiếng và độc đáo, như tòa nhà Swiss Re, thường được gọi là dưa chuột ri, và Tòa Thị chính tại South Bank…
Không khó để bắt gặp ở Vương quốc Anh những dinh thự đồ sộ ẩn mình giữa cây cối trong khu vườn rộng mênh mông. Một số là báu vật kiến trúc, số khác lại là mớ hổ lốn khoác vẻ giàu sang trưởng giả nhưng chúng đều có chung một điểm là cắn rất nhiều tiền để có thể chăm nom bảo quản. Hiện tại chỉ rất ít quý tộc còn khả năng bảo dưỡng và đóng thuế cho những tòa nhà như thế này, vậy nên chúng phần nhiều đã biến thành bảo tàng mở cửa đón công chúng, cho thuê để quay phim hoặc cải tạo thành trường học, viện điều dưỡng…
Một số lâu đài, tòa nhà khác ở Vương quốc Anh
Ngoài Vương quốc Anh, ảnh hưởng của kiến trúc vương quốc Anh đặc biệt mạnh ở Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan là kết quả của sự cai trị của Anh ở Ấn Độ trong thế kỷ 19. Các thành phố Lahore, Mumbai, Kolkata, Dhaka và Chittagong có các tòa án, tòa nhà hành chính và ga đường sắt được thiết kế theo phong cách kiến trúc của vương quốc Anh.
Link nội dung: https://cmp.edu.vn/kien-truc-anh-a52916.html