Nhìn lại trận Rạch Gầm – Xoài Mút năm 1785

LTS: Nhân dịp kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (1/1785 - 1/2020), Đại tá Đặng Việt Thủy đã gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết nhằm góp phần nêu bật nghệ thuật dùng binh tài giỏi của người anh hùng "áo vải" Nguyễn Huệ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trận Rạch Gầm - Xoài Mút là một trong những trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta.

Đây là trận phục kích đường sông nổi tiếng của quân Tây Sơn vào đêm 18 rạng ngày 19/1/1785 trên khúc sông Tiền từ Rạch Gầm đến Xoài Mút, do Nguyễn Huệ chỉ huy, đập tan 5 vạn quân Xiêm và hàng nghìn quân bản bộ của Nguyễn Ánh trong khởi nghĩa Tây Sơn (1771-1789).

Từ một thủ lĩnh chiến đấu dưới cờ của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đã trở thành lãnh tụ kiệt xuất của phong trào Tây Sơn, chăm lo xây dựng quân đội Tây Sơn thành quân đội tinh nhuệ, thiện chiến.

Lược đồ chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (Ảnh minh họa: TL). Lược đồ chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (Ảnh minh họa: TL).

Qua 21 năm chiến đấu, Nguyễn Huệ đã lập nên những kỳ tích oanh liệt: Chiến thắng Phú Yên (1775), ba lần đánh tan quân Nguyễn ở Gia Định (1777, 1782 và 1783), thắng quân Xiêm ở trận Rạch Gầm - Xoài Mút (19/1/1785); đánh đổ các tập đoàn phong kiến: chúa Nguyễn ở Đàng Trong, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, chấm dứt cảnh đất nước chia cắt trên 200 năm; quét sạch hơn 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh (1789).

Từ năm 1777 đến 1783, Nguyễn Huệ đã ba lần đánh vào Gia Định và toàn thắng.

Đặc biệt là trong lần thứ ba, tháng 2, năm Quý Mão (1783), Nguyễn Huệ cùng Nguyễn Lữ vào đánh Gia Định từ cửa biển Cần Giờ.

Quân Nguyễn đại bại, Nguyễn Ánh phải chạy về Ba Giòng (Gia Định) quân không còn tới 100 người.

Nguyễn Ánh và khoảng 5 - 6 bầy tôi trung thành chạy ra đảo Côn Lôn (Cổ Long). Nguyễn Huệ lại cho quân vây đảo Côn Lôn, Nguyễn Ánh rơi vào đường cùng may mà nhờ có sóng lớn nên trốn thoát. Nguyễn Ánh may mắn thoát chết chạy về đảo Cổ Cốt.

Sau khi thấy Tây Sơn rút quân, Nguyễn Ánh lại chạy về Phú Quốc, nhưng lúc này lương hết, còn cột buồm thì gãy, nhờ có thuyền gạo của một người ở Hà Tiên giúp mới qua cơn bĩ cực.

Nguyễn Ánh để vợ con ở lại đảo, đem thuyền về cửa biển Ma-ni liền bị do thám của Tây Sơn phát hiện, Nguyễn Ánh phải chạy ra biển lênh đênh suốt 7 ngày đêm hết cả lương thực và nước ngọt.

Cuối cùng, "số phận" chưa tận nên gặp được dòng nước ngọt mới thoát chết khát lại trở về Phú Quốc. Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ rút quân về Quy Nhơn.

Bị đánh liên tiếp, trong cơn cùng quẫn, Nguyễn Ánh liền nhờ giáo sĩ Bá Đa Lộc cùng Phạm Văn Nhơn đem Thế tử Cảnh lúc đó mới 4 tuổi sang cầu viện nước Pháp. Mặt khác, Nguyễn Ánh lại sai người đi cầu cứu vua Xiêm.

Thời gian này, nước Xiêm dưới triều vua Cha-kri (Chất Tri) đang thi hành chính sách bành trướng ra các nước trong khu vực.

Vua Xiêm thấy Nguyễn Ánh cầu viện thì cả mừng liền cho hai cháu là Chiêu Tăng, Chiêu Sương mang 5 vạn quân cả thủy và bộ, 300 chiến thuyền tiến công nước ta vào ngày 25/7/1784. Nguyễn Ánh cũng kêu gọi các cựu thần của nhà Nguyễn tập hợp binh lực.

Quân Xiêm đi đến đâu cướp của, giết người, hãm hiếp phụ nữ, rồi lại thi nhau chở thóc gạo về nước khiến cho dân chúng lầm than, lòng người oán giận.

Sau 5 tháng (cuối năm Giáp Tuất 1784), kể từ khi đem quân vào nước ta, quân Xiêm chỉ chiếm được nửa phần đất phía tây Gia Định. Thành Mỹ Tho và nửa phần đất phía đông Gia Định, quân Tây Sơn vẫn giữ vững.

Cuối năm 1784, Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc cử Nguyễn Huệ đem thủy quân vào Nam tổ chức phản công, thực hiện quyết chiến chiến lược nhằm nhanh chóng quét sạch quân Xiêm - Nguyễn ra khỏi đất Gia Định.

Hình tượng anh hùng áo vải Nguyễn Huệ trong chiến thắng mùa xuân Kỷ Dậu (1789) Hình tượng anh hùng áo vải Nguyễn Huệ trong chiến thắng mùa xuân Kỷ Dậu (1789)

Nguyễn Huệ dùng thuyền chiến vượt biển vào đến Gia Định khoảng đầu tháng 1/1785, đóng quân và đặt sở chỉ huy tại Mỹ Tho.

