Tăng trưởng bền vững: “Cú hích” từ năng suất lao động

>>“Chìa khóa” tăng năng suất lao động

Việt Nam đặt mục tiêu top 3 ASEAN về tốc độ tăng năng suất lao động vào năm 2030. (Nguồn: Quyết định 1305/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030, TTX)

Việt Nam đặt mục tiêu top 3 ASEAN về tốc độ tăng năng suất lao động vào năm 2030. (Nguồn: Quyết định 1305/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030, TTX)

Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng Thế giới đánh giá, trong giai đoạn 2010-2020 năng suất lao động của Việt Nam tăng 64%, đạt mức tăng nhanh hơn các quốc gia cùng khu vực. Kết quả này có được chủ yếu nhờ sự cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và dòng vốn FDI lớn.

Tăng nhanh nhưng chưa đều

Tuy nhiên, trong 2 năm sau đó, mức năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều các nước đồng cấp. Theo Tổ chức Năng suất châu Á (APO), năm 2020, giá trị sản xuất mỗi giờ lao động của người Việt Nam đạt 6,4 USD. Con số này ở Thái Lan tăng hơn 2 lần (14,8 USD) và ở Singapore tăng hơn 10 lần (68,5 USD). Đáng chú ý, tốc độ tăng năng suất lao động từ năm 2021- 2023 thấp hơn mục tiêu Quốc hội đặt ra.

GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết: những yếu tố cơ bản như dịch bệnh COVID-19, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu… khiến kinh tế suy giảm, tác động đến năng suất lao động được tính bằng GDP bình quân trên một lao động đang làm việc trong năm. GDP giảm sẽ kéo theo năng suất lao động giảm.

Trong khi đó, nền kinh tế đang duy trì tỷ trọng lao động phi chính thức cao, chiếm hơn 60% với năng suất lao động thấp; lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27% không chỉ cho thấy chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập mà còn đặt ra những thách thức khi kết hợp nguồn nhân lực với vấn đề công nghệ, chuyển đổi số để tạo ra năng suất cao hơn. Cũng trên thị trường lao động, quan hệ cung - cầu mất cân đối cục bộ, việc sử dụng nhân lực nhiều khi chưa đúng chuyên môn vừa gây lãng phí vừa làm giảm năng suất lao động. Việc thay đổi kỹ năng của lao động phụ thuộc vào các chương trình đào tạo nhưng việc thay đổi chương trình đào tạo chưa bắt kịp với thực tế đòi hỏi. Đáng tiếc, thách thức này diễn ra trong giai đoạn dân số vàng của Việt Nam, tạo nên những nút thắt tác động đến quá trình phục hồi và phát triển của nền kinh tế, của doanh nghiệp.

>>"Nghịch lý" lao động dồi dào nhưng tốc độ tăng năng suất lao động thấp

Cần những giải pháp đột phá

Theo Tổ chức Lao động quốc tế, tăng 1% năng suất lao động sẽ giúp tăng 0,95 điểm phần trăm GDP, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp và thu nhập cho người lao động. Vì vậy, trên phương diện kinh tế, thảo luận về năng suất lao động chính là bàn luận về chất lượng tăng trưởng. Tăng năng suất lao động trở thành vấn đề sống còn, là chìa khoá để Việt Nam thích ứng với xu thế toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và là con đường ngắn nhất để hiện thực hoá mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Đặc biệt, tăng năng suất lao động bền vững nằm chính ở sự gia tăng năng suất lao động lõi trong từng doanh nghiệp, từng ngành của nền kinh tế để tạo nên tăng trưởng bền vững.

Để cải thiện và nâng cao năng suất lao động trong thời gian tới, theo GS TS Trần Thọ Đạt cần có giải pháp chính sách vừa giải quyết nút thắt trước mắt vừa có tầm nhìn trung và dài hạn. Trước hết, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong việc phân bổ các nguồn lực của nền kinh tế dựa nhiều hơn trên tín hiệu thị trường để cùng nguồn lực có thể tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. Thứ hai, động lực quan trọng là các ngành, các doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn cho đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh - những yếu tố dẫn dắt và đang thẩm thấu, tạo ra năng suất lao động cao trong nội tại nền kinh tế. Cùng với đó, cần có quan điểm, cách nhìn khác trên một số khía cạnh như quá trình chuyển dịch lao động từ khu vực năng suất thấp sang khu vực năng suất cao; tận dụng tốt hơn lợi thế của khu vực FDI bằng việc thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc và hợp tác chặt chẽ giữa khu vực doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước để dần làm chủ công nghệ, góp phần tăng năng suất lao động ổn định…

Bên cạnh đó, gắn kết hiệu quả hơn giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp; chú trọng phát triển nhân lực chất lượng cao; có chương trình đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động để thích ứng với sự thay đổi của thị trường, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự xuất hiện của công nghệ mới. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ trọng kinh tế số chiếm gần 16% GDP trong năm 2023 và con số này tiếp tục tăng trong những năm tới. Quá trình chuyển dịch mô hình kinh tế theo hướng ứng dụng công nghệ, giải pháp số kéo theo sự điều chỉnh của nguồn nhân lực với việc trang bị kỹ năng, trình độ cho phù hợp và đóng góp chung cho tăng năng suất lao động.

Có thể bạn quan tâm

Link nội dung: https://cmp.edu.vn/dien-dan-in-a53539.html