Hiện nay, các loại thuốc điều trị rối loạn nhịp tim mang lại hiệu quả khá tốt. Người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị cũng như phòng ngừa những biến chứng nguy hại do căn bệnh này gây ra…
1. Rối loạn nhịp tim là gì?
ThS.BS. Nguyễn Thu Huyền - Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện 19-8 cho biết, rối loạn nhịp tim là tình trạng rối loạn xung điện trong tim, dẫn đến hậu quả nhịp tim bị rối loạn, quá nhanh hoặc quá chậm hoặc thất thường.
Triệu chứng của rối loạn nhịp tim rất đa dạng, với nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng. Đôi khi, một số người bệnh rối loạn nhịp tim không có biểu hiện nào hoặc các biểu hiện khá mơ hồ như cảm giác không khỏe, cảm giác khó chịu ở ngực.
ThS.BS. Nguyễn Thu Huyền - Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện 19-8 thăm khám cho bệnh nhân.
Dưới đây là một triệu chứng thường gặp của rối loạn nhịp tim:
Cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực
Hụt hơi, khó thở
Ran ngực
Yếu sức
Các triệu chứng khác như chóng mặt, hoa mắt, vã mồ hôi, mệt đừ, đau ngực, thậm chí có thể gần ngất hoặc ngất…
Rối loạn nhịp tim làm ảnh hưởng đến hoạt động bơm máu của tim, máu không được cung cấp đầy đủ đến các cơ quan trong cơ thể (phổi, não, thận…) và làm suy yếu các cơ quan này.
Không những thế, một số tình trạng rối loạn nhịp tim có thể gây nguy hiểm đến chất lượng cuộc sống, thậm chí là tính mạng của người bệnh, có thể kể đến các cơn nhịp nhanh như rung thất, ngoại tâm thu thất R/T, cơn tim nhanh thất, xoắn đỉnh... và rối loạn nhịp chậm như block nhĩ- thất độ 3, suy nút xoang.
ThS.BS. Nguyễn Thu Huyền, Bệnh viện 19-8 đưa ra một số lưu ý với người bệnh rối loạn nhịp tim.
2. Các loại thuốc điều trị rối loạn nhịp tim
Các phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim thường được áp dụng là điều trị nội khoa và phẫu thuật. Trong đó điều trị nội khoa là chỉ định đầu tay. Nếu phương pháp nội khoa không mang lại hiệu quả mới tính đến phương pháp phẫu thuật.
Mục đích điều trị bằng thuốc hướng đến là ngăn ngừa nhịp tim tự động bất thường, điều chỉnh tốc độ dẫn truyền xung điện và đẩy nhanh quá trình phục hồi cơ tim.
Theo ThS.BS. Nguyễn Thu Huyền, các loại thuốc điều trị rối loạn nhịp tim thường dùng bao gồm:
- Thuốc chống loạn nhịp tim (amiodaron, sotalol, dronedaron,…) có tác dụng tăng thời gian trơ của tim và ngăn chặn tính tự động bất thường của nhịp tim.
- Thuốc chẹn beta (metoprolol, atenolol, bisopropol) có tác dụng làm chậm nhịp tim, thư giãn cơ tim nên làm giảm gánh nặng hoạt động của tim và làm giảm dẫn truyền xung điện tim qua nút nhĩ thất.
- Thuốc chẹn kênh canxi (verapamil, diltiazem…) có tác dụng giãn mạch và làm giảm dẫn truyền xung điện tim qua nút nhĩ thất.
Các thuốc điều trị rối loạn nhịp tim.
Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim có thể gây ra một số tác dụng phụ như:
Dị ứng với thuốc.
Sưng phù chân.
Khiến tình trạng rối loạn nhịp tim trở nên nghiêm trọng hơn.
Tăng nhạy cảm với ánh nắng mặt trời khiến da dễ bị đen sạm.
Ảnh hưởng đến thị lực.
Ăn không ngon miệng, chán ăn.
Rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón...
10 món ăn - bài thuốc phòng ngừa, hỗ trợ điều trị rối loạn nhịp tim
Người bệnh rối loạn nhịp tim khi gặp phải những tác dụng phụ nói trên trong quá trình sử dụng thuốc cần trao đổi ngay với bác sĩ để tìm ra cách khắc phục. Không tự ý dừng thuốc hay tăng liều lượng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
Đặc biệt, trên đối tượng bệnh nhân mắc bệnh lý nền như tình trạng mỡ máu cao, xơ vữa mạch, các bệnh tuyến giáp... phải kết hợp nhiều loại thuốc để điều trị, người bệnh cần tuân thủ phác đồ của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả và hạn chế tương tác thuốc.
Bên cạnh việc sử dụng thuốc, người bệnh rối loạn nhịp tim cần lưu ý:
Duy trì lối sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, vừa sức
Ăn nhạt, tăng cường các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe tim mạch như các loại trái cây, rau củ, ngũ cốc và các chất béo có lợi,...
Tránh tiêu thụ rượu bia, thuốc lá, chất kích thích…
Tuân thủ lịch tái khám định kỳ với bác sĩ chuyên khoa tim mạch.
_Sức khỏe và đời sống_
Link nội dung: https://cmp.edu.vn/roi-loan-nhip-tim-uong-thuoc-gi-a7843.html