Bánh xếp có lẽ là món ăn vặt tủ của nhiều người, đặc biệt là món bánh xếp chiên dễ gây ghiền với lớp vỏ giòn rụm bên ngoài cùng với nhân thịt rau củ thơm phức nóng hổi bên trong. Lâu lâu nếu ngán dầu mỡ quá, món bánh xếp cũng có thể chế biến theo cách hấp hoặc còn dư thì nấu canh, món Hàn gọi là canh mandu (만두국) cũng rất ngon và đầy đủ dưỡng chất.
Cách làm bánh xếp rất đơn giản và dễ dàng khi giờ đây, bạn có thể tìm mua vỏ bánh xếp được bán sẵn ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nó được bán theo bịch khoảng 20 - 50 cái mà không phải ngồi dày công pha và cán bột như lúc trước. Hơn nữa, nếu bạn không phải là người khéo tay mà có thể gấp và tạo hình bánh xếp thì cũng đã có sẵn các khuôn làm bánh xếp được bán online, ngay cả người vụng về nhất cũng có thể làm được chiếc bánh xếp gọn gàng và xinh xẻo.
Khuôn làm bánh xếp bằng nhựa tiện lợi (Ảnh: Internet)
CÁCH ĐÔNG LẠNH BÁNH XẾP
Đã mất công ngồi làm bánh xếp thì làm một lần mấy chục cái hay trăm cái cũng được bởi bánh xếp là loại mà có thể trữ đông cả suốt mấy tháng thì cũng không bị gì mà hương vị thơm ngon lại được giữ nguyên. Thường thì các bà các mẹ cùng nhau làm bánh xếp theo số lượng lớn, sau đó tiến hành đem đi đông lạnh.
Bảo quản bánh xếp đông lạnh trong túi nhựa zip. (Ảnh: Internet)
Trước công đoạn đông lạnh, bánh xếp làm xong cái nào cái nấy cần được đặt trên cái khay hay tấm gì có mặt phẳng cũng được, được lót giấy nến hoặc phủ lớp bột mì hoặc bột bắp và đặt cách nhau để tránh bánh bị dính. Sau đó, cho chúng vào ngăn đông tủ lạnh và làm đông trong khoảng một tiếng, phải đủ lâu nếu không bánh sẽ bị sủng nước hoặc dính vào nhau, rồi cho tất cả bánh xếp vào một túi zip, chú ý ép hết khí ra trước khi đóng zip.
NHÂN BÁNH XẾP
Thường bánh xếp người Việt mình hay làm nhân thịt heo cùng với mộc nhĩ, củ sắn hoặc là bánh xếp nhân tôm. Tuy nhiên, khi mình bước vào một cửa hàng tạp hóa bán đồ ăn Hàn Quốc, trong ngăn đông tủ lạnh trưng biết bao nhiêu là loại bánh xếp đa dạng với nhiều loại nhân khác nhau rất thú vị. Từ loại bánh xếp nhân thịt heo truyền thống như bên mình, cho đến nhân thịt và bắp, nhân thịt heo kim chi, nhân hải sản tôm, bạch tuộc sốt cay cho đến những loại chỉ có mỗi rau củ phù hợp với những người ăn chay như bánh xếp nhân hẹ và nấm, nhân đậu phụ cho đến loại lạ hơn là nhân phô mai.
Bánh xếp Hàn Quốc có nhiều loại với đa dạng nhân khác nhau
Thế mới biết là không chỉ người Việt thích ăn món bánh xếp mà người Hàn cũng say mê không kém, tìm hiểu thêm thông tin thì biết bánh xếp vị truyền thống của họ được làm từ thịt và rau, thịt thì thường là thịt heo và rau củ thì nhiều loại như bí ngòi, bắp cải, kim chi, nấm, giá đỗ, hành tây, hành lá,. Ngoài ra, đậu phụ và miến cũng là nguyên liệu chính thường gặp.
Một bí quyết để làm nên một chiếc bánh xếp ngon là phần nhân gồm tỉ lệ thịt và rau củ cần phải hợp lí, việc này quyết định đến bánh xếp có độ mềm vừa phải, không gặp tình trạng bị quá cứng khi cho nhiều thịt hơn hoặc là bị sủng nước èo uột nếu cho nhiều rau củ hơn. Tuy nhiên tùy theo khẩu vị của bạn thì có thể điều chỉnh sao cho tăng hoặc giảm mỗi phần theo ý thích của mình.
