Thành công bước đầu
Trong tự nhiên, cá hồi vân sinh sản ở môi trường nước ngọt, nhưng quãng đời còn lại sống ở môi trường nước mặn. Khi trưởng thành, cá hồi vân lại trở về môi trường nước ngọt để sinh sản. Ngày nay, cá hồi đã được thuần hóa và sống hoàn toàn ở môi trường nước ngọt.
Đặc điểm của cá hồi vân là thân có các chấm màu đen hình cánh sao. Khi thành thục, trên lườn cá xuất hiện các vân màu hồng (đặc trưng ở cá đực khi đến mùa sinh sản). Thông thường, mùa sinh sản của cá hồi vân từ tháng 2 đến tháng 5, có thể kéo dài đến tháng 8.
Cá hồi vân sinh trưởng và phát triển tốt nhất trong điều kiện nhiệt độ nước 10 - 20oC. Chúng sinh sản tự nhiên trong thủy vực nước lạnh và có tập tính đào tổ đẻ trứng. Trung bình mỗi lứa, một con cái có thể đẻ từ 700 đến 4.000 quả.
Năm 2005, thông qua dự án đồng tài trợ của Phần Lan và Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia, cá hồi vân lần đầu tiên được nuôi tại miền Bắc. Trung tâm Nghiên cứu thủy sản nước lạnh Sa Pa (Lào Cai) đã thành công khi cho trứng cá hồi vân nhập từ Phần Lan, với tỷ lệ nở đến 95%. Có con giống, nghề nuôi cá hồi thương phẩm phát triển mạnh ở nhiều nơi có ưu thế nguồn nước lạnh (như Lào Cai, Lai Châu, Lâm Đồng).
Hệ thống nuôi cá hồi vân
Việc phát triển nuôi cá hồi vân đã giúp thay thế được một lượng cá hồi nhập hằng năm và quan trọng hơn, nghề nuôi này sử dụng hữu ích nguồn nước lạnh ở các địa phương miền núi. Nuôi cá hồi vân còn khuyến khích phát triển du lịch ở địa phương, thúc đẩy các ngành phụ trợ khác phát triển theo. Về lâu dài, cá hồi vân có thể được xuất khẩu.
Mới đây, Lâm Đồng cũng đã thành công trong việc chủ động tạo giống cá hồi vân, do Trạm Nghiên cứu cá nước lạnh Tây Nguyên chủ trì và đưa ra một số kết luận quan trọng về quy trình sinh sản nhân tạo giống cá hồi vân như: Tỷ lệ thành thục sinh dục cá hồi vân từ tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau đạt 92%; thời gian bắt đầu ấp trứng trong điều kiện nhiệt độ từ 11 - 12oC đến khi nở khoảng 23 - 25 ngày; cá nuôi ở nhiệt độ từ 8 - 11oC cho tỷ lệ thành thục cao nhất là 94,7%; cá ương ở mật độ 1.000 con/m2 và 1.500 con/m2 cho tỷ lệ sống cao nhất là 95,47% và 93,77%.
Phát triển nhưng cần thận trọng
Cá hồi vân nhiều chất dinh dưỡng, có thể chế biến nhiều món ăn; trong đó đáng kể nhất là thịt cá hồi xông khói và trứng cá hồi làm Caviar. Phế liệu từ cá được dùng làm nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản…
Phát triển mô hình nuôi cá hồi vân, kỹ thuật, kiến thức thực tế và kinh nghiệm giữ vai trò quyết định. Mỗi hécta nuôi cá hồi vân có thể đạt doanh thu hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí ban đầu tương đối lớn (như giá thức ăn cao, đầu tư cơ sở nuôi) và đầu ra cho sản phẩm cũng là bài toán căn cơ, nếu không muốn cá hồi vân bị cạnh tranh về giá như cá tầm hiện nay. Những khó khăn của nghề nuôi cá hồi vân cũng là của nghề nuôi cá nước lạnh, rất cần được quản lý chặt chẽ để góp phần phát triển ổn định kinh tế, đảm bảo môi trường bền vững cho các tỉnh có nghề nuôi cá nước lạnh.
>> Theo thống kê, năm 2012, tỉnh Lâm Đồng đã sản xuất được 360 tấn cá nước lạnh (gồm cả cá hồi vân và cá tầm) và theo quy hoạch, đến năm 2015, sản lượng cá nước lạnh của tỉnh đạt 2.500 tấn, trong đó 1.000 tấn cá hồi vân.
Link nội dung: https://cmp.edu.vn/ca-hoi-song-o-nuoc-man-hay-nuoc-ngot-a7556.html