U máu là một loại khối u khá thường gặp, nó có thể xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể, thông thường là ở dưới da, nhưng nó cũng có thể xuất hiện trong khoang miệng. Các khối u máu trong khoang miệng có nguy hiểm không và chúng được điều trị như thế nào?
1. Các khối u máu trong khoang miệng
U máu là một khối u hoặc một vết dị hình ở dưới da hoặc niêm mạc, thường là bẩm sinh, nó được cấu tạo bởi sự tăng sinh và giãn ra của các mạch máu, thường là mao mạch, những mạch máu này được nối liền nhau bằng các tổ chức liên kết. Cũng có trường hợp u máu được cấu tạo bởi một tổ chức hang thực sự, giống như tổ chức của cơ quan cương.
Về tổ chức học, có hai loại u máu chính là:
- U máu mao mạch: Đây là loại u máu hay gặp nhất, chiếm khoảng 60%, với những mao mạch tăng sinh và giãn ra, nhưng nó không có tăng sinh của các tế bào nội mô. U máu mao mạch gồm những mao mạch ở các giai đoạn phát triển khác nhau, có mao mạch thì rỗng, có mao mạch thì đầy, rộng và kích thước không đều bằng các mao mạch bình thường.
- U máu hang: Loại u máu này chiếm khoảng 30%, nó có cấu tạo giống như những cơ quan cương gồm có những những hốc nhỏ, chứa đầy máu thông với nhau, và chúng thường có một vỏ xơ bọc có thể đè ép lên tổ chức cứng ở phía dưới. Đôi khi những hốc nhỏ này được ngăn cách nhau bởi những vách collagen có nhiều mô võng và thiếu chất chun. Trong u máu hang, các mao mạch sẽ giãn rất rộng.
Giữa hai loại u máu này, có thể có sự phối hợp trên một tổn thương. Ngoài ra, từng thể u máu này lại có thể phối hợp với những tổn thương khác, đặc biệt là với u bạch mạch, tạo thành u máu-bạch mạch hoặc với những tổ chức khác như là cơ, xương, sụn,.v.v.
U mạch máu khác với dị dạng mạch máu ở các đặc điểm sau:
- Trên lâm sàng: Khoảng 50% u máu xuất hiện ngay khi trẻ sinh ra còn lại xuất hiện trong tháng đầu của cuộc đời. U máu tiến triển theo 2 giai đoạn rõ ràng: Ngay từ khi xuất hiện là giai đoạn phát triển tăng sinh nhanh chóng (khối u xuất hiện rõ, lan rộng và nổi lên trên mặt da hoặc niêm mạc), kéo dài đến 6 - 8 tháng sau đó sẽ chậm dần và thoái lui.
Trong khi đó có hơn 90% các dị dạng mạch máu và 100% u máu phẳng sẽ xuất hiện ngay từ khi đứa trẻ sinh ra. Dị dạng mạch máu phát triển theo sự phát triển của bệnh. Ngoại trừ dị dạng mao mạch còn các loại dị dạng mạch máu khác có thể có lan rộng bất thường.
- Về mô bệnh học: U máu có tăng sản mạnh các tế bào nội mô và tăng số lượng các tế bào Mastocyte (đóng vai trò trong tăng sinh tân mạch) trong giai đoạn tăng sinh, trong giai đoạn thoái lui số lượng các tế bào Mastocyte bình thường nhưng lại phát triển và thâm nhiễm nhiều mô xơ, mô mỡ.
Trong khi đó ở dị dạng mạch máu các tế bào nội mô không tăng sinh, chúng nằm thành một lớp phẳng dẹt ở trong, có thể biến đổi ở các lớp ngoài của mạch.
- Về huyết học: U máu có thể tăng tiểu cầu gây ra tình trạng đông máu trong lòng mạch ở khối u, còn trong dị dạng mạch máu không có rối loạn về máu. Về huyết động, trong u máu có lưu lượng dòng máu nhanh còn trong dị dạng mạch máu chỉ có loại dị dạng thông động - tĩnh mạch là có lưu lượng dòng máu nhanh.
U máu trong miệng chiếm khoảng 10%, nó giống như u máu ở trong da, có thể thuộc loại u máu phẳng, hoặc u gồ, hay thể củ. Không thấy có loại phình mạch rối trong niêm mạc miệng.
U máu trong khoang miệng thường xuất hiện ở lưỡi, môi, má, sàn miệng, hàm ếch, đặc biệt là vòm miệng mềm, lan cả vào amidan kết hợp với lưỡi gà tạo thành một u gồ, thể củ, rất nguy hiểm.
Niêm mạc phủ u máu trong miệng có thể từ màu đỏ thẫm cho tới màu tím sẫm, có thể gồ nhẹ hoặc nhiều, nó dễ gây chảy máu và làm vướng, gây ảnh hưởng đến việc ăn, uống, nói.
U máu trong miệng cũng có thể lan ra ngoài da, sau khi nó xâm nhiễm tổ chức dưới niêm mạc, cơ và tổ chức mỡ dưới da. Nó thường phát triển theo chiều rộng, rải rác nhiều chỗ trong hốc miệng.
Tuy bướu máu trong miệng thường không gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ, nhưng nó lại gây rối loạn chức năng rất nhiều vì bản thân khối u làm vướng và gây chảy máu rồi nhiễm khuẩn.
2. Điều trị u máu trong khoang miệng như thế nào?
U máu có thể diễn biến tự khỏi, hoặc ổn định, không phát triển thêm, hoặc tiếp tục phát triển nhanh hay chậm, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, hoặc ảnh hưởng tới chức năng, thẩm mỹ hoặc không.
Khi u máu đã tồn tại từ lúc sơ sinh cho đến khi trẻ đã 2-3 tuổi thì thường sẽ tiếp tục phát triển nhanh hoặc chậm, nhưng ít nhất cũng lớn nhanh theo người.
Tùy theo từng trường hợp mà bác sĩ sẽ có chỉ định can thiệp hoặc tiếp tục theo dõi. Khi đã có chỉ định can thiệp điều trị u máu, sẽ có những phương pháp điều trị sau:
- Vật lý: Tia phóng xạ, đồng vị phóng xạ, radium.
- Hoá học: Sử dụng thuốc tiêm xơ hoá.
- Phẫu thuật có nhiều mức độ khác nhau từ phẫu thuật nhỏ như mài, cạo, xăm, và nhuộm màu. Phẫu thuật vừa như khâu xơ hoá, cắt một phần, cho đến phẫu thuật lớn cắt bỏ toàn bộ và tạo hình.
Tùy từng trường hợp cụ thể, như từng thể bệnh, từng vị trí của khối u máu, mà bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn phương pháp điều trị phù hợp.
Với u máu trong miệng hướng điều trị như sau:
- Thể u máu phẳng, khu trú, thường sử dụng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ là tốt nhất. Tuy đòi hỏi về thẩm mỹ không cao như u máu phẳng ngoài da, nhưng trường hợp này cần đảm bảo chức năng vì nếu niêm mạc khâu nhăn nhúm sẽ dễ gây sẹo gây ảnh hưởng đến việc ăn uống, đôi khi kéo lệch cả môi, mũi.
- U máu trong miệng thể củ hay gây chảy máu, nên cần cắt bỏ hoặc sử dụng thuốc tiêm xơ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.