Loét dạ dày là gì? Loét dạ dày là tổn thương viêm loét ở niêm mạc dạ dày. Loét dạ dày xảy ra khi lớp chất nhầy bảo vệ dạ dày khỏi tổn thương do dịch tiêu hóa bị giảm. Điều này sẽ khiến các axit tiêu hóa bào mòn niêm mạc và các mô đệm dạ dày gây ra loét. Loét dạ dày có thể dễ dàng được chữa khỏi, nhưng cũng có thể trở nên nghiêm trọng nếu bệnh nhân không được điều trị đúng cách.
Nguyên nhân thường gặp gây loét dạ dày:
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori)
- Sử dụng lâu dài các thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như aspirin, ibuprofen hoặc naproxen
- Ăn uống và sinh hoạt: Việc ăn uống không đúng bữa, không điều độ, ăn quá no hoặc quá đói, uống quá nhiều rượu dẫn đến hoạt động co bóp của dạ dày bị ảnh hưởng, dịch vị dạ dày tăng tiết, lớp bảo vệ niêm mạc bị tổn thương dần sẽ dẫn đến viêm dạ dày và gây loét dạ dày.
- Stress: Căng thẳng, buồn phiền, tức giận, lo lắng, sợ hãi khiến mất cân bằng chức năng cho dạ dày làm dịch vị dạ dày tăng tiết, lớp niêm mạc bảo vệ dạ dày bị tổn thương gây loét dạ dày
Triệu chứng loét dạ dày: Triệu chứng phổ biến nhất là cảm giác nóng rát hoặc đau âm ỉ ở thượng vị. Thông thường, cơn đau sẽ dữ dội hơn khi bạn đói, có thể kéo dài trong vài phút đến vài giờ. Cơn đau có thể giảm khi bạn ăn uống hoặc uống thuốc kháng axit. Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến khác của loét dạ dày bao gồm: buồn nôn hoặc nôn mửa, đầy hơi, ợ hơi hoặc ợ nóng, mệt mỏi, chán ăn. Bệnh nhân cũng có thể có biểu hiện của xuất huyết tiêu hóa như nôn ra máu tươi hoặc maú màu bã trầu, đại tiện phân đen như hắc ín. Nếu bệnh nhân có bất kỳ triệu chứng loét dạ dày hãy đi khám tại cơ sở y tế.
Làm thế nào chẩn đoán loét dạ dày? Chẩn đoán và điều trị sẽ phụ thuộc vào các triệu chứng của bạn và mức độ nghiêm trọng của vết loét. Để chẩn đoán loét dạ dày, bác sĩ sẽ xem xét tiền sử cùng với các triệu chứng của bạn và bất kỳ loại thuốc nào mà bạn đang dùng. Các xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán viêm loét dạ dày bao gồm:
- Nội soi dạ dày: Một ống mềm có camera ở đầu được gắn đèn chiếu sáng có camera đưa qua miệng và vào dạ dày và tá tràng. Trong trường hợp bệnh nhân lo lắng và khó chịu khi đưa dụng cụ soi vào dạ dày hoặc lí do chuyên môn, bác sĩ có thể gây mê cho bệnh nhân trong khoảng thời gian ngắn, khoảng 10 phút. Xét nghiệm này giúp bác sĩ quan sát tổn thương về tính chất và mức độ. Nếu có các tổn thương bất thường nghi ngờ, các bác sĩ sẽ bấm sinh thiết làm mô bệnh học để chẩn đoán ung thư dạ dày sớm.
- Để chẩn đoán nhiễm H.pylori: xét nghiệm máu, phân hoặc hơi thở có thể xác định được. Nếu bệnh nhân làm test hơi thở chẩn đoán vi khuẩn HP, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn uống một chất lỏng trong suốt và thở vào một cái túi, sau đó được niêm phong. Nếu có H. pylori, mẫu hơi thở sẽ chứa hàm lượng carbon dioxide (CO2) cao hơn bình thường.
Điều trị loét dạ dày: Điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây loét. Hầu hết các vết loét có thể được điều trị bằng đơn thuốc của bác sĩ, nhưng trong một số ít trường hợp, có thể phải phẫu thuật. Điều quan trọng là phải kịp thời điều trị. Trao đổi ngay với bác sĩ để thảo luận về một kế hoạch điều trị. Nếu bị loét kèm với chảy máu, bệnh nhân có thể phải nhập viện để điều trị tích cực bằng nội soi và thuốc làm giảm tiết a xít (PPI), đôi khi có thể cần phải truyền máu.
