16 cách trị cảm lạnh tại nhà hiệu quả cao có thể bạn chưa biết

Cảm lạnh là một trong những bệnh lý truyền nhiễm cấp tính hiện vẫn chưa có vacxin phòng ngừa và thuốc đặc trị. Các cách trị cảm lạnh hiện có đề dựa trên nguyên tắc tập trung điều trị các triệu chứng, ngăn ngừa bệnh gây biến chứng.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng - Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.

cách trị cảm lạnh

Cảm lạnh là gì?

Cảm lạnh là bệnh viêm đường hô hấp trên phổ biến, thường xảy ra vào thời điểm giao mùa, từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau. Trẻ nhỏ, người già và những người có sức đề kháng kém là những đối tượng dễ mắc cảm lạnh nhất. Trung bình trẻ nhỏ dưới 6 tuổi có thể mắc bệnh cảm lạnh 6 - 8 lần mỗi năm.

Bệnh cảm lạnh gây ra nhiều triệu chứng phiền toái, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và các hoạt động sinh hoạt hằng của của người bệnh. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có cách phòng ngừa bệnh cảm lạnh một cách tuyệt đối. Các biện pháp phòng ngừa hiện có đều hướng đến tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch, xây dựng lối sống khoa học, tránh tiếp xúc với nguồn bệnh.

Nguyên nhân gây ra cảm lạnh

Bệnh cảm lạnh được gây ra bởi sự xâm nhập của virus, thường gặp nhất là Rhinovirus. Tuy nhiên, thực tế có hơn 200 chủng virus có thể gây bệnh cảm lạnh. Do đó, người bệnh có thể tái nhiễm nhiều lần.

Virus cảm lạnh chủ yếu lây truyền từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp với các giọt bắn có chứa virus gây bệnh được phát tán ra ngoài không khí khi người bệnh ho, hắt hơi hay giao tiếp. Ngoài ra, virus gây bệnh có thể tồn tại khá lâu ở môi trường bên ngoài, do đó, trẻ vẫn có khả năng mắc bệnh khi chạm vào các bề mặt có chứa virus rồi đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh cảm lạnh gồm:

Rhinovirus là tác nhân gây bệnh cảm lạnh thường gặp nhất
Rhinovirus là tác nhân gây bệnh cảm lạnh thường gặp nhất.

Triệu chứng cảm lạnh thông thường

Sau khoảng 3 - 5 ngày kể từ khi tiếp xúc với nguồn bệnh, trẻ sẽ bắt đầu phát bệnh. Các triệu chứng thường gặp của cảm lạnh gồm: nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức cơ, sốt nhẹ, hắt hơi nhiều, nghẹt mũi, chảy nước mũi, có cảm giác ớn lạnh, chân tay lạnh.

Một số trường hợp, trẻ có thể đột ngột sốt cao kèm rét run kéo dài 3 - 5 ngày. Sau khi thân nhiệt hạ xuống, một loạt các triệu chứng của cảm lạnh bắt đầu xuất hiện. Trẻ có thể có các triệu chứng da khô nóng, mắt đỏ, chói mắt, đau rát họng, có đờm, chảy máu cam, đắng miệng, biếng ăn, buồn nôn,…

Các triệu chứng này có xu hướng giảm dần sau 5 - 7 ngày khi được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, trẻ vẫn cần được theo dõi chặt chẽ nhằm đề phòng biến chứng nguy hiểm như viêm phổi gây khó thở, viêm xoang, viêm tai, hen…

Cách trị cảm lạnh tại nhà

Hiện nay, bệnh cảm lạnh vẫn chưa có thuốc đặc trị. Các phương pháp điều trị cảm lạnh hiện có đều dựa trên nguyên tắc điều trị các triệu chứng, giúp trẻ cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn, đồng thời ngăn chặn tình trạng mất nước và các biến chứng nguy hiểm. Do đó, ngoài các loại thuốc hỗ trợ được kê toa bởi bác sĩ chuyên khoa, việc chăm sóc trẻ bị cảm lạnh đúng cách đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị cảm lạnh cho trẻ.

1. Ăn uống đầy đủ

Chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp và đủ chất sẽ giúp cung cấp cho cơ thể đủ các dưỡng chất và năng lượng cần thiết để chống chọi lại tác nhân gây bệnh. Khi bị cảm lạnh, tốt nhất, nên cho trẻ ăn những thực phẩm lành mạnh, dễ tiêu hóa, mềm, dạng lỏng như cháo, súp.

