Một câu chuyện về thế giới trẻ con hồn nhiên, trong sáng nhưng cũng đầy đớn đau khiến con tim người ta phải thổn thức...
Đó chính là những suy nghĩ đầu tiên của tôi khi gấp lại cuốn sách “Cây cam ngọt của tôi”. Dưới ngòi bút của José Mauro de Vasconcelos, những con người thuộc tầng lớp lao động nghèo của Brazil hiện lên mờ ảo dưới con mắt trẻ thơ của một cậu bé năm tuổi; song sự kham khổ, đớn đau khi bị cái nghèo quấn lấy lại hết sức rõ ràng. Câu chuyện tưởng chừng chỉ dành cho con trẻ hóa ra lại ẩn chứa nhiều hơn thế: Bức thông điệp về gia đình, bức thông điệp về tuổi thơ miên man tươi đẹp đối nghịch với sự thực trần trụi và sắc lạnh của cuộc sống, và cũng là bức thông điệp về tình cảm gia đình giữa những người thân thiết nhất, hay thậm chí là hai người vốn xa lạ như Zezé và Ông Bồ.
Về tác giả
Nhắc đến José Mauro de Vasconcelos, tôi nhớ đến một người con sinh ra trong cái nghèo ở vùng ngoại ô Rio de Janeiro. Lớn lên, ông phải làm nhiều công việc để kiếm sống, nhưng có lẽ thực tế khắc nghiệt của cuộc sống cũng chẳng thể dập tắt được trí tưởng tượng tuyệt vời và thôi thúc được viết của ông. Từ trải nghiệm sống phong phú, những cuốn sách của ông ghi lại dấu ấn trong lòng người đọc, mở ra một thế giới mới để người ta rung cảm và yêu quý - và “Cây cam ngọt của tôi” là một trong số ấy. Những trang viết nhuốm màu tự truyện, trong sáng và thơ ngây hiện lên dưới hình ảnh cậu bé Zezé đã gắn liền với tên tuổi của José Mauro de Vasconcelos, dường như đó cũng là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của ông, xuất hiện trong chương trình học của Brazil và được bán bản quyền cho hơn 20 quốc gia cũng như chuyển thể thành phim điện ảnh.
“Mẹ ơi, đáng ra con không nên được sinh ra trên đời này” - “ Ai đã ở trên đời, thì tức là người đó xứng đáng được sinh ra con ạ. Con cũng thế.”
(Trích “Cây cam ngọt của tôi”)
Tuổi lên 5, cậu bé Zezé nổi tiếng với sự nghịch ngợm của mình. Những người lớn coi cậu là một đứa trẻ hư với những đòn roi, những cú tét mông và những lời nói lạnh lẽo, dường như không nghĩ rằng một đứa trẻ sẽ tổn thương và đau đớn. Có lẽ điều đầu tiên tôi muốn dành để nói đến cuốn sách ấy nằm ở sự dịu dàng của người mẹ dành cho Zezé - rằng sự tồn tại của cậu bé là một món quà với bà, và sự an ủi của bà cũng trở thành một món quà dành cho cậu bé. Tình cảm gia đình trong những trang viết của José Mauro de Vasconcelos ẩn hiện dưới những lớp trầm tích của ngôn từ, và đã ve vuốt tâm hồn ta dịu dàng, nhè nhẹ trong những lời thoại giản dị như thế. Đó là cái cách mà cậu bé Zezé yêu thương, chăm sóc cho người em trai “Vua Luis” của mình, là cái cách mà Ông Bồ đưa Zezé ngắm nhìn thế giới, cho cậu bé sự yêu thương, dạy dỗ nhẹ nhàng hay những tình cảm nhỏ vụn của những người chị dành cho cậu bé. Thế giới của một đứa trẻ được bảo vệ như thế, để nó không chìm trong đau thương, để nó không đầy hoài nghi và tuyệt vọng (như cái cách cậu bé đã hỏi mẹ của mình). Cũng từ đây, dường như người đọc nhận ra bài học về cách đối xử với những đứa trẻ - không phải bạo lực, phớt lờ và đay nghiến mà đó là tình yêu. Thậm chí ngay cả khi lớn lên rồi, tình yêu cũng nên là thứ tình cảm người ta dành cho nhau, để người ta thêm yêu cuộc sống và gắn bó với sinh mệnh của bản thân. Những đứa trẻ như Zezé, những đứa trẻ lớn lên trong cuộc sống nghèo khó, trong sự mỏi mệt của người lớn, trong sự xù xì, cằn cỗi của những tâm hồn bị cơm áo gạo tiền làm thay đổi vẫn luôn giữ nét hồn nhiên, trong sáng đến lạ kỳ. Và đó dường như cũng trở thành mỗi nỗi day dứt trong ta - khi ta nhớ đến bản thân mình, nhớ đến tuổi thơ hồn nhiên trẻ dại, có phải chúng ta cũng đang mất dần sự thuần khiết vốn có trong tâm hồn mình khi đối diện với cuộc sống, và có phải ta cũng đang mất dần tình yêu thương và bao dung của một đứa trẻ trước những người lớn cáu gắt ngoài kia?