Điều trị nội khoa: Nếu loét dạ dày do vi khuẩn H. pylori, bệnh nhân sẽ cần dùng thuốc kháng sinh và thuốc ức chế bơm proton (PPI). PPI giúp ngăn chặn các tế bào dạ dày sản xuất a xít. Ngoài các phương pháp điều trị này, bác sĩ cũng có thể khuyến nghị thêm :
- Thuốc chẹn thụ thể H2 (thuốc cũng ngăn chặn tạo axit)
- Ngừng sử dụng tất cả các giảm đau - chống viêm (NSAID)
- Theo dõi nội soi định kì
- Men vi sinh (vi khuẩn hữu ích có thể có vai trò tiêu diệt H. pylori)
- Bổ sung thuốc có chứa bismuth
Các triệu chứng loét có thể giảm nhanh chóng khi điều trị. Nhưng ngay cả khi các triệu chứng của bệnh nhân biến mất, vẫn nên tiếp tục dùng các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Điều này đặc biệt quan trọng với nhiễm vi khuẩn H. pylori, phải đảm bảo rằng tất cả các vi khuẩn đã được diệt trừ. Tác dụng phụ của thuốc dùng để điều trị loét dạ dày có thể bao gồm: buồn nôn, chóng mặt, đau đầu, tiêu chảy, đau bụng. Những tác dụng phụ này thường là tạm thời. Nếu bất kỳ tác dụng phụ nào gây khó chịu nhiều, hãy trao đổi với bác sĩ về việc thay đổi thuốc.
Điều trị phẫu thuật: Trong số ít trường hợp, loét dạ dày phức tạp sẽ phải phẫu thuật. Đó là các trường hợp:
- Tái phát nhiều lần
- Loét gây chảy máu, điều trị nội khoa không cầm
- Thủng dạ dày
Phương pháp phẫu thuật có thể là:
- Cắt loại bỏ toàn bộ vết loét
- Lấy mô từ một phần khác của ruột và vá nó trên vị trí loét
- Nút động mạch cấp máu
- Cắt dây thần kinh để giảm sản xuất axit dạ dày
Chế độ ăn uống lành mạnh: Một chế độ ăn uống lành mạnh ngoài ngăn ngừa loét còn có lợi cho đường ruột và sức khỏe tổng thể. Nói chung, nên ăn một chế độ ăn kiêng với nhiều trái cây, rau và chất xơ. Có một số thực phẩm có vai trò trong việc loại bỏ H. pylori. Các loại thực phẩm có thể giúp chống lại H. pylori hoặc tăng cường vi khuẩn khỏe mạnh của chính mình bao gồm: bông cải xanh, súp lơ, bắp cải và củ cải, cải xoăn ,dưa cải bắp, sữa chua (có chứa vi sinh lactobacillus và Sacharomyces), táo, việt quất, quả mâm xôi, dâu tây, dầu ô liu. Ngoài ra, vì những người bị loét dạ dày thường bị trào ngược thực quản đi kèm, nên tránh xa thực phẩm cay và chua trong khi ổ loét đang liền sẹo.
Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ? Nếu nghi ngờ bị loét dạ dày, hãy khám ngay bác sĩ để cùng trao đổi về các triệu chứng và lựa chọn điều trị. Điều quan trọng là phải điều trị loét dạ dày vì nếu không điều trị, loét và H. pylori có thể gây ra các biến chứng sau: Chảy máu từ vị trí loét có thể đe dọa tính mạng, thủng dạ dày Hẹp môn vị, ung thư dạ dày. Các triệu chứng của các biến chứng này được liệt kê dưới đây. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy nhớ khám bác sĩ ngay: Mệt mỏi nhiều, khó thở, nôn hoặc phân đỏ hoặc đen, cơn đau đột ngột, dữ dội ở bụng liên tục không đỡ.
Phòng chống loét dạ dày: Để ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn có thể gây loét dạ dày, hãy rửa tay bằng xà phòng và nước thường xuyên. Ngoài ra, chắc chắn rửa sạch đúng cách tất cả các thực phẩm của bạn và nấu chín kỹ khi cần thiết. Để ngăn ngừa loét do thuốc giảm đau chống viêm (NSAID) gây ra, hãy ngừng sử dụng các loại thuốc này (nếu có thể) hoặc hạn chế sử dụng chúng. Nếu bạn cần dùng NSAID, hãy chắc chắn tuân theo liều lượng khuyến cáo và tránh uống rượu trong khi dùng các loại thuốc này. Và hãy nhớ, luôn luôn uống các thuốc này sau ăn.
