Món cháo nấu bằng nồi cơm điện thường chín nhanh, hạt cháo nở đều, mềm và hạn chế bị tràn như sử dụng các loại nồi nấu thông thường. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn cách nấu cháo bằng nồi cơm điện dễ dàng, nhanh chóng mà không bị trào.
Nồi cơm điện tử SUNHOUSE có cài sẵn chức năng nấu cháo cho người dùng tiết kiệm thời gian và công sức khi nấu nướng
Việc nấu cháo theo cách truyền thống thường sẽ tốn khá nhiều thời gian, công sức mà rất dễ bị dính và cháy vào phần đáy nồi, làm giảm đi chất dinh dưỡng cũng như độ ngon của cháo. Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể chọn cách nấu cháo bằng nồi cơm điện tử mà vẫn đảm bảo được hương vị.
Bạn có thể nấu nhiều món cháo với nhiều loại gạo khác nhau bằng nồi cơm điện tử
Bạn còn có thế nấu cháo với đa dạng các loại thực phẩm khác nhau bằng nồi cơm điện tử như gạo lứt, yến mạch, gạo thơm,... để phù hợp với khẩu vị của bản thân và gia đình. Nhờ vậy các mẹ cũng có thể dễ dàng nấu cháo ăn dặm bằng nồi cơm điện.
Dưới đây là hướng dẫn các bước nấu cháo cơ bản cho khoảng 4 - 6 người ăn bằng nồi cơm điện mà bạn có thể áp dụng được với cả nồi cơm điện cơ và điện tử:
1. Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu
1.1 Chuẩn bị gạo
Bạn cần chuẩn bị khoảng 200 - 300g gạo (thường là gạo tẻ, nhưng cũng có thể nấu bằng gạo nếp hoặc gạo lứt tùy theo nhu cầu ăn), ít hơn so với nấu cơm bình thường và tương đương với khoảng 5 - 8 bát cháo.
Bạn có thể trộn lẫn thêm khoảng 1 nắm nhỏ gạo nếp để tăng độ sáng sánh, mịn hơn cho cháo bởi vì gạo nếp luôn dẻo và dính hơn gạo tẻ hay các loại gạo khác.
1.2 Chuẩn bị các nguyên liệu khác
Bạn có thể chuẩn bị thêm 1 số nguyên liệu khác để tăng dinh dưỡng cũng như hương vị món cháo, chẳng hạn như:
-
Rau củ quả: khoảng 100g. Bạn nên chọn những loại rau có màu xanh thẫm như rau muống, rau ngót, rau đay, cải ngọt,...
-
Thịt: khoảng 50 - 100g thịt xay nhuyễn. Các loại thịt nhiều dinh dưỡng như thịt lợn, thịt bò, thịt phần sườn, thịt gà xé phay,... tăng hương vị cho cháo và thêm dinh dưỡng, đặc biệt với trẻ nhỏ, người bệnh.
- Hải sản: khoảng 50 - 100g hải sản xay nhuyễn. Các loại hải sản tươi ngon như: tôm, cua, cá, hàu, trai,... cần chế biến sạch sẽ trước khi nấu.
Chuẩn bị sẵn các nguyên liệu cho món cháo với lượng vừa đủ trước khi tiến hành nấu
2. Bước 2: Sơ chế gạo
Quá trình sơ chế gạo bao gồm các bước: vo gạo, ngâm gạo. Cụ thể:
2.1. Vo gạo
-
Cho gạo vào rá, rổ hoặc chậu, không nên vo gạo trong lòng nồi cơm, có thể gây xước lớp chống dính.
-
Cho nước vào chậu, vo sạch, gạn bỏ tất cả cặn bẩn có trong gạo để không bị sạn khi ăn và nồi cháo có màu trắng đẹp nhất.
-
Vo khoảng 2 - 3 nước, không nên vo gạo nhiều lần và quá lâu có thể bị mất chất.
