Viêm hậu môn thường đến từ những tác nhân liên quan đến sức khỏe tiêu hóa viêm nhiễm đường tiêu hóa hoặc rối loạn tiêu hóa. Bệnh gây ra những triệu chứng đau hậu môn khi đi vệ sinh và tạo cảm giác cần đi vệ sinh dù cơ thể người bệnh không có nhu cầu. Viêm hậu môn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và đối tượng, phổ biến là viêm hậu môn cấp tính, sẽ hết sau một thời gian phát bệnh ngắn. Tuy vậy, bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ của viêm hậu môn mạn tính mà tất cả mọi người cần lưu tâm và phòng ngừa.
Viêm hậu môn là gì?
Viêm hậu môn là tình trạng da xung quanh lỗ hậu môn bị kích ứng, dẫn đến các triệu chứng đau, rát hoặc ngứa ở vùng hậu môn, đặc biệt là trong lúc đi vệ sinh. Một số trường hợp bệnh nặng, người bệnh cũng có thể xuất hiện tình trạng máu lẫn trong phân.
Đây là một bệnh thuộc sức khỏe tiêu hóa, thường đến từ các tình trạng như rối loạn tiêu hóa. Viêm hậu môn xảy ra khi niêm mạc ống hậu môn bị viêm nhiễm. Do triệu chứng tương đồng , viêm hậu môn vẫn thường bị nhầm lẫn với bệnh trĩ. Tuy nhiên, đây là 2 bệnh lý hoàn toàn khác nhau. Theo dịch tễ học, viêm hậu môn có liên quan lớn đến chế độ ăn uống. Những thực phẩm có tính acid cao như cà phê, thực phẩm quá cay nóng sẽ kích thích.
Rõ hơn về giải phẫu hậu môn, đây là bộ phận cuối cùng của đường tiêu hóa, nằm ở cuối trực tràng. Hậu môn có chức năng giữ phân trong cơ thể trước khi đào thải ra ngoài. Hậu môn gồm một cơ vòng, cơ vòng này sẽ mở ra trong quá trình đẩy phân ra ngoài. Ngoài ra, hậu môn còn có các tế bào phẳng lót bên trong hậu môn, và rìa hậu môn. Trong đó, tế bào phẳng này cũng là nơi bắt đầu những bệnh liên quan về đường hậu môn như viêm hậu môn hoặc nghiêm trọng hơn là ung thư hậu môn.(2)
Viêm hậu môn là tình trạng niêm mạc ở ống hậu môn xảy ra tình trạng viêm nhiễm, được xem là tình trạng rối loạn phổ biến thuộc về sức khỏe tiêu hóa. Ngoài các nguyên nhân thứ phát này, viêm hậu môn cũng có thể là bệnh do di truyền, đặc biệt là di truyền từ các bệnh tình dục STI. Tuy nhiên, nguyên nhân này không phổ biến bằng nguyên nhân thứ phát do chế độ ăn uống không phù hợp ở người bệnh.
Viêm hậu môn không liên quan cũng không không có khả năng phát triển thành bệnh trĩ nhưng bệnh lại có căn nguyên và cách điều trị tương đồng với viêm niêm mạc trực tràng. Vì vậy, những người bị viêm niêm mạc trực tràng cũng có thể được kết luận là viêm hậu môn.
Bệnh có thể điều trị nội khoa đơn giản, hầu như không cần phẫu thuật. Trừ những trường hợp người bệnh gặp những biến chứng nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.(1)
Ai có nguy cơ bị viêm hậu môn
Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị viêm hậu môn, bệnh có thể xảy ra với bất cứ đối tượng thuộc mọi lứa tuổi.
Viêm hậu môn đa phần là hệ lụy của những vấn đề rối loạn hoặc viêm nhiễm của những cơ quan khác thuộc hệ tiêu hóa. Vì vậy, những người có sức khỏe tiêu hóa yếu hoặc có chế độ ăn uống không lành mạnh, tiêu thụ nhiều thực phẩm có khả năng tăng acid tiết ra trong cơ thể sẽ có nguy cơ cao bị viêm hậu môn.
