Bánh dẻo (bánh trung thu dẻo) là món ăn cổ truyền không thể thiếu mỗi độ thu về. Đây không chỉ là món ăn đơn thuần, mà còn là món quà ý nghĩa mang đậm giá trị tinh thần. Hãy xem ngay cách làm bánh dẻo đơn giản, cực dễ làm để có thể tự tay làm ra những chiếc bánh thơm ngon, dành tặng cho những người thân yêu nhé!
Bánh trung thu dẻo truyền thống nhân đậu xanh.
Bánh dẻo hay còn gọi là bánh Nguyệt, được làm từ bột nếp trắng tinh nhồi với đường và nước hoa bưởi thơm lừng, đúc trong khuôn gỗ hoặc khuôn nhựa hình tròn. Hình tròn của bánh thể hiện hình dáng vầng trăng thu tròn và trắng ngà trong biểu tượng ý nghĩa “đoàn viên gia đình” và nhất là tình yêu khăng khít giữa vợ chồng với nhau.
Hướng dẫn cách làm bánh dẻo truyền thống cho trung thu tại nhà
Bánh dẻo dễ thực hiện từ những nguyên liệu quen thuộc như bột nếp, đường,… và thường dùng đậu xanh hay hạt sen được tán nhuyễn.
Nguyên liệu làm bánh
Phần nước đường bánh dẻo
- Đường cát: 100 gram
- Nước cốt chanh: 2ml
- Nước 100ml
Vỏ bánh dẻo
- Bột nếp: 100 gram
- Nước đường: 50 gram
- Bột áo: 10 gram
- Nước hoa bưởi: 8ml
- Dầu ăn: 20ml
Nhân bánh dẻo
- Đậu xanh khô đã tách vỏ: 200 gram
- Đường: 100 gram
- Dầu ăn: 20ml
- Một ít muối
Cách làm bánh dẻo truyền thống
So với bánh nướng thì bánh dẻo truyền thống thực hiện nhanh và đơn giản hơn. Bạn không cần phải nấu nước đường làm vỏ bánh trước cả tháng hoặc phải canh thời gian, nhiệt độ nướng bánh sao cho chuẩn. Với công thức mà chúng tôi chia sẻ, chỉ cần vài bước nhào trộn là bạn đã có mẻ bánh trung thu mềm mịn, dẻo thơm để cúng gia tiên, mời gia đình thưởng thức hay làm quà biếu tặng người thân, bạn bè, đồng nghiệp rồi.
Nấu nước đường
Bạn cho đường cát và nước nào nồi, đun ở lửa vừa cho nước đường tan hết.
Bạn có thể cầm thành nồi, lắc nhẹ để đường tan nhưng không được khuấy trong suốt quá trình nấu nước đường làm vỏ bánh dẻo.
Đến khi đường tan đều, bạn cho nước cốt chanh vào, hạ lửa ở mức nhỏ nhất và nấu thêm 3 - 4 phút thì tắt bếp và cho ra tô lớn, để nguội.
Làm nhân bánh
Đậu xanh ngâm nước ấm từ 2 - 3 giờ cho nở, rửa sạch lại với nước và loại bỏ các hạt đậu bị hư, mốc,…
Cho đậu vào nồi, đổ nước vừa đủ, thêm một chút muối để cân bằng vị rồi nấu đến khi chín mềm.
Khi đậu xanh đã chín, bạn để nguội rồi xay cùng đường. Sau đó, lọc qua rây cho thật nhuyễn mịn.
Bước tiếp theo, bạn cho đậu đã được lọc mịn vào chảo chống dính có đế dày, sên trên lửa nhỏ. Trong lúc sên đậu, hãy đảo đều tay để không bị cháy và dính đáy nồi. đến khi đậu hơi đặc lại thì bạn cho từ từ dầu ăn vào chảo, tiếp tục khuấy để hỗn hợp này hòa quyện vào nhau.
Tiếp tục sên đến khi nhân ráo dầu, sờ vào cảm giác không dính tay, không bị chảy nữa là được. Bạn tắt bếp, cho đậu ra ngoài và để nguội.
