Người xạ trị nên ăn gì để đảm bảo sức khỏe khi điều trị bệnh ung thư? Duy trì chế độ ăn uống khoa học trong suốt quá trình xạ trị giúp người bệnh tăng hiệu quả điều trị và hạn chế các tác dụng phụ.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Th.BS Nguyễn Anh Duy Tùng - Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM
Người xạ trị nên ăn gì?
Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình xạ trị. Duy trì một chế độ dinh dưỡng khoa học giúp hỗ trợ cơ thể và hệ thống miễn dịch của người bệnh chống lại tế bào ung thư. Vậy người xạ trị nên ăn gì? Dưới đây là những thực phẩm mà người bệnh ung thư nên dùng khi xạ trị.
1. Thực phẩm giàu protein, ít chất béo
Việc cung cấp đủ lượng Protein rất quan trọng trong quá trình xạ trị, giúp duy trì khối lượng cơ bắp và hỗ trợ chữa lành mô. Để bổ sung đủ protein cần thiết, người bệnh nên ăn các thực phẩm như sữa, thịt, thịt gia cầm, cá, trứng hoặc các thực phẩm từ đậu, các loại hạt,… (1, 2)
2. Thực phẩm giàu carbohydrate phức hợp
Trong quá trình điều trị, người bệnh có thể cảm thấy thiếu năng lượng. Vậy người xạ trị nên ăn gì để cung cấp đủ năng lượng cần thiết? Carbohydrate phức hợp (carbs) là nguồn năng lượng dồi dào cho cơ thể. Tuy nhiên, người bệnh không nên ăn các thực phẩm chứa nhiều carbs đã qua tinh chế.
Người xạ trị nên chọn những thực phẩm ít tinh chế như lúa mì nguyên hạt, yến mạch hoặc các loại rau, trái cây. Vì chúng chứa nhiều chất xơ hòa tan, giúp duy trì vi khuẩn tốt của đường ruột, thúc đẩy sản xuất các axit béo chuỗi ngắn, hỗ trợ trao đổi chất và sửa chữa tế bào.
3. Bổ sung thêm thực phẩm giàu chất béo tốt
Người xạ trị nên ăn gì và có nên ăn nhiều chất béo? Một chế độ ăn đủ chất béo tốt rất có lợi cho quá trình xạ trị, giúp giảm viêm và hỗ trợ chức năng tế bào. Tuy nhiên, không phải chất béo nào cũng như nhau. Người bệnh cần lựa chọn các loại thực phẩm giàu chất béo tốt như dầu ô liu, dầu hạt nho, quả óc chó, quả bơ, các loại hạt… để bổ sung cho cơ thể.
4. Tăng cường thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất
Một số loại vitamin và khoáng chất giúp cơ thể chữa lành và hỗ trợ hệ thống miễn dịch. Người bệnh nên chọn thực phẩm bổ sung vitamin D như sữa, sữa chua, nước cam, ngũ cốc…
Vitamin và khoáng chất có thể được nhận đủ qua chế độ dinh dưỡng, tuy nhiên bác sĩ có thể đề nghị bổ sung các loại vitamin tổng hợp. Trước khi bắt đầu sử dụng bất cứ loại vitamin nào, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về vấn đề người đang xạ trị ung thư nên ăn gì để đảm bảo an toàn cho người bệnh.
5. Người đang xạ trị ung thư nên uống nhiều nước
Bổ sung đủ nước giúp tăng cường năng lượng, chức năng của các cơ quan trong quá trình xạ trị. Tất cả các loại đồ uống không cồn đều có tác dụng giữ nước; do đó ngoài nước khoáng, người bệnh cũng có thể dùng nước trái cây, nước ép rau củ… Người bệnh đang xạ trị cần uống khoảng 8 - 10 ly nước mỗi ngày.
6. Nên ăn các món ăn mềm, dễ nuốt, dễ tiêu hóa
Người xạ trị nên ăn gì dễ nuốt và tốt cho hệ tiêu hóa? Xạ trị khi bị ung thư vùng đầu và cổ có thể khiến người bệnh gặp khó khăn trong quá trình ăn uống như khô miệng, lở loét, buồn nôn, mất vị giác…. Do đó người bệnh nên ăn các món ăn mềm, dễ tiêu như thịt hầm, khoai tây nghiền, các món súp, canh…
Ăn gì để giảm tác dụng phụ của xạ trị?
Không phải tất cả người bị ung thư đều gặp tác dụng phụ khi xạ trị. Tuy nhiên, người bệnh cần nắm rõ xạ trị nên ăn gì để giảm tác dụng phụ trong quá trình điều trị.
