Top 10 Bức Ảnh Mang Tính Biểu Tượng Nhất Mọi Thời Đại Và Câu Chuyện Đằng Sau Chúng

#10. V-J Day In Times Square, 1945

Top 10 Bức Ảnh Mang Tính Biểu Tượng Nhất Mọi Thời Đại Và Câu Chuyện Đằng Sau Chúng
Bức ảnh "V-J Day In Times Square" kinh điển tới nỗi đã được dựng tượng tại New York Ảnh: Alfred Eisenstaedt

Được chụp bởi Alfred Eisenstaedt tại Quảng trường Thời đại, New York trong không khí nhộn nhịp ngày V-J (Victory over Japan Day) — khi Nhật Bản đầu hàng phe Đồng minh vô điều kiện, đánh dấu sự kết thúc của Chiến tranh thế giới thứ hai — bức ảnh kinh điển này sau đó được tạp chí Life đăng toàn trang với tựa đề “V-J Day In Times Square”.

Nhìn vào bức ảnh, bạn có thể thấy trong đó cảm giác say mê, sống động, khiến ta như thể chìm đắm vào thời khắc trọng đại đó. Sự tương phản trắng - đen giữa bộ đồng phục của người thủy thủ và nữ y tá, cái nhìn bối rối cũng những nụ cười khúc khích của người xung quanh càng làm bức ảnh này thêm ấn tượng.

Tuy nhiên, câu chuyện đằng sau “V-J Day In Times Square” lại không được nên thơ cho lắm. Nữ y tá Greta Zimmer Friedman thực chất đã bị chàng thủy thủ George Mendosa cưỡng hôn. Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là, George lúc đó đang đi cùng vị hôn thê Rita của mình.

Bất chấp điều đó, bức ảnh vẫn được nhìn nhận như một biểu tượng của chiến thắng, một khoảnh khắc niềm vui gắn kết con người với nhau. Về phía Eisenstaedt, ông hoàn toàn không nghĩ tới khía cạnh đó khi bấm máy. Với ông, đó đơn giản là một khoảnh khắc tuyệt vời trong một thời khắc tuyệt vời.

>>> Đọc tiếp về những tranh cãi xung quanh bức ảnh biểu tượng này.

#9. Mushroom Cloud over Nagasaki, 1945

Ảnh: Charles Levy

Ba ngày sau khi quả bom nguyên tử “Little Boy” được thả xuống Hiroshima khiến khoảng 140.000 người tử vong, lực lượng Mỹ đã bồi thêm một quả bom khác thậm chí còn khủng khiếp hơn với biệt danh “Fat Man” xuống Nagasaki và cướp đi sinh mạng của gần 80.000 người. Vụ nổ thứ hai tạo nên một cột bụi và mảnh vụn phóng xạ cao 45.000 feet (khoảng 13,7 km).

Trung úy Charles Levy, 26 tuổi là người đã chụp bức ảnh này từ trên chiếc máy bay B-29. Nhìn vào hình, bạn có thấy một chùm khói mù mịt trông giống hình một cái nấm. “Nó có màu tím, đỏ, trắng, đủ màu sắc - giống như cà phê sôi. Nó trông rất sống động” Levy nhớ lại.

Trước vụ nổ, Tổng thống Hoa Kỳ Harry S. Truman đã tuyên bố với Nhật Bản rằng nếu không đầu hàng theo những điều khoản Hoa Kỳ đưa ra, họ “sẽ phải đón nhận một cơn mưa hủy diệt từ trên không, điều chưa từng thấy trên trái đất này.” Bức ảnh này cho thấy Truman không hề cường điệu hóa lời đe dọa.

Các quan chức đã kiểm duyệt tổng 16 bức ảnh mà Levy chụp lại, nhưng bức ảnh này - bức duy nhất cho thấy toàn bộ quy mô của đám mây hình nấm từ trên cao - đã được phép lưu hành rộng rãi. Hiệu ứng này đã định hình quan điểm của người Mỹ về bom hạt nhân: họ ăn mừng thời kỳ bom nguyên tử và một lần nữa chứng minh rằng lịch sử được viết nên bởi những kẻ chiến thắng.

