Từ lúc sinh ra đến khi chết, đời người gắn liền với nhiều nghi lễ và nghi thức: thành sinh, thành niên, thành thân, thành nghiệp, thành lập và cuối cùng là thành ma! Trong các nghi lễ trên, nghi lễ phức tạp và thiêng liêng nhất là lễ tiễn đưa con người về với cát bụi. Mỗi dân tộc có một văn hóa riêng nên quan niệm và cách thức mai táng người chết cũng không giống các dân tộc khác. Trung quốc là đất nước đa chủng tộc, đa ngôn ngữ, đa tôn giáo có lịch sử lâu đời nên văn hóa mai táng rất phong phú và đa dạng. Dưới đây là một số kiểu mai táng của người Trung Quốc.
1/- Thổ táng Thổ táng còn gọi là địa táng (chôn xuống đất) là kiểu mai táng phổ biến nhất của người Hán. Theo các tài liệu khảo cổ, tục thổ táng của người Trung Quốc đã có từ thời đồ đá cũ. Thuở xa xưa, người Hán coi nông nghiệp là hoạt động chính nên đất đai được coi như sinh mệnh. Từ đó phát sinh niềm tin, cách tốt nhất để linh hồn người chết được yên nghỉ là chôn xuống đất. Bởi vậy người Hán mới có câu “Nhập thổ vi an” (Vào đất là bình yên) hay “Hữu địa tắc sinh, vô địa tắc tử” (Có đất thì sống, không đất thì chết). Từ thời xa xưa người Trung Quốc đã có quan niệm: người chết nhập thổ là trở về, con người sinh ra từ đất thì khi chết cũng trở về với đất. Sách Chu lễ viết: “Chúng sinh tất tử, tử tất quy thổ, thử chi vị quỷ. Cốt nhục táng ư hạ âm vi dã thổ, kỳ khí phát dương ư thượng vi chiêu minh”, sách Hàn thi ngoại truyện viết: “Nhân tử viết quỷ, quỷ giả quy dã. Tinh khí quy ư thiên, nhục quy ư địa” và sách Lễ vận cũng nói: “Hồn khi quy ư thiên, nhục quy ư địa”. Ý chung của các sách trên là: con người tất phải chết, chết là trở về với đất, người chết được gọi là quỷ, xương thịt nằm trong đất, hồn phách bay lên trời. Người xưa còn cho rằng nếu không được chôn xuống đất, người chết sẽ trở thành cô hồn, không siêu thoát được, phải lang thang trên thế gian làm hại người sống. Vì vậy, thổ táng là cách chôn người chết bảo đảm an toàn cho những người sống. Thời Hán rất chuộng màu vàng, vua chúa các triều đại sau đó đều cho màu vàng là tôn quý. Trong ngũ hành (các yếu tố cấu tạo vũ trụ), vàng chính là màu của đất; hơn nữa, đất nằm ở trung tâm của ngũ hành nên có tính ổn định và bền vững nhất. Trong chế độ phong kiến, thổ táng còn là cách phân biệt giai cấp rõ rệt nhất bởi chỉ có chôn dưới đất, người ta mới có thể xây dựng lăng mộ kiên cố thể hiện quyền uy và địa vị của người chết. Mộ của người Hán thường quay đầu về hướng tây và người ta đã đưa ra ba cách lý giải: thứ nhất là vì linh hồn người chết phải quay về quê nhà; thứ hai là vì người ta cho rằng hướng tây là thế giới của ma quỷ nên người chết phải về với thế giới đó; thứ ba là vì người ta quan niệm người chết cũng như mặt trới mọc lên phía đông và lặn xuống phía tây… 2/- Thủy táng. Thủy táng, còn gọi là hải táng, là thả thi thể người chết xuống sông hoặc xuống biển. Thủy táng cũng là một hình thức mai táng có từ thời xa xưa. Người ta quan niệm rằng nước là cội nguồn của sinh mệnh con người và trong thần thoại, nước gắn liền với thần linh, hạnh phúc, cái đẹp, sự bất tử… Ở Ấn Độ, sau khi hỏa táng, người ta đem tro của người chết rải trên sông Hằng. Ở Trung Quốc thuở xa xưa, một số cộng đồng như tộc Môn Ba, Tạng cũng thực hành thủy táng. Cách mai táng phổ biến nhất của người Tạng ở vùng Tây Tạng là thiên táng, chỉ có những người chết thảm hoặc chết vì bệnh truyền nhiễm mới bị thủy táng. Vùng Cam. Tư (Tứ Xuyên) và một số khu vực của người Tạng trên