Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Lê Phước Thu Thảo - Bác sĩ xạ trị - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Xạ trị là phương pháp điều trị ung thư sử dụng chùm tia phóng xạ ion hóa để tiêu diệt tế bào ung thư từ đó có thể điều trị khối u hoặc làm thu nhỏ khối u. Ở liều thấp, loại bức xạ này có trong tia X khi thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như chụp hình X quang, khi chụp hình cắt lớp vi tính.
1. Xạ trị và ung thư
Phương pháp xạ trị có thể chữa bệnh ung thư, ngăn chặn chúng quay trở lại, hoặc kìm hãm sự phát triển của khối u. Xạ trị cũng chỉ định trong một số trường hợp cần giảm nhẹ các triệu chứng do ung thư gây ra như chảy máu, chèm ép, đau.
Về kĩ thuật có thể chia xạ trị thành:
Xạ trị chùm tia bên ngoài: nguồn phát tia phóng xạ đặt ở bên ngoài bệnh nhân, phát ra chùm tia đến khối bướu.
Xạ trị áp sát (hay còn gọi là xạ trị trong): nguồn phát tia phóng xạ được đưa đến sát khối u, có thể áp sát vào bề mặt khối u (ví dụ xạ trị ung thư da, ung thư cổ tử cung) hoặc đưa xuyên qua mô vào tận trong lõi khối u (ví dụ xạ trị một số ung thư hốc miệng, ung thư tiền liệt tuyến)
Dược chất phóng xạ: các đồng vị phóng xạ được đưa vào cơ thể bệnh nhân (bằng đường uống hay tiêm truyền) sẽ đưa nguồn phóng xạ đến các tế bào ung thư (ví dụ điều trị ung thư tuyến giáp bằng Iod 131 hoặc điều trị đau bằng thuốc phóng xạ Samarium)
Ở liều cao, xạ trị giết chết hoặc kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư bằng cách làm hỏng DNA của chúng. Khi DNA đã hư hỏng, tế bào ung thư sẽ ngừng phân chia hoặc bị phá vỡ và loại bỏ ra khỏi cơ thể.
Phương pháp xạ trị không thể tiêu diệt tế bào ung thư ngay lập tức. Do đó, bệnh nhân phải mất nhiều ngày hoặc vài tuần điều trị mới đủ thời gian làm tổn thương DNA và giết chết tế bào ung thư. Sau khi kết thúc đợt xạ trị, các tế bào ung thư vẫn tiếp tục chết trong vòng vài tuần hoặc vài tháng nữa.
2. Các phương pháp xạ trị
Có hai loại xạ trị chính là xạ trị chùm tia bên ngoài và xạ trị bên trong. Để lựa chọn phương pháp xạ trị cần dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm:
- Loại ung thư
- Kích thước của khối u
- Vị trí khối u trong cơ thể
- Khoảng cách của khối u với những cơ quan lành lân cận.
- Tình trạng sức khỏe và tiền sử bệnh án của bệnh nhân
- Các phương pháp điều trị ung thư khác đang áp dụng
- Tuổi tác của người bệnh và một số yếu tố khác
2.1. Xạ trị chùm tia bên ngoài
Xạ trị chùm tia bên ngoài là phương pháp xạ trị mà phát ra chùm tia phóng xạ từ bên ngoài cơ thể bệnh nhân đi đến khối bướu nằm trong cơ thể người bênh. Thông thường người bệnh sẽ nằm cố định trên bàn xạ, có thể dùng các dụng cụ cố định để đảm bảo sự cố định của BN khi máy đang phát tia. Máy xạ sẽ di chuyển xung quanh vị trí người bệnh. Một số máy xạ hiện đại, máy sẽ cùng lúc phát tia trong lúc đang di chuyển để tối ưu hóa sự phân bố liều, và tiết kiệm thời gian bệnh nhân điều trị.
Xạ trị ngoài là phương pháp điều trị tại chỗ, chỉ xạ trị khu trú vào khối bướu nguyên phát,hạch di căn và vùng lân cận có nguy cơ cao bị bướu lan tới. Ví dụ, nếu bệnh nhân bị ung thư trong phổi, chỉ định xạ trị sẽ khu trú tại bướu phổi, nhóm hạch bị di căn và những hạch vùng nguy cơ cao bị di căn.
2.2. Xạ trị áp sát
Xạ trị áp sát: hay còn gọi là xạ trị trong, cận xạ trị là liệu pháp điều trị bằng cách đưa một nguồn phóng xạ, có thể là rắn hoặc lỏng, vào bên trong cơ thể người bệnh để đến gần vị trí bướu cần xạ.
- Nguồn rắn:
Nguồn phóng xạ ở các dạng ống, kim, sợi, hạt nhỏ hoặc phiến mỏng được đặt vào gần khối u hoặc xuyên vào mô bướu đặt vào bên trong khối bướu. Tương tự như xạ trị chùm tia bên ngoài, đây là phương pháp điều trị tại chỗ và chỉ tác động đến một bộ phận nhất định của cơ thể bệnh nhân.
- Nguồn lỏng:
Hình thức xạ trị bên trong với nguồn phóng xạ lỏng được gọi là liệu pháp dược phóng xạ và có ảnh hưởng toàn thân. Lý do là bởi vì bức xạ điều trị sẽ di chuyển trong máu đến các mô trên khắp cơ thể người bệnh với nhiệm vụ tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào ung thư. Người bệnh được xạ trị toàn thân bằng cách nuốt, truyền qua đường tĩnh mạch IV hoặc tiêm nguồn phóng xạ lỏng vào trong cơ thể. Sau đó, bệnh nhân sẽ thải ra bức xạ qua nước tiểu, mồ hôi và nước bọt trong một thời gian.