>>> Review ‘Oppenheimer’: Có Xứng Đáng Là Bộ Phim Quan Trọng Nhất Thế Kỷ 20?

#8. Earthrise, 1968

Ảnh: Bill Anders/NASA

“Earthrise” là một bức ảnh Trái Đất được chụp từ Mặt Trăng bởi phi hành gia Bill Anders vào ngày 24 tháng 12 năm 1968, đúng 75 giờ, 48 phút và 41 giây sau khi tàu vũ trụ Apollo 8 cất cánh từ Cape Canaveral trên đường thực hiện sứ mệnh phi hành đoàn đầu tiên đi vòng quanh Mặt Trăng.

Dù đến nay được xem là một trong những bức ảnh có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất, “Earthrise” không gây được tác động ngay lập tức tại thời điểm đó. Ý nghĩa của nó mai một dần theo năm tháng, chỉ tới khi tạp chí TimeLife tuyên bố nó là một hình ảnh mang tính định hình thời đại.

Nhìn từ xa, bạn có thể thấy Trái Đất, hành tinh chúng ta đang sống trông không khác nào một ốc đảo hoang vu lạnh lẽo, và Mặt Trăng chính là bãi cát ta đang đứng trên.

Nhiếp ảnh gia Galen Rowell tuyên bố “Earthrise” là “bức ảnh môi trường có ảnh hưởng nhất từng được chụp”, thúc đẩy nhân loại góp sức vào công cuộc bảo vệ môi trường, cũng chính là bảo vệ thế giới tươi đẹp mà chúng ta đang sinh sống.

#7. Alan Kurdi, 2015

Ảnh: Nilufer Demir/Dogan

Cuộc chiến ở Syria đã kéo dài hơn 4 năm khi cha mẹ Alan Kurdi bế cậu bé 3 tuổi và anh trai 5 tuổi lên một chiếc thuyền bơm hơi và khởi hành từ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ tới đảo Kos của Hy Lạp cách đó 3 dặm. Thật không may, một con sóng hung hãn đã đánh gục con tàu và khiến nó lật úp. Người mẹ và cả hai con trai đều không qua khỏi.

Trên bờ biển gần thị trấn Bodrum vài giờ sau, nhiếp ảnh gia Nilufer Demir của Thông tấn xã Dogan nhìn thấy thi thể cậu bé Alan đáng thương, mặt chúi xuống bờ cát và mông nhổm lên — trông cậu bé như thể đang say ngủ. Cô giơ máy ảnh và bấm nút: “Đây là cách duy nhất tôi có thể làm.”

Các bức ảnh của Demir nhanh chóng lan tỏa khắp thế giới, tạo nên làn sóng phản đối chiến tranh vô cùng dữ dội. Hình ảnh cậu bé nằm bất động như một hồi chuông thức tỉnh cả thế giới trước cuộc khủng hoảng di cư, buộc châu Âu phải thay đổi cách ứng phó với dòng người tị nạn.

Nếu bạn còn nhớ thì hình ảnh này đã lan truyền khắp các bản tin thời sự lẫn trang mạng xã hội chỉ trong vòng vài giờ sau đó. Các tờ báo buộc phải xuất bản nó — hoặc nếu không, nói tôi nghe tại sao anh lại không làm vậy?

#6. The Falling Man, 2001

Ảnh: Richard Drew

Bức ảnh “The Falling Man” được nhiếp ảnh gia nổi tiếng Richard Drew ghi lại đến nay đã trở thành biểu tượng về ngày đen tối 11/9 của nước Mỹ.

