Tối 16/8, tại TP.HCM, đoàn khảo sát do ông Cao Thanh Bình -Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM - dẫn đoàn làm việc tại phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ.
Cần kiểm soát chặt chẽ từ gốc
Bà Phạm Thị Ánh Nga (55 tuổi, ngụ Quận 10) bán các món chế biến từ trứng cút, trứng vịt lộn, hải sản,... được 3 năm tại phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ. Bà Nga cho biết, phố ẩm thực không chỉ thu hút đông khách Việt mà còn lượng lớn khách quốc tế, điều này cũng góp phần tăng thu nhập. Với hải sản tươi, bà Nga thường lấy từ chợ đầu mối Bình Điền về chế biến. Không chỉ riêng bà Nga, đa số các hộ kinh doanh đều lấy hàng hóa từ các chợ đầu mối.
Theo ông Bùi Thế Hải - Phó Chủ tịch UBND Quận 10, phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ có hơn 130 hộ kinh doanh, đa số bán các món nướng, hải sản,… Nguồn hàng chủ yếu lấy từ chợ đầu mối Bình Điền và các đơn vị cung cấp thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Từ đó, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra hóa đơn khi họ nhập hàng.
Tại buổi làm việc, ông Lê Hồng Tây - Trưởng phòng Y tế Quận 10 - kiến nghị Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cần tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm tại các chợ đầu mối để đảm bảo đối với thực phẩm. Ngoài ra, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM nên tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở buôn bán thay vì kiểm tra có thông báo hay theo định kỳ.
Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp kiểm tra an toàn thực phẩm chưa thống nhất về mặt thông tin. "Một số đơn vị đi kiểm tra nhưng không thông tin chặt chẽ, vì vậy không nắm được kết quả dẫn đến việc chồng chéo, gây phiền hà cho người dân", ông Lê Hồng Tây nói.
Qua khảo sát, ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM cho biết, hơn 80% hộ dân buôn bán ở phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ lấy hàng từ các chợ đầu mối. Như vậy, nguồn hàng gần như ở một địa điểm cố định và có thể kiểm soát được. Theo đó, vấn đề đặt ra là các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố cần có sự kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm.
"Nếu chúng ta kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối thì nguồn hàng về các phố ẩm thực, về các chợ, các điểm bán hàng nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố sẽ yên tâm hơn. Ngoài ra, thành phố cũng không mất nhiều nhân lực để kiểm soát những điểm nhỏ lẻ mà chỉ cần tập trung những điểm lớn là chợ đầu mối", ông Cao Thanh Bình chia sẻ.
Qua quá trình kiểm tra, ông Bình cho biết thêm, các hóa đơn chứng từ được người dân xuất trình rất rõ ràng và có thông tin đầy đủ. Người bán hàng cũng đảm bảo bảo hộ lao động về an toàn thực phẩm. Các gian hàng bày bán đảm bảo sạch sẽ, bắt mắt; công tác bảo quản, chế biến thực phẩm rất an toàn. Việc bố trí cho khách vào không lộn xộn, trật tự.
Cần có thêm bãi giữ xe
Dù thu hút lượng lớn người dân TP.HCM và khách du lịch, tuy nhiên hiện nay, các bãi giữ xe tại phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ đều là tự phát. Theo đó, UBND phường 1 thường xuyên xử phạt vi phạm hành chính đối với các hộ phát sinh xe trái phép.
Việc lập đề án sử dụng sân trường làm điểm trông giữ xe phục vụ khách tham quan, ăn uống tại phố ẩm thực chưa thực hiện trong giai đoạn hiện nay. Do nhu cầu được giữ xe của du khách là rất lớn, ông Hoàng Quốc Tâm - Chủ tịch UBND Phường 1 kiến nghị UBND Quận 10 giao Trường Tiểu học Hồ Thị Kỷ và Trường Mầm non Phường 1 phối hợp với một đơn vị có năng lực thực hiện trông giữ xe tại sân của trường từ 17 giờ đến 22 giờ hằng ngày. Đơn vị này cũng sẽ chịu trách nhiệm sửa chữa các hư hỏng tại sân trường do việc giữ xe gây ra.
Bên cạnh đó, đại diện UBND Phường 1 cũng kiến nghị xây dựng thêm một điểm chữa cháy công cộng vì đây là hẻm nhỏ, xe chữa cháy không vào được. Theo đó, UBND Phường 1 dự kiến xin một phần góc của Trường tiểu học Hồ Thị Kỷ để làm hồ chứa nước cho điểm chữa cháy này.
Ngoài ra, phố ẩm thực chưa có nhà vệ sinh công cộng. Hiện đơn vị này cũng đang xin nguồn vốn để xây dựng nhà vệ sinh tại nhà văn hóa, hoặc tận dụng nhà vệ sinh của các hộ kinh doanh để làm nhà vệ sinh công cộng.