3. Các loại ung thư điều trị bằng xạ trị
- Xạ trị chùm tia bên ngoài được sử dụng để điều trị nhiều loại ung thư.
- Xạ trị áp sát thường được áp dụng đối với ung thư vùng đầu cổ, ung thư vú, cổ tử cung, tuyến tiền liệt, một số ung thư da.
- Liệu pháp xạ trị toàn thân (iốt phóng xạ, I-131) phổ biến trong chữa trị một số loại ung thư tuyến giáp.
- Xạ trị phân tử (toàn thân), được gọi là liệu pháp hạt nhân phóng xạ nhắm mục tiêu, được tiến hành với bệnh nhân bị ung thư tuyến tiền liệt hoặc khối u thần kinh nội tiết tiêu hóa (GEP-NET).
Xem thêm: Đánh giá kết quả hai năm hóa xạ trị đồng thời sử dụng kĩ thuật Vmat trong điều trị triệt căn một số ung thư đầu cổ
4. Xạ trị kết hợp
Xạ trị là một vũ khí điều trị ung thư. Thông thường khi điều trị ung thư cần kết hợp nhiều vũ khí điều trị khác nhau, gọi là điều trị đa mô thức. Vẫn có trường hợp bệnh nhân chỉ cần một phương pháp điều trị đơn độc, thường ở những trường hợp ung thư giai đoạn sớm, việc điều trị đơn giản và ít tốn kém hơn. Tuy nhiên phần đông người bệnh cần phải kết hợp nhiều mô thức điều trị để tăng khả năng kiểm soát bệnh, tăng cơ hội chữa khỏi và kéo dài thời gian sống còn. Ngoài xạ trị ra, thì các mô thức chính điều trị ung thư đól là phẫu thuật, hóa trị và liệu pháp miễn dịch. Xạ trị có thể được tiến hành trước, trong hoặc sau các liệu pháp điều trị khác để cải thiện cơ hội chữa bệnh, mang đến hiệu quả cao. Thời điểm áp dụng xạ trị cũng tùy thuộc vào từng loại ung thư cũng như mục tiêu là chữa khỏi bệnh hay là hạn chế các triệu chứng.
Nếu như xạ trị được kết hợp với phẫu thuật, các trường hợp có thể xảy ra là:
- Trước phẫu thuật: Với tác dụng thu nhỏ kích thước của khối bướu để dễ dàng loại bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật và ít có khả năng tái phát.
- Trong quá trình phẫu thuật: Xạ trị trong phẫu thuật dùng để chiếu tia phóng xạ đi thẳng vào tế bào ung thư mà không phải qua da, giúp bảo vệ các mô khỏe mạnh gần đó tránh khỏi bức xạ.
- Sau phẫu thuật: Nhằm tiêu diệt tế bào ung thư vi thể, không thấy được khi mổ còn sót lại.
5. Một số lưu ý khác
5.1. Giới hạn liều bức xạ
Mỗi khu vực trên có thể có một giới hạn về lượng phóng xạ được chiếu khác nhau, và bệnh nhân cần phải tuân thủ tiêu chuẩn đó để bảo đảm an toàn. Nếu đã đạt đến mức giới hạn cho một khu vực thì không nên điều trị thêm nữa, hoặc có thể chiếu xạ tại một vùng khác trên cơ thể phải đảm bảo liều giới hạn an toàn cho các cơ quan trong vùng đã xạ trước đó
5.2. Tác dụng phụ của xạ trị
Bức xạ không chỉ giết chết hoặc làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư, mà còn có thể ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh xung quanh đó. Việc tổn thương các tế bào hoặc mô khỏe mạnh sẽ gây ra những tác dụng phụ khác nhau.
5.3. Chi phí của phương pháp xạ trị
Chi phí xạ trị sẽ khá cao vì kỹ thuật này đòi hỏi sử dụng các máy móc phức tạp. Tổng mức phí chính xác còn tùy thuộc vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà bệnh nhân lựa chọn, loại xạ trị và số lần phải điều trị họ cần.
5.4. Chế độ ăn khi xạ trị
Bức xạ có thể gây ra tác dụng phụ khiến người bệnh khó ăn, buồn nôn, lở miệng hoặc viêm thực quản. Vì cơ thể phải tiêu hao rất nhiều năng lượng để phục hồi trong quá trình xạ trị, điều quan trọng là bệnh nhân phải bổ sung đủ calo và protein để duy trì cân nặng và sức khỏe.
5.5. Đi làm khi đang xạ trị
Một số người có thể làm việc toàn thời gian trong quá trình xạ trị. Những người khác chỉ có thể làm việc bán thời gian hoặc nghỉ ngơi hoàn toàn. Có nên đi làm khi đang tiến hành xạ trị hay không phụ thuộc vào tình trạng và điều kiện của mỗi bệnh nhân.
Đôi khi người bệnh cảm thấy khá khỏe khoắn sau lần đầu tiên điều trị bức xạ. Nhưng sau đó họ mệt mỏi hơn, mất năng lượng và yếu đuối dần. Bệnh nhân không cần quá lo lắng vì sau khi kết thúc đợt điều trị, chỉ mất vài tuần hoặc vài tháng là họ có thể phục hồi bình thường trở lại.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Cancer.gov