Tổng số quân Tây Sơn ở Gia Định - kể cả quân đồn trú của Trương Văn Đa và đoàn binh thuyền mới được tăng cường của Nguyễn Huệ - lên đến khoảng 2 vạn. Về số lượng, quân Tây Sơn chưa bằng một nửa quân Xiêm, chưa kể quân bản bộ của Nguyễn Ánh.

Về trang bị vũ khí của quân đội Tây Sơn, ngoài bộ binh còn có tượng binh, kỵ binh và một đội thủy binh mạnh với nhiều loại thuyền chiến lớn nhỏ khác nhau. Đặc biệt là có nhiều đại bác các cỡ.

Đây là những đại bác của quân Nguyễn bị quân Tây Sơn chiếm được trong các trận đánh, bao gồm đại bác do quân Nguyễn chế tạo và do chính quyền họ Nguyễn mua của các công ty tư bản phương Tây.

Chỉ riêng trận đánh ra Quảng Nam giữa năm 1774, quân Tây Sơn đã chiếm được 45 voi chiến, 82 khẩu đại bác Hà Lan, Anh và 6 thuyền chở đầy đạn dược.

Trên thuyền chiến, quân Tây Sơn thường đặt nhiều đại bác. Số đại bác này đã cho thấy quân Tây Sơn có lực lượng pháo binh khá mạnh.

Trước khi Nguyễn Huệ đem quân vào Gia Định (lần thứ tư), quân Xiêm - Nguyễn đã kiểm soát được vùng Hậu Giang và tiến tới vùng Tiền Giang.

Chúng đã chiếm được Sa Đéc, Long Hồ (Vĩnh Long), Mân Thít, Ba Lai, từ hữu ngạn Tiền Giang cho đến sông Ba Lai. Cuối năm 1784, chúng chiếm được Trà Tân ở phía bắc Tiền Giang và sông Mỹ Tho.

Sau khi chia quân đóng giữ một số vị trí trọng yếu trong vùng đã chiếm được, Chiêu Tăng, Chiêu Sương cùng với Nguyễn Ánh đang tập trung quân về Trà Tân (Mỹ Tho).

Chúng dự tính sẽ từ Trà Tân tiến lên Mỹ Tho, Gia Định, đánh tan quân Tây Sơn, hoàn thành việc xâm chiếm toàn bộ đất Gia Định.

Giữa lúc quân địch đang chuẩn bị cho cuộc tiến công đánh chiếm Mỹ Tho, Gia Định thì bất ngờ thủy quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy kéo vào đóng ở Mỹ Tho.

Quân địch phải tạm thời hoãn cuộc tiến công để lo đối phó với Nguyễn Huệ, đề phòng quân Tây Sơn từ Mỹ Tho đánh lên.

Tại Trà Tân và vùng nam bờ sông Mỹ Tho, Tiền Giang, quân địch đã tập trung một khối lượng khá lớn gồm đại bộ phận quân Xiêm và quân bản bộ của Nguyễn Ánh.

Chiêu Tăng, Chiêu Sương và Nguyễn Ánh đặt sở chỉ huy và đóng đại quân tại Trà Tân. Trà Tân ở phía bắc sông Mỹ Tho, khoảng giữa Cái Bè và Bình Chánh đông. Địa hình và vị trí vùng này khá lợi hại.

Dòng sông bị chia cắt bởi những cù lao lớn như cù lao Tân Phong, cù lao Trà Luật (hay cù lao Năm Thôn) và nhiều cồn cát, bãi sa bồi. Các nhánh sông chi chít nhưng hẹp.

Địa thế đó rất thuận lợi cho việc bố trí phòng thủ, phối hợp chặt chẽ giữa bộ binh và thủy binh. Vùng Trà Tân ở vào đầu sông Mỹ Tho tiếp với Tiền Giang và gần chỗ phân lưu của các sông Cổ Chiên, Hàm Luông, Ba Lai đổ ra biển. Khi tiến công, quân địch có thể từ Trà Tân theo dòng sông Mỹ Tho tiến đánh Mỹ Tho.

Ở phía nam Tiền Giang và sông Mỹ Tho, quân địch phân chia một bộ phận đóng giữ những vị trí quan trọng như Sa Đéc, Long Hồ (Vĩnh Long), vừa để bảo vệ sở chỉ huy, ngăn chặn quân Tây Sơn có thể từ biển theo các cửa sông Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên đánh lên, vừa sẵn sàng tiếp ứng cho đại quân ở Trà Tân.

Tiến công vào Trà Tân, một căn cứ tập trung đông quân địch và phòng bị chặt chẽ như vậy, quân Tây Sơn sẽ gặp nhiều khó khăn, bất lợi, nhất là khi quân ta ít hơn hẳn quân địch về số lượng.

Hơn nữa trong tình hình cả nước lúc đó, tiền đồ phát triển của phong trào Tây Sơn đòi hỏi Nguyễn Huệ phải đánh nhanh, giải quyết nhanh.

Kẻ thù của Tây Sơn không phải chỉ có quân xâm lược Xiêm và Nguyễn Ánh ở Gia Định mà còn có quân Trịnh ở Thuận Hóa. Tiến công vào căn cứ Trà Tân, cuộc chiến đấu chắc chắn sẽ ác liệt và kéo dài.

Như vậy, quân chủ lực tinh nhuệ của Tây Sơn bị giam chân ở mặt Nam, do đó ở mặt Bắc, quân Trịnh có thể lợi dụng thời cơ đánh vào Quy Nhơn. Quân Tây Sơn sẽ rơi vào tình thế nguy hiểm, phải đồng thời đối phó với hai kẻ thù ở hai phía. Đây là lý do quân sự và chính trị giải thích vì sao Nguyễn Huệ không mở cuộc tiến công vào Trà Tân.