“Ông có thể giết một người nào đó trong trái tim ông. Ông không yêu người đó nữa. Và thế là một ngày nào đó người đó sẽ chết..”
(Trích “Cây cam ngọt của tôi”)
Tình yêu mang sức mạnh kì diệu như vậy đấy, và những suy nghĩ của một đứa bé năm tuổi khiến cho người lớn như chúng ta phải thực sự suy nghĩ. “Cây cam ngọt của tôi” đã mang đến cho người đọc bài học về tình yêu, cũng như về những khía cạnh khác của cuộc sống. Tâm hồn ta được thong thả chảy trôi trên trang viết, và bản thân ta được tách ra để thản nhiên xem xét lại chính mình. Để rồi, trước cậu bé Zezé nghịch ngợm, thông minh và nhạy cảm, ta có thể bắt được một điều gì đó của bản thân mình, biết được những yêu ghét, những giá trị ngoài lề cuộc sống hóa ra có thể nhẹ nhàng như thế.
Những suy nghĩ tưởng như rất “ông cụ non” của Zezé được tạo nên từ sự đối nghịch của hiện thực cuộc sống và tâm hồn trẻ dại của cậu bé. Người cha mất việc, người mẹ phải lao động cực nhọc để kiếm tiền, gia đình đông con - nỗi bất hạnh của những ngôi nhà nghèo khó hiển hiện rõ nét hơn bao giờ hết. Có lẽ vì thế mà người ta cục cằn hơn, thô lỗ hơn, người ta làm lơ đi những nhu cầu được quan tâm của lũ trẻ. Trong truyện, đã nhiều lần cậu bé Zezé bị gạt phăng đi những suy nghĩ của mình. Trong cuộc sống ấy, ai cũng đáng thương, người đọc thương gia đình của Zezé, thương cậu bé, lại càng yêu mến sự trong sáng của cậu dù cho có bị gạt đi phũ phàng. Có thể nói, Zezé như một đám cỏ dại mặc kệ mảnh đất đã bị cái đói, cái nghèo hút hết chất dinh dưỡng vẫn nhô cao, vẫn sinh trưởng mạnh mẽ, chỉ khi cái chết của Ông Bồ - người cậu bé yêu quý nhất - ập đến, đám cỏ dại ấy mới tàn phai, héo úa và tuổi thơ của Zezé cũng chấm dứt theo sự rời đi của cây cam “Bạn Yêu” diệu kì.
““Tại sao người ta lại nói cho bọn trẻ biết nhiều chuyện như vậy trong khi chúng còn bé như thế?”
Ông Bồ yêu quý của cháu, sự thực là người ta đã cho cháu biết mọi chuyện quá sớm.”
(Trích “Cây cam ngọt của tôi”)
Trong hành trình trưởng thành của con người, có lẽ ai cũng đã từng gắn liền với những người bạn tuổi thơ, để rồi một lúc nào đó, khi người ta trưởng thành, người bạn tuổi thơ ấy cùng những năm tháng non nớt đẹp đẽ kia biến mất theo những niềm đau của cuộc sống. Đúng vậy - con người ta trưởng thành từ những niềm đau. Đối với Zezé, Ông Bồ là người cha, người bạn tốt, là người đã cho cậu bé tình thương khi tình thương từ người cha ruột của cậu bị cái nghèo cướp mất. Nỗi đau ấy có lẽ là quá lớn so với những gì một đứa trẻ có thể chịu đựng, nó khiến Zezé từ bỏ sự trẻ con, nghịch ngợm, hiếu kì của mình, từ bỏ người bạn thân yêu và những thế giới tưởng tượng để đến với vùng đất của “người lớn”. Cuộc chia tay chua xót, đau lòng mà cũng rất chân thực, dường như quen thuộc với tất cả chúng ta, dường như trong chúng ta cũng đã từng có những “người bạn” của năm tháng ngây thơ ấy, người đã biến mất theo thời gian và sự trưởng thành của con người.
Lời kết
Tiểu thuyết “Cây cam ngọt của tôi” trở thành tác phẩm nổi tiếng nhất trong nghiệp văn của José Mauro de Vasconcelos ắt phải có lí do của nó. Cả câu chuyện là màu sắc hiện thực đậm nét, nhưng không hề mất đi nét trong sáng, nhẹ nhàng của tuổi thơ con người. Nó chỉ để lại trong trái tim ta một nỗi buồn nhè nhẹ, sự rung động êm ả, dịu dàng, da diết, khiến ta lưu luyến không thể nào quên.
Tác giả: Minh Ngọc - Bookademy
Hình ảnh: Minh Ngọc