Tiểu rắt là tình trạng người bệnh phải thường xuyên tiểu nhiều lần trong ngày, nhưng mỗi lần chỉ ra một lượng nước tiểu rất ít. Đôi khi người bệnh có thể gặp tình trạng không thể tiểu ra nước mặc dù vẫn nhận thấy buồn tiểu. Trong bài viết dưới đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ 7 cách trị tiểu rắt ở nữ tại nhà nhanh nhất, đơn giản và dễ dàng thực hiện.
Đi vệ sinh theo thời gian cố định
Thực hiện thói quen đi tiểu vào các khoảng thời gian cố định có thể giúp bạn kiểm soát bàng quang và số lần đi tiểu. Mặc dù không phải là biện pháp mang lại hiệu quả ngay lập tức, tuy nhiên, việc tuân thủ thời gian đi vệ sinh giúp bạn duy trì sự điều chỉnh bàng quang, từ đó giảm thiểu thói quen đi tiểu nhiều lần.
Bạn có thể bắt đầu bằng việc chọn khoảng cách thời gian giữa hai lần đi vệ sinh là 90 phút. Theo dõi và duy trì thời gian này trong vài ngày. Sau đó, tăng dần khoảng thời gian giữa hai lần đi vệ sinh, ví dụ như 120 phút, 180 phút, và cứ tiếp tục tăng dần theo sự thoải mái của bạn. Khi bạn đã có thói quen này, hãy duy trì và thực hiện tiếp tục để tránh xảy ra tình trạng mắc tiểu nhưng tiểu ít.
Bài tập Kegel trị tiểu rắt ở nữ tại nhà
Một phương pháp hiệu quả để trị tiểu rắt ở nữ tại nhà là thực hiện bài tập Kegel. Bài tập này tập trung vào việc tăng cường sức mạnh của các cơ xung quanh bàng quang và niệu đạo, nhằm cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang và từ đó giảm dần tình trạng tiểu rắt, tiểu buốt ở nữ. Cách thực hiện bài tập Kegel như sau:
- Ngồi thoải mái hoặc nằm nghiêng trên một chiếc giường.
- Tập trung vào cơ sàn chậu và cơ mông.
- Siết chặt hai nhóm cơ này trong khoảng 3 giây, sau đó thả lỏng trong 3 giây.
- Lặp lại động tác này và dành ít nhất 10 phút mỗi lần tập.
- Thực hiện lặp lại bài tập ít nhất 3 - 4 lần mỗi ngày.
Uống đủ nước và hạn chế caffeine
Việc uống đủ nước và hạn chế lượng caffeine là cách trị tiểu rắt ở nữ tại nhà nhanh nhất. Nhiều người thường nghĩ rằng, khi bị tiểu rắt thì cần hạn chế việc uống nước để giảm thiểu số lần đi tiểu. Tuy nhiên, cách làm này có thể tác động đến chức năng của thận và các cơ quan khác trong cơ thể.
Thậm chí đối với phụ nữ lớn tuổi, việc kiềm chế việc uống nước để khắc phục tiểu rắt có thể gây ra những vấn đề sức khỏe như táo bón, làn da khô, gia tăng nguy cơ đột quỵ, suy giảm trí nhớ, và dễ gặp tình trạng ngã.
Do vậy, uống nhiều nước là điều được các chuyên gia y tế khuyến nghị, bởi nó không chỉ giúp cải thiện tình trạng tiểu rắt mà còn hỗ trợ trong việc ngăn ngừa các vấn đề về sức khỏe khác.
Chế độ ăn uống lành mạnh giúp trị tiểu rắt nữ tại nhà
Chế độ ăn uống không lành mạnh có thể gây táo bón. Điều này có thể tạo áp lực thêm lên bàng quang dẫn đến tình trạng tăng tần suất đi tiểu trong ngày. Để phòng ngừa táo bón, bạn cần xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung nhiều chất xơ và duy trì lượng nước đủ.
Bạn nên bổ sung thêm rau xanh, trái cây, và ngũ cốc nguyên hạt vào chế độ ăn hàng ngày. Chất xơ trong những thực phẩm này có thể giúp tạo cảm giác no đồng thời duy trì sự cân bằng đường ruột, từ đó hỗ trợ kiểm soát tình trạng tiểu rắt và tình trạng đi tiểu bị đau.
Ngoài ra, bạn cần hạn chế việc tiêu thụ thực phẩm và đồ uống gây kích thích bàng quang, như rượu, đồ uống có ga, nước cam quýt, sô cô la, cà chua và đồ ăn cay. Những thức ăn này có thể làm kích thích bàng quang và tăng tần suất đi tiểu.
Cách trị tiểu rắt ở nữ tại nhà nhanh nhất với rau mồng tơi
Trong dân gian, rau mồng tơi thường được sử dụng như một biện pháp trị tiểu rắt tiểu buốt ở nữ tại nhà. Do vậy, bạn có thể thường xuyên uống để giảm thiểu triệu chứng tiểu rắt. Cách thực hiện chữa tiểu rắt bằng rau mồng tơi:
- Rửa sạch 100 g rau mồng tơi và để ráo nước.