Nguyễn Huệ chủ trương nhử địch ra khỏi căn cứ, kéo chúng đến một địa hình có lợi cho ta và tiêu diệt gọn bằng một trận quyết chiến theo lối đánh vận động trên sông.

Những ngày đầu, Nguyễn Huệ sử dụng một binh lực nhỏ mở những trận tập kích vào một số vị trí đóng quân của địch.

Lợi dụng nước thủy triều lên, Nguyễn Huệ cho những đội binh thuyền nhỏ xuất phát từ Mỹ Tho theo dòng sông đánh lên Trà Tân hoặc theo những cửa sông Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên đánh lên những vị trí của địch xung quanh Trà Tân rồi lại rút lui.

Đó là những trận tập kích nhằm nghi binh thăm dò lực lượng địch và kích động thêm tinh thần chủ quan, khinh địch của quân Xiêm.

Mặt khác, Nguyễn Huệ còn biết rõ dã tâm của vua Xiêm là lợi dụng danh nghĩa cứu giúp Nguyễn Ánh để xâm lấn đất Gia Định và bọn quân lính Xiêm thì lợi dụng cuộc viễn chinh để cướp bóc của cải. Cuối năm 1784, Nguyễn Ánh đã than phiền với Bá Đa Lộc về "tình trạng hai lòng của người Xiêm".

Về Tiền Giang nhớ Rạch Gầm - Xoài Mút Về Tiền Giang nhớ Rạch Gầm - Xoài Mút

Để khoét sâu thêm nhược điểm cơ bản của quân địch và tìm cách ly gián, tăng thêm sự hoài nghi giữa Nguyễn Ánh với quân Xiêm, Nguyễn Huệ dùng một tù binh người Chân Lạp làm sứ giả mang nhiều vàng bạc, gấm vóc đến gặp chủ tướng của quân Xiêm xin giảng hòa.

Chiêu Tăng vừa nhận lễ vật để thỏa lòng tham không đáy, vừa âm mưu giả vờ giảng hòa để rồi bất ngờ tiến công quân Tây Sơn. Hắn tưởng thế là cao tay, là "tương kế tựu kế". Việc giảng hòa riêng với Chiêu Tăng còn có tác dụng gây thêm mối hoài nghi của Nguyễn Ánh đối với quân Xiêm.

Hơn mười ngày đã trôi qua kể từ khi Nguyễn Huệ đem quân vào Mỹ Tho. Quân Xiêm lúc đầu lo phòng thủ để sẵn sàng chống lại một cuộc phản công lớn của quân Tây Sơn. Nhưng rồi chúng thấy quân Tây Sơn chỉ mở những cuộc tập kích nhỏ và Nguyễn Huệ lại điều đình xin giảng hòa.

Những hành động đó càng làm cho Chiêu Tăng tin rằng Nguyễn Huệ không dám tiến công và đang chờ đợi kết quả giảng hòa.

Hắn hí hửng bàn với Nguyễn Ánh: "Nay giặc đang rất tin tôi, nên không lo phòng bị, vậy ta nên thừa cơ mà tấn công. Tôi định đến đêm mồng 9 tháng này (tháng Chạp năm Giáp Thìn 1784), ngài đem ngự binh tấn công trước vào dinh trại của giặc. Còn tôi thì cùng các tướng đem tất cả chiến thuyền lớn bé và quân sĩ bản bộ, xung phá trận địa chắn ngang sông của giặc. Theo kế ấy thì nhất định chúng ta sẽ toàn thắng" (Dinh Đức Hầu Vũ Thế Dinh, Mạc thị gia phả, Nxb Giáo dục, H. 2005, tr,54).

Chiêu Tăng đẩy quân bản bộ của Nguyễn Ánh đi trước mở đường, còn hắn sử dụng toàn bộ chiến thuyền, theo sông Mỹ Tho, mở cuộc tiến công lớn vào sở chỉ huy của Nguyễn Huệ, hòng bất ngờ đánh tan quân Tây Sơn.

Kế hoạch nhử địch ra khỏi căn cứ để tiêu diệt bằng một trận đánh vận động trên sông của Nguyễn Huệ đã thành công. Lúc này, Nguyễn Huệ đã dày công nghiên cứu địa hình từ Trà Tân đến Mỹ Tho và quyết định chọn khúc sông Mỹ Tho từ Rạch Gầm đến Xoài Mút làm trận địa quyết chiến với quân thù.

Sông Mỹ Tho là một dòng sông lớn, phía trên tiếp nước Tiền Giang rồi đổ ra biển qua cửa Đại, cửa Tiểu và các nhánh sông Ba Lai, Hàm Luông.

Đặc biệt, sông Mỹ Tho chảy qua phía trước Trà Tân và Mỹ Tho (trấn lỵ) là hai vị trí đóng quân và cũng là đại bản doanh của quân Xiêm - Nguyễn và quân Tây Sơn. Quân địch từ Trà Tân đánh lên Mỹ Tho phải hành quân theo đường sông Mỹ Tho.

Đoạn sông Mỹ Tho từ Rạch Gầm đến Xoài Mút dài chừng 7 kilômét. Lòng sông ở đây lại mở rộng hơn 1 kilômét, có chỗ đến trên dưới 2 kilômét. Với đoạn sông dài và rộng lớn như vậy, quân Tây Sơn có thể dồn hàng trăm thuyền chiến của địch lại mà tiêu diệt.