Ngoài ra, những người bệnh ung thư và điều trị bằng phương pháp xạ trị cũng là những đối tượng có nguy cơ cao bị viêm hậu môn vì sự ảnh hưởng từ bức xạ. Điều trị ung thư bằng xạ trị là một trong những phương thức tối ưu và đem lại kết quả tốt. Tuy nhiên, bức xạ mà người bệnh tiếp nhận trong quá trình điều trị cũng sẽ gây ra một số bệnh khác, trong đó có viêm hậu môn và những bệnh tiêu hóa khác. Vì vậy, người bệnh cần làm theo đúng chỉ định và căn dặn của bác sĩ để hạn chế những rủi ro gặp các bệnh khác.
Bên cạnh đó, viêm hậu môn cũng được thống kê bởi MSD Manual, nam giới có quan hệ tình dục đồng giới cũng sẽ có khả năng bị viêm hậu môn cao hơn người bình thường. Điều này hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng cách kiểm tra sức khỏe định kỳ. Vì vậy, những người thuộc nhóm đối tượng này cũng không cần lo lắng quá nhiều.
Nguyên nhân gây viêm hậu môn
Nguyên nhân gây viêm hậu môn thường đến từ những nguyên nhân do thức ăn và rối loạn đường tiêu hóa. Đây được xem là những nguyên nhân thứ phát dẫn đến viêm hậu môn ở người và khả năng phát triển bệnh sẽ còn cao hơn nếu người bệnh không điều trị căn nguyên đúng cách hoặc kịp thời.
1. Viêm đường ruột
Viêm đường ruột là tình trạng viêm cấp tính hoặc mạn tính của đường tiêu hóa, gây những triệu chứng lâm sàng như đau bụng và tiêu chảy ở người bệnh.
Bệnh viêm đường ruột bao gồm Crohn và viêm đại tràng thể loét. Bệnh là hậu quả của sự đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào ở niêm mạc đường tiêu hóa. HIện nay vẫn chưa có phát ngôn chính thức nào về nguyên nhân trực tiếp gây ra viêm đường ruột, cụ thể là crohn và viêm đại tràng thể loét. Tuy nhiên, dựa trên những thống kê và bằng chứng y khoa cho thấy hệ vi khuẩn đường ruột ở những người có khuynh hướng di truyền đa yếu tố có khả năng kích hoạt khả năng miễn dịch bất thường ở cơ quan này.
Viêm đường ruột là một bệnh có nguy cơ dẫn đến viêm hậu môn cao do sự viêm nhiễm thường diễn ra ở đại tràng, nơi gần với cơ quan hậu môn. Vì tính chất này của bệnh, sự viêm nhiễm có thể lan rộng phạm vi sang hậu môn ở người bệnh.
2. Nhiễm trùng qua đường tình dục
Nhiễm trùng qua đường tình dục, cụ thể là các bệnh STDs cũng được xem là nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm hậu môn. Nguyên nhân này phổ biến ở những đối tượng quan hệ tình dục qua đường hậu môn thường xuyên.
Việc quan hệ tình dục tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ nhiễm trùng gây ra các bệnh nguy hiểm, trong đó có viêm hậu môn. Đó là bởi vì các cơ quan sinh dục ở 2 cá thể sẽ tiếp xúc trực tiếp với nhau, trong thời gian dài. Đây là cơ hội để các vi khuẩn xấu lây truyền từ người sang người. Khả năng truyền nhiễm lên đến 90% nếu không sử dụng biện pháp an toàn, cụ thể là bao cao su.
Không chỉ thế, sự ma sát sẽ gây kích thích hậu môn, đôi lúc tạo ra những tổn thương như trầy xước, sưng tấy. Từ đó, tăng thêm khả năng bị viêm hậu môn qua đường tình dục ở người.
3. Xạ trị ung thư
Xạ trị ung thư là phương pháp tiêu diệt các tế bào ung thư bằng tia bức xạ. Đây là một trong những cách điều trị ung thư tối ưu và đem lại kết quả khả quan ở những trường hợp phát hiện bệnh sớm.
Tuy nhiên, tia bức xạ cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng khác lên sức khỏe người bệnh như là những biến chứng không mong muốn. Thông thường, những bệnh do nguyên nhân xạ trị không quá phức tạp tuy nhiên cần điều trị sớm để không gây thêm những sự bất tiện về mặt thể lực và sức khỏe khác cho người bệnh.
Bệnh về đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày, tá tràng là một trong những biến chứng do tia bức xạ này gây ra. Và những vấn đề sức khỏe này cũng là căn nguyên thứ phát gây ra viêm hậu môn ở người bệnh. Chính vì vậy, người đang thực hiện xạ trị ung thư sẽ có khả năng cao bị viêm hậu môn trong quá trình điều trị bệnh.
