Bình bát còn sống có màu xanh, khi chín vỏ quả vàng ươm, ruột chia thành từng tép trắng ngà vị chua thanh ngọt nhẹ - là thứ quà vặt quen thuộc của những đứa trẻ vùng sông nước Tây Nam bộ một thời.
Sức sống hoang dã của bình bát cũng giống như người miền Tây quê tôi dễ thích nghi, ở đâu cũng sống được
MINH ĐỨC
Dù chỉ là loài quả mọc hoang trong tự nhiên nhưng trong ký ức của tôi đó là thứ trái cây ngon nhất ở cái thuở điều kiện khó khăn, mấy đứa trẻ con chỉ biết tìm ăn trái dại quả rừng. Mà bình bát thì mọc khắp nơi, mùa hè cứ men theo con rạch trước nhà có khi hái về cả cần xé. Lên bờ cả đám xúm lại chia nhau ăn, mỗi đứa vài ba trái. Trái chín thì tìm một cái chẹt nằm trong một trại xuồng thoáng mát, ngồi lên be vừa ăn vừa nhả hột xuống sông. Trái hườm thì vùi vào khạp gạo để ăn dần.
Những hột bình bát nhẹ bẫng trôi lềnh bềnh trên sóng nước khi gặp bãi bồi, kẹt cây khô có mùn thì tấp lại nảy mầm tái sinh. Từng cây non thẳng đứng chi chít vươn lên, sống chen chúc mà tốt tươi không cần ai chăm bón. Thân già thì cho người làm củi. Cùng với cây dừa gắn bó, bình bát là loài cho chất đốt phổ biến ở những vùng quê nghèo vẫn chuộng dùng bếp củi và tận dụng những gì có sẵn mà thiên nhiên khoản đãi cho con người.
Chỉ cần gốc chủ còn một mầm nhú thì cây bình bát cũng âm thầm tẻ nhánh sinh sôi. Có khi chúng mọc xiên nhau, kết rễ tận sâu bùn đất để hợp thành từng rặng um tùm mà dù có đốn lấy thân thì cội già vẫn nằm lại trở thành những hàng rào vững chắc để chắn sóng. Lớp này ngã xuống lớp khác lại nối tiếp nhau mọc lên, lặng lẽ khép mình, thầm lặng tận hiến.
Sức sống hoang dã của bình bát cũng giống như người miền Tây quê tôi dễ thích nghi, ở đâu cũng sống được, bất kể trong điều kiện hoàn cảnh nào. Có lần nghe tía tôi kể, hồi xưa ông tổ tôi trôi dạt xuống xứ Ba Xuyên (nay là Sóc Trăng) này đây, đói tìm bắt rắn rùa cá sông lên nướng ăn, khát uống nước lung bãi cầm hơi mà khai hoang lần hồi mấy thế hệ cả ngàn công ruộng. Trái bình bát cũng một thời là thứ trái dại giải khát vì có vị chua, xót ruột lựa trái lão quả nhỏ nhưng ngọt đậm mà ăn cũng đỡ đói lòng.
Trái bình bát không có mùi thơm sực nức, khi rút cùi ở giữa chỉ nghe hương thoang thoảng; nhưng thuở xưa vì thiếu hay vì đâu mà đứa trẻ miền quê nào ăn xong cũng sinh ghiền. Làm siêng và có điều kiện một chút thì cạo sạch vỏ bỏ vào ca dầm với đường rồi cho thêm đá sẽ trở thành món giải nhiệt hấp dẫn. Sau này món ăn dân dã ấy lại trở thành đặc sản tuổi thơ trong ký ức của những người miền Tây tha phương. Để rồi hồi nào trên bước đường áo cơm bắt gặp lại một thoáng hình ảnh hôm xưa, lòng sẽ bịn rịn xiết bao khi xuất khẩu thành những vần thơ mang sắc màu hoài niệm.
“Hương thôn sâu nặng nghĩa tình
Xa quê vẫn nhớ vị bình bát quê”.
Bình bát cạo sạch vỏ bỏ vào ly dầm với đường rồi cho thêm đá là món giải nhiệt hấp dẫn
minh đức
Cái đứa bé người lớn ngày ấy chắc không mấy thèm một ca bình bát chín dầm đường sữa vừa ngọt vừa béo. Hắn thèm những ngày vô lo nghĩ, sống hòa mình giữa thiên nhiên, thấy chuyện đao to búa lớn đến đâu cũng có thể giải quyết được bằng thanh kiếm đẽo từ cây bình bát đã lột hết vỏ. Thèm những buổi trưa hè đầu trần chân đất chạy tìm nhau rủ đi hái bình bát xanh về làm hai bánh xe của chiếc cần đẩy cọc cạch tự chế. Thèm một lần giăng võng ngủ dưới rặng bình bát bao bọc cả một bãi bồi sông mát rượi, nghe gió lùa qua mái tóc “miểng dùa”.
Vậy đó mà mớ ký ức trong veo ấy lại đỡ nâng mình suốt khoảng trời khôn lớn.
Rồi không thương sao được, bình bát ơi!
Link nội dung: https://cmp.edu.vn/hinh-anh-cay-binh-bat-a56837.html