Tới giờ danh tính của người đàn ông trong bức ảnh vẫn là một ẩn số, chính vì vậy, bức ảnh này vẫn chỉ có tên “The Falling Man”. Tuy vậy, người này cũng chỉ nằm trong số 200 người, theo ước tính, chọn lựa cách tự kết liễu cuộc đời trước thảm họa.

Tấm ảnh sau đó xuất hiện trên khắp các mặt báo đương thời, trong đó có tờ The New York Times nổi tiếng ngay ngày hôm sau. Tuy nhiên, bức ảnh đã nhận về không ít chỉ trích vì độc giả cho rằng nhiếp ảnh gia đang cố gắng trục lợi từ nỗi đau của người khác.

Tuy vậy, trong suốt hơn 20 năm qua, bức ảnh “The Falling Man” vẫn là một trong những bức ảnh mô tả một cách trần trụi bi kịch của nước Mỹ, một biểu tượng đau thương của vụ khủng bố 11/9.

#5. Tank Man, 1989

Top 10 Bức Ảnh Mang Tính Biểu Tượng Nhất Mọi Thời Đại Và Câu Chuyện Đằng Sau Chúng
Ảnh: Jeff Widener/AP

Sáng ngày 5 tháng 6 năm 1989, một ngày sau vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn khi quân đội Trung Quốc tấn công những người biểu tình ủng hộ chế độ dân chủ, hãng AP đã cử nhiếp ảnh gia Jeff Widener tới ghi lại hậu quả.

Widener nhấc máy ảnh đúng lúc một người đàn ông xách túi mua hàng bước tới trước đoàn xe tăng, vẫy tay và không chịu di chuyển. Đoàn xe cố gắng đi vòng qua người đàn ông, nhưng ông ta lại tiếp tục ngáng đường họ, sau đó còn trèo lên một cỗ xe tăng.

Widenet nghĩ người đàn ông này xong đời rồi. Không, cuối cùng thì người đàn ông cứng đầu chỉ bị đuổi đi — nhưng Widener đã kịp “đóng băng” khoảnh khắc phản kháng của ông ta thành bất tử.

Rất nhiều người khác cũng ghi lại được cảnh này, nhưng hình ảnh của Widener nhanh chóng được truyền qua đường dây của AP và xuất hiện trên hàng loạt các trang nhất khắp thế giới.

Đã 34 năm kể từ ngày “Tank Man” trở thành anh hùng toàn cầu, danh tính của ông vẫn là một bí ẩn. Điều đó càng làm cho bức ảnh trở nên nổi tiếng hơn, như một biểu tượng phản kháng các chế độ bất công ở khắp mọi nơi.

Trên bình diện quốc tế, “Tank Man” được coi là một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng nhất mọi thời đại.

#4. Lunch atop a Skyscraper, 1932

Top 10 Bức Ảnh Mang Tính Biểu Tượng Nhất Mọi Thời Đại Và Câu Chuyện Đằng Sau Chúng
Ảnh: The New York Times

Một bức ảnh vui nhộn và cá tính, tôi cho là vậy. 11 người đàn ông đang thản nhiên ăn uống, chuyện trò và hút thuốc như thể độ cao 840 feet dưới chân họ không là gì cả.

Những người đàn ông này là công nhân trong dự án xây dựng Trung tâm Rockefeller vào năm 1932. Bức ảnh được chụp từ tầng 69 của Tòa nhà 30 Rockefeller Plaza (hiện nay là Tòa Comcast) bởi nhiếp ảnh gia Charles C. Ebbets.

Mặc dù sau đó đã bị vạch trần là một bức ảnh dàn dựng nhằm quảng bá cho tổ hợp tòa nhà chọc trời của Trung tâm Rockefeller, “Lunch Atop A Skyscraper” đã trở thành biểu tượng cho sự kiên cường và tham vọng của người Mỹ vào thời điểm cuộc Đại khủng hoảng đổ bộ.