Để có thể phòng ngừa biến chứng không mong muốn này, người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ định điều trị của bác sĩ. Bên cạnh đó, việc theo dõi sát sao các triệu chứng và tình trạng sức khỏe của bản thân. Nếu có bất cứ dấu hiệu nghi ngờ là viêm hậu môn cần báo với bác sĩ ngay để có thể điều trị kịp thời.
4. Lạm dụng kháng sinh
Lạm dụng kháng sinh là một trong những nguyên nhân gây ra viêm loét dạ dày hoặc viêm loét dạ dày tá tràng. Việc tự ý sử dụng kháng sinh không theo chỉ định của bác sĩ hoặc các chuyên gia y tế luôn không được không được khuyến khích với người bệnh.
Kháng sinh là những loại thuốc ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, thường được sử dụng trong những trường hợp viêm cấp tính do nhiễm trùng. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh cần sử dụng theo đúng liều lượng tùy thuộc vào từng loại bệnh và nhiễm trùng, nếu không thuốc sẽ gây ra những vấn đề về viêm loét dạ dày hoặc cơ quan tiêu hóa khác.
Và vì viêm hậu môn là hệ lụy của những bệnh tiêu hóa khác, nên khi người bệnh bị viêm loét dạ dày, tá tràng do lạm dụng thuốc kháng sinh sẽ có khả năng tiến triển thành viêm hậu môn.
5. Tình trạng bạch cầu ái toan
Bạch cầu ái toan là những tế bào bạch cầu do tủy sản xuất, đây là thước đo sức khỏe của cơ thể người chính xác. Bạch cầu ái toan đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch, giúp phá hủy các ký sinh trùng lạ xâm nhập vào cơ thể và điều hòa phản ứng viêm.
Cơ thể người khi tiếp nhận bất kỳ sự xâm nhập bất thường nào, bạch cầu ái toan sẽ thực hiện tiêu diệt tế bào, chống lại các vi khuẩn gây hại đó. Chỉ số bình thường của bạch cầu ái toan rơi vào khoảng 50 - 500 tế bào/mm3.
Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, điển hình là điều hòa phản ứng viêm trong cơ thể người, bạch cầu ái toan sẽ bị tích lũy bên trong niêm mạc trực tràng. Hiện tượng này là nguyên nhân gây ra viêm hậu môn ở người.
6. Viêm trực tràng
Viêm trực tràng hoặc viêm niêm mạc trực tràng là một loại bệnh có căn nguyên và triệu chứng tương tự viêm hậu môn. Nguyên nhân chính của cơ chế bệnh sinh này là vì cấu trúc hệ tiêu hóa, trực tràng và hậu môn là hai cơ quan nằm kế bên nhau. Cũng chính vì vậy bệnh là một trong những nguyên nhân gây ra khả năng viêm hậu môn lớn nhất vì sự viêm nhiễm ở niêm mạc trực tràng sẽ ảnh hưởng đến những vị trí lân cận trước, cụ thể là hậu môn.(3)
Lưu ý rằng, một số trung tâm y khoa cũng không đặt nặng việc phân biệt viêm trực tràng và viêm hậu môn. Bởi vì 2 bệnh này có cùng triệu chứng, cơ chế sinh bệnh cũng phương thức điều trị. Vì vậy, khi bạn được chẩn đoán mắc viêm trực tràng cũng có thể hiểu rằng bạn bị viêm hậu môn.
7. Lạm dụng thực phẩm protein gây viêm
Thực phẩm protein bao gồm các thực phẩm giàu đạm hoặc thực phẩm chức năng là một yếu tố cần có trong mỗi bữa ăn. Tuy nhiên, bạn cần kiểm soát lượng protein nạp vào cơ thể dựa theo tình trạng sức khỏe của mình để hạn chế những nguy cơ phát bệnh do sự dư thừa protein.
Sữa và các chế phẩm từ sữa là một loại thực phẩm giàu protein điển hình, xuất hiện trong hầu hết các bữa ăn. Tuy nhiên, sữa là nguyên nhân gây ra táo bón rất cao do ảnh hưởng đến việc sản xuất khí bên trong cơ thể. Với một người tiêu thụ sữa và các chế phẩm từ sữa, khả năng mắc phải những vấn đề như chuột rút, đau bụng rất cao. Những vấn đề này sẽ kéo theo hệ lụy bất tiện trong quá trình đi đại tiện, gây chảy máu ở phần hậu môn. Từ đó, ảnh hưởng đến sức khỏe trực tràng và hậu môn, cuối cùng là viêm hậu môn ở người.