Nhân đậu xanh nhuyễn mịn được bọc kín sau khi sên xong. Ảnh: Internet
Khi đậu đã nguội hoàn toàn, bạn nhào vài lần cho mềm rồi chia ra thành từng viên nặng khoảng 25 - 30 gram tùy theo sở thích ăn nhân nhiều hay ít.
Làm vỏ bánh
Bạn chuẩn bị một tô lớn, cho nước đường làm vỏ bánh vào. Tiếp đến, bạn cho từng muỗng bột nếp vào tô nước đường, thêm dầu ăn và nước hoa bưởi vào rồi khuấy đến khi bột tan hết.
Sau khi nhào bột, bạn hãy bọc kín tránh để bột khô. Ảnh: Internet
Sau đó, đổ bột ra mặt phẳng sạch, rắc thêm bột áo và dùng tay gấp bột, đến khi cảm nhận bột có độ dai vừa đủ và không còn dính găng tay là được.
Bọc kín và để bột nghỉ ngơi trong từ 30 - 40 phút trước khi tạo hình cho bánh.
Tạo hình bánh
Bạn lấy 20 gram vỏ bánh vo thành viên tròn, cán dẹt rồi cho nhân đậu vào bọc kín và vo tròn, không cho không khí lọt vào nhân.
Tỉ mỉ gói từng viên bánh dẻo. Ảnh: Internet
Khi gói bánh, bạn vừa xoay vừa miết cho vỏ ôm chặt nhân, không cho không khí lọt vào. Ảnh: Internet
Nhẹ nhàng cho viên bánh dẻo vào khuôn và đóng bánh. Ảnh: Internet
Bạn rưới bột áo vào khuôn bánh, gõ nhẹ để bột phủ kín khắp thành khuôn. Vì bánh rất mềm nên không cần dùng nhiều sức, bạn chỉ cần ấn nhẹ và giữ khoảng 3 giây để tạo nét cho bánh là được.
Sử dụng khuôn gỗ để đóng bánh dẻo. Ảnh: Internet
Bạn cũng có thể sử dụng khuôn gỗ để đóng bánh, thực hiện tương tự như hướng dẫn. Sau đó, bạn dùng một chiếc cọ lông mềm để phủi bớt bột thừa trên bánh dẻo và đặt bánh lên đĩa.
Hoàn thiện bánh
Bánh thành phẩm với lớp vỏ dẻo mịn, thơm dịu hương bưởi đặc trưng. Trên từng chiếc bánh hiện rõ những hoa văn chìm nổi của khuôn, không bị mờ hay mất nét. Nhân đậu xanh sên nhuyễn có độ ngọt vừa phải, sánh mịn và béo bùi, ngon khó cưỡng.
Bánh dẻo có lớp vỏ mịn màng, trắng trong. Ảnh: Internet
Một số biến tấu của bánh dẻo đặc sắc khác
Bên cạnh bánh dẻo truyền thống, ngày nay đã có một số biến tấu đặc sắc được thực khách ưa chuộng như:
Bánh dẻo chay
Có thể thấy, nhân bánh dẻo thường được làm với nguyên liệu chay tịnh mang hương đồng gió nội. Bánh dẻo chay cũng có đa dạng các loại nhân như đậu xanh, hạt sen, dừa sợi, đậu đỏ,… với hương vị thơm ngon, hấp dẫn đặc trưng.
Bánh dẻo nhân đậu đỏ cùng lớp chiếc áo dẻo mịn, màu sắc nổi bật. Ảnh: Internet
Bánh dẻo lạnh
Bên cạnh tên gọi bánh dẻo lạnh, loại bánh này có tên là bánh trung thu da tuyết, bánh dẻo tuyết. Bánh dẻo lạnh được bảo quản lạnh, sử dụng trong dịp Tết trung thu và có xuất xứ từ Singapore.
Bánh dẻo lạnh có nguồn gốc từ quốc đảo Sư Tử. Ảnh: Internet
Bánh dẻo lạnh có lớp vỏ dẻo, hơi dai dai hơn bánh dẻo truyền thống vì được bảo quản và thưởng thức lạnh. Nhân bánh dẻo lạnh đặc trưng ở dạng xốt sánh sệt, thơm ngon, lạ miệng.