Cảm lạnh có thể khiến người bệnh mất nước, mất cân bằng điện giải. Việc uống đủ nước và bổ sung các chất điện giải như vitamin C, kẽm sẽ giúp ngăn chặn cảm lạnh gây biến chứng và giúp cải hiện hệ miễn dịch. Đặc biệt, người bị cảm lạnh nên chú ý tránh sử dụng cà phê, rượu, nước uống có ga vì chúng có thể khiến cơ thể mất nước nghiêm trọng hơn.

Người bị cảm lạnh cần ăn uống lành mạnh
Người bị cảm lạnh cần ăn uống lành mạnh, đủ chất.

2. Nghỉ ngơi đầy đủ

Sức khỏe tinh thần là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng nhiều đến cơ thể và hệ miễn dịch. Cơ thể làm việc quá sức sẽ dẫn đến nhiều cảm xúc tiêu cực, stress, buồn bã, dễ tức giận, từ đó làm tăng hormone cortisol gây ức chế các tế bào miễn dịch. Đồng thời, tình trạng này còn khiến số lượng tế bào bạch cầu giảm xuống, tạo điều kiện thuận lợi cho virus. Vì vậy, khi bị cảm lạnh, việc nghỉ ngơi đầy đủ là vô cùng quan trọng. Bệnh nhân nên ngủ đủ giấc, đồng thời kết hợp với một số biện pháp giải tỏa áp lực như nghe nhạc, thiền hay tập một vài động tác thể dục nhẹ nhàng.

3. Làm dịu cổ họng

Đau đau rát cổ họng là triệu chứng phổ biến khi bị cảm lạnh. Việc súc miệng bằng nước muối đúng cách và đều đặn không chỉ giúp làm dịu cảm giác khó chịu này mà còn có tác dụng sát khuẩn, giúp bệnh nhanh khỏi. Do đó, khi bị cảm lạnh, người bệnh nên súc miệng bằng nước muối và nước ấm 3 - 4 lần/ngày.

4. Làm thông mũi

Tình trạng nghẹt mũi, chảy nước mũi khiến bệnh nhân cảm thấy khó chịu và có xu hướng thường xuyên xì mũi mạnh để loại bỏ chất nhầy ra ngoài. Điều này có thể gây kích ứng bên trong mũi, tổn thương niêm mạc và xoang mũi, dẫn đến viêm xoang. Do đó, để làm thông mũi an toàn và đúng cách, người bệnh nên dùng 1 ngón tay đè lên cánh mũi nhẹ nhàng nhằm bịt kín lỗ mũi, sau đó hỉ mạnh qua lỗ mũi còn lại, lặp lại với bên kia. Lưu ý, người bệnh cần rửa tay với xà phòng khử khuẩn trước và sau khi hỉ mũi để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người khác.

5. Tắm nước ấm

Tắm nước ấm là một cách giúp người bệnh cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn. Cách này không chỉ giúp bổ sung hơi nước, giữ ẩm và còn giúp thông mũi, dễ thở. Tuy nhiên, bệnh nhân không nên tắm quá lâu, khi tắm xong nên giữ ấm cẩn thận, tránh để cơ thể nhiễm lạnh sau đó.

6. Duy trì độ ẩm trong phòng

Duy trì độ ẩm trong phòng sẽ giúp tình trạng nghẹt mũi trở nên dễ chịu hơn, giảm tắc nghẽn, từ đó dễ thở hơn. Tuy nhiên khi làm ẩm không khí trong phòng bằng máy phun sương hay máy tạo độ ẩm, máy cần được thay nước hàng ngày và vệ sinh đúng cách để ngăn ngừa vi khuẩn sinh sôi.

7. Kê cao gối khi ngủ

Ở tư thế nằm, triệu chứng nghẹt mũi thường sẽ có xu hướng nặng hơn. Việc kê cao gối khi ngủ giúp người bệnh dễ thở và thoải mái hơn so với khi nằm ngủ không kê gối hay kê gối thấp.

8. Hạn chế ra ngoài

Nhiệt độ phòng thường sẽ chênh lệch khá nhiều so với nhiệt độ bên ngoài. Hơn nữa, khi ra ngoài, người bệnh có thể gặp nắng, gió khiến cơ thể đang trong tình trạng mệt mỏi, ốm yếu trở nên nặng nề hơn. Do đó, tốt nhất khi bị cảm lạnh, người bệnh nên nghỉ ngơi tại nhà, hạn chế ra ngoài. Trong trường hợp thật sự cần thiết, người bệnh có thể ra ngoài nhưng phải đảm bảo giữ ấm đủ, được che chắn cẩn thận và đeo khẩu trang để hạn chế lây truyền virus gây bệnh cho người khác.

