Các tế bào bạch cầu là một loại tế bào máu, có vai trò vô cùng quan trọng. Nếu lượng bạch cầu trong máu cao hoặc thấp hơn bình thường, có thể gợi ý các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn cần can thiệp sớm.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi TS.BS Nguyễn Quốc Thành - Trưởng đơn vị Bệnh huyết học, Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Bạch cầu là gì?
Bạch cầu (Leukocytes - White blood cells) là tế bào có vai trò chính yếu trong hệ thống miễn dịch của cơ thể, tham gia vào cả hai hệ thống: miễn dịch tế bào và miễn dịch dịch thể. Bạch cầu lưu thông trong máu, tạo ra các phản ứng viêm và giúp cơ thể chống lại mầm bệnh truyền nhiễm các tác nhân xâm nhập khác từ bên ngoài cơ thể. (1)
Cấu tạo bạch cầu
Tế bào bạch cầu có thể không màu, nhưng có thể xuất hiện dưới dạng màu tím nhạt đến hồng khi được quan sát dưới kính hiển vi và nhuộm màu bằng thuốc nhuộm. Đây là các tế bào máu có kích thước nhỏ, hình tròn và có nhân.
Các tế bào này bắt đầu hình thành trong tủy xương thông qua quá trình tạo máu. Tất cả những tế bào máu đều có nguồn gốc từ một tế bào - tế bào gốc tạo máu (HSC). Các tế bào gốc tạo máu này sẽ biệt hóa qua nhiều giai đoạn khác nhau để tạo thành các loại tế bào trưởng thành. Tế bào gốc tạo máu (HSC) đầu tiên sẽ phân tách thành tế bào gốc tạo máu đầu dòng dòng tủy và tế bào gốc tạo máu đầu dòng dòng lympho.
Tế bào gốc tạo máu đầu dòng dòng lympho biệt hoá và hình thành các dòng tế bào lympho. Đây là dòng tế bào tạo ra tế bào lympho T và tế bào lympho B.
Tế bào gốc tạo máu đầu dòng dòng tủy biệt hoá và hình thành nguyên tủy bào, sau đó tiếp tục trưởng thành, tạo ra các dòng tế bào bạch cầu ái toan, bạch cầu ái kiềm, bạch cầu đa nhân trung tính, bạch đầu đơn nhân và đại thực bào. Nguyên tủy bào cũng có thể biệt hoá thành các tế bào đầu dòng hồng cầu và mẫu tiểu cầu trong tủy xương, từ đó hình thành dòng hồng cầu và tiểu cầu.
Phân loại bạch cầu
Các loại bạch cầu khác nhau sẽ có vai trò và đảm nhận chức năng khác nhau trong hệ thống miễn dịch của cơ thể. Một số bạch cầu là một phần của hệ thống miễn dịch bẩm sinh (chúng có khả năng tấn công “kẻ lạ” ngay từ khi được tạo ra). Bên cạnh đó, cũng có những loại bạch cầu khác tham gia vào hệ thống miễn dịch dịch thể. Những tế bào này có vai trò tạo ra kháng thể sau khi tiếp xúc với vi trùng, từ đó giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể phòng ngừa cho những “cuộc tấn công” trong tương lai. (2)
>> Tham khảo: Bạch cầu hạt là gì?
1. Bạch cầu đa nhân trung tính
Bạch cầu trung tính chiếm khoảng một nửa tổng số lượng tế bào này trong cơ thể. Đây là những tế bào đầu tiên của hệ thống miễn dịch phản ứng với “kẻ xâm nhập” như virus hoặc vi khuẩn. Với vai trò là tế bào phản ứng đầu tiên, bạch cầu đa nhân trung tính cũng gửi tín hiệu cảnh báo và huy động các tế bào khác trong hệ thống miễn dịch đến giúp đỡ. Các tế bào bạch cầu đa nhân trung tính chỉ sống khoảng 8 giờ sau khi được phóng thích từ tủy xương. Mỗi ngày, 100 tỷ tế bào bạch cầu đa nhân trung tính được tạo ra trong cơ thể.
2. Bạch cầu ái toan
Bạch cầu ái toan cũng tham gia vào hệ thống miễn dịch, chống lại tình trạng nhiễm vi khuẩn và ký sinh trùng (ví dụ như giun sán). Bạch cầu ái toan được biết đến nhiều hơn trong vai trò gây ra những phản ứng dị ứng. Các tế bào này có thể hoạt động quá mức trong việc tạo ra phản ứng miễn dịch để chống lại những thứ vô hại. Ví dụ, bạch cầu ái toan có thể nhầm phấn hoa với tác nhân lạ, từ đó gây ra những triệu chứng dị ứng theo mùa.