1. Với chán ăn
Chán ăn là vấn đề thường gặp trong điều trị ung thư. Khối u ảnh hưởng rất lớn đến việc hấp thụ dinh dưỡng như thay đổi khẩu vị, buồn nôn, tiêu chảy, thiếu tinh thần… Tuy nhiên vì lý do nào thì người bệnh cũng nên lưu ý, đảm bảo bổ sung đủ các nhóm chất cần thiết. Thay vì ăn một ngày ba bữa lớn, người bệnh có thể chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, món ăn giàu dinh dưỡng, giàu chất đạm. Người bệnh có thể tham khảo gợi ý sau:
- Không bỏ bữa sáng, lượng đạm và năng lượng nạp vào bữa sáng nên chiếm ⅓ tổng lượng thức ăn trong ngày.
- Bổ sung đủ nước qua các món canh, sữa, nước trái cây, thức ăn nghiền…
- Có sẵn các loại thực phẩm yêu thích như phô mai, các loại hạt, bánh quy…
- Thường xuyên thay đổi món, đa dạng các loại thực phẩm.
2. Với buồn nôn và nôn
Buồn nôn là cảm giác khó chịu ở dạ dày, nguyên nhân có thể do xạ trị, phẫu thuật, tác dụng phụ của thuốc hoặc nhiễm trùng. Vậy người xạ trị nên ăn gì để tránh buồn nôn?
- Đồ ăn nhạt, giàu tinh bột, ít béo
- Bánh mì nướng, bánh quy giòn
- Kem ít béo, sữa chua để lạnh
- Các loại trái cây như cam, quýt, chanh
- Ngậm chanh, gừng tươi hoặc uống trà gừng khi buồn nôn
3. Với đau miệng/cổ họng
Đau miệng và cổ họng có thể do các đợt xạ trị, hóa trị ở đầu hoặc cổ gây ra, khiến việc ăn uống trở nên khó khăn. Dưới đây là một số lưu ý cho người bệnh bị đau miệng/cổ họng:
- Nấu/hầm mềm thức ăn, có thể xay nhuyễn thực phẩm khi chế biến
- Cắt thức ăn từng miếng nhỏ giúp dễ nhai
- Thường xuyên súc miệng; có thể dùng muối, baking soda và nước ấm để thay thế cho nước súc miệng
- Dùng ống hút để uống, tránh đồ uống chạm vào vùng miệng bị đau
- Uống nhiều nước để giữ miệng và cổ họng sạch sẽ
- Một số thực phẩm phù hợp cho người bệnh như thịt hầm, khoai tây nghiền, súp kem, ngũ cốc nấu chín, bánh mì, bánh quy chấm sữa…
4. Với khô miệng
Các đợt xạ trị có thể gây khô miệng, ăn uống khó khăn. Để cải thiện tình trạng khô miệng, người bệnh nên ăn các loại thực phẩm mềm, ẩm, dễ nuốt như thịt hầm, các món đậu, phô mai, trứng hấp, ngũ cốc nấu chín, nước trái cây…
5. Với thay đổi hương vị và mùi
Hóa trị, xạ trị và một số loại thuốc có thể làm thay đổi vị giác của người bệnh. Sự thay đổi này ở mỗi người sẽ khác nhau và tương ứng với những lưu ý riêng:
- Vô vị: Người bệnh có thể thay đổi cách chế biến (kho, nướng, nghiền); thay đổi nhiệt độ thức ăn (lạnh, nóng, bình thường); chế biến bắt mắt và mùi hương hấp dẫn; sử dụng nhiều gia vị và hương liệu hơn (nếu có thể); dùng hành tỏi để tạo hương vị cho thịt và rau; thêm các loại thảo mộc vào thức ăn; thường xuyên thay đổi thực phẩm có hương vị khác nhau.
- Đắng miệng: Người bệnh nên súc miệng bằng nước trước bữa ăn, nên ướp thịt với nước sốt, nước ép trái cây, nước cốt chanh (cần tham khảo ý kiến của bác sĩ); bổ sung protein từ các loại đậu và sữa; sử dụng dụng cụ ăn uống bằng nhựa thay cho kim loại; có thể thử các loại kẹo bạc hà hoặc kẹo cao su không đường.
- Ngọt miệng: Người bệnh có thể thêm một ít muối vào thức ăn; pha loãng đồ uống ngọt với nước; thử những thực phẩm có tính axit như chanh, cam.