Hai bên bờ sông lúc đó có một số thôn xóm, nhưng thưa thớt, cây cỏ rậm rạp. Hai loại cỏ mọc nhiều ở vùng này là cỏ lác và cỏ tranh. Ven sông gần mặt nước là một dải rừng cây bần khá um tùm. Địa hình như vậy rất thuận lợi cho việc giấu quân và mai phục của bộ binh Tây Sơn.

Khoảng giữa Rạch Gầm và Xoài Mút, dòng sông Mỹ Tho có cù lao Thới Sơn. Đây là một bãi đất bồi, chu vi dài khoảng 6 kilômét nằm hơi chếch về phía nam sông Mỹ Tho, đối diện với cửa sông Xoài Mút. Tiếp theo cù lao Thới Sơn về phía nam là cù lao Hộ hay bãi Tôn.

Bộ binh Tây Sơn bố trí trên những cù lao đó có thể dùng đại bác bắn vào sườn đội hình quân địch và sẵn sàng tiêu diệt những tên địch liều lĩnh đổ bộ lên để tìm đường tháo chạy.

Việc chọn đoạn sông Mỹ Tho từ Rạch Gầm đến Xoài Mút làm trận quyết chiến, chứng tỏ nghệ thuật lợi dụng địa hình hết sức tinh tường của Nguyễn Huệ.

Đoạn sông Mỹ Tho từ Rạch Gầm đến Xoài Mút cách Mỹ Tho khoảng 6 kilômét (tính từ cửa sông Xoài Mút) và cách Trà Tân khoảng 15 kilômét (tính từ cửa Rạch Gầm).

Quân Tây Sơn từ Mỹ Tho có thể nhanh chóng đến chiếm lĩnh trận địa và giữ bí mật không cho quân địch ở Trà Tân dò biết.

Mười điểm nổi bật về thiên tài quân sự của Hoàng đế Quang Trung Mười điểm nổi bật về thiên tài quân sự của Hoàng đế Quang Trung

Trên cơ sở phán đoán đúng ý đồ của địch và với những nguồn tin do thám tin cậy, Nguyễn Huệ không những nắm được âm mưu tiến công của địch mà còn biết cả kế hoạch và thời gian tiến công của chúng.

Quân địch định tối ngày mồng 9 tháng Chạp (tức ngày 19/1/1785), sẽ rời Trà Tân, bắt đầu cuộc hành quân tiến đánh Mỹ Tho. Do vậy, quân Tây Sơn phải hoàn thành việc bố trí trận địa trước giờ tiến công của địch.

Nguyễn Huệ huy động đại bộ phận binh lực gồm cả bộ binh và thủy binh, bí mật vận động đến bày trận tại khu vực tác chiến đã được lựa chọn và nghiên cứu trước. Bộ binh với hỏa lực đại bác mạnh, bố trí mai phục bên bờ sông và trên cù lao Thới Sơn.

Hai đội thủy binh tinh nhuệ giấu quân trong Rạch Gầm - Xoài Mút hình thành hai mũi tiến công chặn đầu, khóa đuôi vây chặt quân địch trong trận địa quyết chiến.

Một bộ phận thủy binh mai phục trong các nhánh sông, lạch sông, ẩn nấp sau các cù lao, sẽ bất ngờ đánh tạt ngang vào đoàn chiến thuyền địch để chia cắt đội hình của chúng.

Một bộ phận thủy binh Tây Sơn vẫn đóng ở Mỹ Tho, bày thuyền chiến trên sông để nghi binh đánh lừa quân địch. Nhưng khi quân địch đã lọt vào trận địa Rạch Gầm - Xoài Mút thì bộ phận thủy binh này lập tức ngược dòng sông Mỹ Tho đến tiếp ứng, tăng cường sức mạnh cho quân ta vào giờ phút quyết định của cuộc chiến đấu.

Về phía địch, tối 18/1/1785 (ngày 8 tháng Chạp năm Giáp Thìn), quân Xiêm - Nguyễn bắt đầu rời khỏi khu căn cứ Trà Tân tiến thẳng đến Mỹ Tho.

Tướng giặc là Chiêu Tăng, Chiêu Sương huy động tất cả chiến thuyền lớn nhỏ, toàn bộ lực lượng thủy binh và một bộ phận bộ binh vào cuộc tiến công này. Bộ phận bộ binh còn lại do Sa Uyển chỉ huy vẫn đóng ở Đông Khẩn (Sa Đéc) để bảo vệ vùng đất chúng đã kiểm soát được thuộc hữu ngạn Tiền Giang.

Quân bản bộ của Nguyễn Ánh do tổng nhung chưởng cơ Lê Văn Quân chỉ huy cũng tham gia cuộc tiến công dưới quyền điều khiển chung của chủ soái quân Xiêm là Chiêu Tăng.

Số quân của Nguyễn Ánh lúc bấy giờ có khoảng ba, bốn nghìn, bị Chiêu Tăng đẩy đi trước mở đường. Nguyễn Ánh tham dự cuộc hành quân với tinh thần lo lắng, hoài nghi và tâm lý thất bại.

Nguyễn Ánh cố đi sau với một số bầy tôi thân cận như hộ bộ Trần Phúc Giai, cai cơ Nguyễn Văn Bình, thái giám Lê Văn Duyệt để phòng khi lâm nguy còn kịp tháo chạy.

Không những thế, Nguyễn Ánh còn phái tham tướng Mạc Tử Sinh về ngay Trấn Giang, chuẩn bị sẵn thuyền bè ở Long Hồ (Vĩnh Long) để đón mình chạy trốn nếu bị thất bại.