Tăng bạch cầu ái toan có thể gây ra các triệu chứng như đổ mồ hôi ban đêm, sốt, sụt cân, mệt mỏi. Bạch cầu ái toan chiếm khoảng 5% tổng số lượng tế bào này trong máu.
3. Bạch cầu ái kiềm
Bạch cầu ái kiềm chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng lượng bạch cầu. Các tế bào này cũng là một phần trong phản ứng miễn dịch cơ bản của cơ thể đối với những sinh vật có thể gây bệnh, đồng thời cũng có liên quan đến bệnh hen suyễn. Khi bị kích thích, bạch cầu ái kiềm phóng thích histamin và những hóa chất khác, gây phản ứng viêm bên trong cơ thể, có thể gây co thắt đường thở.
4. Tế bào Lympho
Tế bào lympho có hai dạng là: lympho B và lympho T. Không giống như những tế bào bạch cầu khác cung cấp khả năng miễn dịch chung (không đặc hiệu), tế bào T và B có những vai trò cụ thể khác nhau.
Lympho B chịu trách nhiệm chính trong miễn dịch dịch thể bằng cách tạo ra kháng thể để “ghi nhớ” các loại tác nhân gây nhiễm. Các kháng thể này luôn trong tư thế sẵn sàng khi cơ thể tiếp xúc với mầm bệnh cụ thể.
Trong khi đó, lympho T lại có khả năng nhận diện ra những “kẻ xâm nhập” và tiến hành tiêu diệt chúng. Những tế bào T “nhớ” lại có chức năng ghi nhớ những “kẻ xâm nhập” sau khi bị nhiễm trùng và nhanh chóng phản ứng nếu nó quay lại.
Các tế bào lympho trong cơ thể góp phần tạo ra hiệu quả của vắc xin. Khi tiêm vắc xin, cơ thể sẽ tạo ra các tế bào lympho B và T - những tế bào có khả năng nhận biết và ghi nhớ mầm bệnh. Nhờ đó, cơ thể gia tăng khả năng phòng ngừa và sẵn sàng chống lại khi bị nhiễm lại mầm bệnh đã được tiêm ngừa.
5. Bạch cầu mono
Bạch cầu mono chiếm khoảng 5 - 12% lượng tế bào bạch cầu trong máu. Vai trò bạch cầu mono là thực bào để dọn dẹp các tế bào chết bên trong cơ thể.
Số lượng bạch cầu trong cơ thể là bao nhiêu?
Số lượng tế bào này được xác định khi người bệnh thực hiện xét nghiệm máu. Thông thường, tổng số lượng bạch cầu trong cơ thể dao động ở mức từ 4.000 - 11.000 tế bào trên mỗi microlit máu. (3)
Chức năng bạch cầu
Những tế bào bạch cầu bảo vệ cơ thể chống lại tình trạng nhiễm trùng. Các tế bào này khi di chuyển vào trong các mô và máu sẽ xác định vị trí nhiễm trùng. Đồng thời thu hút các tế bào bạch cầu khác về vị trí của ổ nhiễm. Điều này giúp bảo vệ cơ thể trước cuộc “tấn công” của “kẻ xâm nhập” chưa được xác định. Khi “đội quân” bạch cầu đến, chúng sẽ tạo ra các kháng thể để gắn vào “kẻ xâm nhập” và tiêu diệt nó. (4)
Chỉ số WBC là gì?
WBC (White Blood Cell) là chỉ số thể hiện tổng số lượng bạch cầu có trong một thể tích máu. Chỉ số WBC là một trong những thông tin quan trọng cần được đánh giá khi xét nghiệm máu. Chỉ số này góp phần phản ánh tình trạng sức khỏe của người bệnh. Dựa vào chỉ số WBC, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán về tình trạng sức khỏe của người bệnh và đưa ra liệu trình chữa trị phù hợp.
1. Giá trị bình thường của bạch cầu
Mức bạch cầu bình thường ở các nhóm đối tượng cụ thể như sau:
- Trẻ sơ sinh: dao động từ 13.000 - 38.000 tế bào/mm3 máu.
- Trẻ nhỏ từ 2 tuần tuổi trở lên: dao động từ 5.000 - 20.000 tế bào/mm3 máu.
- Ở người trưởng thành: dao động từ 4.500 - 11.000 tế bào/mm3 máu.
- Thai phụ trong tam cá nguyệt thứ 3: dao động từ 5.800 - 13.200 tế bào/mm3 máu.
2. Số lượng bạch cầu tăng cao
Một số nguyên nhân có thể khiến số lượng bạch cầu tăng cao:
- Phản ứng dị ứng của cơ thể (ví dụ cơn hen).
- Các tác nhân khiến tế bào chết hàng loạt: chấn thương, bỏng, nhồi máu cơ tim…
- Tình trạng viêm: viêm mạch máu, viêm ruột, viêm khớp dạng thấp…
- Nhiễm ký sinh trùng, nấm, virus, vi khuẩn.
