Chóng mặt khi mang thai có thể làm bà bầu lo lắng, bất an, ảnh hưởng sức khỏe. Vậy nguyên nhân khiến bà bầu bị chóng mặt khi mang thai là gì? Làm sao để khắc phục?
Bài viết được tư vấn bởi Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Khi mang thai, cơ thể phụ nữ trải qua nhiều thay đổi lớn để hỗ trợ cho sự phát triển của thai nhi. Điều này dẫn đến một số biểu hiện khác lạ có thể khiến thai phụ lo lắng. Một trong những triệu chứng mà nhiều bà bầu đã gặp phải là tình trạng bị chóng mặt khi mang thai. Vậy mẹ bầu bị chóng mặt làm sao cải thiện tình trạng này?
Nguyên nhân chóng mặt khi mang thai
Bà bầu bị chóng mặt hay cảm giác chóng mặt khi mang thai có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và đôi khi có thể do nhiều yếu tố tác động cùng lúc. Trong đó, một số nguyên nhân phổ biến gây ra hiện tượng chóng mặt khi mang thai bao gồm: (1)
- Sự thay đổi hormone: Hormone progesterone tăng nhanh trong cơ thể bà bầu làm giãn mạch máu. Điều này giúp tăng lưu lượng máu đến thai nhi nhưng làm chậm quá trình máu quay trở lại tĩnh mạch của mẹ bầu và khiến huyết áp thai phụ thấp hơn bình thường. Tình trạng này có thể làm giảm lưu lượng máu đến não, khiến bà bầu chóng mặt, đặc biệt là khi đứng dậy hoặc thay đổi tư thế nhanh.
- Lượng đường trong máu thấp: Mẹ bầu bị chóng mặt khi mang thai cũng có thể là do cơ thể thích nghi với những thay đổi trong quá trình trao đổi chất, làm cho lượng đường trong máu thấp.
- Thiếu máu: Trong một số trường hợp, chóng mặt khi mang thai có thể do thiếu máu hoặc thiếu sắt. Thai kỳ đòi hỏi cơ thể phụ nữ cần nhiều máu hơn để cung cấp cho thai nhi. Và khi cơ thể thiếu máu thiếu sắt có thể xảy ra cảm giác chóng mặt.
- Tử cung phát triển: Trong tam cá nguyệt thứ hai, hiện tượng chóng mặt khi mang thai có thể xảy ra do tử cung đang phát triển gây áp lực lên các mạch máu.
- Thay đổi tâm lý: Stress, lo lắng hoặc căng thẳng trong thai kỳ có thể gây ra cảm giác chóng mặt. Các tình trạng tâm lý này có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh và tim mạch.
- Đứng lên quá nhanh: Khi bà bầu đứng dậy từ tư thế nằm nghỉ hoặc ngồi quá nhanh có thể làm giảm áp lực máu đến não, gây ra cảm giác chóng mặt.
- Các yếu tố khác: Ngoài các nguyên nhân trên, cảm giác chóng mặt trong thai kỳ cũng có thể do tiểu đường thai kỳ hoặc các vấn đề về tiêu hóa, ăn uống không đầy đủ dưỡng chất…
Bà bầu bị chóng mặt thường xuất hiện ở giai đoạn nào của thai kỳ?
Chóng mặt khi mang thai thường xuất hiện ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai của thai kỳ.
- Giai đoạn đầu thai kỳ (tam cá nguyệt thứ nhất): Chóng mặt thường xuất hiện ở khoảng tuần thứ 4 đến tuần thứ 6 của thai kỳ, trùng với thời điểm bắt đầu ốm nghén. Nguyên nhân là do sự thay đổi hormone progesterone, estrogen trong cơ thể mẹ bầu khiến các mạch máu giãn ra và lượng máu đến não giảm dẫn đến cảm giác chóng mặt.
- Giai đoạn giữa thai kỳ (tam cá nguyệt thứ hai): Huyết áp của phụ nữ mang thai thường thấp nhất vào giữa tam cá nguyệt thứ hai. Không chỉ vậy, ở giai đoạn này, tử cung lớn dần lên, phát triển nhanh và chèn ép lên tĩnh mạch chủ dưới khiến dòng máu lưu thông lên não bị cản trở dẫn đến cảm giác chóng mặt.