Khoảng đầu canh năm ngày 19/1/1785, đoàn thuyền chiến của địch lọt vào trận địa mai phục của quân Tây Sơn ở Rạch Gầm - Xoài Mút.

Từ Trà Tân, chiến thuyền của địch theo sông Trà Luật (một nhánh Tiền Giang chạy theo bờ phía bắc cù lao Trà Luật) và Tiền Giang ra sông Mỹ Tho.

Từ đây dòng sông mở rộng và quang đãng, đoàn thuyền địch trên 300 chiếc lớn nhỏ, xếp thành đội hình tiến nhanh về phía Mỹ Tho.

Khi đoàn thuyền đã vào hết trong khúc sông được chọn làm trận địa quyết chiến, nghĩa là tiền quân địch đã đến cửa sông Xoài Mút và hậu quân đã qua cửa Rạch Gầm, Nguyễn Huệ ra lệnh công kích.

Mở đầu trận đánh, hai đội thủy binh Tây Sơn từ Rạch Gầm, Xoài Mút bất ngờ lao ra, chặn đánh hai đầu, dồn quân địch vào vòng vây đã bố trí sẵn.

Đồng thời, đại bác của quân Tây Sơn từ hai bên bờ sông và trên cù lao Thới Sơn bắn xối xả vào khúc giữa đoàn thuyền địch lúc bấy giờ đang bị ùn lại.

Bị chặn đầu, khóa đuôi và bị hỏa lực quân Tây Sơn áp đảo từ đầu, quân địch hết sức hốt hoảng và đội hình bị rối loạn.

Ngay sau đó, những đội thuyền chiến của quân Tây Sơn từ các vị trí mai phục xông thẳng vào đội hình địch, chia nhỏ đoàn thuyền chúng ra từng mảng mà tiêu diệt. Chiến thuyền quân Tây Sơn từ Mỹ Tho cũng kịp thời đến tiếp ứng.

Hàng loạt thuyền chiến của địch lần lượt bị đánh đắm. Vô số quân địch bị giết chết tại trận. Một số tên cố bơi vào bờ để tìm đường tháo chạy, nhưng bị bộ binh Tây Sơn đón lõng tóm gọn.

Toàn bộ thuyền chiến địch - trên 300 chiếc đều bị đánh đắm và phá hủy. Quân Xiêm bị thua to, bỏ chạy và chết gần hết (Đại Nam thực lục).

Chiêu Tăng, Chiêu Sương cùng với một số tàn quân trốn được lên bờ bắc sông Mỹ Tho. Chúng phải liều chết đánh phá để mở đường tháo chạy lên Quang Hóa rồi qua đất Chân Lạp về Xiêm. Số tàn quân sống sót chạy theo Chiêu Tăng, Chiêu Sương có khoảng vài nghìn người. Đến tháng 3/1785, bọn này mới về tới Vọng Các (Băng Cốc).

Kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (2019-1789) Kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (2019-1789)

Khi các nhóm tàn quân Xiêm tháo chạy tán loạn theo các ngả đã dần dần tụ tập lại, Chiêu Tăng kiểm quân số thì thấy: "Lúc ở Xiêm La ra đi, thủy binh và bộ binh tổng cộng là năm vạn, đến đây chỉ còn hơn một vạn. Chiêu Tăng rất lấy làm hổ thẹn..." (Mạc thị gia phả, sđd, tr.55).

Còn quân bản bộ của Nguyễn Ánh thì, bộ sử chính thức của triều Nguyễn, bộ Đại Nam thực lục chính biên, cũng đã ghi chép: "Lê Văn Quân và các quân cũng đều tan vỡ, bỏ chạy". Đại bộ phận quân Nguyễn bị tiêu diệt.

Viên cai cơ chỉ huy quân thủy là Nguyễn Văn Oai cùng nhiều viên tướng khác bị chết tại trận. Viên tướng tiền quân là Dũng hầu (chưa rõ tên) theo gót Chiêu Tăng trốn sang Chân Lạp.

Chủ tướng quân Nguyễn là Lê Văn Quân thì quân lính tan tác mỗi người một ngả, phải vừa trốn tránh vừa thu nhặt tàn quân, đến giữa năm sau (tháng 6/1786) mới đem được 600 quân sang Xiêm gặp Nguyễn Ánh.

Những viên tướng khác như Nguyễn Văn Thành, Tôn Thất Huy, Tôn Thất Hội… mỗi người cũng chỉ còn được dăm chục tàn quân.

Riêng Nguyễn Ánh đã chuẩn bị cho cuộc chạy trốn trước khi bắt đầu cuộc tiến công của quân Xiêm - Nguyễn. Vừa thấy "thế giặc mãnh liệt, không thể chống nổi" (Mạc thị gia phả), Nguyễn Ánh đã vội bỏ mặc quân lính, rút chạy về phía sau.

Nguyễn Ánh cùng một số tướng tá và tùy tùng hơn 10 người, theo sông Trà Luật ra Tiền Giang rồi tìm đường sang Trấn Giang.

Tại Long Hồ, Mạc Tử Sinh, một viên tướng của Nguyễn Ánh, cũng chỉ còn 3 chiếc thuyền để đón Nguyễn Ánh sang Hà Tiên.

Bọn tàn quân dần dần nhóm họp lại, chạy theo Nguyễn Ánh có hơn 200 người và 5 chiếc thuyền. Bọn chúng bị quân Tây Sơn truy lùng nên phải chạy ra đảo Thổ Châu, Cổ Cốt rồi lại trốn sang Xiêm. Trên đường chạy trốn, bọn chúng hết sạch cả lương thực.