2.2. Ngâm gạo
-
Cho gạo đã vo sạch vào nồi cơm
-
Cho nước gấp khoảng 3 lần lượng gạo
-
Ngâm gạo từ 1 - 3 tiếng trước khi nấu để gạo khi nấu nhanh nhừ hơn.
Trong thời gian ngâm gạo, bạn hãy chuẩn bị các nguyên liệu đi kèm nếu có.
-
Với bí đỏ, cà rốt bạn cần cạo vỏ, rửa sạch và xắt hạt lựu bằng 2 đầu ngón tay.
-
Nếu có thịt băm thì đem tẩm ướp gia vị, hạt nêm trong 10 phút trước khi tiến hành nấu.
Bạn nên rửa gạo và ngâm trong khoảng 1 - 3 tiếng trước khi nấu để cháo nhanh chín hơn
Ngoài ra, bạn cũng có thể rang gạo lên trước khi nấu để cháo nhanh chín hơn, thơm hơn mà không bị nát. Khi gạo được rang, hạt gạo sẽ bị săn lại và định hình được hạt gạo, cho dù có nấu lâu thì hạt gạo vẫn giữ được hình dáng chứ không bị nhừ nhuyễn.
3. Bước 3: Cho gạo vào nồi và đong nước
Lượng nước cần thiết để nấu cháo có thể khác nhau tùy thuộc vào độ đặc mong muốn và lượng gạo. Có 2 cách để đong nước nấu cháo bằng nồi cơm điện tử:
-
Cách 1: Đong bằng độ cao nồi. Đổ nước và gạo vào nồi theo tỷ lệ 1:3 (1 gạo, 3 nước), đảm bảo lượng nước không vượt qua ⅓ thành nồi.
-
Cách 2: Đong bằng bát. Đổ nước theo tỷ lệ gạo - nước khoảng 1:7 đến 1:10. Tỷ lệ chuẩn đong nước nấu cháo thường sẽ là 1:8 (tức 1 bát gạo và 8 bát nước) nếu bạn muốn cháo đặc và 1:10 nếu bạn muốn cháo loãng.
Nếu có thể thì bạn nên nấu cháo với nước ấm có nhiệt độ từ 40 đến 50 độ C thì cháo cũng sẽ được nấu chín nhanh hơn.
Sự khác biệt giữa tỷ lệ gạo và nước cho ra thành quả cháo khác nhau
4. Bước 4: Thêm dầu ăn để chống trào
Trước khi tiến hành nấu cháo, bạn nên cho thêm một ít dầu ăn vào cháo bởi việc này có rất nhiều lợi ích:
-
Giảm bọt và chống trào: giúp nồi cháo sạch hơn và tránh tình trạng nước bay hơi quá nhanh, giúp cháo không bị khô và cứng.
-
Tăng hương vị: cho cháo thêm vị béo, ngậy
Bạn nên thêm 1 chút dầu ăn vào gạo trước khi nấu để không bị trào khi nhiệt độ tăng
5. Bước 5: Thao tác nấu
Thao tác nấu của mỗi loại nồi cơm điện sẽ khác nhau, đặc biệt giữa nồi cơm điện tử và nồi cơm điện cơ. Cụ thể là:
5.1. Nấu bằng nồi cơm điện tử
Trước tiên là bấm nút “Tính năng/Function” và chọn chế độ nấu cháo thích hợp. Loại nồi cơm điện tử thường sẽ có 2 chế độ khác nhau tùy theo cấu tạo và ký hiệu trên bảng điều khiển của từng loại nồi:
-
Cháo nguyên hạt (Porridge): Chế độ này sẽ cho chất cháo mềm, mịn, nhưng vẫn giữ nguyên được hình dáng của hạt gạo. Nấu cháo nguyên hạt trong khoảng 1 giờ, thời gian có thể điều chỉnh từ 45 phút đến 1 giờ 15 phút.