Vào giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ, cảm giác chóng mặt khi mang thai có thể thuyên giảm. Tuy nhiên, mẹ bầu vẫn có thể bị chóng mặt nếu không bổ sung đủ lượng sắt cần thiết, thường xuyên thay đổi tư thế đột ngột, căng thẳng quá mức…
Chóng mặt khi mang thai có nguy hiểm không?
Mẹ bầu chóng mặt khi mang thai không phải lúc nào cũng nguy hiểm. Tuy nhiên, chóng mặt khi mang thai có thể là dấu hiệu cảnh báo cho nhiều vấn đề sức khỏe trong thai kỳ.
Ngoài ra, mẹ bầu chóng mặt cũng làm tăng nguy cơ té ngã, dẫn đến các vấn đề như bong nhau thai, gãy xương, tổn thương sọ thai nhi, sảy thai… Do đó, phụ nữ không nên chủ quan trước tình trạng bị chóng mặt khi mang thai. (2)
Bà bầu bị chóng mặt khi nào cần đến bệnh viện khám?
Hiện tượng chóng mặt khi mang thai không phải lúc nào cũng cần đến bệnh viện. Tuy nhiên, có một số trường hợp mẹ bầu nên sớm thăm khám để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi. Dưới đây là một số tình huống cần đến bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt:
- Cảm giác chóng mặt kéo dài và nghiêm trọng: Nếu cảm giác chóng mặt diễn ra trong một khoảng thời gian dài và không giảm đi sau khi nghỉ ngơi thì đó có thể là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Điều này bao gồm tình trạng chóng mặt kéo dài trong vài giờ hoặc xuất hiện một cách đột ngột, không thuyên giảm, chóng mặt lặp đi lặp lại nhiều ngày. (3)
- Cảm giác chóng mặt đi kèm với các triệu chứng khác: Nếu hiện tượng chóng mặt khi mang thai đi kèm với tình trạng buồn nôn, nôn mửa, đau ngực, khó thở hoặc các triệu chứng lạ khác, bạn nên đến bệnh viện ngay lập tức.
- Mất ý thức hoặc cơn chóng mặt ảnh hưởng đến sự an toàn: Nếu bà bầu mất ý thức hoặc có nguy cơ mất an toàn do cảm giác chóng mặt, chẳng hạn như chóng mặt đến mất thăng bằng, lảo đảo thì hãy gặp bác sĩ thăm khám ngay lập tức để tránh gặp tai nạn hay bất kỳ tình huống nguy hiểm nào.
- Cảm giác chóng mặt không thuyên giảm sau khi áp dụng các biện pháp hỗ trợ: Nếu bạn đã thử các biện pháp hỗ trợ cơ bản như nghỉ ngơi, uống nước hoặc duy trì tư thế ngồi đúng cách nhưng cảm giác chóng mặt vẫn không giảm, bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Mặc dù không phải lúc nào các triệu chứng trên cũng xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý nguy hiểm đối với mẹ và bé, nhưng tốt hơn hết, phụ nữ mang thai nên đến bệnh viện thăm khám sớm để được chẩn đoán chính xác, tránh các tình huống đáng tiếc có thể xảy ra.
Xử lý tình trạng chóng mặt cho bà bầu ra sao?
Mẹ bầu chóng mặt nên làm gì? Với tình trạng chóng mặt khi mang thai, bên cạnh đi khám, chị em có thể tham khảo áp dụng một số biện pháp dưới đây để hỗ trợ cải thiện triệu chứng: (4)
- Không thay đổi tư thế đột ngột: Khi đang chóng mặt, tốt hơn hết, bạn không nên tiếp tục thay đổi tư thế đột ngột. Thay vào đó, mẹ bầu hãy từ từ ngồi hoặc nằm xuống. Nếu ngồi, nên tìm ghế hoặc nơi có tựa lưng mềm để tránh bị ngã.