Trẻ bị cảm lạnh nên được giữ ấm cẩn thận
Trẻ bị cảm lạnh nên được giữ ấm cẩn thận và đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.

9. Chườm nóng hoặc chườm lạnh

Chườm nóng hoặc chườm lạnh xung quanh vùng xoang là cách thường được sử dụng để giảm khó chịu ở vùng mũi. Nếu như chườm nóng giúp giảm áp lực cho xoang mũi, làm loãng lớp dịch nhầy thì chườm lạnh sẽ khiến các mạch máu ở vùng xoang mũi co lại, giảm đau nhanh chóng.

10. Dùng tinh dầu

Sử dụng tinh dầu đúng cách sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn, làm thông mũi và giảm nhẹ cảm giác đau nhức, nhất là ở vùng mũi. Người bệnh có thể thoa một ít tinh dầu ở vùng dưới mũi, lòng bàn chân, thái dương hoặc pha một vài giọt vào nước tắm.

11. Thuốc điều trị cảm lạnh hiệu quả

Ngoài các cách chữa trị cảm lạnh được kể trên, đối với người lớn và trẻ trên 5 tuổi, bệnh nhân có thể sử dụng thêm một số loại thuốc điều trị cảm lạnh có tác dụng hỗ trợ như thuốc thông mũi, thuốc kháng histamin, thuốc giảm đau hạ sốt. Tuy nhiên, các loại thuốc này đều có tác dụng phụ tiềm ẩn, do đó, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. (1)

Mẹo giải cảm lạnh tự nhiên

Dưới đây là một số mẹo trị cảm lạnh từ các nguyên liệu tự nhiên có tác dụng giúp tăng cường sức đề kháng, giảm đau và đẩy nhanh quá trình hồi phục sức khỏe:

1. Nước ấm, chanh và mật ong

Nước ấm giúp làm ấm và dịu cổ họng; chanh giàu vitamin C, giúp tăng cường sức đề kháng; mật ong có tác dụng kháng khuẩn. Khi kết hợp 3 nguyên liệu này, nước chanh, mật ong nóng sẽ giúp giảm đau họng, tăng cường miễn dịch, cải thiện sức khỏe nhanh chóng.

2. Tỏi

Tỏi có thành phần chứa vitamin C, selen và các khoáng chất khác, có tác dụng hiệu quả trong điều trị cảm lạnh. Đặc biệt, tỏi chứa allicin giúp cơ thể chống virus và giảm nhẹ các triệu chứng. Tuy nhiên, tỏi có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết nên lưu ý không sử dụng cách này cho người bị máu loãng.

3. Nước dừa

Nước dừa không chỉ giúp bổ sung nước mà còn cung cấp nhiều chất điện giải cho cơ thể. Do đó, khi bị cảm lạnh, người bệnh có thể uống thêm nước dừa để tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch, ngăn chặn tình trạng mất nước, mất cân bằng điện giải. Ngoài ra, nước dừa còn có thành phần chứa axit caprylic và axit lauric có tác dụng chống nấm, kháng khuẩn.

4. Nghệ

Nghệ là một trong những nguyên liệu được biết đến với khả năng chống viêm vượt trội, giúp giảm nghẹt mũi, viêm xoang mũi, từ đó, giúp người bệnh dễ thở hơn. Bệnh nhân có thể sử dụng nghệ bằng cách trộn ¼ muỗng cà phê bột nghệ pha với 1 ly sữa ấm, uống hàng ngày.

5. Gừng

Gừng giúp làm ấm cơ thể, có tác dụng hỗ trợ trị ho hiệu quả, giảm nghẹt mũi và kháng virus tốt. Bạn có thể bỏ thêm 1 miếng gừng tươi vào nước chanh mật ong nóng, uống hàng ngày để tăng sức đề kháng, phòng ngừa và điều trị cảm lạnh.

Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc, phòng ngừa và những vấn đề về sức khỏe khác, bạn có thể liên hệ khoa Nhi bệnh viện đa khoa Tâm Anh theo địa chỉ:

Trên đây là những thông tin hữu ích về bệnh cảm lạnh cũng như cách trị cảm lạnh tại nhà. Cảm lạnh là bệnh thường gặp, thường không gây biến chứng. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện để được hỗ trợ ngay khi có dấu hiệu bất thường, bệnh không có dấu hiệu giảm nhẹ.

Link nội dung: https://cmp.edu.vn/bi-on-lanh-nen-lam-gi-a7794.html