Dòng sông đặc biệt ở Cà Mau

Tuần rồi, tôi trở lại Năm Căn, quyết xuôi dòng Cửa Lớn. Đây cũng là mùa nước sông đẹp nhất trong năm với một mầu xanh ngời như lá cây non rừng ngập mặn. Có lẽ vậy mà cư dân địa phương gọi là “mùa nước ngời”.

Vui, buồn ven sông Cửa Lớn

Ca-nô khởi hành từ chợ Năm Căn, ngược dòng Cửa Lớn về phía Bồ Đề, nơi con sông tiếp nhận nước từ Biển Đông. Qua những xóm dân cư thưa thớt ngày nào, nay nhiều nơi đã là trung tâm hành chính cấp xã sầm uất, nhộn nhịp như: Cả Nẩy, Hàng Vịnh; Tam Giang; chợ Kênh 17…

Dòng sông đặc biệt ở Cà Mau ảnh 1

Sông Cửa Lớn đầu bên bờ Biển Đông nhìn từ cửa biển Bồ Đề của tỉnh Cà Mau.

Như một lẽ thường ở Cà Mau, tùy theo địa danh mà dòng sông đi qua, Cửa Lớn còn được dân địa phương gọi với nhiều tên khác: sông Cái Lớn, sông Tam Giang, sông Bồ Đề...

Tại thị trấn Năm Căn, Cửa Lớn còn được gọi là sông Năm Căn. Đây cũng là khúc giữa của dòng sông trải dài từ bờ biển Đông sang bờ biển Tây của Cà Mau. Có lẽ đây là đoạn hẹp nhất của Cửa Lớn nên gần 10 năm trước được Chính phủ quyết định chọn làm vị trí xây cầu Năm Căn, giúp Ngọc Hiển xóa cái tên “huyện ốc đảo”.

Tại ngã ba sông của xã Tam Giang, sông Cửa Lớn gắn cho mình tên gọi sông Tam Giang. Đây cũng là khúc sông gắn với nhiều chiến tích hào hùng, oanh liệt trong quá khứ “Đánh tàu trên sông Tam Giang”. Năm 1969, chú Tư Thắm (tức Chung Quang Thắm, ngụ ấp Trảng Lớn, xã Tam Giang, huyện Năm Căn) là thành viên trong “Đội săn tàu Kinh 17”, thuộc Lữ đoàn 962 Quân khu 9. 20 trận đánh lớn, nhỏ mà chú tham gia đã làm hơn chục tàu giặc bị hư hỏng, hoặc mãi mãi nằm lại sông. Ở tuổi 72, dù mắt đã mờ, chân đã run nhưng khi nhắc lại cái thời đánh tàu địch, chú Tư vẫn còn nhớ rõ: “Trận nhớ nhất là ngay cửa Bồ Đề, tôi và đồng đội đánh chìm hai tiểu pháo hạm của giặc”.

Dòng sông đặc biệt ở Cà Mau ảnh 2

Xóm vạn chài hành nghề hạ bạt ven sông Cửa Lớn, phổ biến là nghề đáy để đánh bắt hải sản, tôm, cá.

Quyển Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cà Mau có những trang được gấp khúc làm dấu, đã úa màu theo thời gian. Có lẽ đó là những trang tư liệu mà chú Tư đọc đi, đọc lại nhiều nhất. Chú cho hay, trong những năm chiến tranh ác liệt, thực hiện phong trào “Tìm tàu địch mà diệt” nhằm góp phần đánh bại chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông”, “Pháo đài thép di động” của Mỹ, nhân dân Tam Giang, Cả Nẩy, Năm Căn, Rạch Gốc, Tân Ân…, cùng với các đơn vị chủ lực khác của ta đã biến sông Tam Giang thành mồ chôn nhiều hạm đội nhỏ của địch.

Theo lời chú Tư, chỉ tính riêng từ tháng 1 đến tháng 12/1970, có tổng số 111 trận lớn, nhỏ đánh tàu trên sông Tam Giang; làm chìm, cháy, hư hỏng 192 tàu. Trong đó có 18 tiểu pháo hạm, hai tàu vận tải quân sự; làm chết và bị thương hơn 3.000 tên địch. “Riêng Đoàn 962 và các Tiểu đoàn 2014, 2315 (chủ lực Khu), Đại đội 82 của tỉnh Cà Mau cùng với du kích xã Tân Ân, Tam Giang đánh 26 trận. Trong đó, ba trận đánh vào căn cứ nổi hải quân Mỹ ở Năm Căn, đã tiêu diệt và làm hỏng 66 tàu… -chú Tư Thắm dẫn lại số liệu lịch sử trong tâm thế tự hào.

Dòng sông, bến nước ở Tam Giang đã thành ký ức của không biết bao lớp người sinh ra và lớn lên trong vùng căn cứ cách mạng, như trường hợp chú Tư Thắm và chú Tư Bình (Nguyễn Thanh Bình). Gắn bó gần cả đời với cặp tuyến sông Tam Giang, nay chú Tư Bình là Giám đốc Hợp tác xã Chế biến than 2 tháng 9 (ấp Nhà Hội, xã Tam Giang).