- Nghỉ ngơi: Bà bầu bị chóng mặt nên nghỉ ngơi ở không gian yên tĩnh, mát mẻ để cảm thấy dễ chịu hơn.
- Bổ sung sắt: Nếu chóng mặt do thiếu máu, thiếu sắt thì cần bổ sung sắt và các loại thực phẩm bổ máu.
- Thư giãn: Để cải thiện tình trạng chóng mặt khi mang thai do căng thẳng, lo lắng thì bà bầu có thể nghe nhạc nhẹ, xem phim, tập yoga cho bà bầu, thiền… Tham gia các hoạt động thư giãn sẽ phần nào giúp bạn cải thiện được trạng thái chóng mặt.
- Uống nhiều nước: Nên uống nhiều nước để đảm bảo cân bằng chất lỏng trong thai kỳ, từ đó cải thiện tình trạng chóng mặt.
- Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc có thể giúp mẹ bầu bị chóng mặt cải thiện triệu chứng. Tuy nhiên, bạn không nên tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào mà phải tham khảo ý kiến từ bác sĩ để tránh gặp tác dụng phụ ảnh hưởng đến thai kỳ.
Cách phòng ngừa tình trạng bà bầu bị chóng mặt
Phòng ngừa chóng mặt khi mang thai giúp duy trì sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi cũng như hạn chế các rủi ro có thể xảy ra. Mặc dù khi mang thai dễ bị chóng mặt nhưng bạn vẫn có thể phòng ngừa hay giảm thiểu hiện tượng này bằng một số biện pháp dưới đây: (5)
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân đối: Mẹ bầu cần đảm bảo duy trì một chế độ ăn uống cân đối và đủ dinh dưỡng. Bổ sung các loại thực phẩm giàu sắt và vitamin C để tránh tình trạng thiếu máu, thiếu sắt.
- Uống đủ nước: Duy trì sự cân bằng nước trong cơ thể rất quan trọng với phụ nữ mang thai. Hãy uống đủ nước hàng ngày để tránh mất nước và giảm nguy cơ chóng mặt.
- Tránh thay đổi tư thế đột ngột: Khi bạn đứng lên từ tư thế nằm nghỉ hoặc ngồi, hãy thay đổi tư thế một cách chậm rãi và nhẹ nhàng thay vì đứng dậy quá nhanh.
- Tập thể dục phù hợp: Tập thể dục nhẹ nhàng và thường xuyên có thể giúp cải thiện tuần hoàn máu. Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập thể dục nào và chọn các hoạt động phù hợp với thai kỳ.
- Kiểm soát căng thẳng: Học cách quản lý căng thẳng thông qua các kỹ thuật thư giãn như thiền, yoga hay đơn giản là tham gia những hoạt động khiến bạn cảm thấy vui vẻ và thoải mái.
- Nghỉ ngơi đầy đủ: Thường xuyên nghỉ ngơi và đảm bảo bạn luôn ngủ đủ giấc. Phụ nữ mang thai cần nhiều năng lượng hơn, vì vậy hãy đảm bảo bạn có đủ thời gian để phục hồi năng lượng cho cơ thể.
- Khám thai định kỳ: Khám thai định kỳ để bác sĩ có thể đánh giá sức khỏe tổng thể của bạn cũng như theo dõi sự phát triển của thai nhi, sớm phát hiện các bất thường trong thời gian mang thai.
- Sử dụng thuốc: Nếu có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, bác sĩ có thể chỉ định cho mẹ bầu sử dụng thêm thuốc, chẳng hạn như thuốc kiểm soát huyết áp hay thuốc bổ sung sắt. Thai phụ phải tuân thủ theo đúng chỉ định dùng thuốc của bác sĩ.
Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Triệu chứng chóng mặt ở mỗi mẹ bầu có thể biểu hiện với mức độ khác nhau. Nếu bạn có bất kỳ băn khoăn nào về tình trạng chóng mặt khi mang thai, hãy đến các bệnh viện uy tín thăm khám. Tùy vào từng trường hợp mẹ bầu bị chóng mặt, bác sĩ có thể đưa ra phương pháp can thiệp phù hợp.