-
Cháo nhừ (Congee): Chế độ này sẽ cho chất cháo mịn hơn, nhừ hơn, sánh hơn không còn nguyên hình dáng hạt gạo và có độ dẻo cao hơn. Nấu cháo nhừ thường là trong khoảng 1 giờ 30 phút, thời gian có thể điều chỉnh từ 1- 4 giờ.
Sau đó bạn hãy bấm “Bắt đầu/Start” để nồi cơm điện tử bắt đầu nấu cháo.
5.2. Nồi bằng cơm điện cơ
Với dòng nồi cơm điện cơ, bạn chỉ cần gạt cần gạt xuống chế độ “Nấu/Cook”. Sau khoảng 20 - 25 phút nấu chín mềm, nồi sẽ tự động chuyển sang chế độ “Ủ ấm/Warm” và chờ trong 20 - 30 phút. Có 1 số lưu ý để tránh việc cháo bị trào trong nồi cơm điện cơ:
-
Sau khi nấu được khoảng 10 - 15 phút bạn có thể mở nồi ra và dùng muôi đảo đều cháo. Lưu ý là dùng loại muôi gỗ/sứ sẽ tránh bị nóng hơn các muôi inox.
-
Khi thấy hơi nước bốc ra nhiều hoặc mở nắp kiểm tra thấy cháo đang sôi thì bạn chuyển sang giữ ấm ngay. Điều này sẽ giúp cháo nhừ dần dần nhưng không bị trào.
Đối với nồi cơm điện cơ thì bạn cần gạt nút nấu và canh chừng nồi để điều chỉnh chế độ
6. Bước 6: Cho thêm nguyên liệu đi kèm
Bạn cho các nguyên liệu đi kèm như thịt, cá, tôm,... được chế biến sẵn trước vào nồi sau khi cháo chín, ví dụ như: với loại cháo thịt băm, hay cháo cá, bạn nên xào trước thịt băm/cá trên chảo cho chín tới rồi mới cho vào nồi cháo.
Sau đó, bạn dùng muỗng đảo đều và bật lại chế độ Nấu/Cook. Sau khi sôi khoảng 2 - 5 phút thì chuyển lại chế độ Ủ ấm/Warm khoảng 30 phút để cháo ngấm đủ vị từ thịt.
7. Bước 7: Kiểm tra cháo sau khi nấu và thưởng thức
Sau khi hết 30 phút giữ ấm bạn ngắt điện nồi cơm, lấy cháo ra và thưởng thức thành quả. Trước khi ăn, bạn nên cho rau thơm, hành hoa, hạt tiêu xay,... và nêm nếm cho vừa vị rồi thưởng thức. Cháo có độ đặc/loãng, vị mặn/nhạt đúng như ý bạn muốn là có thể thưởng thức.
Sau khi nấu bạn có thể nêm nếm thêm 1 số gia vị cho vừa miệng rồi thưởng thức
8. Giải đáp 5 câu hỏi thường gặp khi nấu cháo bằng nồi cơm điện
Với những người chưa từng hoặc chưa quen việc nấu cháo bằng nồi cơm điện điện thì thường sẽ mắc phải một số khó khăn. Dưới đây là giải đáp 1 số câu hỏi thường gặp:
8.1. Nấu cháo bằng nồi cơm điện mất bao lâu?
Tùy vào loại nồi, công suất khác nhau mà thời gian nấu cháo khoảng từ 45 - 70 phút.
8.2. Nấu cháo bằng nồi cơm điện có đậy nắp không?
Nếu như bạn sử dụng nồi cơm điện tử thì bạn vẫn cần đậy nắp bình thường như nấu cơm vì dòng nồi cơm này có chế độ nấu cháo riêng nên sẽ không lo cháo bị trào. Thiết kế nắp nồi có các gioăng cao su đảm tiếp xúc với phần miệng nồi giúp nồi được đóng kín khít.