Trò chuyện cùng chúng tôi, chú Bình nhắc về những kỷ niệm vui, buồn từ dòng sông. Với xóm vạn chài tại địa phương, một thời, dòng Tam Giang giúp người dân có nhiều tôm, cá, hải sản… nhờ đó chăm lo con cái học hành, nhà tường thay dần cho những căn nhà gỗ lợp bằng lá dừa nước. Hàng chục năm qua, dòng sông ấy mang phù sa giúp cây rừng tươi tốt, ghe tàu vận chuyển lâm sản thuận lợi. Công việc chế biến than của gia đình chú “ăn nên, làm ra”.

Dòng sông đặc biệt ở Cà Mau ảnh 3

Xóm lò chuyên sản xuất, chế biến than đước ven sông Cửa Lớn, đoạn thuộc ấp Nhà Hội, xã Tam Giang (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau).

Vậy nhưng, Tam Giang cũng là nơi gieo cho chú và cư dân trong vùng những lo âu, thấp thỏm. Chỉ tay về khu nhà sản xuất than nằm ven sông, chú Bình buông giọng buồn: “Vài năm gần đây, nước dâng cao hơn, dòng chảy mạnh hơn gây sạt lở ven sông liên tục, khiến nhiều gia đình phút chốc lâm vào cảnh trắng tay. Khu chế biến than của gia đình tôi hơn bốn tháng trước đã bị sạt lở, khiến ba căn nhà lò chìm ngủm dưới nước”.

Khi nào Cái Lớn ra biển lớn?

Ngay từ buổi cha ông khẩn hoang, mở đất, thiên nhiên đã hào phóng ban cho Cà Mau những con sông cuồn cuộn phù sa ở miệt rừng ngập mặn bạt ngàn. Trong số ấy có Cửa Lớn - con sông duy nhất trên dải đất hình chữ S có khởi nguồn từ biển và chảy ra biển. Còn ở xứ sở Cà Mau, Cửa Lớn là con sông lớn nhất, dài nhất, sâu nhất và dòng chảy mạnh nhất.

Xuôi dọc tuyến sông mới biết, Cửa Lớn dài khoảng 58 km, đầu bên biển Đông là cửa Bồ Đề, còn đầu bên biển Tây là cửa Ông Trang-đổ nước ra Vịnh Thái Lan. Con sông này có nơi rộng khoảng 600m và sâu hơn 20m. Chảy về đến thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn), sông còn rộng chừng 300m, sâu hơn 10m.

Dòng sông đặc biệt ở Cà Mau ảnh 4

Sông Cửa lớn đoạn hẹp ngang qua thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) được chọn làm vị trí bắt cầu Năm Căn đi về tận Đất Mũi

Đến cửa Ông Trang, sông mở rộng dần ra như một vịnh biển, có nơi hơn 1.800m nhưng độ sâu chỉ còn chừng hơn 4m. Hội tụ nhiều yếu tố “đặc biệt” nên Cửa Lớn cũng là đề tài được nhiều học giả, giới nghiên cứu quan tâm. Theo thạc sĩ Nguyễn Hồng Vệ, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau, Cửa Lớn khá đặc biệt bởi không có hạ nguồn và cũng không có thượng nguồn. Khi thủy triều lên, sông đón được nước cả từ biển phía Đông và phía Tây, sau đó hội tụ vào đoạn giữa con sông.

Khi thủy triều rút xuống, nước của dòng sông này cũng ra hai cửa biển phía Đông và phía Tây. “Chính con sông Cửa Lớn đã giúp cho bộ đội ta làm nên những chiến thắng vẻ vang. Dòng sông ấy còn đi vào lịch sử, thơ ca của tỉnh Cà Mau, như: Lời các bài hát “Đất Mũi Cà Mau”, “Một góc quê em”; bài thơ “Đền thờ Bác ở chót mũi Cà Mau”… Đó chính là những cái đặc biệt, đặc sắc trên dòng sông này mà ít nơi nào có được” - đồng chí Vệ chia sẻ.

Và trên bản đồ vùng sông nước Cà Mau, hiếm dòng sông nào có nhiều chi lưu như sông Cửa Lớn. Cứ cách khoảng 1 km là có một chi lưu đấu nối: lúc là con rạch nhỏ, lúc là con sông lớn chạy ngoằn ngoèo vào rừng sâu. Dòng Cửa Lớn cũng là ranh giới tự nhiên chẻ dọc huyện Ngọc Hiển và Năm Căn, tách khu vực cuối cực nam của bán đảo Cà Mau thành một đảo nhỏ (khi chưa có cầu Năm Căn bắt ngang).