- Bệnh bạch cầu.
3. Số lượng bạch cầu thấp
Những tình trạng có thể khiến số lượng bạch cầu giảm thấp, bao gồm:
- Bệnh tự miễn như lupus.
- Tổn thương tuỷ xương (ví dụ xạ trị, hóa trị hoặc tiếp xúc với độc tố).
- Bệnh bạch cầu.
- Loạn sinh tủy.
- Ung thư hạch xâm lấn tuỷ.
- Thiếu vitamin B12.
- Nhiễm trùng huyết.
Một số loại bệnh bạch cầu phổ biến
Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là địa chỉ uy tín chuyên khám và chữa trị các bệnh lý liên quan đến bạch cầu. Dưới đây là một số loại bệnh bạch cầu phổ biến: (5)
1. Bệnh bạch cầu cấp
Bệnh bạch cầu cấp tính (hay còn gọi là ung thư máu) là bệnh lý gây tăng sinh chủ yếu những tế bào chưa trưởng thành, kém biệt hóa (thường ở dạng blast) trong tuỷ xương. Bệnh bạch cầu cấp tính được chia thành các loại:
1.1. Bệnh bạch cầu cấp dòng lympho (ALL):
- Đây là dạng bệnh ung thư phổ biến ở trẻ em. Bệnh cũng có thể xuất hiện ở người trưởng thành trong mọi độ tuổi. Sự biến đổi ác tính và tăng sinh không kiểm soát của tế bào tiền thân tạo máu có đời sống dài, biệt hóa một cách bất thường dẫn đến số lượng lớn tế bào non (blast) lưu hành, thay thế tủy xương bình thường bằng những tế bào ác tính, thâm nhiễm vào hệ thần kinh trung ương, tinh hoàn (ở nam giới).
- Triệu chứng của bệnh bạch cầu cấp dòng lympho bao gồm mệt mỏi, đau nhức xương, sốt, dễ nổi chấm xuất huyết dưới da, mảng bầm tím, chảy máu niêm mạc, gan lách hạch to. Bác sĩ chẩn đoán bệnh dựa trên phương pháp xét nghiệm công thức máu, tiêu bản phết máu ngoại vi, tế bào học tuỷ xương, các xét nghiệm dấu ấn miễn dịch tế bào, các đột biến về gene và sinh học phân tử. Việc chữa trị thường bao gồm kết hợp các thuốc hóa trị liệu để đẩy lui bệnh; tiêm hóa chất nội tủy, dự phòng CNS; xạ trị phòng ngừa hoặc điều trị xâm lấn thần kinh trung ương, phối hợp ghép tế bào gốc trong những phân nhóm nguy cơ cao, điều trị hoá trị liệu duy trì để giảm tình trạng tái phát.
1.2. Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (AML):
- Trong bệnh lý này, sự chuyển dạng ác tính và tăng sinh không kiểm soát của tế bào gốc tạo máu đầu dòng dòng tủy không biệt hoá hoặc biệt hóa bất thường, làm gia tăng số lượng tế bào chưa trưởng thành, xâm lấn hoặc lưu hành trong máu, thay thế tủy bình thường bằng những tế bào ác tính. Triệu chứng bao gồm mệt mỏi, sốt, dễ bầm tím và chảy máu. Những triệu chứng của thâm nhiễm tế bào bệnh bạch cầu ngoại tủy chỉ xuất hiện ở khoảng 5% người bệnh (thường biểu hiện tại da).
- Phương pháp xét nghiệm tiêu bản máu ngoại vi, tủy xương có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh. Việc chữa trị bao gồm hóa trị liệu để đẩy lui bệnh và hóa trị liệu sau lui bệnh (có/không có ghép tế bào gốc) nhằm phòng tránh nguy cơ tái phát.
2. Bệnh bạch cầu mạn tính
Bệnh bạch cầu mạn tính có nhiều tế bào trưởng thành hơn loại bệnh bạch cầu cấp tính. Bệnh thường biểu hiện dưới dạng tăng bạch cầu có/không giảm tế bào máu bình thường khác ở người bệnh không xuất hiện triệu chứng. Bệnh bạch cầu mạn tính được chia thành các loại:
2.1. Bệnh bạch cầu mạn dòng lympho (CLL):
- Bệnh đặc trưng bởi sự tích tụ dần dần của những tế bào lympho B ác tính trưởng thành về kiểu hình. Những vị trí bị tổn thương chính của bệnh bao gồm tủy xương, máu ngoại vi, các hạch bạch huyết và lá lách. Các triệu chứng có thể vắng mặt/ bao gồm bệnh hạch to, gan lách to, sốt, mệt mỏi, giảm cân không chủ ý, đổ mồ hôi ban đêm, cảm giác no sớm.