Về phần nêm nếm gia vị, nếu tập làm mà muốn kiểm tra phần nhân bánh xếp có vừa ăn chưa, thì có thể lấy một ít nhân rồi nấu trong lò vi sóng 20-30 giây sau đó nếm thử, có thể điều chỉnh gia vị bằng cách thêm muối, xì dầu hoặc thêm thịt và rau củ nếu nhân quá mặn. Còn nếu bạn muốn ăn bánh xếp cùng với nước chấm thì nên nêm phần nhân bánh xếp nhạt đi một chút.
CÁCH LÀM BÁNH XẾP VỪA NGON VỪA ĐẸP
Ở bài viết này, mình sẽ giới thiệu cách làm bánh xếp chiên tôm tươi rau củ, tuy nhiên nếu bạn thích những loại nhân khác thì có thể tham khảo bài viết hướng dẫn cách làm các loại nhân bánh xếp tại bài viết bên dưới.
Cách làm các loại nhân bánh xếp
NGUYÊN LIỆU NHÂN BÁNH XẾP
- 400g tôm sống (có thể thay bằng thịt heo)
- 300g bắp cải
- 100g nấm (loại tùy thích)
- ½ củ hành tây nhỏ
- 1 muỗng tỏi băm
- 1 muỗng gừng nghiền mịn (hoặc nước ép gừng)
- 1 muỗng bột mì đa dụng
- 1 muỗng nước tương
- 2 muỗng dầu mè
- Muối, bột tiêu nêm nếm
Sơ chế nguyên liệu
Tôm rửa sạch, lột vỏ, bỏ ruột sau đó băm nhuyễn.
Băm nhuyễn bắp cải, trộn với một muỗng cà phê muối sau đó để 5-10 phút rồi vắt hết nước thừa (Chú ý cần vắt nước kỹ để bánh xếp không bị sủng nước). Hành tây và nấm cũng lần lượt băm nhuyễn.
Trộn tất cả các nguyên liệu với nhau thật đều trong một tô lớn.
VỎ BÁNH XẾP
- 300g bột mì (khoảng 33 vỏ bánh xếp)
- ½ muỗng cà phê muối
- 160ml nước nóng
Về phần vỏ bánh xếp, một bước đỡ cực hơn là xách xe đi tới các siêu thị hoặc như mình thường mua vỏ bánh xếp ở các tiệm tạp hóa bán đồ Hàn Quốc cho phải đỡ ngồi mất công pha bột rồi nhào bột rồi cán bột làm vỏ bánh xếp. Nhưng đó là mình khi cực kì lười biếng chứ mình hiểu những ai yêu thích công việc bếp núc, xem làm bánh pha trà là một niềm yêu thích và thư giãn thì bạn có thể thực hiện công đoạn làm vỏ bánh xếp theo cách sau.
Bước 1: Cho 300g bột mì vào một tô lớn. Hòa tan ½ muỗng cà phê muối vào 160ml nước nóng sau đó cho nước từ từ vào bột, vừa quậy bột vừa từ từ thêm ít nước cho đến khi bột mịn đều và đặc sệt, chú ý không đổ nhiều nước cùng lúc khiến bột nhão là hỏng.
Bước 2: Nhào bột. Bạn có thể thực hiện nhào bột trong tô lớn hoặc tiện hơn là cái thớt hay mặt phẳng nào cũng được cho dễ. Nhào khoảng 4-5 phút cho đến khi bột mịn, cục bột đạt tiêu chuẩn sẽ mịn và hơi cứng một chút, bạn có thể điều chỉnh bằng cách cho thêm bột hoặc thêm nước.
Bước 3: Sau khi nhào bột, bạn dùng màng bọc thực phẩm bọc lại để ủ bột và để bột nghỉ trong 30 phút đến 1 giờ. Sau khi ủ bột, bột sẽ có kết cấu mềm và rất mịn.
Bước 4: Vảy một ít bột mì lên bề mặt thớt để tránh dính, sau đó lấy bột đã ủ lăn thành cuộn tròn như cuộn sushi, nếu bột nhiều quá thì có thể chia thành nhiều phần.