Dòng sông đặc biệt ở Cà Mau ảnh 5

Ngư dân hành nghề hạ bạt ven tuyến sông Cửa Lớn, đoạn thuộc xã Hàng Vịnh (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau)

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Năm Căn Trần Đoàn Hùng, người sinh sống, trưởng thành, công tác lâu năm tại miệt rừng ngập mặn Cà Mau, và “nằm lòng” về con sông Cửa Lớn, quá trình hình thành con sông này cũng định hình luôn hệ thống kênh, rạch đan xen nhau ăn sâu vào nội đồng. Gắn với đó là quá trình hình thành và phát triển những khu dân cư theo tuyến sông, các tuyến chợ ở ngã ba, ngã tư đổ ra sông… Cửa Lớn cũng giúp hình thành nên những cánh đồng màu mỡ, cung cấp nước và nguồn lợi thủy sản cho cư dân nuôi thủy sản miệt rừng ngập mặn, cả những khu vực nuôi tôm công nghệ cao phục vụ nguồn nguyên liệu dồi dào cho các cơ sở chế biến, xuất khẩu thủy sản của tỉnh.

“Dòng nước luôn tươi mới được tiếp nhận từ hai vùng biển của sông Cửa Lớn còn giúp sản sinh ra những loài thủy sản không chỉ có tiếng ở trong nước mà còn trên thế giới, như con tôm sú, con cua, con vọp, con sò huyết và nhiều loài thủy sản khác ở miệt rừng ngập mặn Cà Mau” - anh Hùng tâm đắc, khoe.

Hàng chục năm ngược xuôi vùng sông nước, nhưng đây là lần đầu tôi có dịp đeo đuổi suốt chiều dài của dòng sông lớn nhất xứ sở Cà Mau. Từ Bồ Đề đến Ông Trang, dọc sông là những cánh rừng đước bạt ngàn, xen lẫn xóm dân cư. Không ít nông hộ hành nghề hạ bạt; phổ biến là nghề đóng đáy bè, đáy neo, đáy sông, lưới cá, chày, câu… Trên tuyến sông Cửa Lớn ngày trước, vào mùa trái mắm rụng, cá dứa nổi lờ đờ trên mặt sông ăn trái. Lợi dụng tập tính ấy, ngư dân địa phương dùng chỉa ba mũi để đâm cá. Nghề săn cá dứa dần mai một, bởi loại cá đặc sản tự nhiên này giờ thuộc loại “hàng hiếm” ở Cà Mau.

Dòng sông đặc biệt ở Cà Mau ảnh 6

Ngư dân hành nghề hạ bạt ven tuyến sông Cửa Lớn, đoạn thuộc xã Hàng Vịnh (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau)

Miên man theo phù sa của con sông cực nam miền cuối đất, cũng nửa ngày hơn. Đến cửa Ông Trang, mưa thưa dần rồi dứt hẳn, lộ rõ ráng chiều trong veo của mặt trời sắp lặn phía bờ Tây. Ở đó, Cửa Lớn rẽ thành hai nhánh sông: nhánh nhỏ thuộc địa phận huyện Năm Căn; nhánh rộng thuộc huyện Ngọc Hiển. Giữa hai nhánh sống ấy là khu rừng xanh bạt ngàn nằm thoi loi như một cù lao, có hình dạng “một nửa trái tim”, hoặc gọi là “giọt nước mắt” cũng được. Dòng sông qua nhiều thế hệ, lắm thăng trầm, nhưng xét về góc độ kinh tế thì vẫn còn thiếu thứ gì đó trong “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Như lời chia sẻ của đồng chí Nguyễn Hồng Vệ: Trong tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh ngày nay, những con sông lớn không còn là trở ngại mà là tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế sông, kinh tế biển gắn với nuôi trồng thủy sản.

Thấy rõ tiềm năng, thế mạnh ấy nên trong quy hoạch dài hạn của Cà Mau, quy hoạch huyện Năm Căn được gắn liền với sông Cửa Lớn, có cả Khu kinh tế Năm Căn đã và đang được mời gọi, xúc tiến đầu tư, tương lai xây dựng thành trung tâm nuôi trồng, chế biến thủy sản của cả một khu vực. Gắn với đó là hệ thống cảng biển. “Nếu xây dựng được một cảng nước sâu ở Hòn Khoai hay tại cửa Bồ Đề thì tương lai, vùng sông nước Cà Mau không còn là nơi cuối cùng mà có thể là nơi khởi điểm của phát triển, góp phần giúp địa phương bứt phá theo hướng mạnh lên từ biển và làm giàu từ biển” - đồng chí Vệ mong ước.

Ngoài kia, mùa gió chướng tiếp tục mang phù sa từ biển vào sông. Dù thế nào đi nữa, sông nước vẫn là cái gợi nên hồn cốt của xứ sở Cà Mau. Với Cửa Lớn, dù còn cả chặng đường dài phía trước nhưng khi được “mồi lửa” đúng cách, tin rằng vùng đất ấy sẽ “thắm da, đỏ thịt”, như hải âu tự do tung bay giữa trời cao, biển lớn.

Link nội dung: https://cmp.edu.vn/song-nam-can-a60853.html