6. Với đầy hơi
Người xạ trị nên ăn gì để tránh đầy hơi? Đầy hơi là cảm giác no nhanh, căng bụng, khó chịu sau khi ăn. Đầy hơi có thể do phẫu thuật dạ dày, xạ trị, táo bón hoặc một số nguyên nhân khác. Nếu cảm thấy đầy hơi, người bệnh có thể thử các phương pháp sau.
- Chia nhỏ bữa ăn
- Uống nước trước và sau bữa ăn
- Thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng, vận động thường xuyên giúp dễ tiêu
7. Với táo bón
Táo bón khá phổ biến ở người đang xạ trị, do một số nguyên nhân gây nên như chế độ ăn uống, sinh hoạt, sử dụng thuốc hóa trị và giảm đau trong quá trình điều trị bệnh. Một số cách cải thiện tình trạng táo bón thông qua chế độ ăn uống người bệnh có thể tham khảo:
- Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như rau, trái cây, ngũ cốc nguyên cám, các loại hạt…
- Uống nhiều nước (khoảng 8-10 ly nước mỗi ngày), có thể bổ sung nước qua các loại đồ uống khác như súp, nước ép trái cây và rau củ, sữa…
- Người bệnh nên vận động, thực hiện các bài tập thể chất nhẹ nhàng.
8. Với tiêu chảy
Tiêu chảy là tình trạng đi phân lỏng, diễn ra thường xuyên, khiến nước và chất dinh dưỡng không được hấp thu tốt. Uống nhiều nước, lượng nước được bổ sung sẽ thay thế nước và chất dinh dưỡng bị mất đi khi tiêu chảy. Người bệnh có thể bổ sung thêm nước dừa, nước điện giải, nước trái cây…
9. Với mệt mỏi
Mệt mỏi, khó chịu là cảm giác phổ biến nhất của người đang điều trị ung thư và thực hiện xạ trị. Lúc này, cơ thể cần rất nhiều năng lượng để tự chữa lành, người bệnh không thể thực hiện các hoạt động thường ngày, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như quá trình điều trị bệnh. Người xạ trị nên ăn gì để kiểm soát tình trạng mệt mỏi kéo dài?
- Tăng khẩu phần ăn vào những ngày cần nhiều năng lượng
- Nhờ người thân chuẩn bị các bữa ăn, làm sẵn đồ ăn cho những ngày mệt mỏi, thiếu năng lượng.
- Để đồ dùng, thực phẩm trong tầm tay, có thể dễ dàng cầm lấy
- Ngồi thay vì đứng khi nấu ăn
- Chia nhỏ bữa ăn, nên ăn thực phẩm nhiều calo, dinh dưỡng
Người đang xạ trị nên kiêng gì?
Các loại thực phẩm gây kích ứng hệ tiêu hóa, làm suy yếu hệ thống miễn dịch không nên xuất hiện trong thực đơn của người bệnh ung thư. Dưới đây là những thực phẩm người xạ trị nên tránh.
1. Thực phẩm nặng mùi
Các loại thực phẩm nặng mùi khiến người bệnh nhạy cảm, buồn nôn sau khi thực hiện xạ trị. Để tránh tình trạng chán ăn, buồn nôn, khó chịu, người bệnh không nên ăn các thực phẩm nặng mùi như sầu riêng, tỏi, mắm tôm, mù tạt… Người bệnh có thể ăn đồ nguội thay vì nóng để hạn chế mùi từ thức ăn.
2. Thực phẩm khô, cứng
Khi xạ trị, đặc biệt là các bệnh lý liên quan đến đầu, miệng và cổ sẽ khiến người bệnh có cảm giác đau miệng/họng, khô cổ, giảm tiết nước bọt, khó nuốt… Vì vậy người bệnh cần tránh các loại thức ăn khô cứng như xương, sườn, các loại bánh quy nướng cứng, các loại hạt quá cứng… (3)
3. Thực phẩm có cồn và chất kích thích
Đối với người bị ung thư nói chung và người đang xạ trị nói riêng, cần tuyệt đối tránh các loại thực phẩm có cồn như bia, rượu và chất kích thích. Thực phẩm chứa cồn và chất kích thích có thể khiến bệnh lý nặng hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như quá trình điều trị bệnh.