Còn đối với dòng nồi cơm điện cơ, bạn không nên đậy nắp kín khi sôi mà nên để kênh nắp lên và có thể dùng 1 chiếc đũa kê ngang thành nồi tránh việc cháo bị trào ra.
8.3. Có nấu cháo bằng cơm nguội được không?
Có. Dùng cơm nguội để nấu cháo giúp cháo sẽ không bị trào khi sôi bởi vì lớp keo tinh bột của gạo đã được nấu chín trước đó và không bị phần hơi nước đẩy lên cao. Nhưng cháo sẽ không được sánh mịn và đầy đủ dinh dưỡng như cháo nấu bằng gạo hay bột gạo.
Nếu lo lắng nấu cháo bằng cơm sẽ dễ bị cháy dưới đáy nồi thì hãy thử cách dùng nước lạnh dội qua cơm trước khi cho vào nồi nấu cháo.
8.4. Nấu cháo bằng nồi cơm điện để qua đêm được không?
Có. Khi cháo đã chín, bạn chuyển sang chế độ “Ủ ấm/Warm” là có thể để qua đêm thoải mái. Với chế độ này, lòng nồi sẽ được truyền lượng nhiệt ổn định giúp cháo bên trong không bị khô, bị hỏng mất đi hương vị và không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ bên ngoài.
8.5. Cách vệ sinh nồi cơm điện sau khi nấu cháo không bị dính như nào?
Việc vệ sinh nồi cơm điện sau khi nấu cháo khá đơn giản:
-
Bước 1: Rút phích cắm và để nồi cơm điện nguội hoàn toàn nhằm tránh việc bỏng tay.
-
Bước 2: Bạn dùng thìa hoặc đũa lấy hết cháo thừa trong lòng nồi.
-
Bước 3: Tháo rời vung bên trong và van xả. Bạn rửa hết các mảng bám bằng nước rửa bát, để khô và lắp lại như cũ. Chú ý nên cọ sạch cả phần nắp và cả phần gioăng cao su.
-
Bước 4: Cho một ít nước rửa chén vào lòng nồi, dùng miếng rửa chén mềm hoặc bọt biển chà nhẹ nhàng. Sau đó rửa lại nồi với nước sạch và để ráo.
-
Bước 5: Để vệ sinh vỏ nồi, hãy dùng khăn ẩm để loại bỏ vết bẩn trên bề mặt ngoài của nồi cơm điện. Nếu gặp vết bẩn khó, bạn nên lau nhẹ nhàng nhiều lần đến khi sạch hoàn toàn để tránh lực tác động mạnh làm hư hỏng nồi.
Khi lau nồi cơm điện sau khi nấu cháo, bạn nên lau kỹ ở phần nắp và gioăng cao cau phía trên
Các dòng nồi cơm điện của SUNHOUSE có cấu tạo khá đơn giản, bạn có thể dễ dàng tự tháo lắp một số bộ phận của nồi để vệ sinh sau khi nấu cháo. Điều này càng giúp cho tuổi thọ nồi cơm lâu hơn, các chức năng cũng như công nghệ hoạt động tốt hỗ trợ cho việc nấu nướng đặc biệt là nấu cháo nhanh chóng và dễ dàng.
Thông qua 7 bước đơn giản và một số lưu ý trên đây, bạn hoàn toàn có thể nấu cháo bằng nồi cơm điện nhanh chóng, dễ dàng mà vẫn đảm bảo được hương vị không kém cách nấu truyền thống. SUNHOUSE hy vọng bài viết vừa rồi đã giúp bạn có thể dễ dàng nấu được món cháo thơm ngon, sánh mịn bằng nồi cơm điện mà không lo bị trào. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hay muốn sở hữu 1 chiếc nồi cơm điện SUNHOUSE chính hãng, hãy liên hệ đến SUNHOUSE để được tư vấn kỹ hơn nhé.