Nguyễn Văn Thành có lần đi ăn cướp đã bị thuyền buôn đánh lại và bị trọng thương. Nguyễn Ánh cũng phải ăn cơm ngô và có lúc mệt mỏi, kiệt sức quá phải nhờ người tùy tùng cõng chạy.

Số quân bản bộ của Nguyễn Ánh có khoảng 3 - 4 nghìn thì chỉ còn hơn 800 tên chạy thoát sang Xiêm, trong đó có 200 tên chạy trốn theo Nguyễn Ánh và 600 tên chạy theo Lê Văn Quân. Từ đấy, Nguyễn Ánh và đám tàn quân phải sống cuộc đời lưu vong trên đất Xiêm.

Trận Rạch Gầm - Xoài Mút diễn ra trên một đoạn sông Mỹ Tho vào lúc trời còn chưa sáng, chỉ trong một ngày hôm đó (191/1785) trận đánh đã kết thúc nhanh chóng.

Khoảng 3 vạn quân Tây Sơn đã giao chiến và đánh tan hơn 5 vạn quân Xiêm - Nguyễn, tiêu diệt gần 4 vạn quân Xiêm và hàng nghìn quân Nguyễn.

Với chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, quân Tây Sơn đã giành được thắng lợi quyết định, quét sạch quân xâm lược ra khỏi đất Gia Định, thu hồi những vùng đất bị chiếm đóng và làm tiêu tan tham vọng của vua Xiêm đối với phần lãnh thổ cực Nam của nước ta.

Chính các sử thần triều Nguyễn cũng nhận thấy: "Người Xiêm từ sau cuộc bại trận năm Giáp Thìn, miệng tuy nói khoác mà lòng thì sợ Tây Sơn như cọp" (Đại Nam thực lục).

Vua Xiêm Cha-kri I cũng phải thừa nhận: "quân Xiêm "đại bại", bọn Chiêu Tăng, Chiêu Sương "ngu hèn, kiêu căng, hung hãn đến nỗi bại trận", làm "bại binh, nhục quốc" (Mạc thị gia phả).

Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút đã chứng tỏ nghệ thuật dùng binh tài giỏi của người anh hùng "áo vải" Nguyễn Huệ. Điểm nổi bật đầu tiên của chiến thuật quân sự Nguyễn Huệ là tư tưởng đánh tiêu diệt.

Cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Xiêm được tiến hành bằng hai giai đoạn: Giai đoạn rút lui bảo toàn lực lượng của đạo quân trấn giữ vùng Gia Định và giai đoạn phản công chiến lược tiêu diệt địch của đạo quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy.

Trong giai đoạn phản công chiến lược, vấn đề đánh tiêu diệt được đặt lên hàng đầu. Sở dĩ như vậy là xuất phát từ thực tế không cho phép Nguyễn Huệ kéo dài thời gian chiến đấu.

Như phần trước đã nói, kẻ thù của Tây Sơn lúc này không chỉ có quân Xiêm và quân của Nguyễn Ánh mà còn có quân Trịnh đang trấn giữ ở mặt Bắc.

Nhìn lại trận Ngọc Hồi - Đống Đa năm 1789 Nhìn lại trận Ngọc Hồi - Đống Đa năm 1789

Kể từ năm 1775, đã mười năm ròng rã nghĩa quân Tây Sơn phải để cho quân Trịnh làm chủ Thuận Hóa và chiếm đóng từ đèo Hải Vân trở ra.

Trong điều kiện đó, nghĩa quân Tây Sơn rơi vào thế không thể cùng một lúc đương đầu với cả hai tập đoàn phong kiến Trịnh và Nguyễn.

Về phía chúa Trịnh, tuy rất muốn tiến xuống phía Nam, song vì đang sợ uy thế của Tây Sơn và cũng chưa có thời cơ thuận lợi.

Nếu Tây Sơn kéo dài chiến tranh với quân Xiêm, quân Trịnh sẽ nhân cơ hội này, từ Thuận Hóa đánh vào Quy Nhơn, đẩy quân Tây Sơn vào tình thế cực kỳ nguy hiểm là cả hai mặt Nam, Bắc đều có giặc.

Vì vậy, có nhanh chóng tiêu diệt và đánh tan được quân Xiêm ở mặt Nam, quân Tây Sơn mới bảo vệ được mặt Bắc.

Mặt khác, về so sánh lực lượng, đầu tháng 1/1785 khi đại quân của Nguyễn Huệ vượt biển tiến vào Gia Định thì lực lượng quân Xiêm còn rất mạnh.

Tuy về trang bị, vũ khí hai bên không hơn kém nhau nhiều, nhưng về số lượng thì quân Xiêm vẫn chiếm ưu thế.

Với sự chênh lệch đó, nếu không thực hiện được một trận đánh tiêu diệt lớn thì kẻ địch sẽ có điều kiện về thời gian để tổ chức lực lượng đánh bại quân Tây Sơn. Thực tế đó đòi hỏi vị tướng cầm quân phải có quyết tâm lớn và tài giỏi trong chỉ huy đánh tiêu diệt.

Hơn nữa, nếu không quyết định số phận quân địch trong thời gian ngắn, thì quân Xiêm - Nguyễn có điều kiện tập hợp bọn phản động trong nước để chống lại Tây Sơn và triển khai lực lượng chiếm đóng.

Ở một số vùng chiến lược, quân Xiêm đã để người của chúng đóng giữ, như các tướng Sa Uyển đóng giữ Đồng Khẩu, Ông Cao đóng giữ ở Ba Thắc...