Bệnh nhân nên khám ở đâu: Tốt nhất bệnh nhân nên được thăm khám chuyên khoa tiêu hóa và làm nội soi dạ dày thông thường hoặc gây mê tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện. Bệnh viện Đa khoa Thành Phố Thanh Hóa là cơ sở y tế có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa và thăm dò chức năng đường tiêu hóa tốt nhất trong tỉnh. Bệnh nhân nghi ngờ có bệnh lý dạ dày, ruột và đại tràng sẽ được nội soi và can thiệp tại khoa cận lâm sàng với cơ sở vật chất hiện và trang thiết bị rất hiện đại.
Bệnh viêm dạ dày - tá tràng là một bệnh thường xuất hiện ở mọi lứa tuổi, phân bổ đều ở nam và nữ. Trong giai đoạn bệnh mới phát hiện, bệnh có thể chữa trị được hoàn toàn. Tuy nhiên, khi để bệnh viêm dạ dày - tá tràng sang giai đoạn mạn tính hoặc có biến chứng, thì việc chữa trị căn bệnh này sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc hiểu biết rõ về bệnh viêm dạ dày - tá tràng là một trong những điều cần thiết để phòng và điều trị bệnh hiệu quả hơn.
Bệnh viêm dạ dày - tá tràng là gì?
Viêm dạ dày - tá tràng là bệnh gây tổn thương viêm trên niêm mạc dạ dày - tá tràng (phần tiếp nối với dạ dày và là phần đầu của ruột non). Bệnh có thể được chia thành 2 loại là viêm dạ dày - tá tràng cấp và mạn:
· Viêm dạ dày - tá tràng cấp: khởi phát nhanh, diễn tiến nhanh chóng, ít để lại di chứng.
· Viêm dạ dày - tá tràng mạn: tổn thương có tính chất kéo dài và tiến triển chậm, biểu hiện triệu chứng không đặc hiệu, có thể tổn thương lan tỏa hoặc chỉ khu trú một vùng của niêm mạc dạ dày. Cuối cùng, có thể dẫn đến viêm teo niêm mạc dạ dày.
Nguyên nhân dẫn đến viêm dạ dày - tá tràng
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bênh viêm dạ dày - tá tràng. Đối với thể viêm dạ dày - tá tràng cấp: Gồm những nguyên nhân dẫn đến tổn thương viêm niêm mạc dạ dày cấp tính như: Những yếu tố bên trong cơ thể (yếu tố nội sinh): do các độc tố từ vi khuẩn, virus trong cơ thể tràn vào máu gây viêm dạ dày - tá tràng cấp tính, xuất hiện thứ phát sau khi mắc các bệnh sau: Các bệnh nhiễm trùng cấp (cúm, sởi, bạch hầu, thương hàn, viêm phổi, viêm ruột thừa…), thoát vị hoành…Các bệnh làm urê máu cao, tăng đường huyết, stress (bỏng, chấn thương nặng, sau phẫu thuật lớn, u não, xơ gan, suy thận…Dị ứng (thức ăn: tôm, sò, ốc…), viêm thành mạch dị ứng (hội chứng Schoenlein -Henoch)… Những yếu tố bên ngoài cơ thể (yếu tố ngoại sinh):
· Helicobacter Pylori (Hp).
· Ăn uống: thức ăn quá nóng, quá lạnh, cứng, khó tiêu, nhai không kĩ, do uống rượu, trà, cà phê,…
· Thuốc: thuốc giảm đau kháng viêm (NSAIDs), kháng sinh, Aspirin,…
· Dị vật..
Thể viêm dạ dày - tá tràng mạn:
· Helicobacter Pylori (Hp) là nguyên nhân hàng đầu gây viêm dạ dày - tá tràng mạn tính.
· Lạm dụng các chất kích thích: rượu, bia, cà phê, trà, thuốc lá,..