thảo nguyên thiếu nhiên liệu để hỏa táng và thiên táng nên người chết được thủy táng. Nơi thủy táng thường là chỗ nước chảy xiết. Người chết được để trong nhà từ 1 đến 3 ngày để hương đèn cúng bái, tụng kinh cầu siêu, sau đó được đưa ra đài thủy táng. Người ta sẽ buộc thi thể người chết rồi thả xuống sông hoặc dùng búa chặt thi thể ra quăng xuống nước. Những di vật của người chết sẽ thuộc về người thực hành thủy táng hoặc phân nửa số tài sản được giao cho cơ quan địa phương, phân nửa còn lại cúng cho chùa. Những người tử nạn vì chìm tàu thuyền thường thủy táng… 3/- Hỏa táng. Hỏa táng, còn gọi là hỏa hóa, là tục mai táng cổ xưa. Theo tài liệu khảo cổ tục hỏa táng đã có từ thời đồ đá mới. Theo các sách Mặc tử (thiên Tiết táng hạ), Hậu Hán thư, Bắc sử (truyện Đột Quyết), tục hỏa táng xuất hiện trước tiên ở các dân tộc thiểu số như người Khương, người Đột Quyết thời Tần (221-206 trước Công nguyên). Người Hán chuộng thổ táng nên xem hỏa táng là tập tục quái dị. Trước thời Hán, hỏa thiêu người chết được người Hán xem là một hình phạt nhục nhã và nặng nề nhất. Ví dụ thời Chiến quốc, quân nước Yên tấn công nước Tề, quật mồ mả của người Tề lên đốt xác khiến người Tề đứng từ xa trông thấy mà khóc lóc”. Từ thời Hán (năm 206 trước CN-220 CN) trở đi, Phật giáo truyền vào Trung Quốc nên tục hỏa táng phổ biến ở Ấn Độ cũng du nhập vào Trung Quốc. Thoạt đầu tục hỏa táng chỉ phổ biến trong giới tăng lữ, sau đó dần dần phổ biến trong các tín đồ Phật giáo. Đến thời Đường - Tống (từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 13), hỏa táng đã khá phổ biến trong dân gian. Năm 962, Tống Thái Tổ từng ra lệnh cấm hỏa táng nhưng bị một số người phản đối bởi hỏa táng là cách an táng đơn giản, tiết kiệm đất đai. Kinh tế vùng Giang Nam đã phát triển từ thời Nam Tống, đất chật người đông nên quan niệm thổ táng truyền thống cũng có nhiều thay đổi, nhiều người thích hỏa táng hơn thổ táng. Đến thời Minh - Thanh (từ thế kỷ 14 đến đầu thế kỷ 20), từng có nhiều lệnh cấm hỏa táng, cho hỏa táng là “thất nhân luân”, “phản lễ giáo”, “bất nhân, bất trung, bất hiếu”, nhưng tục hỏa táng ở các nơi không hoàn toàn giống nhau: Sau khi hỏa táng người ta có thể bỏ tro xương người chết vào bình đặt trong nhà để thờ cúng chôn trên núi, chôn xuống đất hoặc rải lên núi, rải xuống đồng hay xuống sông. Xuống biển…
4/- Huyền táng Huyền táng (chôn treo) là một hình thức mai táng đặc biệt của các dân tộc thiểu số ở Hồ Nam, Hồ Bắc, Quảng Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang, An Huy, Giang Tây. Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam, Đài Loan, Thiểm Tây… Người ta khoét vào vách đá để đặt quan tài, làm giá đỡ treo quan tài hay đặt quan tài vào các hang thiên nhiên lộ thiên cách mặt đất từ 20 đến hàng trăm mét. Phúc Kiến được xem là nơi có lịch sử huyền táng lâu đời nhất (cách nay khoảng 3.000 năm), nhưng nơi có nhiều di tích huyền táng nhất là núi Võ Di. Quan tài được huyền táng có nhiều hình dáng: dạng thuyền độc mộc, dạng hộp, dạng rương, được khoét rỗng từ một súc gỗ nguyên khối. Huyền táng có từ thời Xuân Thu đến thời Minh - Thanh, và đến nay một số nơi ở vùng Sơn Tây và Đài Loan vẫn còn kiểu mai táng này. Người ta cho rằng vách núi hay hang động trên cao là nơi yên tĩnh thích hợp để linh hồn yên nghỉ. Từ trên cao, người chết có thể ngắm nhìn trời xanh, sông núi, cách biệt với sự ồn ào của nhân gian. Vì vậy, một số địa phương chỉ còn gọi nơi huyền táng là “tiên hàm”, “tiên thất”, “tiên đài”. Người ta còn tin rằng quan tài được huyền táng ở những nơi hiểm trở sẽ không bị ai phá hoại, không bị nước ngấm, không bị thối rữa, thi thể người chết sẽ được bảo lưu mãi mãi…