Hoặc đối với Nguyễn Ánh, ở giai đoạn đầu đã tung một số tay chân đi các nơi tuyển mộ thêm quân để tăng cường lực lượng riêng, đã lôi kéo được hàng ngàn người theo, trong đó có quan lại cũ bị tán lạc trước đây và một số tên phản bội Tây Sơn đầu hàng giặc.

Do vậy, trong giai đoạn phản công chiến lược Nguyễn Huệ xác định quyết tâm đánh tiêu diệt để đáp ứng yêu cầu chiến lược đánh nhanh thắng gọn.

Điều kiện lúc này cũng có điều kiện thuận lợi cho ông thực hiện quyết tâm của mình: quân địch tuy đông nhưng sức chiến đấu đã giảm sút, nhân dân rất nhiệt tình ủng hộ nghĩa quân; bên cạnh đó sự chuẩn bị của Nguyễn Huệ đã chu đáo, quân Tây Sơn vừa tiến vào khí thế đang hăng, các tướng sĩ đều muốn dốc lòng trong trận quyết chiến với quân thù.

Để thực hiện thắng lợi trận quyết chiến chiến lược này, Nguyễn Huệ đã giải quyết một cách tốt nhất những vấn đề về chiến thuật như chọn cách đánh hiệu quả, tìm địa điểm quyết chiến thích hợp, nghệ thuật lập thế trận tiêu diệt địch...

Từ Quy Nhơn tiến quân vào, Nguyễn Huệ không tổ chức phòng ngự ở Gia Định mà cho quân tiến thẳng vào Mỹ Tho. Thủy quân của Nguyễn Huệ vừa đến đã thực hiện một số cuộc tiến công nhỏ. Từ Mỹ Tho, theo nước triều lên, thuyền chiến Tây Sơn tiến lên khiêu chiến với giặc. Nhưng phía quân Xiêm và bọn Nguyễn Ánh vẫn "án binh bất động".

Sở dĩ như vậy vì cả hai phía đều hiểu rằng đây là bước thăm dò đối phương, tìm hiểu âm mưu, ý đồ của nhau. Quân địch chưa muốn đánh ngay vì chúng cũng gờm uy danh Nguyễn Huệ.

Còn Nguyễn Huệ cũng đang đứng trước những khả năng tác chiến: có thể đem tất cả quân thủy bộ thực hành một cuộc tổng công kích vào đội hình đóng quân của giặc hoặc tiến hành tiến công địch khi chúng ra khỏi khu vực đóng quân và đánh chúng ở khu vực nào thuận lợi nhất?

Phải "điệu hổ ly sơn", kéo chúng ra khỏi căn cứ đóng quân và thực hiện trận quyết chiến ở một địa hình thuận lợi cho ta. Đó là ý đồ chiến thuật của Nguyễn Huệ.

Trước đó, ngay từ khi mới đến Mỹ Tho, để tìm hiểu đối phương và nghi binh địch, theo lệnh của Nguyễn Huệ, một bộ phận nhỏ quân đội Tây Sơn đã thực hiện một số trận đánh với giặc.

Ông còn để một bộ phận thủy quân chắn ngang sông Tiền Giang để ngăn địch, bảo đảm bí mật cho những hành động quân sự của mình.

Ngoài ra ông còn thực hiện một số hoạt động "ngoại giao" nghi binh khác làm cho quân Xiêm lầm tưởng quân Tây Sơn yếu, không đủ khả năng thực hiện các cuộc phản công lớn như trước đây.

Ngô Thì Nhậm - vị mưu sĩ tài ba, nhà ngoại giao xuất sắc của Vua Quang Trung Ngô Thì Nhậm - vị mưu sĩ tài ba, nhà ngoại giao xuất sắc của Vua Quang Trung

Từ đó quân Xiêm càng chủ quan, ngạo mạn, khinh thường quân Tây Sơn và sớm muộn chúng sẽ mở cuộc tiến công lên Mỹ Tho.

Trên cơ sở đó, Nguyễn Huệ quyết định chọn hình thức tiến công địch đang vận động, kéo địch ra khỏi căn cứ đóng quân, đưa chúng đến một đoạn sông khác, nơi địa hình có lợi nhất cho ta để tiêu diệt toàn bộ quân địch trong một trận quyết chiến.

Đây là một sự lựa chọn chính xác và tài giỏi của ông (như phần trước đã trình bày rõ về đoạn sông được chọn làm trận địa này).

Việc xác định địa hình quyết chiến rất quan trọng, nhưng vấn đề lập thế trận, bố trí lực lượng hợp lý để đạt ý đồ chiến thuật cũng là một yêu cầu lớn của một trận tiêu diệt chiến lược.

Thực tế trước khi tiến công Mỹ Tho, Nguyễn Huệ đã bí mật bố trí lực lượng, đã bày sẵn một thế trận mai phục ở Rạch Gầm - Xoài Mút để chờ quân Xiêm.

Một bộ phận thủy quân nhận nhiệm vụ nghi binh đánh nhử địch, buộc địch phải rời vị trí đóng quân, kéo chúng ra đoạn sông quyết chiến.

Hai đội thủy binh tinh nhuệ giấu ở hai nhánh sông Rạch Gầm và Xoài Mút, hình thành hai gọng kìm tiến công chặn đầu, khóa đuôi, bao vây, dồn ép đội hình quân địch về đoạn sông đã được chọn làm vị trí quyết chiến.