Kết quả là bức ảnh trên đã trở thành một trong 100 bức ảnh đen trắng nổi tiếng nhất trong lịch sử nhiếp ảnh, trở thành niềm cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm nhiếp ảnh và điện ảnh trên toàn thế giới về sau.

#3. The Vulture and the Little Girl, 1993

Top 10 Bức Ảnh Mang Tính Biểu Tượng Nhất Mọi Thời Đại Và Câu Chuyện Đằng Sau Chúng
Ảnh: Kevin Cater

“The Vulture and the Little Girl” được chụp bởi Kevin Carter xuất hiện lần đầu trên tờ The New York Times vào ngày 26 tháng 3 năm 1993, đến nay đã trở thành một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất diễn tả nạn đói khủng khiếp ở châu Phi.

Ngày hôm đó, sau một ngày dài lang thang ở làng Ayod thuộc Sudan, Carter tình cờ bắt gặp một đứa trẻ gầy gò đang trên đường tới trung tâm nuôi dưỡng. Ông nhấc máy chụp đứa trẻ, ở hậu cảnh là một con kền kền mập mạp như chỉ trực chờ đứa bé kia gục xuống.

Carter được cho là đã được khuyên không nên chạm vào nạn nhân vì bệnh tật nên thay vì giúp đỡ, ông đã dành 20 phút chờ đợi với hy vọng con kền kền kia sẽ vỗ cánh bay đi. Nó đã không làm. Carter xua đuổi nó và nhìn đứa trẻ tiếp tục đi về phía trung tâm.

Còn lại một mình, ông châm một điếu thuốc, cầu nguyện với Chúa và bật khóc.

Bức ảnh đem về cho Kevin Carter giải Pulitzer ở hạng mục Nhiếp ảnh nổi bật năm 1994. Đứa trẻ đã sống sót và qua đời 14 năm sau đó vì bệnh sốt rét.

Carter tự kết liễu đời mình vào tháng 7 năm 1994, bốn tháng sau khi đoạt giải. Những dòng thư tuyệt mệnh của ông được cho là: “Tôi bị ám ảnh bởi những ký ức sống động về giết chóc, xác chết, sự phẫn nộ. Tôi đau đớn, đau đớn vô cùng.”

#2. The Burning Monk, 1963

Top 10 Bức Ảnh Mang Tính Biểu Tượng Nhất Mọi Thời Đại Và Câu Chuyện Đằng Sau Chúng
Ảnh: Malcolm Browne/AP

Vào tháng 6 năm 1963, hầu hết người Mỹ không thể tìm thấy Việt Nam trên bản đồ thế giới. Nhưng bức ảnh trên, chụp khoảnh khắc thiền sư Thích Quảng Đức tự thiêu trên một ngã tư sầm uất của Sài Gòn đã thay đổi tất cả.

Vụ tự thiêu được thực hiện nhằm phản đối chế độ Diệm ở miền Nam nước ta và đạo luật Phật giáo mang tính phân biệt đối xử lúc bấy giờ. Nhiều tăng ni, cũng như một số người qua đường bị sốc, đã phủ phục trước vị tu sĩ “tử vì đạo” đang bốc cháy.

Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã nói về bức ảnh này như sau: “Không có bức ảnh nào trong lịch sử khơi dậy nhiều cảm xúc trên toàn thế giới như bức ảnh đó.” Nhiếp ảnh gia Malcolm Browne là người đã chụp rồi gửi cho AP, và nó nhanh chóng trở thành một hình ảnh mang tính biểu tượng của những năm 1960 đầy biến động.

Vụ tự thiêu sau này được coi là bước ngoặt trong cuộc khủng hoảng Phật giáo và là điểm mấu chốt dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm. Malcolm Browne đã đoạt giải Pulitzer cho bức ảnh trên vào năm 1964.