· Thuốc: giảm đau, kháng sinh…; dùng một số thuốc nhuận tràng kéo dài, thuốc bột kiềm gây trung hòa acid dịch vị quá mức dẫn đến phản ứng tăng acid HCl đột biến làm tổn thương niêm mạc dạ dày…
· Thói quen ăn uống: ăn không đúng giờ, hay bỏ bữa, ăn đêm, ăn nhiều thức ăn cay, chua, nóng, thiếu đạm, thiếu vitamin, nhai không kĩ…
· Nhiễm khuẩn: cần chú ý các nhiễm khuẩn tai - mũi - họng, răng, viêm phế quản mạn…
· Yếu tố tâm lí, rối loạn thần kinh thực vật.
· Dị ứng, miễn dịch….
Biểu hiện của bệnh viêm dạ dày - tá tràng
· Đau bụng vùng thượng vị (vùng trên rốn): đau dữ dội, hay cồn cào, nóng rát, có khi đau âm ỉ, ậm ạch khó tiêu, cảm giác khó chịu…đau tăng lên sau hoặc trong khi ăn, một số trường hợp có đau, nóng rát vùng thượng vị muộn sau bữa ăn, đặc biệt đau rõ hơn khi ăn uống những thứ như: rượu, bia, rượu vang trắng, món ăn cay, chua, ngọt…
· Cảm giác nặng bụng, chướng bụng, ợ hơi,…
· Buồn nôn hoặc nôn nhiều, ăn xong nôn ngay, thường nôn xong đỡ đau bụng. nôn ra hết thức ăn sẽ nôn ra dịch chua, có khi nôn ra cả máu…
· Lưỡi có thể hơi to, trắng, có vết ấn của răng trên lưỡi, ổ loét, chảy máu nướu răng. Miệng hôi, cảm giác đắng miệng vào buổi sáng sớm,…
· Có thể có tiêu chảy.
· Chán ăn, ăn không ngon miệng, có thể gầy đi chút ít hoặc cân nặng vẫn bình thường.
· Có thể có sốt 39-40˚C (với bệnh viêm dạ dày - tá tràng cấp tính).
· Có thể có mất ngủ, ngủ không ngon giấc: mất ngủ hay giấc ngủ thường xuyên bị gián đoạn do bụng bị đầy hơi, bụng nặng, cảm giác khó tiêu, hay do đau lúc bụng đói nửa về đêm sáng.
Khi có các biểu hiện trên, nên đến tìm bác sĩ để được khám, tư vấn và làm các xét nghiệm chẩn đoán và điều trị bệnh hợp lí hoặc loại trừ bệnh.
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh viêm dạ dày - tá tràng
Viêm dạ dày - tá tràng nếu không tuân thủ điều trị sẽ dẫn đến biến chứng loét, xuất huyết, thủng dạ dày tá tràng. Vì vậy, nên thay đổi thói quen sinh hoạt, thói quen ăn uống, tránh các yếu tố có hại cho dạ dày để phòng bệnh và điều trị bệnh tốt hơn, cải thiện triệu chứng và tránh các biến chứng có hại. Dưới đây là một số điều cần lưu ý để dự phòng bệnh viêm dạ dày - tá tràng:
· Nên tập thói quen ăn uống lành mạnh, khoa học: ăn chậm, nhai kĩ, ăn uống đúng giờ, tránh bỏ bữa, không để quá đói hoặc ăn quá no, tránh ăn các thức ăn quá chua, quá cay, quá nóng, quá lạnh, quá mặn, quá ngọt, quá khô, hạn chế thức ăn nhanh, đồ hộp, nhiều dầu mỡ,…không nên ăn khuya (không ăn trễ hơn 8 giờ tối), ăn sáng đầy đủ, thường trong vòng 1 giờ sau ngủ dậy, không vận động ngay sau khi ăn,…
· Cần bổ sung vitamin A, D, K, B12, acid folic, canxi, Fe, Zn,..trứng, sữa giúp trung hòa acid dạ dày tốt hơn,..
· Tránh các chất kích thích: rượu, bia, thuốc lá, trà, cà phê,…
· Hạn chế kháng sinh, kháng viêm, các thuốc giảm đau, khi dùng cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được sử dụng các thuốc thích hợp ít ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày hoặc thêm các loại thuốc hỗ trợ dạ dày…
· Khám bác sĩ khi có tình trạng viêm nhiễm: răng, tai - mũi - họng…
· Vận động phù hợp, tập thể dục đều đặn và hợp lí, khoảng 30 phút/ngày, 5 lần/tuần để có sức khỏe tốt.
· Nghỉ ngơi hợp lí, ngủ đủ.
· Tránh stress.
Nguồn: Khoa Nội