Sau khi những sợi tóc già rụng xuống, mái tóc luôn được bổ sung bởi những sợi mới mọc lên, vậy có phải đến một độ tuổi nào đó, tóc rụng sẽ không mọc lại?
Khi già đi, chúng ta nhận thấy nhiều thay đổi trên cơ thể và một trong những dấu hiệu tuổi tác dễ nhận thấy ở cả nam và nữ là sự suy thoái của mái tóc.
Ở những người trẻ tuổi, tóc rụng được bù đắp đầy đủ bằng những sợi tóc mới. Nhưng thời gian gần trôi, tỷ lệ tóc mọc lại thấp dần, nên mái tóc người già thường mỏng hơn. Đến tuổi nào tóc rụng không mọc lại là nỗi băn khoăn mà nhiều người trước ngưỡng cửa tuổi tác.
Đến tuổi nào tóc rụng không mọc lại?
Theo WebMD, việc tóc mọc trở lại sau khi rụng liên quan đến nhiều yếu tố như lão hóa, ô nhiễm, tâm lý, dinh dưỡng... Nếu đảm bảo được các yếu tố đó ở trạng thái tối ưu thì một khi nang tóc chưa chết, tóc rụng sẽ mọc lại.
Vậy tại sao càng có tuổi thì tóc càng ít đi? Đó là do số nang tóc còn sống giảm.
Sau tuổi 50, tóc sẽ rụng nhiều hơn và tốc độ mọc tóc sẽ chậm lại. Bình thường, chu kỳ phát triển của tóc kéo dài từ 3 - 7 năm và chu kỳ này chậm lại khi bạn già đi do quá trình trao đổi chất chậm lại. Theo thời gian, sự lão hoá dần làm chết các nang tóc, dẫn đến hiện tượng rụng tóc khi về già.
Ở nam giới, do nồng độ testosterone giảm, tóc bị rụng từng vùng và bắt đầu phát triển các vết hói. Ở phụ nữ, thời kỳ mãn kinh đánh dấu giai đoạn suy giảm nội tiết - vốn có vai trò quan trọng trong việc kích thích lông, tóc phát triển. Lúc này, tóc vẫn mọc nhưng các nang tóc sẽ yếu dần cho đến khi chết hẳn. Vì vậy những sợi tóc con rất khó để mọc lên hoặc mọc lên yếu ớt.
Vậy đến tuổi nào tóc rụng không mọc lại? Không có con số cụ thể mà mỗi người một khác, do mức độ lão hóa, chế độ dinh dưỡng, ảnh hưởng của môi trường sống cũng như trạng thái tâm lý của mỗi người là khác nhau.
Cách khắc phục tình trạng rụng tóc
Trong bài viết trên báo Sức khỏe & đời sống, BS Nguyễn Tiến (Bệnh viện Da liễu Trung ương) đưa ra những lời khuyên về cách khắc phục chứng rụng tóc như sau:
- Xem lại loại dầu gội bạn đang dùng. Hãy chọn loại dầu gội dịu nhẹ, dùng các loại dầu xả, dưỡng ẩm cho tóc sau mỗi lần gội. Không dùng móng tay cào gãi da đầu, không thoa dầu xả trực tiếp lên da đầu.
- Lau khô tóc bằng khăn mềm để khô nhanh hơn: Điều này giúp giảm thời gian sấy tóc, hạn chế tình trạng tổn thương tóc do sử dụng nhiệt quá nhiều.
- Hạn chế sử dụng máy uốn tóc, máy là và lược duỗi. Những dụng cụ này làm nóng tóc và có thể làm kết cấu tóc bị yếu đi. Nếu có thể, hãy để tóc khô tự nhiên hơn là sử dụng máy sấy.
- Không nên lấy tay xoắn tóc, vì thói quen này có thể làm yếu tóc và gây rụng tóc nhiều hơn.
- Ngừng búi tóc cao, cột tóc đuôi ngựa, thắt bím, tết lệch một bên. Việc thường xuyên để các kiểu tóc này có thể dẫn đến một loại rụng tóc tên là "rụng tóc do lực kéo". Theo thời gian, tóc của bạn có thể bị rụng tóc vĩnh viễn.
- Hạn chế nhuộm, uốn, duỗi tóc bằng hóa chất. Nếu cần làm, bạn nên tìm một salon tóc có chuyên viên biết cách kiểm tra da đầu và tóc của bạn để tìm các sản phẩm phù hợp nhất.
- Hãy ăn uống lành mạnh, bổ sung các loại vitamin và khoáng chất hợp lý. Việc ăn quá ít năng lượng mỗi ngày cũng có thể gây rụng tóc đáng kể.
- Không nên sử dụng các chất bổ sung một cách bừa bãi.
- Tránh thức khuya.
- Thay đổi thói quen chăm sóc tóc: Việc massage da đầu bằng tinh dầu được khuyến khích để tăng cường lưu thông máu dưới da đầu (nhất là vùng đỉnh đầu), từ đó giúp các nang tóc khỏe mạnh, sợi tóc mọc dày hơn.
- Để ngăn rụng tóc, mỗi khi ra trời nắng, bạn nên chống nắng cho tóc bằng cách đội mũ rộng vành, trùm tóc kỹ càng, xịt chống nắng cho tóc.
Khi thấy tóc rụng từng mảng hay rụng nhiều hơn bình thường, bạn nên đi khám để kiểm tra tình trạng sức khỏe vì đó có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn.
Link nội dung: https://cmp.edu.vn/thoi-gian-moc-toc-a7577.html