Bộ binh và đại bác bố trí ở cả hai bên bờ sông và trên cù lao Thới Sơn có nhiệm vụ phát huy hỏa lực bắn vào đội hình địch khi chúng đã lọt vào trận địa mai phục, khiến địch bất ngờ, rối loạn đội hình. Tiếp đó quân Tây Sơn sẵn sàng giáp chiến và truy kích tiêu diệt tàn quân địch.

Còn lại một bộ phận thủy binh Tây Sơn vẫn đóng ở Mỹ Tho, nơi tập kết của đại quân để nghi binh và sẵn sàng tiếp ứng vào những giờ phút quyết định của trận quyết chiến. Thế trận thủy bộ liên hoàn của Nguyễn Huệ khá chặt chẽ, hoàn chỉnh và bí mật.

Đó là một sáng tạo của chủ tướng Nguyễn Huệ và quân Tây Sơn trong bố trí lực lượng, lập thế trận mai phục để tiêu diệt địch.

Trận đánh diễn ra đúng như dự kiến của Nguyễn Huệ. Trận này đã diễn ra nhanh chóng và kết thúc thắng lợi trong vòng một ngày.

Như vậy, chỉ hơn mười ngày chuẩn bị kể từ khi tiến vào Gia Định, với số quân ít hơn nhiều so với địch, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã thực hiện một trận quyết chiến chiến lược hết sức oanh liệt, thắng lợi giòn giã. Trong trận này, Nguyễn Huệ đã làm chủ cả không gian và thời gian.

Trận Rạch Gầm - Xoài Mút là một trong những trận thủy chiến lớn nhất và lừng lẫy trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Tham gia trận đánh có cả lực lượng bộ binh và pháo binh, song giữ vai trò chủ yếu vẫn là thủy binh quân Tây Sơn.

Ở trận Rạch Gầm - Xoài Mút, lần đầu tiên về thủy chiến, Nguyễn Huệ đã thực hiện hợp vây toàn bộ thủy quân địch và chia cắt đội hình chúng để tiêu diệt. Đây là một điểm mới về vận dụng thủ đoạn tác chiến của Nguyễn Huệ.

Trong trận đánh mang ý nghĩa một trận hội chiến lớn này, Nguyễn Huệ đã thực hiện chia cắt về mặt chiến thuật.

Do hợp vây tốt nên quân Tây Sơn đã đánh địch trên cả bốn mặt, trong đó Nguyễn Huệ đã sử dụng một lực lượng lớn đánh thật mạnh vào cạnh sườn địch khiến quân Xiêm - Nguyễn vô cùng bối rối, hoảng loạn, tạo điều kiện thuận lợi để quân Tây Sơn giáp chiến tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Nguyễn Huệ đã tổ chức và thực hành một trận đánh phối hợp giữa bộ binh, thủy binh và pháo binh trong một quy mô lớn, thực hiện đòn tiêu diệt chiến lược trên sông Mỹ Tho.

Sự phát triển tương đối mạnh mẽ về hỏa lực pháo binh và sự xuất hiện một lực lượng lớn pháo binh trong quân đội Tây Sơn cùng với tài chỉ huy chiến đấu của Nguyễn Huệ dẫn đến sự xuất hiện hình thức "tập kích bằng pháo binh" vào đội hình tiến công của địch trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút.

Hỏa lực pháo binh được sử dụng ở mức cao và đã phát huy uy lực to lớn của nó, áp đảo quân địch ngay từ đầu. Dùng pháo binh bắn chuẩn bị trong một trận tiêu diệt là một điểm mới của chiến thuật Nguyễn Huệ.

Như vậy, hình thức chiến đấu hiệp đồng giữa pháo binh, thủy binh và bộ binh đã được Nguyễn Huệ thực hiện thành công. Sau đòn tập kích bằng pháo binh, thủy binh và bộ binh Tây Sơn đã nhất tề bao vây, tiến công và truy kích tiêu diệt quân địch.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, yếu tố bất ngờ về chiến lược cũng như về chiến thuật đã được thể hiện rõ trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút. Từ khi Nguyễn Huệ tiến quân vào Mỹ Tho để thực hiện phản công chiến lược, quân Xiêm liên tục bị bất ngờ.

Nguyễn Huệ còn tạo ra yếu tố này bằng cách giấu kín lực lượng, lừa địch, dụ địch, dẫn chúng vào trận địa phục binh đã bày sẵn, rồi bất ngờ tiến công, bao vây làm cho địch không kịp trở tay, không kịp đối phó, mặc dù lực lượng quân Xiêm rất lớn.

Cuộc kháng chiến chống Xiêm thắng lợi mà đòn quyết định là trận Rạch Gầm - Xoài Mút đã đưa phong trào Tây Sơn phát triển lên một trình độ mới.

Từ đây, phong trào Tây Sơn làm chủ toàn bộ đất Đàng Trong và có điều kiện tiến ra Đàng Ngoài lật đổ nền thống trị của tập đoàn phong kiến vua Lê - chúa Trịnh, làm nhiệm vụ lập lại nền thống nhất đất nước, bảo vệ độc lập dân tộc.

Tài liệu tham khảo:

- Dinh Đức Hầu Vũ Thế Dinh, Mạc thị gia phả, Nxb Giáo dục, Hà Nội - 2005.

- Phan Huy Lê - Bùi Đăng Dũng - Phan Đại Doãn - Phạm Thị Tâm - Trần Bá Chí, Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 1976.

- Nguyễn Lương Bích - Phạm Ngọc Phụng, Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2003.

- Bộ Quốc phòng - Trung tâm từ điển bách khoa quân sự, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2004.

Link nội dung: https://cmp.edu.vn/tran-rach-gam-xoai-mut-a63331.html