Triệu chứng nhận biết viêm hậu môn
Triệu chứng của viêm hậu môn thường dễ bị nhầm lẫn với bệnh trĩ. Tuy nhiên, đây là 2 loại bệnh lý khác nhau hoàn toàn. Viêm hậu môn được nhận biết dựa vào những triệu chứng lâm sàng xung quanh khu vực hậu môn và các biểu hiện bất thường trong quá trình đi vệ sinh của người bệnh.
Một số triệu chứng của bệnh viêm hậu môn bao gồm:
- Chảy máu trực tràng
- Đi vệ sinh có chất nhầy
- Các cơn đau thắt ở vùng hậu môn và trực tràng. Những cơn đau sẽ có cường độ cao hơn đối với những người bị viêm hậu môn do ảnh hưởng từ bệnh lậu, herpes simplex và cytomegalovirus
- Luôn có buồn đi đại tiện, cần đi gấp dù cơ thể thật sự không có nhu cầu
- Ngứa và kích thích hậu môn
- Mót rặn
Chẩn đoán bệnh viêm hậu môn
1. Soi trực tràng
Nội soi trực tràng hay soi trực tràng là phương pháp chẩn đoán bằng hình ảnh, được sử dụng trong các trường hợp nghi ngờ viêm hậu môn hoặc viêm niêm mạc đại tràng.
Với phương pháp này, bác sĩ sẽ đưa ống nội soi có gắn camera chuyên dụng vào người bệnh nhân qua đường hậu môn và tiến sâu vào trực tràng. Camera sẽ thể hiện tình trạng niêm mạc và thành của hậu môn, trực tràng. Bác sĩ sẽ thực hiện chẩn đoán và kết luận bệnh dựa trên những tổn thương như viêm loét, xuất huyết niêm mạc, polyp,…
2. Soi đại tràng sigma
Nội soi đại tràng sigma cũng là phương pháp đưa dụng cụ nội soi vào đại tràng thông qua đường hậu môn để các bác sĩ quan sát và chẩn đoán tình trạng tổn thương của đại tràng cũng như những vị trí lân cận gồm trực tràng và hậu môn.
Phương pháp này được chỉ định cho những trường hợp người bệnh có triệu chứng đi phân lẫn máu, tắc ruột, rối loạn đại tiện, xuất hiện những cơn đau cao. Bên cạnh đó, những người có những dấu hiệu của viêm hậu môn nhưng kèm theo một số triệu chứng khác, nghi ngờ là do các bệnh tiêu hóa khác ảnh hưởng cũng sẽ được chỉ định nội soi đại tràng sigma để bác sĩ có thể sàng lọc và loại trừ các khả năng gây bệnh tốt hơn.
3. Xét nghiệm các bệnh STDs, bệnh lây qua đường tình dục
Viêm hậu môn có thể liên quan đến những bệnh STDs, bệnh thuộc về đường tình dục vì vậy hoạt động xét nghiệm này không chỉ giúp bác sĩ chẩn đoán được tình trạng hậu môn của người bệnh mà cũng có thể xác định hoặc loại trừ nguyên nhân bệnh STDs mà người bệnh mắc phải, dẫn đến viêm hậu môn.
Xét nghiệm này thiên về xét nghiệm chẩn đoán bệnh tình dục, dựa trên những triệu chứng lâm sàng mà người bệnh hiện có. Bác sĩ sẽ chỉ định loại xét nghiệm phù hợp với người bệnh. Các phương pháp xét nghiệm bệnh STDs phổ biến gồm:
- Xét nghiệm nước tiểu
- Xét nghiệm huyết thanh với bệnh giang mai
- Xét nghiệm tăm bông bên trong dương vật ở nam và cổ tử cung của nữ
Điều trị bệnh viêm hậu môn - Cần điều trị nguyên nhân
Điều trị bệnh viêm hậu môn thường không phức tạp và hoàn toàn có thể điều tị dứt điểm. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ cần tìm ra nguyên nhân của bệnh để có thể chỉ định phác đồ và phương pháp điều trị tối ưu với người bệnh.