Không chỉ “ăn khách” vào mùa trung thu, loại bánh độc đáo này còn rất được ưa chuộng vào những dịp lễ tiệc, liên hoan, họp mặt bạn bè, người thân bởi vẻ hiện đại, xinh xắn và bắt mắt của nó.
Bánh dẻo nhân sầu riêng
Sầu riêng là loại trái cây được đông đảo người Việt ưa thích. Những năm gần đây, bánh dẻo nhân sầu riêng hoặc nhân đậu xanh sầu riêng, nhân sữa dừa sầu riêng,… cực kỳ “hot” bởi mùi vị béo ngậy, hương thơm đặc trưng khi được kết hợp cùng vỏ bánh dẻo mềm mịn, dai ngon hấp dẫn này.
Bánh dẻo nhân sầu riêng.
Bánh dẻo bằng bột nếp sống
Bánh dẻo bằng bột nếp sống thực hiện đơn giản, chính là công thức làm bánh dẻo truyền thống mà chúng tôi đã chia sẻ chi tiết ở phần trên của bài viết.
Không cần tốn thời gian làm chín bột hay nướng bánh bạn vẫn có thể tạo ra những mẻ bánh thơm ngon, dành tặng những người thân yêu.
Bánh dẻo bằng bột nếp sống.
Bánh dẻo không cần khuôn
Với công thức làm bánh dẻo truyền thống, bạn có thể dùng màu thực phẩm hoặc màu từ các loại rau, củ thiên nhiên để pha cùng với bột làm vỏ bánh. Chỉ cần một chút tỉ mỉ và khéo tay bạn có thể tự tạo hình cho bánh dẻo mà không cần dùng khuôn để đóng bánh.
Tạo hình bánh dẻo không cần dùng khuôn.
Bánh dẻo nhân thập cẩm
Tương tự như bánh trung thu nướng, bánh dẻo nhân thập cẩm vẫn là chiếc bánh trung thu mộc mạc nhưng thắm đượm vẻ đẹp truyền thống trong những ngày Tết Đoàn viên.
Bánh trung thu dẻo nhân thập cẩm.
Vỏ bánh dẻo trắng tinh, cắn vào thấy ngọt nhẹ, dai dai hòa cùng hương bưởi thơm thoang thoảng lại vô cùng hấp dẫn.
Bánh dẻo nhân cốm
Cốm từ lâu đã là món ăn quen thuộc của người dân Hà Thành mỗi độ thu về. Phần vỏ bánh dẻo kết hợp cùng với nhân cốm ngọt dịu, tan nhẹ trong miệng sẽ rất tuyệt vời, ai thưởng thức thử một lần cũng sẽ mê mẩn với hương vị này.
Bánh dẻo nhân cốm - cả mùa thu trong từng chiếc bánh. Ảnh: Internet
Bánh dẻo nhân khoai lang tím
Nhân khoai lang tím nhuyễn mịn, màu sắc bắt mắt cùng mùi thơm tự nhiên đặc trưng tưởng chừng là sự kết hợp “lạc quẻ” nhưng lại rất ngon và hợp với lớp vỏ dẻo dai của bánh Nguyệt.
Bánh dẻo nhân khoai lang tím healthy.
Bánh dẻo nhân đậu xanh lá dứa
Chỉ mới nhìn qua đã thấy hấp dẫn bởi màu sắc tươi mới của chiếc bánh dẻo nhân đậu xanh lá dứa. Bánh có mùi thơm nhẹ nhàng từ lá dứa, nhân đậu xanh béo bùi, thanh ngọt dễ ăn, chắc chắn sẽ khiến bạn không thể kiềm lòng được.
Bánh dẻo nhân đậu xanh lá dứa cùng lớp vỏ dẻo màu xanh bắt mắt.
Bên cạnh nhân bánh, bạn có thể dùng nước của lá dứa pha bột làm vỏ bánh.