#1. The Terror of War, 1972

Top 10 Bức Ảnh Mang Tính Biểu Tượng Nhất Mọi Thời Đại Và Câu Chuyện Đằng Sau Chúng
Ảnh: Nick Út/AP

“The Terror of War”, còn được gọi là “Napalm Girl” là bức ảnh đoạt giải Pulitzer được chụp bởi phóng viên Nick Út, một nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Việt tại hãng thông tấn AP vào thời điểm đó.

Ngày 7 tháng 5, Út nghe tin đánh nhau ở Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh). Bom nổ khắp nơi, dân làng ồ ạt chạy ra khỏi nơi trú ẩn. Họ đổ xô ra đường, nhiều người bị bỏng rất nặng.

Út nhìn thấy những đứa trẻ với vẻ mặt kinh hoàng, trong đó tâm điểm là một bé gái khỏa thân (Phan Thị Kim Phúc, 9 tuổi) đang vừa chạy vừa khóc. Ông đặt máy ảnh xuống và lấy nước cho cô gái. Sau đó, ông bế cô lên xe cùng những đứa trẻ khác rồi chở đến Trung tâm Barsky ở Sài Gòn. Bác sĩ nói tỷ lệ sống sót là rất thấp vì cô đã bị bỏng trên 30%, vì vậy ông tìm cách chuyển cô đến một bệnh viện ở Mỹ, nơi họ có thể cứu sống cô.

Những cố gắng của Út đã được đền đáp, sau 14 tháng điều trị và trải qua 17 cuộc phẫu thuật, cô bé Kim Phúc từ Mỹ trở về Việt Nam. Nick Út liên tục tới thăm cô cho tới khi ông rời Sài Gòn năm 1975.

Giống như bất kỳ bức ảnh nổi tiếng nào khác, bức ảnh này đã gây ra không ít tranh cãi vào thời điểm ra mắt. Ban đầu, đến cả Tổng thống Richard Nixon còn nghi ngờ về tính xác thực của nó. Sau này Út nói: “Bức ảnh đối với tôi và chắc chắn đối với nhiều người khác, không thể nào chân thực hơn được nữa. Nó chân thực như chính cuộc chiến ở Việt Nam vậy.”

Bức ảnh đem về cho Nick Út giải thưởng Pulitzer năm 1973. Năm 2012, ông được Leica Hall of Fame vinh danh vì những đóng góp cho ngành nhiếp ảnh báo chí.

Ông rời Việt Nam khi Sài Gòn thất thủ và định cư ở Los Angeles. Suốt hơn 50 năm sau đó, Út vẫn miệt mài vì sự nghiệp nhiếp ảnh. Tuy nhiên, bức ảnh nổi tiếng nhất của ông thực sự được chụp vào thời điểm ông mới tập tễnh bước chân vào nghề và đến nay vẫn được xem là một trong những bức ảnh chân thực nhất, sống động nhất về chiến tranh và nỗi ám ảnh kinh hoàng mà nó đem lại.

Người ta kể lại rằng Nick Út trong những ngày đầu này đã hy vọng “một ngày nào đó tôi có thể chụp được một bức ảnh để chấm dứt chiến tranh”. Và ông đã chụp được một bức ảnh như vậy, một bức ảnh mà giá trị của nó còn cao hơn những quy định kiểm duyệt nghiêm ngặt, vượt qua thử thách khắc nghiệt của thời gian và tới nay vẫn là một trong những bức ảnh đáng nhớ nhất của thế kỷ 20.

Bạn muốn đọc thêm những câu chuyện thế này? Ngay tại đây.

*Bài viết tham khảo chủ yếu từ Rare Historical Photos, bạn có thể dành chút thời gian để xem qua nhé!

>>> 10 "Nhiếp Ảnh Gia Của Người Nổi Tiếng" Bạn Nên Theo Dõi Trên Instagram

>>> 10 Bậc Thầy Nhiếp Ảnh Và Phong Cách Chụp Ảnh Của Họ

Link nội dung: https://cmp.edu.vn/top-10-hinh-anh-dep-nhat-the-gioi-a66715.html