5/- Thiên táng Thiên táng, còn gọi là điểu táng, là đem thi thể người chết cho chim ó ăn. Thiên táng là tập tục mai táng của người Tạng vốn tin rằng chim ó ăn xong bay lên trời nên người chết cũng được lên thiên đàng. Người chết sẽ được để trong nhà một số ngày đề làm lễ cầu siêu sau đó được đưa qua cửa sổ ra bãi thiên táng: Người ta sẽ đốt hương cho chim ó đến rồi xẻ thịt người chết cho chúng ăn. Người Tạng coi chim ó là “thần điểu” và tin rằng thi thể được chim ó ăn hết là điềm lành, người chết sẽ nhanh chóng được lên thiên đàng: nếu chim ăn không hết, người ta sẽ gom những gì còn lại đề hỏa táng. Thiên táng là tập tục đặc biệt của tộc Tạng từ xa xưa và cũng là cách mai táng phổ biến của người Tây Tạng hiện nay. Người Tạng cho rằng tổ tiên mình đến từ trên trời nên sau khi chết sẽ quay về trời. Người ta không thấy sách vở nào ghi chép cụ thể tập tục thiên táng có từ bao giờ, nhưng có thể phỏng đoán khoảng sau thế kỷ 7, Phật giáo truyền vào Tây Tạng đã ảnh hưởng rất lớn tới tục mai táng này. Trong Phật giáo có Hạnh “bố thí” và xả thân cũng là một bố thí. Yếu hành xả thân kinh phát hiện ở Đôn Hoàng có chép chuyện khuyên người chết nên bố thí máu thịt của mình và từ thời Tùy về trước đã có tục này. Trong truyện cổ Phật giáo cũng có chuyện Thi Tì vương thí thân nuôi bồ câu hoặc Ma Kha Tát Đóa hiến thân cho hổ…
6/- Thụ táng. Thụ táng, còn gọi là lộ thiên táng, là đem tro xương của người chết chôn dưới gốc cây hoặc rải lên một khoảnh đất nào đó rồi trồng lên chỗ ấy một cây làm kỷ niệm. Thụ táng không có huyệt mộ, không có bia mộ, chỉ có một phiến đá đặt dưới gốc cây hay một miếng kim loại treo lên thân cây ghi họ tên, năm sinh, năm mất của người chết: Hiện nay thụ táng được xem là một trong những hình thức mai táng hiện đại nhất trên thế giới. Thuở xưa. Người Hán và một số dân tộc thiểu số ở Trung Quốc cũng có tục mai táng này. Người Di ở Vân Nam có một truyền thuyết liên quan đến thụ táng như sau: Thời Hán, vợ của đại tướng quân Mạnh Hoạch (tổ tiên của người Di, trong Tam Quốc Chí từng bị Gia Cát Lượng thu phục bằng cách bắt rồi tha nhiều lần) chết, được quấn gấm lụa treo lên chạc một cây thông, rồi mọi người ca hát nhảy múa xung quanh gốc cây. Các Tộc Ngạc Ôn Khắc, Ngạc Luân Xuân và Hách Triết đem thi thể người chết vào núi sâu hoặc đồng hoang treo lên cây để tự phân huỷ. Người ta cho rằng thi thể người chết được phơi nắng dầm mưa sẽ hóa thành những vì sao trên trời soi sáng và dẫn đường cho con cháu. Sau khi thụ táng, người Ngạc Luân Xuân không quay lại nơi treo thi thể nữa, nhưng hai ba năm sau, người Hách Triết sẽ quay lại thu nhặt hài cốt bỏ vào túi da hươu và tiến hành thổ táng. Nếu trẻ con chết, thi thể sẽ được bó lại bằng vỏ cây hoa treo lên cây vì người ta sợ rằng chôn trẻ con dưới đất, linh hồn của chúng sẽ không thoát ra được, ảnh hưởng xấu đến việc sinh nở về sau. Người Dao ở Quảng Tây tin rằng trẻ con chết sẽ được đầu thai lần thứ hai. Nếu thi thể chúng không nhanh chóng phân huỷ thì chúng sẽ không thể tái sinh nên người ta dùng vải và vỏ cây bọc thi thể đặt trong giỏ và treo lên cây. Ở một số địa phương, những người thuộc tộc Hán dùng chiếu bó những đứa trẻ chết yểu treo lên cây.
Link nội dung: https://cmp.edu.vn/tien-tang-la-gi-a7747.html