4. Thực phẩm cay nóng
Quá trình xạ trị thường sẽ xuất hiện các tác dụng phụ như tiêu chảy, táo bón… Do đó người bệnh cần kiêng các thực phẩm cay nóng để tránh tình trạng khó chịu hay ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Các thực phẩm người bệnh cần cân nhắc khi ăn là mì cay, đồ chiên rán, thịt nướng cay, kim chi… (4)
5. Thực phẩm đóng hộp
Thực phẩm đóng hộp thường chứa lượng lớn dầu gây đầy bụng, khó tiêu, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa; hơn nữa các thực phẩm này thường chứa nhiều chất bảo quản cũng như calo rỗng, không cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Do đó người bệnh cần tránh ăn các loại thực phẩm đóng hộp như cá hộp, thịt hộp… thay vào đó có thể bổ sung thịt tươi, rau củ, trái cây vào thực đơn dinh dưỡng của mình.
6. Nước ngọt có ga
Xạ trị nên kiêng gì, có cần kiêng nước ngọt không? Nước ngọt có ga thường chỉ chứa đường, ga cùng những chất phụ gia khác, hàm lượng dinh dưỡng trong loại đồ uống này rất ít. Do đó trong thời gian điều trị ung thư người bệnh nên tránh nước ngọt có ga, có thể thay thế bằng nước lọc, nước trái cây, nước ép rau củ…
7. Tránh cà phê và trà đặc
Các tác dụng phụ khi xạ trị như mất nước và tiêu chảy sẽ trầm trọng hơn nếu người bệnh thường xuyên sử dụng thức uống có chứa cafein như cà phê và trà đặc. Người bệnh có thể thay thế bằng các loại đồ uống khác để nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.
8. Không ăn các thực phẩm không đảm bảo an toàn
Chế độ dinh dưỡng đặc biệt quan trọng với những người đang điều trị ung thư, thực hiện các loại xạ trị. Do đó người bệnh cần kiêng các thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh, nguồn gốc không rõ ràng, nghi ngờ về chất lượng, hư hỏng hoặc ôi thiu… nhằm giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng trong trạng thái miễn dịch suy yếu khi xạ trị.
9. Xạ trị ung thư kiêng ăn gì còn tùy thuộc vào tác dụng phụ
Người bệnh có thể gặp ít hoặc không gặp tác dụng phụ nào trong quá trình xạ trị. Các tác dụng phụ có thể bao gồm chán ăn, thay đổi vị giác, đau miệng/họng, tiêu chảy, buồn nôn, mệt mỏi… Xạ trị kiêng ăn gì phụ thuộc rất nhiều vào tác dụng phụ. Do đó, trong suốt quá trình xạ trị, hãy lắng nghe cơ thể để điều chỉnh chế độ ăn phù hợp với tác dụng phụ đang gặp phải như:
- Loét miệng tránh thực phẩm có tính axit như chanh, cam, quýt, cà chua…
- Tiêu chảy hạn chế thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt…
- Loét miệng và tiêu chảy tránh thực phẩm cay nóng như lẩu cay, mì tôm, thịt nướng cay…
- Buồn nôn hạn chế thực phẩm tạo khí như rau họ cải, đậu…
Lưu ý trong chế độ ăn cho người đang xạ trị ung thư
Để quá trình điều xạ trị diễn ra hiệu quả, người bệnh cần nắm rõ người xạ trị nên ăn gì và những lưu ý sau:
1. Nên ăn các món thanh đạm, ít gia vị
Tiêu thụ đồ ăn chứa nhiều gia vị có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của người bệnh, làm trầm trọng hơn một số tác dụng phụ như tiêu chảy, buồn nôn. Do đó người bệnh nên thêm các món thanh đạm, ít gia vị vào bữa ăn.
2. Ăn các bữa ăn nhỏ, thường xuyên, ăn chậm nhai kỹ
Thay vì ăn 3 bữa lớn một ngày, hãy chia nhỏ bữa ăn, thường xuyên mang theo đồ ăn bên mình để có thể bổ sung đủ năng lượng cần thiết cho cơ thể. Nên ăn chậm nhai kỹ, tránh gây áp lực lên hệ tiêu hóa.
Để đặt lịch thăm khám, tư vấn về sức khỏe tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ trực tiếp qua:
Hy vọng các thông tin trên góp phần giải đáp thắc mắc người xạ trị nên ăn gì, kiêng gì và những lưu ý chung cho người bệnh. Với mỗi người bệnh khác nhau, tình trạng sức khỏe, sự đáp ứng với thuốc điều trị, các tác dụng phụ gặp phải thường khác nhau. Do đó, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ điều trị và bác sĩ dinh dưỡng để được hướng dẫn chế độ dinh dưỡng phù hợp.