Bánh dẻo nhân sữa dừa
Nếu là một “fan” trung thành của dừa thì chắc hẳn bạn không thể bỏ qua bánh dẻo nhân sữa dừa. Phần vỏ được làm từ nguyên liệu bột bánh dẻo, phần nhân được kết hợp giữa các nguyên liệu nước cốt dừa, sữa và dừa bào sợi,… Khi ăn vào, phần vỏ có kết cấu dẻo mềm, ngòn ngọt, cắn vào sâu bên trong thì phần nhân sữa dừa sẽ tươm ra ngay trong miệng, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt thơm, beo béo của nước cốt dừa và sữa, sợi dừa nạo nhai sừng sực. Đảm bảo bạn sẽ mê ngay đấy!
Nhân sữa dừa để làm bánh dẻo.
Bánh dẻo nhân khoai môn
Bánh dẻo nhân khoai môn như một làn gió mới cho món bánh cổ truyền này. Bánh có hương vị thơm ngon, nổi bật ở phần nhân khoai môn dẻo, mịn, lạ miệng mà không hề bị ngấy.
Nhân bánh khoai môn cũng được kết hợp cùng đậu xanh, dừa hoặc đôi lúc là các loại hạt như hạnh nhân, hạt óc chó, hạt điều,… để thêm phần phong phú cho món bánh.
Bánh dẻo khoai môn cũng là lựa chọn tuyệt vời vào dịp Tết trung thu.
Bánh dẻo nhân hạt sen
Nhân hạt sen truyền thống có trong bánh dẻo rất đỗi quen thuộc trong dịp thu về. Bánh dẻo nhân hạt sen thơm nhẹ, có vị ngọt thanh dịu dàng, độ béo bùi vừa phải. Khi cắn một miếng bánh có cả vỏ và nhân, cảm giác vừa lạ miệng vừa thơm ngon khó cưỡng.
Bên cạnh đó, hạt sen còn có giá trị dinh dưỡng cao và tốt cho sức khỏe người sử dụng. Khi thưởng thức bánh dẻo, bạn có thể dùng cùng trà để hương vị bánh thêm đậm đà, thơm ngon.
Bánh dẻo nhân hạt sen nhuyễn mịn.
Bánh dẻo hoa đậu biếc
Bánh dẻo hoa đậu biếc nghe vừa lạ vừa quen, vừa độc đáo vừa ngon mắt bởi màu xanh đặc trưng được kết hợp trong quá trình làm vỏ bánh.
Những chiếc bánh dẻo đậu biếc có nhiều loại nhân bên trong khác nhau, thơm ngon, hấp dẫn, bạn có thể ăn hay làm quà biếu đều rất tuyệt vời.
Bánh dẻo với lớp vỏ kết hợp cùng hoa đậu biếc.
Cách bảo quản bánh trung thu dẻo
Sau khi làm bánh xong, bạn có thể dùng bánh dẻo sau 3 - 4 tiếng. Bảo quản bánh ở nơi khô ráo, kín gió trong vòng 1 tuần.
Nếu bạn làm bánh để bán, trong quá trình đóng gói bạn hãy thêm túi hút ẩm để bảo quản bánh lâu hơn.
- Nhân bánh dẻo có thể đậy kín, bảo quản 7 ngày trong ngăn mát và 25 - 30 ngày trong tủ đông.
- Bánh dẻo để sau một ngày thì màu sắc sẽ trong hơn, cứng cáp và đẹp hơn, bạn có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng trong 3 ngày.
Lưu ý để có món bánh dẻo ngon
- Sau khi chuẩn bị sên nhân xong, bạn hãy bắt đầu chuyển qua thực hiện phần bột vỏ để vỏ bánh không bị khô.
- Không nên nhào bột làm vỏ quá lâu sẽ khiến bột càng dẻo và dính tay hơn.
- Sau khi đóng bánh xong, bạn hãy để bánh nghỉ từ 1 - 2 giờ cho cứng lại, như vậy lúc cắt sẽ đẹp hơn.
Hy vọng với cách làm bánh dẻo mà chúng tôi chia sẻ trong bài viết sẽ giúp bạn giải đáp một số thắc mắc khi tìm hiểu về bánh trung thu dẻo hiện nay. Chúc các bạn thực hiện thành công!