Nằm giữa hai châu lục Âu và Á, Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ được ví như là “ngã tư” của các nền văn minh thế giới. Thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ là Ankara, nhưng Istanbul mới là thành phố đông dân nhất cả nước. Với người dân bản xứ, Ankara và Istanbul là hai “trái tim” của quốc gia đặc biệt này.
Đất nước Thổ Nhĩ Kỳ trải dài trên cả 2 châu lục Âu và Á. Thổ Nhĩ Kỳ có chung biên giới với Bulgaria ở phía Tây Bắc; Hy Lạp phía Tây; Gruzia, Armenia và Azerbaijan ở phía Đông Bắc; Iran phía Đông; Iraq và Syria phía Đông Nam. Ngoài ra, nước này còn có biên giới với Biển Đen ở phía Bắc; Địa Trung Hải phía Nam; Biển Aegae và biển Marmara phía Tây. Vì có vị trí chiến lược ở giữa châu Âu-châu Á và giữa ba biển, Thổ Nhĩ Kỳ được coi là “ngã tư” của các nền văn minh thế giới, cũng như các trung tâm kinh tế.
Khởi đầu từ nền tảng thu nhập thấp, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một trong những nền kinh tế năng động của thế giới. Thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế năm 2023 cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ là nền kinh tế lớn thứ 19 thế giới, có tài nguyên thiên nhiên phong phú, nền kinh tế phát triển đa dạng. Các ngành như: Công nghiệp khai khoáng, dệt may, chế tạo máy móc, điện gia dụng, chế biến thực phẩm, đóng tàu khá phát triển; ngành xây dựng và nông nghiệp phát triển mạnh. Ngành du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất phát triển, thu hút hơn 30 triệu khách du lịch nước ngoài mỗi năm.
Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc chính vào ngành công nghiệp và có xu hướng gia tăng các ngành dịch vụ, mặc dù ngành nông nghiệp truyền thống chiếm khoảng 25% việc làm. Mũi nhọn xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm: Công nghiệp tự động, sản xuất ô tô, hóa dầu, điện tử, dệt may… Các đối tác thương mại chính của Thổ Nhĩ Kỳ là Nga, Đức, Trung Quốc, Mỹ, Italy, Pháp,…
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong ít nước trên thế giới duy trì được tăng trưởng dương trong giai đoạn dịch Covid-19 (năm 2020, GDP tăng 1,8%; 2021, GDP 11%, nhờ các chính sách thu hút du lịch, đầu tư). Mặc dù từ đầu năm 2022 nền kinh tế đối mặt với một số khó khăn, song Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là trung tâm kinh tế quan trọng hàng đầu khu vực, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, xây dựng, đầu tư, công nghiệp tiêu dùng…
Với vị trí địa lý kết nối hai lục địa Á - Âu cùng vị thế và tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng, Thổ Nhĩ Kỳ là cửa ngõ cho hàng hóa các nước thâm nhập vào thị trường Trung Đông và Nam Âu.
Ngày 6-2-2023, một trận động đất dữ dội xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, cướp đi sinh mạng của nhiều người. Phát huy truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc, Chính phủ Việt Nam lần đầu tiên cử một lực lượng lớn cán bộ, chiến sĩ Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, cùng trang thiết bị sang hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất. Những hành động này không chỉ thể hiện mối quan hệ song phương tốt đẹp sẵn có giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam, mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc trong những giai đoạn khó khăn.
Ngày 29-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Ankara, bắt đầu thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Thủ tướng Việt Nam tới Thổ Nhĩ Kỳ được kỳ vọng tạo ra động lực mới, mang đến cho cả hai nước cơ hội đánh giá và thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực.
Ankara có vị trí đặc biệt, là “trái tim” của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara nằm trên thảo nguyên của miền Trung Anatoli, cách Biển Đen khoảng 200km về phía Nam. Lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ ghi lại các bằng chứng khảo cổ chứng tỏ Ankara từng là một trung tâm thương mại từ thời cổ đại. Trong thời gian dài hàng nghìn năm, Ankara từng trở thành nơi tranh chấp của các đế quốc Ba Tư, Arab, Seljuk Turks…
Năm 1923, sau khi Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập, Ankara được chọn là thủ đô của cả nước. Ankara phát triển nhanh chóng trong nhiều thập kỷ và sớm trở thành một trong những trung tâm đô thị lớn của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày nay, Ankara đã trở thành trung tâm hành chính, kinh tế, giáo dục hàng đầu của đất nước. Không những thế, với khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, những công trình kiến trúc cổ kính và một nền văn hóa đặc sắc, Ankara còn là điểm đến tuyệt vời mà bất cứ ai khi du lịch Thổ Nhĩ Kỳ cũng đều muốn ghé thăm.
Istanbul là thành phố duy nhất trên thế giới nằm trên cả hai châu lục Á và Âu, từng là thủ đô của nhiều đế chế hùng mạnh như La Mã, Byzantine và Ottoman. Ngày nay, đây là thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ với dân số khoảng 15,46 triệu người (năm 2020). Dù không phải thủ đô chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng Istanbul vẫn được coi là “thủ đô lịch sử”, một trung tâm văn hóa, kinh tế, tài chính quan trọng nhất của đất nước.
Nhờ tác động từ chuỗi các chương trình tự do hóa tài chính của chính phủ, từ thập niên 1990 Istanbul trở thành “thỏi nam châm” thu hút hầu hết các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ tới đặt trụ sở. Kinh tế Istanbul nổi tiếng là một nền kinh tế công nghiệp đa dạng, tập trung vào các hoạt động có giá trị gia tăng cao, sản xuất nhiều loại hàng hóa như đồ điện tử, dầu ô liu, thuốc lá…
“Đặc sản” của Istanbul là khu phố lịch sử được UNESCO xếp hạng Di sản thế giới, là 70 bảo tàng, 17 cung điện, 64 thánh đường Hồi giáo, 49 nhà thờ. Thành phố này từng là “Thủ đô văn hóa châu Âu”, với nhiều lần liên tiếp được đứng thứ nhất trong nhiều bảng xếp hạng du lịch như: Điểm đến du lịch hàng đầu thế giới, điểm đến tốt nhất thế giới. Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte từng nhận định: “Nếu thế giới này là một đất nước, Istanbul sẽ là thủ đô”.
Trước đây, việc đi lại giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ khá khó khăn. Điều này đã thay đổi khi Hãng hàng không Turkish Airlines mở 2 đường bay thẳng từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh (Việt Nam) tới Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào năm 2016, trở thành cầu nối giao thông quan trọng, xóa dần khoảng cách và tạo cơ hội thúc đẩy hợp tác lâu dài Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ.
Link nội dung: https://cmp.edu.vn/thong-tin-tho-nhi-ky-a58440.html