1. Viêm hậu môn do nhiễm khuẩn
Viêm hậu môn do nhiễm trùng hoặc tiến triển từ những bệnh do nhiễm trùng thường sẽ điều trị nội khoa bằng dùng thuốc đường uống. Bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Thông thường một phác đồ điều trị viêm hậu môn bằng thuốc kháng sinh sẽ kéo dài từ 7-10 ngày. Người bệnh cần thực hiện điều trị theo đúng liều lượng kháng sinh mà bác sĩ chỉ định để có thể loại bỏ được vi khuẩn dứt điểm và giảm thiểu tối đa các biến chứng từ việc sử dụng kháng sinh sai cách.
2. Viêm hậu môn do ảnh hưởng bức xạ
Những đối tượng bị viêm hậu môn do ảnh từ từ bức xạ của hoạt động xạ trị thường được xử lý bôi thuốc tại chỗ khi người bệnh có tình trạng chảy máu hậu môn. Những loại thuốc được sử dụng để điều trị viêm hậu môn tại chỗ gồm corticosteroid dạng bọt, thụt rửa giữ sucralfate, hoặc điều trị bằng oxy cao áp nếu người bệnh không đáp ứng những phương pháp điều trị trên.
3. Phương pháp điều trị nội soi
Điều trị viêm hậu môn nội soi thường được sử dụng ngay trong lúc bác sĩ nội soi chẩn đoán bệnh. Nếu kết quả nội soi phát hiện các tình trạng như xuất huyết, bác sĩ sẽ thực hiện cầm máu ngay tại lúc này. Việc cầm máu có thể bằng laser, đốt điện hoặc đầu dò gia nhiệt.
Biện pháp phòng ngừa viêm hậu môn
Viêm hậu môn có thể dễ dàng phòng ngừa bằng cách xây dựng thói quen sống đảm bảo vệ sinh cũng như thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Việc hạn chế để hậu môn hoặc cơ quan sinh dục tiếp xúc với môi trường chứa vi khuẩn gây bệnh có thể giảm thiểu tối đa nguy cơ bị viêm hậu môn ở người.
Bên cạnh đó, bạn cần ăn có kiểm soát hầu hết tất cả các loại thực phẩm và chất dinh dưỡng nạp vào bên trong cơ thể, đặc biệt chú ý đến đạm để tránh tình trạng dư thừa gây ra những kích ứng bên trong hệ tiêu hóa. Điều này cũng được áp dụng với những thực phẩm làm tăng tiết acid dạ dày như rượu bia, đồ cay nóng,…
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa (BVĐK Tâm Anh TP.HCM) và Khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy (BVĐK Tâm Anh Hà Nội) là những trung tâm y tế chuyên khoa Tiêu hóa uy tín, cung cấp dịch vụ thăm khám và điều trị cao cấp, hiệu quả cho các bệnh nhân mắc các vấn đề về gan từ nhẹ đến nặng (gan nhiễm mỡ, viêm gan cấp tính, mạn tính, xơ gan, ung thư gan…). Hệ thống BVĐK Tâm Anh quy tụ đội ngũ bác sĩ Nội khoa - Ngoại khoa - Nội soi tiêu hóa chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, bên cạnh đó là sự hỗ trợ của hệ thống thiết bị y tế hiện đại, nhập khẩu từ nước ngoài, phục vụ tối đa nhu cầu thăm khám và điều trị của khách hàng.
Để đặt lịch thăm khám và điều trị các bệnh về gan với các chuyên gia bác sĩ về Tiêu hóa của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, xin vui lòng liên hệ:
Viêm hậu môn là một dạng tổn thương lớp niêm mạc ở vùng hậu môn hoặc các khu vực gần đó. Bệnh gây ra các triệu chứng như phân lẫn máu, cơn đau ở vùng trực tràng, hậu môn khiến chất lượng cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng. Viêm hậu môn đa phần là sự tiến triển từ những bệnh tiêu hóa khác lan truyền xuống. Ngoài ra cũng có thể do tác động của việc sinh hoạt kém vệ sinh, gây nhiễm trùng hậu môn. Bệnh có phương pháp điều trị đơn giản trong thời gian ngắn. Người bệnh chỉ cần tuân thủ theo đúng phác đồ của bác sĩ có thể khỏi viêm hậu môn hoàn toàn.