Bước 5: Sau đó, dùng dao sắc cắt khúc bột thành các miếng nhỏ, dùng dụng cụ cán bột cán chúng thành các vỏ bánh xếp với độ lớn vừa phải đủ để gói nhân, có thể điều chỉnh khi cắt bột để tạo kích thước vỏ bánh xếp tùy thích.
CÁCH TẠO HÌNH BÁNH XẾP
Món bánh xếp có nhiều cách tạo hình khác nhau, nếu chịu khó tìm hiểu và mò mẫm, cộng thêm một chút khéo léo và luyện tập, bạn có thể làm ra những chiếc bánh xếp đẹp mắt như ngoài hàng theo những gợi ý dưới đây.
Cách tạo hình dễ nhất cho bánh xếp là hình nửa mặt trăng, bạn gấp đôi vỏ bánh xếp lại rồi dán mép bánh bằng cách gấp nếp mép lại với nhau. Đối với loại vỏ bánh mua sẵn từ cửa hàng thì cần làm ướt mép bánh với nước hoặc là lòng đỏ trứng thì mới dán lại được, còn với loại vỏ bánh mới làm xong thì không cần.
CÁC CÁCH CHẾ BIẾN BÁNH XẾP NGON
BÁNH XẾP CHIÊN & BÁNH XẾP HẤP
Thường người Việt mình thích ăn bánh xếp chiên, tuy nhiên nhiều người đặc biệt là người lớn lại thích ăn bánh xếp hấp hơn. Trong bài viết này mình sẽ giới thiệu 2 cách chế biến bánh xếp phổ biến nhất: chiên giòn và hấp để mọi người có nhiều lựa chọn khác nhau theo ý thích.
BÁNH XẾP CHIÊN
Bánh xếp chiên ngon ở chỗ kỹ thuật chiên bánh xếp sao cho giòn, đơn giản là đổ dầu vào chảo và chiên, cũng giòn nhưng lại không được giòn đều hoặc chỗ chín chỗ không. Với kĩ thuật chiên dưới đây sẽ giúp món bánh xếp chiên của bạn trở nên giòn rụm chưa từng thấy.
Đun nóng chảo với một ít dầu ở lửa vừa, cho bánh xếp vào chảo và canh không để bánh xếp dính với nhau. Chiên bánh xếp trong 1-2 phút cho đến khi đáy bánh chuyển màu vàng nâu, sau đó đổ một ít nước vào chảo rồi đậy nắp, chuyển lửa nhỏ để hấp chín bánh xếp trong 4-5 phút. Sau đó dỡ nắp cho nước bốc hơi rồi chiên bánh xếp vàng đều các mặt, lúc này bánh xếp sẽ chín đều và vàng giòn.
*Nếu bạn sử dụng bánh xếp đông lạnh mà không phải loại vừa làm xong thì có thể chiên luôn, không cần rã đông nhưng chú ý hấp và chiên bánh lâu hơn nhé.
BÁNH XẾP HẤP
Nếu bánh xếp chiên đem lại lớp vỏ ngoài giòn rụm và phần nhân thơm ngon nóng hổi thì bánh xếp hấp cũng rất hấp dẫn với lớp vỏ mềm dai đặc trưng. Đổi vị và làm thử bánh xếp hấp nhé!
Kỹ thuật hấp chắc mọi người ai cũng biết hết rồi. Nếu bạn có dụng cụ hấp thì càng tốt, còn không thì đổ một ít nước vào nồi đủ để hấp chín bánh, bạn có thể dùng lá chuối, lá cải thảo lót lên chân hấp để bánh chống dính và cũng để bánh xếp có mùi thơm tự nhiên. Thực hiện hấp trong khoảng 10 phút, đối với bánh xếp đông lạnh thì hấp 12 phút.
CÔNG THỨC NƯỚC SỐT CHẤM BÁNH XẾP
- 1 muỗng nước tương
- 1 muỗng giấm
- 1 muỗng nước lọc
- ½ muỗng đường
- Bột tiêu + Ớt bột
Tèobokki - Vĩnh Viễn
Tèobokki - Huỳnh Thiện Lộc
Tèobokki - Lê Quang Định
Xe bánh gạo cay Lý Thái Tổ