- Bệnh được chẩn đoán bằng phương pháp tế bào học dòng chảy và kiểu hình miễn dịch của máu ngoại vi. Việc điều trị thường sẽ được trì hoãn cho đến khi các triệu chứng cho thấy bệnh tiến triển, thường liên quan đến liệu pháp miễn dịch và hóa trị liệu. Các biện pháp chữa trị mới nhất đang được thử nghiệm, chủ yếu các thuốc điều trị trúng đích (như chất ức chế Bruton tyrosine kinase (Btk) và Bcl-2) nhằm làm tăng hiệu quả điều trị và hạn chế độc tính của các thuốc hoá chất.
2.2. Bệnh bạch cầu mạn dòng tủy (CML):
- Bệnh xuất hiện khi tế bào chuyển sang dạng ác tính và tăng sinh tủy, gây ra sự sản xuất dư thừa quá mức các hạt bạch cầu hạt chưa trưởng thành. Ban đầu bệnh không có triệu chứng, dần tiến triển qua giai đoạn mạn tính với các biểu hiện không đặc hiệu (sút cân, chán ăn, mệt mỏi), sau đó là giai đoạn tiến triển và cuối cùng là giai đoạn chuyển cấp với những triệu chứng tương tự như một trường hợp bạch cầu cấp như gan lách hạch to, sốt, dễ bị bầm tím và chảy máu, nhiễm trùng.
- Chẩn đoán xác định bệnh dựa trên phương pháp xét nghiệm công thức máu, tiêu bản phết máu ngoại vi, chọc hút tủy xương làm xét nghiệm tế bào học tuỷ xương, xác định nhiễm sắc thể Philadelphia, tìm chuyển đoạn t(9;22) hoặc protein BCR/ABL. Bệnh được điều trị bằng thuốc ức chế tyrosine kinase (như ponatinib, bosutinib, nilotinib, dasatinib, imatinib…) giúp người bệnh cải thiện tình trạng sức khỏe và kéo dài sự sống và tiến tới ngưng thuốc khi đạt các đáp ứng điều trị tối ưu. Thuốc ức chế tủy như hydroxyurea, ghép tế bào gốc, dùng interferon alfa cũng được áp dụng.
3. Hội chứng rối loạn sinh tủy
Hội chứng loạn sinh tủy (MDS) là nhóm rối loạn tế bào gốc tạo máu, điển hình bởi tình trạng giảm các tế bào máu ngoại vi, rối loạn tăng sinh các tế bào tiền thân tạo máu, giảm/tăng tế bào bình thường trong tủy xương. Bệnh tiến triển và có nguy cơ cao chuyển dạng thành bệnh bạch cầu cấp. Các triệu chứng lâm sàng do tình trạng giảm dòng tế bào máu bao gồm: mệt mỏi, xanh xao (triệu chứng thứ phát do thiếu máu); dễ bầm tím, chảy máu (triệu chứng thứ phát do giảm tiểu cầu), sốt và tăng nhiễm trùng (triệu chứng thứ phát do giảm bạch cầu trung tính).
Bác sĩ có thể dựa vào các phương pháp xét nghiệm công thức máu, tiêu bản máu ngoại vi, chọc hút dịch tủy xương, tìm các đột biến nhiễm sắc thể và đột biến gene để chẩn đoán hội chứng rối loạn sinh tủy. Việc điều trị bằng các thuốc decitabine hoặc azacitidine có thể mang lại đáp ứng tốt. Ghép tế bào gốc đồng loài là phương pháp duy nhất giúp chữa khỏi bệnh. Trong trường hợp bệnh chuyển dạng thành bạch cầu cấp dòng tủy, bệnh nhân cần được điều trị như một trường hợp bạch cầu cấp.
4. Phản ứng bệnh bạch cầu
Phản ứng bạch cầu là tình trạng số lượng bạch cầu trung tính trên 50.000/mcL, không phải do sự biến đổi ác tính của tế bào gốc tạo máu. Phản ứng bạch cầu có thể là kết quả của nhiều nguyên nhân, đặc biệt là nhiễm trùng hệ thống nặng hoặc các bệnh ung thư khác. Nguyên nhân gây ra phản ứng bạch cầu thường rõ ràng nhưng tình trạng gia tăng bạch cầu trung tính cũng có thể giống bệnh bạch cầu mạn dòng mono hoặc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy.
Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Khoa Nội tổng hợp, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Các tế bào bạch cầu giúp cơ thể chống lại virus, vi khuẩn, ký sinh trùng. Bạch cầu cao thường là dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng hoặc bệnh lý có thể cần chữa trị. Lượng bạch cầu thấp có thể là do một số vấn đề sức khỏe, phương pháp điều trị y tế gây ra. Người có lượng bạch cầu bất thường cần được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán, tiến hành chữa trị sớm.