Chị B. bị ung thư vú, đoạn nhũ cách đây 5 năm, vừa được bác sĩ bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP.HCM tái tạo phần ngực đã mất.
Chọn trang phục tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ
Chị L.N.B. (50 tuổi, Khánh Hòa, Nha Trang) vừa được tái tạo ngực trái bằng vạt cơ da thẳng bụng sau 5 năm bị đoạn nhũ do ung thư vú. “Em có ngực lại rồi, không còn mặc cảm, sợ người khác để ý nữa”, chị cười hài lòng.
Từ nay, chị không còn phải mang ngực giả bằng silicon và những bộ váy màu đen, rộng thùng thình. Suốt 5 năm trước, chị chỉ quanh quẩn trong nhà khi Tết đến, giờ đây chị lên kế hoạch mua những chiếc váy màu sắc, vừa vặn cơ thể để du Xuân cùng chồng và làm mới bản thân.
Chị B. nhớ lại thời điểm chị phát hiện ung thư vú trái giai đoạn 1 vào năm 2019. “Lúc đó, tôi lo lắng đến mất ngủ vì nghĩ rằng mình sẽ chết vì ung thư”, chị nói. Bác sĩ tư vấn phẫu thuật bảo tồn (chỉ cắt u và cắt rộng mô xung quanh khoảng 1cm - 2cm) hoặc phẫu thuật đoạn nhũ (cắt tuyến vú trái), sau đó tái tạo. Nhưng chị B. chọn đoạn nhũ không tái tạo để “loại bỏ hết tế bào ung thư”.
Thế nhưng, sau phẫu thuật, thấy mất một bên ngực, chị hụt hẫng. Khi hóa trị, chị không ăn uống được, thường xuyên nôn ói; rụng tóc… “Trong thời gian hóa trị, tôi liên tục bị giảm tiểu cầu, phải truyền thuốc kích tạo máu và trì hoãn các đợt hóa trị sau. Nhưng rồi tôi cũng đã vượt qua, hoàn tất 8 đợt điều trị”, chị B. nhớ lại.
Chị B. tiếp tục xạ trị ngực trái, cũng trong tình trạng “ăn không ngon, ngủ không yên”. Chị kể có lần bật khóc khi đứng trước gương, nhìn thấy phần ngực bị cắt để lại vết sẹo dài, đen sạm, chỗ phồng rộp, chỗ bong tróc, viêm loét, đau nhức âm ỉ.
6 tuần sau tia xạ trị cuối cùng, tổn thương trên da ngực chị dần cải thiện. Xét nghiệm chỉ số ung thư cho kết quả âm tính, chị mừng nhưng nỗi buồn “khuyết một bên ngực” vẫn còn đó. Bao nhiêu lần thay áo là bấy nhiêu lần chị tự ti về phần ngực bị mất và lo sợ bệnh tái phát.
5 năm qua, ngày thường cũng như dịp lễ Tết, chị không đi thăm bạn bè, du lịch, ngoại trừ nhà ông bà, ba mẹ. Nhiều lần chồng chị lên kế hoạch du lịch đây đó để có không khí vui vẻ đầu năm, chị đều gạt đi vì tự ti về phần ngực bị khuyết của mình. Chị luôn mặc áo cổ cao và áo khoác để khi khom lưng, cúi người hay chồm người về phía trước không bị lộ bộ ngực bị khuyết. “Mỗi lần nghe ai khen nhau ngực đẹp hay mặc đồ đẹp, tôi đều tủi thân, cố nén nước mắt vào lòng”, chị tâm sự.
Chị nhớ lại có một lần, cháu trai 6 tuổi vô tình kéo áo chị, thấy vết sẹo đen dài, nó rụt tay lại nhanh; ánh mắt đầy ngạc nhiên, sợ sệt. “Tôi xấu hổ, vội vàng kéo áo lên, chỉ ước mình có lại ngực như ngày xưa”, chị nói.
Con gái chị thương mẹ dằn vặt với nỗi đau mất ngực, tinh thần sa sút khiến chất lượng cuộc sống suy giảm, đã động viên mẹ tái tạo ngực tại Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP.HCM. Chị B. đến gặp Thạc sĩ bác sĩ Huỳnh Bá Tấn, khoa Ngoại Vú, được tư vấn phẫu thuật tái tạo bằng vạt da cơ thẳng bụng.
Bác sĩ Tấn và ê kíp khoa Ngoại Vú phẫu thuật cho chị B. Ê kíp tạo đường hầm từ vùng bụng đến ngực trái, đưa vạt da cơ và mỡ bụng lên ngực, tạo thành vú trái. Sau đó, các bác sĩ phục hồi và tạo hình thành bụng cho chị B. Ca phẫu thuật thành công sau 5 tiếng.
Tái tạo vú, hết mặc cảm
Đặt tay lên ngực mình, cảm nhận cơ thể trọn vẹn, chị B. xúc động: “Ngực tôi được tái tạo mềm mại, tự nhiên, vùng bụng thon gọn. Niềm mong mỏi của tôi đã thành hiện thực, tôi không còn mặc cảm, hết nỗi buồn tủi suốt 5 năm qua”.
Hơn 25 năm gắn bó với lĩnh vực ngoại khoa Ung thư ở phụ nữ, bác sĩ Huỳnh Bá Tấn cho biết từng chứng kiến nhiều chị em bật khóc khi nhìn thấy ngực của mình bị cắt mất. Ban đầu, khi mới phát hiện ung thư vú, mối quan tâm lớn nhất của nhiều chị em là làm sao đảm bảo sức khỏe. Nhưng tỉnh dậy sau cuộc phẫu thuật đoạn nhũ, không ít chị em suy sụp tinh thần khi 1 hoặc 2 ngực bị mất. Nhiều chị em tâm sự họ mong có lại phần ngực đã mất để tự tin hơn trong cuộc sống.
Hầu hết phụ nữ đều trải qua tâm lý căng thẳng sau đoạn nhũ. Mức độ căng thẳng và đau khổ khác nhau ở mỗi cá nhân. Có người quên theo thời gian, nhưng nhiều người lại lo lắng, buồn tủi, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Điều này làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị và nguy cơ tái phát.
Bác sĩ Tấn dẫn một nghiên cứu: trong một nghiên cứu trên 9247 phụ nữ mắc bệnh ung thư vú cho thấy những người bị cô đơn, cô lập về mặt xã hội có nguy cơ tái phát ung thư vú cao gấp 1,43 lần, nguy cơ tử vong vì ung thư vú cao hơn 1,64 lần so với phụ nữ hòa nhập xã hội. [1]
Các phương pháp điều trị ung thư vú hiện nay đảm bảo an toàn và thẩm mỹ cho người bệnh. Tái tạo vú giúp chị em ung thư vú tự tin hơn, hòa nhập xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống. Phương pháp này không làm tăng nguy cơ tái phát hay ảnh hưởng đến quá trình điều trị, theo dõi sau đó.
Có 2 phương pháp tái tạo vú tức thì và tái tạo trì hoãn. Tái tạo tức thì được thực hiện ngay trong cuộc phẫu thuật ung thư vú, tránh sẹo xấu, ngực tự nhiên, tiết kiệm chi phí và tránh được cuộc mổ sau đó. Trường hợp chị em đã quyết định cắt toàn bộ tuyến vú mà không tái tạo ngay sau phẫu thuật, có thể tái tạo vú trì hoãn để có lại bộ ngực trọn vẹn.