- Nấu rau với nước sôi để lấy nước sau đó lọc nước dùng từ rau mồng tơi và lưu trữ trong tủ lạnh uống hết trong ngày.
Trị tiểu rắt bằng phương pháp dân gian với bột sắn dây
Nhiều người lựa chọn cách chữa tiểu buốt tiểu rắt tại nhà với các phương pháp dân gian và bột sắn dây được nhiều người lựa chọn. Bột sắn dây có hương vị ngọt mát, tính bình, thường được sử dụng trong Đông y để điều trị các vấn đề về hệ tiết niệu. Trong dân gian, bột sắn dây được sử dụng như một biện pháp chữa trị tiểu rắt và tiểu buốt ở phụ nữ, mang lại hiệu quả khá tốt. Cách thực hiện chữa tiểu rắt bằng bột sắn dây:
- Lấy củ sắn dây tươi, cạo sạch vỏ và rửa sạch với nước.
- Cắt củ sắn dây thành lát mỏng và phơi khô.
- Nghiền sắn dây khô thành bột mịn.
- Mỗi ngày, pha 10 g bột sắn dây với nước và uống liên tục trong 10 ngày để thấy hiệu quả.
Cách trị tiểu rắt ở nữ tại nhà nhanh nhất với giá đỗ
Theo Đông y, giá đỗ có tác dụng điều trị tiểu rắt, tiểu bí và tăng tần suất tiểu trong ngày. Đặc biệt, với phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh, giá đỗ còn giúp kiểm soát các triệu chứng tiền mãn kinh như bốc hoả, đổ mồ hôi,... Cách thực hiện chữa tiểu rắt bằng giá đỗ như sau:
- Rửa sạch 500 g giá đỗ và để ráo nước.
- Nấu giá đỗ với 1 lít nước, đun sôi trong khoảng 10 phút, sau đó lọc lấy nước.
- Uống từ 5 - 6 cốc nhỏ mỗi ngày, tuy nhiên, không nên uống vào buổi tối.
- Sau khoảng 7 - 10 ngày uống nước giá đỗ, tình trạng tiểu rắt có thể được cải thiện.
Những lưu ý cần nhớ khi áp dụng cách trị tiểu rắt ở nữ tại nhà
Để trị tiểu rắt ở nữ tại nhà nhanh nhất bạn cần nhớ một số lưu ý sau:
- Xác định nguyên nhân: Hãy cố gắng xác định nguyên nhân gây tiểu rắt của bạn. Có thể là do thói quen uống quá nhiều caffeine, hoặc tình trạng bàng quang hoạt động quá mức, có trường hợp còn bị tình trạng vừa đi tiểu xong lại có cảm giác buồn tiểu ở nữ. Tuy nhiên, tiểu rắt cũng có thể xuất phát từ các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như viêm đường tiết niệu, viêm âm đạo, hoặc nhiễm trùng niệu đạo.
- Uống đủ nước: Duy trì việc uống đủ nước để đảm bảo bàng quang không quá căng thẳng. Tuy nhiên, hạn chế uống quá nhiều vào buổi tối để tránh tiểu vào ban đêm.
- Hạn chế caffeine: Tránh tiêu thụ thức uống và thực phẩm chứa caffeine như cà phê, trà, nước ngọt có ga, và chocolate, vì caffeine có thể kích thích bàng quang và gây ra tiểu rắt.
- Vệ sinh cá nhân: Duy trì vùng kín sạch sẽ và thường xuyên thay quần lót. Điều này giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và mất cân bằng vi khuẩn.
- Theo dõi triệu chứng: Nếu bạn đã thử áp dụng các biện pháp trên trong vòng 5 - 7 ngày mà tiểu rắt vẫn không giảm, hoặc nếu bạn gặp các triệu chứng nghiêm trọng như sốt, nôn mửa, có máu trong nước tiểu, tiết dịch âm đạo bất thường, hoặc đau lưng dưới và hướng sang hai bên sườn phía trên thận, hãy đến bệnh viện hoặc thăm bác sĩ để được kiểm tra và chẩn đoán chính xác nguyên nhân và điều trị phù hợp.
- Đến bác sĩ khi cần thiết: Nếu tiểu rắt liên tục hoặc đi kèm với các triệu chứng nghiêm trọng, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức để kiểm tra và điều trị tận gốc nguyên nhân. Không nên tự điều trị nếu bạn không chắc chắn về nguyên nhân gây ra tiểu rắt.
Trên đây là chia sẻ của chúng tôi về top 7 cách trị tiểu rắt ở nữ tại nhà nhanh nhất. Mong rằng bài viết đã mang đến cho bạn những thông tin hữu ích giúp bạn điều trị tiểu rắt an toàn và hiệu quả.